Bài 42 (Thứ Tư 12/6/2002)

Sự Lành và Sự Dữ
hoàn toàn sáng tỏ trong Ánh Sáng của Thiên Chúa

(Thánh Vịnh 91 [92], Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)



1.- Bài Thánh Vịnh 91 (92) mà chúng ta vừa đọc, một bài ca của người công chính dâng lên Vị Thiên Chúa hóa công, đã chiếm được một chỗ đặc biệt trong truyền thống Do Thái cổ thời. Thật vậy, nhan đề được đặt cho bài Thánh Vịnh cho thấy rằng bài thánh vịnh này được hát vào Ngày Hưu Lễ (xem câu 1). Bởi thế, đây là bài thánh thi đâng lên Chúa Hằng Hữu và Tối Cao, khi mà, vào lúc chiều xuống của Ngày Thứ Sáu, ngày cầu nguyện thánh hảo, lại là lúc bắt đầu việc chiêm niệm, một thứ tĩnh lặng thanh thản của xác thân và tâm thần.

Hình ảnh trang trọng và vĩ đại của Thiên Chúa Tối Cao ở ngay tâm điểm của bài Thánh Vịnh (xem câu 9), với một thế giới thái hòa và an bình ở chung quanh Ngài. Trước nhan Ngài còn có thành phần công chính, thành phần mà, theo quan niệm quen thuộc của Cựu Ước, tràn đầy hạnh phúc, vui mừng và trường thọ, thành quả tất yếu của việc họ sống thành kính và tín trung. Điều này liên quan đến một thứ lý thuyết được gọi là phản hồi, một lý thuyết chủ trương là hết mọi thứ tội đều bị trừng phạt ngay trên thế gian này và mọi hành động lành thánh đều được tưởng thưởng. Mặc dù có một yếu tố về chân lý nơi quan niệm này, tuy nhiên, như ông Gióp trực giác thấy và như Chúa Giêsu xác nhận (xem Jn 9:2-3), thực tại của tình trạng nhân loại khổ đau thì phức tạp hơn nhiều và không dễ gì có thể hiểu thấu. Thật vậy, tình trạng con người khổ đau cần phải được cứu xét theo quan điểm liên quan đến cõi vĩnh hằng.

2.- Thế nhưng, giờ đây chúng ta hãy khảo sát bài thánh thi khôn ngoan có những ý nghĩa phụng vụ này. Bài thánh thi này được làm nên bởi một lời kêu gọi thiết tha hãy thực hiện việc chúc tụng, hãy hát lên bài ca hoan lạc tạ ơn, hãy mở nhạc hội, gẩy đàn 10 giây, đàn thất huyền và đa huyền cầm. Phải cử hành tình yêu và lòng trung thành của Chúa bằng bài ca phụng vụ được điều khiển “cách thiện nghệ” (xem Ps 46[47]:8). Lời mời gọi này cũng hợp với cả những việc cử hành của chúng ta nữa, nhờ đó những việc cử hành ấy mới phục hồi được quang sáng chẳng những nơi ngôn từ và các nghi thức nữa, mà còn nơi cả những cung điệu tác động những việc cử hành này nữa.

Sau lời kêu gọi đừng bao giờ làm gẫy cái trục cầu nguyện trong ngoài này, một hơi thở liên lỉ thực sự của nhân tính trung thành, bài Thánh Vịnh 91 (92) đề ra, như thể thành hai bức chân dung, chân dung của kẻ gian ác (xem câu 7-10) và chân dung của người chính trực (xem câu 13-16). Tuy nhi6en, kẻ gian ác ra trước nhan Chúa, “muôn đời cao thẳm” (câu 9), thành phần sẽ triệt hạ các kẻ thù của họ và sẽ phân tán tất cả mọi kẻ hành ác (xem câu 10). Thật vậy, chỉ có ở trong ánh sáng thần linh, người ta mới có thể hiểu được cái sâu xa của sự lành và sự dữ, hiểu được chiều sâu của đức công chính và việc gian ác.

3.- Hình ảnh của tội nhân được vẽ bằng những hình ảnh thảo mộc: “kẻ gian ác trổ sinh như cỏ và tất cả mọi tội nhân vươn cành xum xuê” (câu 8). Tuy nhiên, việc trổ sinh tươi tốt này hướng về việc khô héo và tàn tạ. Thật vậy, vị Tác Giả Thánh Vịnh đã dùng nhiều động từ và ngôn từ để diễn tả cảnh tàn rụi này: “Chúng đi đến chỗ đời đời bị hư hoại… Lạy Chúa, thật thế các lẻ thù của Ngài sẽ tàn tạ; tất cả mọi tội nhân sẽ bị tan tành” (các câu 8,10).

Nguồn gốc gây ra cái tai ương ác báo này là một sự dữ sâu xa kìm kẹp lòng trí của kẻ gian ác: “Con người vô thức không thể nào biết được điều này; con người ngu ngốc không thể nào triệt thấu” (câu 7). Những tĩnh từ được sử dụng ở đây thuộc về một thứ ngôn từ của sự khôn ngoan, và cho thấy cái hung bạo, mù tối, ngu đần của thành phần nghĩ rằng họ có thể tung hoành mặt đất bất chấp mọi hậu quả về luân lý, tự lừa dối mình rằng Thiên Chúa là Đấng vắng bóng và dửng dưng. Trái lại, con người cầu nguyện tin tưởng rằng, không sớm thì muộn, Chúa cũng sẽ xuất hiện ở chân trời để thiết lập công lý cũng như để phá tan cái ngang tàng của kẻ xuẩn ngốc (xem Ps 13[14]}.

4.- Thế rồi, tới đây chúng ta thấy xuất hiện hình ảnh của kẻ công chính, được vẽ lên trong một bức họa mầu sắc to tát. Trong trường hợp về kẻ công chính này, những hình ảnh về thảo mộc xanh tươi cũng được sử dụng đến. Ngược lại với kẻ gian ác, thành phần sặc sỡ nhưng nông nổi như cỏ rả ngoài đồng, kẻ công chính mọc lên hướng về trời, vững chắc và uy nghi như một cây dừa hay cây hương bá xứ Lêbanon. Kẻ công chính “được trồng nơi nhà Chúa” (câu 14), tức là họ có một sự liên hệ hết sức chắc chắn và vững vàng với đền thờ, bởi thế với cả Chúa nữa, Đấng đã thiết lập chỗ cư trú của Ngài nơi họ.

Truyền thống Kitô giáo cũng chơi chữ với ý nghĩa lưỡng diện của tiếng “phoinix” Hy Lạp, một từ ngữ được sử dụng để chuyển dịch tiếng Do Thái nói về cây dừa. “Phinix” là tiếng Hy Lạp để gọi cây dừa, nhưng đồng thời cũng để gọi chim trời là loài chúng ta gọi là “phoenix”. Vậy mà chữ phoenix vốn được hiểu là tiêu biểu cho tình trạng vô luân, vì người ta nghĩ rằng loài chim được sinh ra từ các thứ tro tàn. Kitô hữu cũng sống cảm nghiệm này trong việc họ tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Kitô, Đấng là nguồn mạch của sự sống mới (xem Rm 6:3-4). “[Thiên Chúa]… ngay cả khi chúng ta đang chết trong tình trạng vấp phạm của mình, cũng đã làm cho chúng ta được sống nhờ Chúa Kitô” – Thư gửi Giáo Đoàn Êphêsô viết – “[và] đã nâng chúng ta lên với Ngài” (2:5-6).

5.- Một hình ảnh khác, theo thế giới loài vật, tiêu biểu cho thành phần chính trực và nhắm đến việc đề cao sức mạnh Thiên Chúa ban cho họ ngay cả trong lúc tuổi già. “Ngài đã ban cho tôi sức mạnh của một con bò rừng; Ngài đã tuôn đổ dầu thơm trên tôi” (Ps 91[92]:11). Một mặt, tặng ân sức mạnh thần linh làm cho con người chiến thắng và an ninh (câu 12); mặt khác, vầng trán vinh quang của kẻ công chính được xức bằng một thứ dầu tỏa ra nghị lực cùng với phép lành bênh đỡ. Bởi thế, bài Thánh Vịnh 91[92] là một bài thánh thi lạc quan, một bài thánh thi được kèm theo nhạc tấu và hát ca. Bài Thánh Vịnh này nói lên lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng là nguồn mạch yên hàn và bình an, ngay cả khi người ta chứng kiến thấy kẻ gian ác hiển nhiên thắng lợi. Một thứ bình an không hề suy giảm ngay cả trong tuổi già (xem câu 15), một giai đoạn đời sống vẫn phong phú và an sinh.

Chúng ta kết luận với những lời của giáo phụ Origen được Thánh Giêrônimô chuyển dịch, những lời phản ảnh câu Tác Giả Thánh Vịnh thưa cùng Thiên Chúa: “Ngài đã tuân đổ dầu thơm trên tôi” (câu 11). Theo giáo phụ Origen dẫn giải: “Tuổi già của chúng ta cần đến dầu của Thiên Chúa. Như lúc thân thể của chúng ta bị mệt mỏi, nó chỉ được bồi bổ sức lực bằng việc xức dầu, như ngọn lửa của một cây đèn bị tắt nếu không đổ thêm dầu vào đèn thế nào, cũng vậy, ngọn lửa của tuổi già chúng ta cũng cần sáng tỏ bằng thứ dầu tình thương của Thiên Chúa. Các Vị Tông Đồ cũng đi lên Núi Olive (xem Acts 1:12), để lãnh nhận ánh sáng từ thứ dầu của Chúa Kitô, vì các vị bị mỏi mệt nên cây đèn của các vị cần đến dầu của Chúa… Bởi thế chúng ta hãy cầu nguyện cùng Chúa để tuổi già của chúng ta, và hết mọi nỗ lực của chúng ta, cùng với tất cả những gì tăm tối của chúng ta được soi sáng bằng thứ dầu của Chúa” (74 Homilies on the Book of Psalms – “Omelie sul Libro dei Salmi”, Milan, 1933, pp 280-282, passim).


(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)

Anh Chị Em thân mến!

Bài Thánh Vịnh 91 là một bài thánh thi chúc tụng Thiên Chúa Hóa Công. Nơi bài thánh vịnh này, hình ảnh của con người gian ác và hình ảnh của con người công chính được trình bày hoàn toàn tương khắc. Thành phần gian ác có một lòng trí đầy những sự dữ. Cuối cùng họ đâm đầu đến chỗ chết. Ngược lại, thành phần công chính lại được đầy sức mạnh Chúa ban. Họ sẽ triển nở và muôn đời hoan ca chúng tụng Thiên Chúa, Đấng đã xức cho họ dầu hoan lạc và soi sáng họ bằng kiến thức cứu độ. Niềm hy vọng của kẻ lành được bắt nguồn tận Cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô là nguồn mạch của sự sống mới vĩnh hằng cho tất cả những ai tin tưởng.



(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 12/6/2002)