Bài 43 (Thứ Tư 19/6/2002)


Thiên Chúa Chăm Sóc Cho Dân Của Mình Trong Cơn Nguy Khốn
 

(Ca Vịnh Moisen, Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Hai)


1.- “Bấy giờ Moisen đã kể lại những lời của bài ca này từ đầu đến cuối cho toàn thể cộng đồng Do Thái nghe” (Deut 31:30). Đó là lời mở đầu cho bài ca vịnh chúng ta vừa nghe, bài ca vịnh được trích từ những trang cuối cùng của Sách Nhị Luật, đặc biệt ở chương 32. Phụng vụ giờ kinh ban mai đã lấy 12 câu đầu của chương này, thấy được nơi những câu này một bài thánh thi dâng lên Chúa là Đấng yêu thương bảo vệ và chăm sóc cho dân Ngài giữa những cơn hiểm nghèo và khốn khó vào ngày đó. Việc phân tích bài ca vịnh đã cho thấy rằng đây là một bài viết cổ nhưng có sau Moisen, một bài ca được đặt vào môi miệng của Moisen cho có tính cách trang trọng. Bài ca vịnh phụng vụ này được đặt ở ngay đầu lịch sử dân Do Thái. Ở trang sách cầu nguyện này cũng không thiếu những qui chiếu và dính dáng với một số Bài Thánh Vịnh hay với sứ điệp của các tiên tri: Bởi thế, bài ca vịnh này là một biểu lộ cho thấy đức tin của dân Do Thái trong việc tiến triển và tăng phát.

2.- Bài ca vịnh Moisen dài hơn đoạn ở trong phần phụng vụ giờ kinh ban mai, một bài ca vịnh thực sự chỉ là một dạo khúc. Một số học giả cho rằng họ đã thấy được nơi bài sáng tác này một loại văn từ về kỹ thuật giống như tiếng “rĩb” của Do Thái, tức là “cãi lẫy”, “kiện tụng”. Hình ảnh của Thiên Chúa hiện diện trong Thánh Kinh không phải là một hữu thể tối đen tí nào cả, là một năng lực vô danh mù quáng, là một thực tại bất khả hiểu thấu. Trái lại, Ngài là một ngôi vị biết cảm nhận, tác hành và phản ứng, biết yêu thương và luận phạt, biết tham dự vào đời sống với các tạo vật của Ngài và không dửng dưng vô tình trước những hành động của chúng. Bởi vậy, đối với chúng ta, Vị Chúa này hiện lên như là một thứ thử thách, trước sự hiện diện của các nhân chứng, Ngài công bố tội ác của thành phần bị tố cáo, Ngài giáng phạt, nhưng án quyết của Ngài chất chứa một tình thương hải hà. Giờ đây chúng ta hãy theo dõi những dấu vết của biến cố này, dù chỉ suy niệm về những câu được đề ra trong phụng vụ.

3.- Trước hết, là những chứng dự bàng quan của vũ trụ được đề cập đến: “Ôi các tầng trời, hãy nghe đây… trái đất hãy chú ý…” (Deut 32:1). Trong phiên tòa tiêu biểu này, Moisen đóng vai giống như là một công tố viên. Lời của ông có tác dụng và hiệu quả, như lời của vị ngôn sứ, phản ảnh lời thần linh. Hãy chú ý tới một loạt đầy những hình ảnh diễn tả về lời thần linh này: Chúng là những dấu hiệu được lấy từ thiên nhiên, như mưa to, sương sa, mưa rào, mưa phùn và tia nước làm trái đất xanh tươi và phu phê nó với những cánh đồng lúa phì nhiêu (xem câu 2).

Tiếng của Moisen, vị tiên tri và là dẫn giải viên lời thần linh, công bố về việc xuất hiện nhập cuộc cấp thời của một vị đại thẩm phán, đó là Vị Chúa mang danh rất thánh được ông loan báo, một trong những phẩm tính trổi vượt của Ngài. Thật vậy, Vị Chúa này được gọi là Đá (câu 4), một danh xưng được trải dài suốt cả bài Ca Vịnh của chúng ta (xem các câu 15, 18, 30, 31, 37), một hình ảnh tôn xưng lòng trung thành bền vững và vô tận của Thiên Chúa, hoàn toàn khác với tình trạng bấp bênh và bất trung của dân Ngài. Đề tài này được khai triển bằng một chuỗi xác nhận về đức công minh thần linh: “Những việc Ngài làm ngay thẳng biết bao, tất cả mọi đường nẻo của Ngài chính trực biết mấy! Là Vị Thiên Chúa trung thành, không lừa dối, Ngài chính trực và công minh biết bao!” (câu 4).

4.- Sau khi trang trọng trình bày cho thấy vị Quan Phán tối cao, Đấng cũng là bên bị tổn thương, mục tiêu hướng tới của người điều ca là thành phần bị truy tố. Để diễn tả điều này, tác giả đã sử dụng đến một hình ảnh đẹp đẽ về Thiên Chúa như là một người cha (xem câu 6). Các tạo vật rất yêu quí của Ngài được gọi là con cái của Ngài, thế nhưng, tiếc thay, họ lại là “những đứa con băng hoại” (xem câu 5). Thật vậy, chúng ta biết rằng, trong Cựu Ước, Thiên Chúa được cho là một người cha quan tâm lo lắng nơi những cuộc Ngài gặp gỡ con cái của mình, thành phần thường làm cho Ngài thất vọng (Ex 4:22; Deut 8:5; Ps 102[103]:13; Sir 51:10; Is 1:2,63:16; Hos 11:1-4). Vì như vậy mà lời chối bỏ không lạnh lùng song đầy thương cảm: “Ôi đám dân mê muội và ngu ngốc, phải chăng Chúa đã được ngươi đền đáp? Ngài không phải là Đấng đã dựng nên ngươi và kiến tạo ngươi hay sao?” (Deut 32:6). Thật vậy, việc nổi lên chống lại một vương quyền bất khả thay thế hoàn toàn khác với việc nổi lên chống lại một người cha yêu thương.

Để cụ thể hóa tính cách trầm trọng của việc tố cáo này, từ đó, đưa đến một cuộc hối cải phát xuất từ tấm lòng chân thành, Moisen đã gợi nhớ như sau: “Hãy nghĩ lại những ngày xưa kia, hãy tưởng đến những năm dài tháng rộng” (câu 7). Thật thế, đức tin theo thánh kinh là một “tưởng niệm”, tức là việc tái nhận thức hành động vĩnh hằng của Thiên Chúa trải khắp thời gian; nó là việc hiện thực và hiệu lực hóa ơn cứu độ được Chúa ban cho và tiếp tục hiến cho con người. Do đó, tội bất trung cả thể đi đôi với “tình trạng quên lãng”, một thứ quên lãng loại bỏ đi hồi ức về việc hiện diện thần linh nơi chúng ta cũng như nơi lịch sử.

5.- Biến cố chính yếu không được quên sót đó là biến cố băng qua sa mạc sau khi thoát khỏi Ai Cập, đề tài chính yếu của Sách Nhị Luật cũng như của toàn thể Ngũ Kinh. Bởi vậy, cuộc hành trình kinh hoàng và thê thảm ở sa mạc Sinai mới được nhắc đến, “một vùng hoang vu sa mạc” (câu 10), cho thấy một hình ảnh có một tác dụng cảm xúc mãnh liệt. Tuy nhiên, ở đó Thiên Chúa mới cúi mình xuống trên dân của Ngài một cách nhẫn nhịn và dịu dàng lạ lùng. Biểu hiệu của vai trò làm cha được lồng với ảo ảnh liên quan đến biểu hiệu đại bàng của vai trò làm mẹ: “Ngài đã che chở họ và chăm sóc họ, canh giữ họ như con ngươi trong mắt Ngài. Như đại bàng lượn trên tổ của mình che chở cho con nó thế nào, Ngài cũng xỏa cánh bao che họ và mang họ trên cánh của mình như vậy” (câu 10-11). Như thế, con đường trong sa mạc khô cằn được biến thành một cuộc hành trình lặng lẽ yên hàn, vì được áo choàng của tình yêu thần linh che chở.

Bài ca vịnh cũng nói đến Sinai, nơi dân Do Thái trở thành một liên minh của Chúa, “sở phần” của Ngài và “gia phần” của Ngài, tức là một thực tại rất quí báu (xem câu 9; Ex 19:5). Vậy bài ca vịnh Moisen trở thành một cuộc khảo sát lương tâm chung, để rồi, cuối cùng, việc đáp ứng các ân phúc thần linh sẽ không còn lầm lỗi nữa mà là thủy chung.

(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)

Anh Chị Em thân mến,

Bài Ca Vịnh hôm nay là một bài thánh thi vui mừng dâng lên Chúa, Đấng chăm sóc dân Ngài và bảo vệ họ trong cơn nguy nan khốn khó. Bài Ca Vịnh có thể được đọc như là lời Moisen kêu gọi những yếu tố trong vũ trụ – các tầng trời và trái đất – chứng thực cho mối tình yêu chung thủy của Thiên Chúa.

Bài Ca Vịnh này là một lời bày tỏ sống động của lòng dân Do Thái tin tưởng nơi Thiên Chúa là Đấng hằng “công bằng chính trực”, ngay cả khi lòng tín trung của Ngài có gặp phải thái độ dửng dưng lãnh đạm. Đối với chúng ta hôm nay đây, bài Ca Vịnh này trở thành một cuộc khảo sát lương tâm của chúng ta để xem chúng ta có yêu mến đáp ứng lòng từ ái vững bền của Thiên Chúa đối với chúng ta hay chăng.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 19/6/2002)

ĐTC lên án cuộc liều mạng tấn công ở Giêrusalem

Hôm qua ở Giêrusalem lại xẩy ra một vụ liều mạng tấn công sát hại dân chúng một lần nữa, kết quả với 19 người bỏ mạng và 50 người bị thương. Cuộc tấn công này xẩy ra do một kẻ liều mạng cho nổ bom tự vận tại một bến xe buýt. Phần đông nạn nhân bị chết và bị thương là học sinh đi đến trường bằng xe buýt. Sau bài giáo lý cho cuộc triều kiến chung hôm nay, ĐTC đã lên án hành động khủng bố này như sau: “Tôi xin lập lại một lần nữa là bất cứ ai âm mưu và dự tính những hành động dã man như vậy đều phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Trong khi Tôi bày tỏ tình liên kết chân thành về nhân bản cũng như về tâm linh với các gia đình đang than van khóc lóc, Tôi muốn mời tất cả mọi anh chị em hãy cùng Tôi cầu xin Chúa để Ngài biến đổi những tấm lòng chai đá, đồng thời tác động những cảm thức hòa bình và việc thứ tha cho nhau nơi những ai sống ở vùng đất rất yêu đấu của chúng ta”.