Bài 40 (Thứ Tư 15/5/2002)

Phán Quyết của Thiên Chúa là Giải Phóng Kẻ Ngài Thương
(Ca Vịnh Habacúc, Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)


    1.- Để hỗ trợ cho lời cầu nguyện của các Bài Thánh Vịnh chính, Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai sắp xếp cho chúng ta một loạt các bài ca vịnh thánh kinh có ý nghĩa rất sâu xa. Hôm nay, chúng ta đã nghe một thí dụ được trích từ chương thứ ba và chương cuối cùng của Sách Tiên Tri Habacúc. Vị tiên tri này sống vào cuối thế kỷ thứ bảy trước Chúa Kitô Giáng Sinh, khi mà vương quốc Giuđa đang bị kìm kẹp giữa hai siêu cường đang bành trướng bấy giờ, một bên là Ai Cập và một bên là Babylon.
Tuy nhiên, nhiều học giả chủ trương rằng bài thánh thi cuối cùng này là một bài trích dẫn. Một bài phụng ca được thêm vào như phần phụ trương cho bản văn ngắn ngủi của Tiên Tri Habacúc, “bằng một giọng than vãn” được đệm bằng “những cây huyền cầm”, như hai ghi chú ở đầu và cuối bài Ca Vịnh nói đến cho thấy như vậy (xem Habacúc 3:1-19b). Chọn đề tài cầu nguyện cổ kính này của dân Do Thái là Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai muốn kêu gọi chúng ta hãy biến bài sáng tác này thành một bài ca Kitô Giáo, bằng việc chọn lấy một số câu quan trọng (xem các câu 3:2-4, 13a, 15-19a).
   
    2.- Bài thánh thi này, một bài thánh thi cũng cho thấy một hấp lực thi ca đáng chú ý, trình bày cho thấy hình ảnh cao cả về một Vị Chúa (các câu 3-4). Hình ảnh cao cả của Ngài làm chủ toàn cảnh trí thế giới, và vũ trụ run rẩy trước việc Ngài đang uy nghi tiến đến. Ngài đang đến từ phía nam, từ Teman và Núi Paran (câu 3:3), tức là, từ miền Sinai, cảnh trí của một cuộc đại thần hiển tỏ mình cho dân Do Thái thấy. Bài Thánh Vịnh 67 cũng diễn tả “Chúa đến từ Sinai mà vào nơi thánh” của Giêrusalem (câu 18). Việc Ngài xuất hiện, theo truyền thống cố hữu của thánh kinh, được ánh sáng bao tỏa (xem Habacúc 3:4).
Nó là cuộc chiếu tỏa rạng ngời của một mầu nhiệm siêu việt được Ngài thông đạt cho nhân loại: thật vậy, ánh sáng ở bên ngoài chúng ta, chúng ta không thể nắm giữ nó hay chặn đứng nó, trái lại, nó bao phủ, soi sáng và sưởi ấm chúng ta. Thiên Chúa cũng thế, vừa xa lại vừa gần, bên ngoài chúng ta song lại kế cận chúng ta, đúng hơn Ngài muốn ở với chúng ta và ở trong chúng ta. Trái đất đáp lại với một ca đoàn chúc tụng những gì mạc khải cho thấy vẻ uy nghi của Ngài: nó là một đáp ứng của vũ trụ, một thứ kinh nguyện được con người cất tiếng lên đọc.
Truyền thống Kitô Giáo đã sống cảm nghiệm nội tâm này, chẳng những bằng một linh đạo ở bên trong cá nhân con người, mà còn nơi những sáng tạo nhiệt tình về nghệ thuật. Ngoài những vương cung thánh đường uy nghi thời trung cổ, trước hết chúng ta muốn đề cập tới nghệ thuật của Kitô Giáo Đông Phương, với những linh ảnh tuyệt vời cùng với kiểu kiến trúc tinh khéo nơi các nhà thờ và đan viện.
Về khía cạnh này, nhà thờ của Thánh Sofia ở Contantinopoli vẫn là một thứ kiểu mẫu liên quan đến giới hạn về khoảng không gian cầu nguyện của Kitô Giáo, trong đó, sự hiện diện và bất khả thấu của một thứ ánh sáng cho phép con người nhận thấy cả tính cách sâu xa và siêu việt của thực tại thần linh. Nó thấu nhập toàn thể cộng đồng cầu nguyện cho tới tận xương tủy, đồng thời kêu gọi cộng đồng này vượt trên chính mình mà hoàn toàn chìm sâu vào cái khôn lường của huyền nhiệm. Những dự án về nghệ thuật và thiêng liêng làm nên đặc tính các đan viện thuộc truyền thống Kitô Giáo quan trọng như thế đó. Ở những nơi thánh chân thực ấy – chúng ta nghĩ ngay đến Núi Athos – thì thời gian chất chứa nơi chính mình nó một dấu hiệu cho thấy vĩnh hằng. Ở nơi những chỗ này, mầu nhiệm về Thiên Chúa tỏ mình ra hay ẩn mình đi được tỏ hiện qua lời cầu nguyện liên tục của các vị đan sĩ và ẩn sĩ, những vị bao giờ cũng được coi như có đặc tính giống các thần trời.
   
    3.- Thế nhưng, chúng ta trở lại với bài Ca Vịnh của tiên tri Habacúc. Đối với vị thánh ký, việc Chúa đi vào thế giới có một ý nghĩa xác đáng. Ngài muốn đi vào lịch sử loài người, “giữa những tháng năm”, như được lập lại hai lần ở câu 2, để phán xét cũng như để làm cho các công cuộc của lịch sử nên tốt hơn, những công cuộc chúng ta đã thực hiện một cách lầm lẫn, có những lúc còn bị hư hỏng nữa.
Bấy giờ Thiên Chúa tỏ ra phẫn nộ (câu 3:2c) với sự dữ. Và bài ca này qui chiếu về một loạt không ngừng những lần can thiệp thần linh, không đề cập đến vấn đề những hành động này trực tiếp hay gián tiếp. Bài ca này đã nại đến cuộc xuất hành của dân Do Thái, khi quân kỵ của Pharaon bị chìm xuống lòng biển cả (câu 3:15). Thế nhưng, bài ca này còn cho thấy cả viễn ảnh về công việc Chúa sắp hoàn thành bằng những đối đầu với một tay đàn áp mới trên dân của Ngài nữa. Sự can thiệp thần linh được diễn tả một cách hầu như “tỏ tường” qua một chuỗi những hình ảnh về canh nông: “Cho dù cây vả không nở hoa, hay cây nho không sinh trái, cây Olive không kết quả và đồng lúa chẳng trổ bông, thì đàn chiên cũng sẽ bị loại khỏi đàn, và không còn đoàn vật nào trong chuồng” (câu 17). Tất cả mọi dấu hiệu về hòa bình và sinh hoa kết trái đều bị loại trừ và thế giới hiện lên như một sa mạc hoang vu. Đó lại là một biểu hiệu vui mừng của các tiên tri khác (xem Jer 4:19-26, 12:7-13, 14:1-10), một biểu hiệu cho thấy việc Chúa ra tay phân xử, Đấng không tỏ ra dửng dưng trước sự dữ, trước tình trạng đàn áp và bất công.
   
    4.- Đụng độ với việc can thiệp thần linh, con người cầu nguyện vẫn bị kinh hoàng (xem Habacúc 3:16), họ run rẩy và cảm thấy linh hồn mình trống rỗng đến rùng mình, vì Vị Thiên Chúa công minh bất khả sai lầm, hoàn toàn khác với những vị thẩm phán trần gian.
Tuy nhiên, việc Chúa tiến vào đây cũng có một ý nghĩa khác nữa, một ý nghĩa làm cho bài ca của chúng ta đây vui mừng xướng lên. Thật vậy, trong cơn phẫn nộ của mình, Ngài vẫn không quên tình thương cảm kích của Ngài (câu 3:2). Ngài tiến lên từ chân trời vinh quang của mình không phải chỉ để tiêu diệt việc kiêu căng hống hách của kẻ gian ác, nhưng cũng để cứu độ dân Ngài và thành phần được xức dầu nữa (câu 3:13), tức thành phần dân Do Thái và các vị vua của họ. Ngài cũng muốn làm Đấng giải thoát thành phần bị đàn áp, làm cho lòng của các nạn nhân bừng lên niềm hy vọng, mở ra một kỷ nguyên công chính mới.
   

    5.- Vì thế, mặc dù được đánh dấu bằng một “giọng than vãn”, bài ca vịnh của chúng ta đây cũng đã được biến thành một bài thánh thi vui mừng. Thật vậy, những ai bị đàn áp vẫn mong chờ được giải thoát khỏi những hoạn nạn xẩy ra. Do đó, những cơn hoạn nạn này mới bừng nên niềm vui nơi người công chính, thành phần kêu lên rằng: “Nhưng tôi sẽ vui mừng hớn hở trong Chúa, tôi sẽ vui mừng hớn hở trong Thiên Chúa cứu độ tôi” (câu 18). Chúa Giêsu cũng xin các môn đệ của Ngài hãy có cùng một thái độ như thế trong những cơn khốn khó thế mạt: “Vậy khi những điều này bắt đầu xẩy ra, các con hãy ngước mắt và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu độ của các con đang đến” (Lk 21:28).
Câu cuối cùng của bài ca vịnh Habacúc thật là tuyệt vời, một câu diễn tả tình trạng yên hàn đã được phục hồi. Như Đavít trong bài Thánh Vịnh 17, bài Ca Vịnh này cho rằng Chúa chẳng những như là “một quyền lực” của thành phần trung nghĩa với Ngài, mà còn như là một Đấng ban cho họ sự sinh động, tươi mới, và niềm bình an trong các lúc nguy nan. Đavít đã hát lên rằng: “Tôi yêu mến Ngài, Ôi Chúa, Ngài là sức mạnh của tôi… Ngài đã làm cho chân tôi nhanh nhẹn như chân nai và đã đặt tôi vững vàng trên đỉnh cao sơn” (Ps 17:2,34). Còn vị ca sĩ của chúng ta ở đây kêu lên rằng: “Chúa là Thiên Chúa, sức mạnh của tôi; Ngài làm cho chân tôi nhanh nhẹn như chân nai, Ngài làm cho tôi bước trên những nơi cao của mình” (Habacúc 3:19). Khi con người có Chúa ở bên, họ không còn sợ những cơn ác mộng và các chướng ngại vật nữa, nhưng tiến lên trên con đường sống hết sức khó đi với những bước chân nhẹ nhàng và hân hoan.


(ĐTC đã tóm gọn bài giáo lý Thánh Vịnh bằng tiếng Anh vào cuối buổi giáo lý hằng tuần như sau)


Anh chị em thân mến,
    Sách Habacúc kết thúc bằng một bài Ca Vịnh diễn tả một cách sống động việc Thiên Chúa đến phán xét để cứu độ dân Ngài. Ánh sáng vinh quang báo hiệu việc Chúa tiến đến là biểu hiệu cho cả siêu việt tính của Ngài lẫn việc hiện diện cứu độ của Ngài trên thế giới và trong lịch sử. Bài Ca Vịnh phác tả Thiên Chúa trong sự thánh thiện và uy nghi của Ngài, thế nhưng nó cũng cho thấy việc Ngài chăm sóc những kẻ tín trung của Ngài và việc Ngài phân xử thành phần bất chính, tội lỗi và sự dữ đã làm lem luốc thiên nhiên tạo vật của Ngài. Chúa xuất hiện một cách uy nghi trong vinh quang và công chính để mang lại tự do, vui mừng và bình an đến cho những ai Ngài dẫn dắt theo con đường sự sống.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, dịch từ L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 22/5/2002)