Bài 38 (Thứ Tư 24/4/2002)
“THIÊN CHÚA KHÔNG MUỐN LUẬN TỘI VÀ KẾT ÁN,
NHƯNG MUỐN CỨU ĐỘ VÀ GIẢI PHÓNG CON NGƯỜI KHỎI SỰ DỮ”(Thánh Vịnh 80 [81], Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Hai)
1.- “Hãy thổi kèn lên vào ngày trăng mới, vào ngày tròn trăng, một ngày trọng đại của chúng ta” (Ps 80 [81]: 4). Những lời này của bài Thánh Vịnh 80 (81) chúng ta vừa công bố gợi lại cho chúng ta thấy một cuộc cử hành phụng vụ theo nguyệt lịch của dân Do Thái xưa. Khó có thể diễn tả chính xác ngày lễ được bài thánh vịnh muốn đề cập tới ở đây là ngày lễ nào; nhưng điều rõ ràng ở đây là lịch phụng vụ của thánh kinh, mặc dù được bắt đầu bằng chu kỳ theo mùa thời gian cũng là chu kỳ theo thiên nhiên, cho thấy nó gắn liền với lịch sử cứu độ, nhất là với cái biến cố chính, biến cố xuất hành thoát khỏi cảnh làm tôi bên Ai Cập, một biến cố liên quan đến ngày trăng tròn của tháng thứ nhất (x Ex 12:2,6; Lev 23:5). Thật vậy, Vị Thiên Chúa giải phóng và cứu độ đã tỏ mình ra vào chính ngày này.
Ở câu 7, bài Thánh Vịnh của chúng ta đây đã nói một cách văn chương bóng bảy là chính Thiên Chúa đã cất khỏi lưng của những người nô lệ Do Thái ở Ai Cập cái giỏ đựng đầy những gạch ngói cần thiết cho việc xây cất những thành phố Pitom và Rameses (x Ex 1:11,14). Thiên Chúa đã đứng về phe kẻ bị đàn áp, và đã dùng quyền năng của mình để cất đi cũng như để hủy đi dấu hiệu cay cực của cảnh làm tôi nô lệ, cái giỏ đựng những gạch ngói đúc bằng sức nóng mặt trời, một biểu hiệu cho việc con dân Yến Duyên bị áp bức làm lao động.
2.- Giờ đây, chúng ta hãy xem bài ca vịnh phụng vụ này của dân Yến Duyên được khai triển ra sao. Bài ca vịnh này mở đầu bằng lời mời gọi tham dự cuộc lễ hội, hát hò, nhạc điệu: Đó là lời kêu gọi chính thức về một cuộc qui tụ cử hành phụng vụ theo lề lối phụng vụ xưa, một lề lối đã được qui định tại đất nước Ai Cập trong việc cử hành Lễ Vượt Qua (x Ps 80 [81]:2-6a). Sau lời kêu gọi này là tiếng của chính Chúa vang lên, qua lời nói của vị tư tế trong đền thờ Sion, và những lời thần linh này đã được toàn bài Thánh Vịnh tiếp tục trình bày (x các câu 6b-17).
Bài trình bày này thì đơn sơ và xoay quanh hai cột trụ. Một đàng là tặng ân giải phóng của Thiên Chúa ban cho đám dân Yến Duyên bị đàn áp và bất hạnh: “Trong cơn khốn khó các ngươi kêu cầu và Ta đã giải cứu các ngươi” (câu 8). Điểm qui chiếu cũng được nói đến ở đây về việc Chúa nâng đỡ dân Yến Duyên, đó là việc Ngài ban cho họ thứ nước uống ở Meriba trong khi họ gặp khốn khó thử thách nơi cuộc hành trình vượt qua sa mạc.
3.- Tuy nhiên, về phương diện khác, vị Tác Giả Thánh Vịnh lại nêu lên một yếu tố quan trọng nữa đi liền với tặng ân thần linh. Thứ tôn giáo của thánh kinh không phải là việc Thiên Chúa một mình độc thoại, một tác động không gây ra một ứng cảm nào cả. Trái lại, nó là một cuộc đối thoại, một tiếng nói cần phải được đáp ứng, một cử chỉ cần phải được chấp nhận. Đó là lý do tại sao rất nhiều chỗ trong Thánh Kinh đã nói đến những lời Thiên Chúa kêu gọi dân Yến Duyên.
Trước hết, Chúa mời gọi (dân Yến Duyên) hãy trung thành tuân giữ giới luật đầu tiên, nền tảng cho cả Bản Thập Giới, tức là Ngài mời gọi họ hãy tin tưởng vào một vị Chúa và là Đấng Cứu Độ duy nhất mà từ bỏ đi những thứ tà thần ngẫu tượng (x Ex 20:3-5). Lời của vị tư tế nhân danh Thiên Chúa mà nói đây nổi bật với động từ “hãy lắng nghe”, một động từ rất thân quen trong Sách Nhị Luật, một động từ nói lên cho thấy việc dân Yến Duyên ngoan ngoãn gắn bó với Lề Luật được ban bố ở Núi Sinai, và là dấu hiệu chứng tỏ việc họ đáp lại tặng ân họ được Thiên Chúa ra tay giải phóng. Thật vậy, bài Thánh Vịnh của chúng ta ở đây lập lại thế này: “Dân Ta ơi, hãy lắng nghe… Yến Duyên ơi, ngươi có nghe Ta hay chăng!... Dân Ta đâu có nghe những lời của Ta; Yến Duyên đã không vâng lời Ta… Thế nhưng, thậm chí cho đến lúc này đây nếu dân Ta còn nghe Ta” (Ps 80 [81]: 9,12,14).
Chỉ bằng việc trung thành lắng nghe và tuân phục, đám dân này mới có thể lãnh nhận trọn vẹn những tặng ân của Chúa. Tiếc thay, Thiên Chúa đã phải đau lòng chứng thực cho thấy nhiều lần dân Yến Duyên đã bội tín bất trung. Con đường đi trong sa mạc, được bài Thánh Vịnh này mở đầu, với đầy những hành động phản kháng và ngẫu tượng, những hành động lên đến tuyệt đỉnh nơi hiện thân con bò vàng đúc (x Ex 32:1-14).
4.- Phần cuối cùng của bài Thánh Vịnh (x Ps 80 [81]:14-17) có một giọng ai oán. Thật vậy, Thiên Chúa đã bày tỏ một ước muốn cho đến lúc ấy vẫn chưa được thỏa nguyện: “Thế nhưng, cho dù đến lúc này đây giá mà dân Ta nghe lời Ta, giá mà Yến Duyên bước đi theo đường lối của Ta” (câu 14).
Tuy nhiên, lời ai oán này phát xuất từ yêu thương và gắn liền với lòng ao ước thực sự muốn đám Dân Tuyển Chọn được hưởng đầy những sự thiện hảo tốt lành. Nếu dân Yến Duyên mà bước đi theo đường lối của Chúa, Ngài sẽ có thể cho họ thắng được liền các kẻ địch thù của họ (x câu 15), và sẽ nuôi dưỡng họ “bằng thứ lúa mạch hảo hạng”, cũng như sẽ làm họ được thỏa thuê “với thứ mật ong thạch nhũ” (câu 17). Nó sẽ là một bữa tiệc hoan lạc với một thứ bánh mới tinh, cùng với mật ong xuất phát từ các tảng đá ở Đất Hứa, tiêu biểu cho tình trạng thịnh vượng và viên phúc, vẫn thường được lập lại trong Thánh Kinh (x Nhị Luật 6:3, 11:9, 26:9,15, 27:3, 31:20). Cống hiến cho dân của mình viễn ảnh tuyệt vời này, hiển nhiên Chúa muốn thấy dân Ngài hoán cải trở về với Ngài, đáp ứng của một thứ tình yêu chân thành và tác hiệu, đối lại tình yêu quảng đại của Ngài.
Tặng ân thần linh này hiện lên trọn vẹn nơi ý nghĩa Kitô giáo. Thật vậy, giáo phụ Origen đã giải thích cho chúng ta biết là: Chúa “đã dẫn họ vào đất hứa; Ngài đã nuôi dưỡng họ không phải bằng manna như khi họ còn ở trong sa mạc, mà là bằng hạt lúa miến được gieo xuống đất (x Jn 12:24-25), một hạt lúa miến đã phục sinh… Chúa Kitô là hạt lúa miến; Người cũng là tảng đá làm dân Yếu Duyên thỏa thuê thứ nước uống trong sa mạc. Theo nghĩa thiêng liêng, Người đã làm cho họ được no thỏa mật ong, chứ không phải nước, để tất cả những ai tin tưởng và lãnh nhận của ăn này sẽ nếm hưởng mật ong nơi miệng lưỡi của họ” (Homily on Psalm 80 [81], n.17: Origen-Jerome, 74 Bài Giảng về Sách Thánh Vịnh, Milan, 1993, pp. 204-205).
5.- Nơi cuộc phản khắc giữa Thiên Chúa và thành phần dân tội lỗi, lúc nào cũng xẩy ra trong giòng lịch sử cứu độ là phán quyết cuối cùng bao giờ cũng là yêu thương và tha thứ, hơn là luận phán và trừng phạt. Thiên Chúa không muốn luận tội và kết án, mà là muốn cứu độ và giải thoát nhân loại khỏi sự dữ. Ngài tiếp tục lập lại những lời chúng ta đọc thấy trong Sách Tiên Tri Êzêkiên: “Ta có sung sướng hay chăng khi thấy kẻ gian ác phải chết?... Trái lại, Ta lại chẳng hoan hỉ khi thấy nó bỏ đàng xấu xa của nó để được sống hay sao?... Ôi nhà Yến Duyên, tại sao ngươi lại phải chết chứ? Ta đâu có sung sướng gì nơi cái chết của bất cứ người nào đâu, Chúa là Thiên Chúa phán. Ngươi hãy quay trở về để được sống!” (18:23,31-32).
Phụng vụ trở thành nơi hồng phúc để nghe lời Thiên Chúa kêu gọi hãy nơi cuộc phản khắc giữa Thiên Chúa và thành phần dân tội lỗi, hoán cải và trở về với vòng tay của Thiên Chúa “từ bi và nhân hậu, … chậm bất bình và giầu lòng từ ái với tín trung” (Ex 34:6).
(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh bằng tiếng Anh vào cuối buổi giáo lý hằng tuần như sau)Anh chị em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 80 là một lời kêu mời đến tham dự một cuộc lễ phụng vụ hoan hỉ, một việc cử hành cuộc dân Yến Duyên được giải phóng khỏi cảnh nô lệ, và cũng là một lời mời gọi hãy trung thành với Giao Ước. Chỉ khi nào giữ lòng trung thành với lời Chúa và vâng theo những giới lệnh của Ngài, Dân Tuyển Chọn mới được tự do và thịnh đạt theo lòng mong ước. Những tặng ân này được biểu hiệu bằng lúa miến và mật ong, những biểu hiệu của muôn vàn hoa trái nơi Mảnh Đất Hứa. Giáo Hội đọc những câu này theo ý nghĩa cứu độ được ban tặng nơi Chúa Giêsu Kitô, Chúa Sự Sống, Đấng làm trọn niềm hy vọng của tất cả những ai tin tưởng nơi Người. Cầu nguyện bằng bài Thánh Vịnh này, Kitô hữu hãy nghe lời Thiên Chúa mời gọi cải thiện đời sống mà lãnh nhận tặng ân tự do và sự sống mới Ngài ban nơi Chúa Kitô Phục Sinh.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 1/5/2002)