Bài 39 (Thứ Tư 8/5/2002)

 

Bài Thánh Thi Dâng Lên Thiên Chúa Tình Thương

 (Thánh Vịnh 50 [51], Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)

 

1.-        Vào Ngày Thứ Sáu hằng tuần, phụng vụ giờ kinh ban mai đọc “kinh cầu thương xót” của bài Thánh Vịnh 50 (51), Bài Thánh Vịnh thống hối được yêu chuộng nhất, được xướng lên và suy niệm, một bài thánh thi do thành phần tội nhân thống hối dâng lên Thiên Chúa tình thương. Ở một bài giáo lý trước đây, chúng ta đã có dịp trình bày ý nghĩa tổng quát của lời nguyện cầu hay ho này. Trước hết con người tiến vào một vùng tối tăm tội lỗi, sau đó được đưa tới ánh sáng của lòng người thống hối và ơn Chúa thứ tha (x các câu 3-11). Bấy giờ ân sủng thần linh được tôn tụng, một ân sủng biến đổi và canh tân tinh thần và lòng trí của thành phần tội nhân thống hối: đó là một vùng ngời sáng, đầy tràn hy vọng và tin tưởng (x các câu 12-21).

Ở đây chúng ta sẽ từ từ suy niệm một số điểm ở phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh 50 (51), chú trọng nhiều hơn đến một số khía cạnh. Tuy nhiên, để mở đầu, chúng ta muốn đề cập tới lời loan báo thần linh tuyệt vời ở Núi Sinai, lời loan báo hầu như phác tả bức chân dung về Thiên Chúa được “Kinh Cầu Thương Xót” hát lên: “Lạy Chúa, lạy Chúa, Vị Thiên Chúa xót thương và từ ái, chậm bất bình và giầu lòng nhân hậu với tín trung, lòng nhân hậu của Ngài tồn tại đến muôn muôn thế hệ, và Ngài thứ tha cho những gian tà, tội ác và lỗi phạm” (Ex 34:6-7).

2.-        Lời kêu cầu này được dâng lên Thiên Chúa để xin được ơn thanh tẩy là ơn làm cho, như tiên tri Isaia nói, “trắng như tuyết” và “như lông cừu” các thứ tội lỗi tự chúng “đỏ chói” và “đỏ lòm” (x Is 1:18). Vị Tác Giả Thánh Vịnh xưng thú tội lỗi của mình một cách rõ ràng và không do dự: “Tôi biết lỗi phạm của mình. […] Tôi phạm tội đến chính Ngài; tôi đã làm điều gian ác ấy trước nhan Ngài” (Ps 50[51]:5-6).

Ở đây, lương tâm cá nhân con người đã tỏ hiện, khi họ rõ ràng thấy được sự dữ của họ. Đó là một cảm nghiệm bao hàm cả tự do lẫn trách nhiệm, đưa đến chỗ nhìn nhận việc làm đổ vỡ mối liên hệ ràng buộc, để nhờ đó thực hiện một lối sống khác theo đường hướng của Lời thần linh. Nó bao gồm một quyết định dứt khoát thay đổi. Tất cả những điều này là ở tại việc “nhìn nhận”, một động từ theo tiếng Do Thái không phải chỉ dính dáng đến trí tuệ mà còn đến cả việc cương quyết chọn lựa nữa.

Bất hạnh thay, chính cái đó lại là cái nhiều người không làm, như giáo phụ Origen cảnh giác: “Có một số người sau khi phạm tội vẫn hoàn toàn bằng an vô sự và không hề nghĩ gì về tội lỗi của mình cả, họ cũng không bị ray rứt bởi ý thức được mình đã làm điều gian ác, song sống như không có gì xẩy ra. Dĩ nhiên, những người này không thể nào nói được rằng: tôi luôn luôn nhìn thấy tội lỗi của mình. Trái lại, phạm tội rồi, bởi áy náy khổ sở về tội lỗi của mình, và quằn quại đắng cay, họ sẽ không thôi khóc lóc và chịu đựng những cuộc tấn công nội tâm giầy vò họ, họ mới là con người có lý để than lên rằng: vì bản chất tội lỗi của mình mà xương cốt của tôi cũng không được yên ổn. Bởi thế, khi chúng ta đặt trước mắt tâm hồn mình tội lỗi chúng ta đã vấp phạm, chúng ta nhìn vào từng tội một, chúng ta công nhận tội lỗi của mình, chúng ta xấu hổ và thống hối về tất cả những gì chúng ta đã làm, để rồi, thật sự cảm thấy nặng nề và kinh hãi, chúng ta mới nói được rằng vì bản chất tội lỗi của chúng ta mà xương cốt của chúng ta không được yên ổn” (Homilies on the Psalms, Florence, 1991, pp. 277-279). Việc nhìn nhận và ý thức tội lỗi như thế là hoa trái của một cảm quan có được nhờ ánh sáng của Lời Thiên Chúa.

3.-        Trong lời thú tội nơi “Kinh Cầu Thương Xót” có một điểm đặc biệt nổi bật, ở chỗ tội lỗi không phải chỉ được xét đến theo khía cạnh cá nhân và “tâm lý” của nó, mà trước hết nó được phác tả theo tính chất thần học của nó. “Tôi đã phạm tội phản nghịch đến chính Ngài” (Ps 50[51]:6), tội nhân mà truyền thống cho là Đavít này đã than lên như thế, khi nhận biết tội ngoại tình của mình với Bathsheba, nhận biết lời tiên tri Nathan tuyên cáo tội ác ấy, cùng với tội sát hại Uria chồng của người đàn bà này (x câu 2; 2Sam 11-12).

Bởi thế, tội lỗi không phải chỉ là một vấn đề tâm lý hay xã hội, mà là một biến cố làm tổn hại đến mối liên hệ với Thiên Chúa, phạm đến lề luật của Ngài, gạt bỏ đi dự án của Ngài trong lịch sử, đảo lộn bậc thang giá trị, thay thế “tối tăm bằng ánh sáng và ánh sáng bằng tối tăm”, tức là cho “sự dữ là sự lành và sự lành là sự dữ” (x Is 5:20). Ngoài việc hết sức làm hổ nhục cho con người, trước hết tội lỗi là một thứ bội phản Thiên Chúa. Tiêu biểu là những lời do người con phung phá gia tài đã thân thưa trước mặt người cha phung phí tình yêu là: “thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời – tức đến Thiên Chúa – và đến cha!” (Lk 15:21).

4.-        Đến đây, Tác Giả Thánh Vịnh nêu lên một khía cạnh khác, trực tiếp liên hệ tới thực tại loài người hơn. Đó là một câu đã có rất nhiều lời giải thích và cũng đã dính dáng tới tín điều về nguyên tội, đó là câu “Tôi thực sự đã được sinh ra tội lỗi, là một tội nhân ngay cả từ lúc được thụ thai trong lòng mẹ” (Ps 50[51]:7). Con người cầu nguyện này muốn xác nhận về sự có mặt của sự dữ nơi toàn thể hữu thể của chúng ta, như đã rõ ràng đề cập đến trong vấn đề thụ thai và sinh hạ, một cách diễn tả cho thấy toàn thể cuộc sống ngay từ khởi đầu. Tuy nhiên, Vị Tác Giả Thánh Vịnh không chính thức nối kết tình trạng này với tội lỗi của Adong và Evà, tức là ông không minh nhiên nói đến nguyên tội.

Tuy nhiên, theo bản văn của bài Thánh Vịnh, rõ ràng là sự dữ ẩn nấp nơi tầng sâu thẳm nhất của hữu thể con người; nó là tính chất thuộc về thực tại lịch sử của họ mà vì thế mới cần phải kêu cầu sự can thiệp của ân sủng thần linh. Quyền năng của tình yêu Thiên Chúa thắng vượt quyền năng của tội lỗi, giòng sông hủy hoại của sự dữ không mạnh bằng giòng sông tràn đầy tha thứ: “ở đâu tội lỗi càng nhiều thì ở đó ân sủng càng dồi dào hơn nữa” (Rm 5:20).

5.-        Theo chiều hướng này thì thần học về nguyên tội cũng như toàn thể quan điểm thánh kinh về con người tội lỗi cũng đã gián tiếp gợi lên những lời lẽ khiến con người nhận thấy ánh sáng của ân sủng và của ơn cứu độ.

Như chúng ta sẽ có dịp thấy sau này khi trở lại với bài Thánh Vịnh đây ở những câu tiếp theo, thì việc thú nhận lỗi lầm và nhận thức được tình trạng khốn nạn của mình sẽ không kết thúc trong run sợ hay trong cái ám ảnh của việc luận xử, mà là trong niềm hy vọng được thanh tẩy, được giải thoát, được tái tạo.

Thật vậy, Thiên Chúa cứu độ chúng ta “không phải vì việc chính trực nào chúng ta đã thực hiện mà vì tình thương của Ngài, Ngài đã cứu độ chúng ta nơi bể tái sinh và canh tân bởi Vị Thần Linh thánh mà Ngài đã tuôn đổ dồi dào trên chúng ta nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng cứu độ của chúng ta” (Ti 3:5-6).


(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh bằng tiếng Anh vào cuối buổi giáo lý hằng tuần như sau)

Anh chị em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 50 là bài Thánh Vịnh Thống Hối nổi tiếng. Tác giả Thánh Vịnh xưng thú tội lỗi của mình và thú nhận mình đã làm sai quấy trước nhan Thiên Chúa. Trong khi nhìn nhận mình tội lỗi, vị tác giả này vẫn không bao giờ mất niềm hy vọng nơi lời hứa nhân hậu, yêu thương và thứ tha của Ngài. Niềm hy vọng này sau cùng sẽ được hoàn tất nơi ơn giải thoát của Chúa Giêsu Kitô cũng như nơi tặng ân Thánh Linh của Người.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 15/5/2002)