Bài 45 (Thứ Tư 3/7/2002)


Tôn Tụng Quyền Năng của Thiên Chúa Hóa Công

(Thánh Vịnh 92 [93], Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)
 


1.- Nội dung của Thánh Vịnh 92 chúng ta suy tư hôm nay nổi bật với một số câu trong bài thánh thi được Giáo Hội sử dụng cho Phụng Vụ Giờ Kinh tối Thứ Hai: “Ôi Đấng Hóa Công vĩ đại, Đấng đặt định trào lưu và giới hạn cho những triều sóng hòa hợp với vũ trụ, Ngài đã làm tươi mát cảnh lẻ loi cằn cỗi của một trái đất khát khao bằng những giòng nước và biển khơi”.

Trước khi nói đến tâm điểm của bài Thánh Vịnh là phần đầy những hình ảnh về nước, chúng ta cần cảm nhận được cái giọng điệu sâu xa của bài Thánh Vịnh này, tức loại văn từ chi phối bài Thánh Vịnh. Thật vậy, như các bài Thánh Vịnh sau đó, 95-98, bài Thánh Vịnh của chúng ta đây được các học giả Thánh Kinh cho là một “bài ca vịnh về một Vị Vương Chúa”. Bài Thánh Vịnh tôn tụng Vương Quốc của Thiên Chúa, nguồn mạch của bình an, của chân lý và của yêu thương mà chúng ta kâu cầu trong “Kinh Lạy Cha” khi chúng ta nguyện “Nước Cha trị đến!”.

Thật vậy, Thánh Vịnh 92 (93) được đặc biệt mở ra với một lời hân hoan tuyên tụng như thế này: “Chúa là vua” (câu 1). Vị Tác Giả Thánh Vịnh cử hành việc Thiên Chúa chủ động trung thành, tức là cử hành hành động hiệu năng và cứu độ của Ngài, Đấng Hóa Công của thế giới và là Đấng Cứu Chuộc con người. Chúa không phải là một vị hoàng đế dửng dưng lãnh đạm, ở cách xa trên trời, mà là Đấng hiện diện giữa dân của Ngài như một Đấng Cứu Độ, Vị quyền năng và quảng đại yêu thương.

2.- Trong phần thứ nhất của bài thánh thi chúc tụng này nổi bật là Vị Vương Chúa. Như là một vương chủ, Ngài ngự trên ngai tòa vinh hiển, một ngai tòa bất khả diệt và bền vững muôn đời (xem câu 2). Áo choàng của Ngài chói lọi rạng ngời; uy quyền toàn năng là thắt lưng áo chùng của Ngài (xem câu 1). Chính quyền vương chủ toàn năng của Thiên Chúa được tỏ hiện ở tâm điểm của bài Thánh Vịnh, được đánh dấu bằng một hình ảnh nổi bật, đó là hình ảnh của những giòng nước dồn dập.

Vị Tác Giả Thánh Vịnh nhấn mạnh đến “tiếng” của các con sông, tức là, tiếng gầm rống của các giòng nước. Thật vậy, tiếng đụng độ của những thác lũ lớn phát ra, nơi những ai nghe thấy tiếng điếc tai của nó làm cho toàn thân của họ rùng mình, một cảm giác về một quyền lực mãnh liệt. Thánh Vịnh 41 (42) nhắc lại cảm giác này khi nói: “Này đây vực thẳm vang gọi vực thẳm với những giòng nước gầm rống. Hết tất cả mọi cơn sóng vỗ và triều sóng xô của Ngài phủ lấp thân tôi” (câu 8). Đối diện với quyền lực thiên nhiên này, nhân loại cảm thấy mình nhỏ bé. Tuy nhiên, vị Tác Giả Thánh Vịnh sử dụng lực lượng này như là một cái sàn bung nhẩy để tuyên tụng quyền năng của Chúa, Đấng còn cao cả hơn thế nữa. Bằng việc lập lại ba lần lời diễn đạt “cơn lụt đã dâng lên” (xem câu 3), tiếng nói của những lần này đáp lại lời khẳng định ba lần về quyền năng siêu việt của Thiên Chúa.

3.- Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội thích dẫn giải bài Thánh Vịnh này, khi áp dụng bài thánh vịnh này cho Đức Kitô là “Chúa và Đấng Cứu Độ”. Lời của giáo phụ Origen, được Thánh Giêrônimô chuyển dịch sang Latinh, đã xác nhận là: “Chúa hiển trị, Ngài tuyệt mỹ hiện lên. Tức là Đấng trước kia run rẩy trong thân phận xác thịt nghèo hèn giờ đây sáng ngời trong uy linh của thần tính”. Đối với giáo phụ Origen, những con sông và những giòng nước vang lên tiếng nói là biểu hiệu cho “những nhân vật tiên tri và tông đồ uy thế”, thành phần “loan truyền việc chúc tụng và vinh hiển của Chúa, loan báo các phán quyết của Ngài khắp thế giới” (xem 74 “Omelie sul libro dei Salmi”, Milan 1993, pp 666, 669).

Thánh Âu Quốc Tinh thậm chí còn dẫn giải đầy đủ hơn biểu hiệu về những giòng nước và biển khơi nữa. Khi những con sông tràn lan nước chảy, tràn làn giòng nước Thánh Linh và chuyên chở sức mạnh, mà các vị tông đồ không còn sợ hãi nữa, cuối cùng các vị đã lên tiếng. Tuy nhiên, “khi có vô số tiếng nói bắt đầu rao giảng Chúa Kitô thì biển khơi trở nên biến động”. Thánh Âu Quốc Tinh nhận định, trong tình trạng biến động của biển khơi thế giới, con thuyền Giáo Hội dường như bị chao đảo một cách kinh hoàng, bị bủa vây bởi những đe đọa và bắt bớ, nhưng Chúa là Đấng đáng chúc tụng, vì Người “đã đi trên biển và đã dẹp yên các cơn sóng biển” (“Esposizioni sui Salmi”, III, Rome, 1976, p. 231).

4.- Tuy nhiên, Vị Thiên Chúa vương chủ của tất cả mọi sự này, toàn năng và vô địch, bao giờ cũng gần gũi với dân của Ngài, thành phần Ngài đã ban các huấn lệnh của Ngài cho họ. Đó là ý tưởng được Thánh Vịnh 92 (93) diễn tả ở câu cuối cùng: Ngai tòa tối cao các tầng trời đi trước ngai tòa của ngọn đền thờ Giêrusalem, quyền năng tiếng nói của Ngài trong vũ trụ mở đường cho sự êm ái của lời thánh hảo không thể sai lầm của Ngài: “Các sắc lệnh của Ngài được thiết lập bền vững; lạy Chúa, thánh đức là của nhà Ngài suốt cả những tháng ngày của cuộc sống” (câu 5).

Bài thành thi kết thúc như thế, một kết thúc ngắn ngủi nhưng đầy ý nghĩa nguyện cầu. Bài thánh vịnh này là một lời cầu nguyện phát sinh lòng tin tưởng và cậy trông nơi tín hữu. Thành phần thường cảm thấy bị biến động, sợ bị dập vùi bởi bão tố lịch sử cũng như bị tấn công bất cứ lúc nào bởi những lực lượng tối tăm.

Âm vang của bài Thánh Vịnh này có thể được thấy nơi Sách Khải Huyền của Thánh Gioan, khi mà vị tác giả thần hứng này, diễn tả cuộc hội họp vĩ đại trên trời để hân hoan mừng rỡ về cuộc sụp đổ của một Babylon áp bức, mà rằng: “Đoạn tôi nghe thấy một cái gì đó như tiếng của một đám rất đông hay tiếng của giòng nước chảy xiết hoặc tiếng rống của một cơn sấm xét, khi chúng nói rằng ‘Alleluia! Chúa đã thiết lập triều đại của Ngài’” (19:6).

5.- Chúng ta kết thúc việc chúng ta suy niệm về Thánh Vịnh 92 (93) bằng lời Thánh Gregory Nazianzen, “nhà thần học” đích danh trong các vị Giáo Phụ của Giáo Hội. Chúng ta sử dụng bài thơ tuyệt vời của ngài, bài thơ chúc tụng Thiên Chúa, Vị Vương Chủ và là Đấng Hóa Công, có tính chất Ba Ngôi Thiên Chúa: “Ngài (Chúa Cha) đã dựng nên vũ trụ, ban cho mỗi một điều vị thế xứng hợp của nó và bảo trì nó trong sự quan phòng của Ngài. Lời của Ngài là Thiên Chúa Ngôi Con: thật vậy, Người cùng bản thể với Ngôi Cha, ngang hàng với Cha về vinh hiển. Người đã giao hòa vũ trụ một cách hòa hợp để cai rị tất cả mọi sự. Và trong việc bao bọc lấy tất cả mọi sự, Thánh Thần, là Thiên Chúa, chăm sóc cho hết mọi sự và bảo vệ hết mọi sự. Tôi sẽ công bố Chúa, Ba Ngôi hằng sống, Vị Quân Chủ duy nhất vô nhị… quyền lực cai trị các tầng trời, bằng một cái nhìn nhãn quan bất khả thấu nhưng lại là cái nhìn chiêm ngưỡng toàn thể vũ trụ và biết được hết mọi bí mật thăm thẳm của trái đất cho tới các vực thẳm. Ôi Chúa, hãy tỏ lòng từ ái với tôi: chớ gì tôi được Ngài xót thương và ban ân sủng, vì Chúa được hiển vinh và ân sủng muôn đời muôn kiếp” (Carme 31, in: Poesie/1, Rome, 1994, pp. 65-66).

(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)

Anh Chị Em thân mến,

Thánh Vịnh 92 tuyên tụng Thiên Chúa là Vua và chúc tụng Vương Quốc của Ngài, Vương Quốc này cũng chính là Vương Quốc chúng ta kêu cầu trong “Kinh Lạy Cha” khi chúng ta nguyện “Nước Cha trị đến!”. Chúa không phải là một Nhà Cai Trị xa cách xa xa vậy thôi. Ngài hiện diện ở giữa dân Ngài như là một Đấng cứu độ của họ. Bởi vậy, Thánh Vịnh 92 cũng là kinh nguyện của đức tin và đức cậy, nhất là đối với những ai sợ hãi những lực lượng tăm tối đang hoạt động nơi lịch sử loài người. Sự dữ và sự chết không phải là những gì sẽ chiến thắng, mà là Chúa, Đấng Toàn Năng, sẽ chiến thắng và sẽ cai trị muôn đời Vương Quốc an bình, chân thật và yêu thương của Ngài.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 3/7/2002)