Bài 41 (Thứ Tư 5/6/2002)
Tạ Ơn Thiên Chúa về Tặng Ân Tạo Dựng
(Thánh Vịnh 147, Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Hai)
1.- Bài Ca Tụng Giêrusalem chúng ta vừa xướng lên vừa rồi rất thân quen với phụng vụ Kitô Giáo, một phụng vụ thường hát bài Thánh Vịnh 147 này theo chiều hướng liên quan đến Lời Chúa, Lời “thoăn thoắt chạy” trên mặt đất, mà còn liên quan đến Thánh Thể nữa, “một thứ lúa miến hảo hạng” do Thiên Chúa rộng lượng ban phát để “thỏa mãn” cơn đói của con người (xem các câu 14-15).
Thật vậy, giáo phụ Origen, khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh của chúng ta đây trong một bài giảng, một bài giảng đã được Thánh Giêrônimô chuyển dịch và phổ biến ở Tây Phương, đã liên hệ Lời Chúa với Thánh Thể như sau: “Chúng ta đọc các Sách Thánh. Tôi tin rằng Phúc Âm là Thân Thể Chúa Kitô; tôi tin rằng Các Sách Thánh là giáo huấn của Người. Khi Người phán: trừ phi quí vị ăn thịt Con Người và uống máu của Người (Jn 6:53), thì mặc dù những lời này có thể ám chỉ đến Mầu Nhiệm (Thánh Thể), mình máu của Chúa Kitô còn chính là lời Thánh Kinh nữa, đó là giáo huấn của Thiên Chúa. Nếu, khi lãnh nhận Mầu Nhiệm (Thánh Thể), chúng ta để mụn bánh rơi xuống đất, chúng ta cảm thấy mất mát. Khi chúng ta đang lắng nghe Lời Chúa, lúc tai chúng ta thu nhận Lời Chúa cùng với mình và máu Chúa Kitô, chúng ta sẽ gặp nguy hiểm biết mấy nếu bấy giờ chúng ta lại nghĩ đến một cái gì khác?” (“74 Omelie sul Libro dei Salmi”, 74 bài giảng về Sách Thánh Vịnh, Milan, 1993, pp 543-544).
Các vị học giả cho rằng bài Thánh Vịnh này cần phải được liên kết với bài Thánh Vịnh trước đó, để tạo nên một sáng tác duy nhất, như thực sự cho thấy ở bản gốc Do Thái. Thật thế, nó là một bài ca vịnh duy nhất liên tục trong việc tôn vinh công việc tạo dựng và cứu chuộc do Chúa thực hiện. Nó bắt đầu bằng lời mời gọi chúc tụng: “Hãy chúc tụng Chúa… Tôi sẽ chúc tụng Chúa suốt đời tôi, ca khen chúc tụng Thiên Chúa của tôi khi tôi còn sống” (Ps 146:1).
2.- Nếu chúng ta chú trọng đến đoạn chúng ta vừa nghe, chúng ta có thể phân biệt được 3 trường hợp chúc tụng, như lời kêu mời ngỏ với thành thánh Giêrusalem trong việc tôn vinh và chúc tụng Chúa của thành (xem Ps 147:12).
Nơi trường hợp thứ nhất (xem câu 13-14), hiện lên hoạt động lịch sử của Thiên Chúa. Hoạt động của Ngài được diễn tả bằng một loạt những biểu hiệu nói lên việc bảo vệ và nâng đỡ do Chúa thực hiện đối với thành Sion cũng như đối với con cái của Ngài. Trước hết, chi tiết được nói đến là “những then cài” là những gì làm kiên vững khiến cho các cổng thành Giêrusalem trở thành bất khả xâm phạm. Có lẽ vị Tác Giả Thánh Vịnh có ý ám chỉ đến Nêhêmia, người đã củng cố thành thánh, một thành thánh được tái thiết sau khi đã trải qua cuộc sống đắng cay trong thời lưu đầy tại Babylon (xem Neh 3:3,6,13-15;4:1-9;6:15-16;12:27-43). Ngoài ra, cổng còn là dấu hiệu cho thấy cả thành được vững chắc và yên hàn. Bên trong của các cổng này, một nội cung được tiêu biểu như là một cung lòng an toàn, con cái Sion, tức là các cư dân ở đó, hoan hưởng bình an và yên ổn, dưới chiếc áo choàng chở che của phúc lành thần linh.
Hình ảnh của một thành trì an vui và yên hàn này hiện lên như là một thứ tặng ân bình an cao trọng và quí hóa nhất làm cho biên giới cũng được an toàn. Thế nhưng, chính vì bình an của Thánh Kinh, “shalom”, không phải là một quan niệm tiêu cực, nói về một thứ vắng bóng chiến tranh, mà là một sự kiện tích cực của hạnh phúc và thịnh đạt, Tác Giả Thánh Vịnh mới nói đến sự thỏa mãn khi đề cập tới một “thứ lúa hảo hạng”, tức một thứ hạt lúa tuyệt hạng nặng trĩu bông lúa. Đó là lý do, Chúa đã làm kiên cố những thứ bảo vệ Giêrusalem (xem Ps 87:2), và đã ban phúc lành của Ngài xuống (xem Ps 128:5; 134:3), và khi ban phúc lành này cho toàn thể xứ sở, Ngài đã ban bình an (x Ps 122:6-8), Ngài đã thoả mãn con cái của Ngài (xem Ps 132:15).
3.- Ở phần thứ hai của Bài Thánh Vịnh (xem Ps 147:15-18), Thiên Chúa trước hết hiện lên như Đấng Hóa Công. Thật vậy, công việc tạo dựng hai lần được gắn liền với lời lẽ liên quan đến nguồn gốc của việc hiện hữu, như: “Thiên Chúa phán: ‘Hãy có ánh sáng liền có ánh sáng’… Ngài ban bố lệnh truyền cho trái đất… Ngài ban bố lời của Ngài” (xem Gen 1:3; Ps 147:15,18).
Theo lệnh truyền của Lời thần linh, đã phát xuất và thiết lập hai mùa thời tiết căn bản. Trước hết, Chúa truyền lệnh cho mùa đông xuất hiện trên trái đất, một mùa thời tiết được biểu hiệu nơi hình ảnh tuyết trắng như lồng cừu, hình ảnh như những cây rừng bị đông đá, hình ảnh mưa đá như những mẩu bánh vụn, và hình ảnh đá lạnh gây trở ngại cho hết mọi sự (xem các câu 16-17). Tiếp đến là lệnh thần linh làm cho luồng gió ấm thổi lên màng lại một mùa hè khiến đá lạnh tan đi: Các giòng nước mưa và giông tố nhờ đó có thể tự do tuôn chảy, tưới dội trái đất và làm sinh hoa kết trái.
Bởi thế, Lời Chúa là nguồn gốc của nóng lạnh, của chu kỳ thời tiết, cũng như của giòng đời tự nhiên. Nhân loại được mời gọi để nhận biết và cảm tạ Đấng Hóa Công về tặng ân vũ trụ trọng yếu này, một tặng ân bao bọc họ, cho họ hít thở, nuôi dưỡng và bảo trì họ.
4.- Giờ đây chúng ta tiến sang phần thứ ba cũng là phần cuối cùng nơi bài thánh thi chúc tụng của chúng ta đây (các câu 19-20). Vị Chúa của lịch sử, Đấng chúng ta bắt đầu, cũng được nhắc đến một lần nữa. Lời thần linh mang lại một tặng ân còn cao cả hơn và quí giá hơn cho dân Do Thái, đó là tặng ân Lề Luật, tặng ân Mạc Khải. Một tặng ân đặc biệt: “Thiên Chúa đã không làm như thế cho các dân nước khác; họ không biết gì về một thứ luật lệ như vậy” (câu 20).
Thế nên, Thánh Kinh là kho tàng của Dân Được Tuyển Chọn, thành phần phải tỏ ra trung thành yêu mến và gắn bó với Thánh Kinh. Đó là những gì Moisen đã nói với dân Do Thái trong Sách Nhị Luật: “Có một dân nước nào cao cả được ban cho những luật điều và huấn lệnh chân chính giống hệt như lề luật ta nêu lên cho các người hôm nay đây hay chăng?” (4:8).
5.- Vì Thiên Chúa được thể hiện hai tác động hiển vinh nơi việc tạo thành cũng như trong lịch sử thế nào, cũng có hai mạc khải như vậy: một mạc khải được ghi ấn nơi chính thiên nhiên tạo vật mở ra trước mắt tất cả mọi người; mạc khải kia được ban cho Dân Được Tuyển Chọn, thành phần phải làm chứng nhân và phải thông đạt mạc khải này cho toàn thể nhân loại, một mạc khải được chất chứa nơi Sách Thánh. Có hai thứ mạc khải, song chỉ có một Thiên Chúa duy nhất và chỉ có một Lời Ngài duy nhất. Tất cả mọi sự nhờ Lời mà được tạo thành, Lời Mở Đầu Phúc Âm Thánh Gioan đã viết như thế, và không có Người không gì được thành nên. Tuy nhiên, Lời cũng đã trở thành “xác thịt”, tức đã đi vào lịch sử, và ở giữa chúng ta (xem Jn 1:3,14).
(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)
Anh Chị Em thân mến!
Bài Thánh Vịnh 147 kêu gọi Giêrusalem hãy chúc tụng Thiên Chúa, Đấng ban thịnh vượng và bình an cho Dân Được Tuyển Chọn. Lòng đạo đức của Kitô Giáo đã thấy nơi bài Thánh Vịnh đầy những hình ảnh này bài thánh thi dâng lên Lời Chúa là Đấng tạo dựng và bảo trì vũ trụ, cùng với hình ảnh mờ mờ Thánh Thể, thứ “bánh miến hảo hạng” làm thỏa mãn cơn đói tâm linh sâu xa của chúng ta. Lời Chúa, nhờ Người mà tất cả mọi sự được tạo thành, vào lúc thời gian viên trọn, đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng ta vì phần rỗi của chúng ta. Tôn vinh Người đến muôn đời!
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, Vatican Press Office per Zenit 5/6/2002)