Bài 46 (Thứ Tư 10/7/2002)
Cuộc Sống của Con Người là Lời Chúc Tụng Đấng Hóa Công
(Ca Vịnh Đaniên, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)
1.- Một lời cầu nguyện trong sáng như một kinh cầu được đưa vào Chương thứ ba của Sách Tiên Tri Đaniên, một bài Ca Vịnh thực sự và thích đáng của các tạo vật, một ca vịnh được Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai đề ra cho chúng ta ở một số lần, với các phân đoạn khác nhau.Chúng ta vừa nghe phần căn bản, một ca đoàn vĩ đại của hoàn vũ, được lồng vào giữa hai câu luân xướng trước sau là “Ca ngợi Chúa trên tầng trời, Chúa đáng được chúc tụng và hiển vinh muôn đời. Hãy ca ngợi Chúa, hỡi tất cả kỳ công của Chúa, hãy hết lòng chúc tụng và tôn vinh Ngài muôn đời” (câu 56-57).
Giữa hai câu than lên này hiện lên một bài thánh thi chúc tụng một cách long trọng, một bài thánh thi được diễn đạt bằng lời mời gọi lập đi lập lại là “hãy ca ngợi”: đây là lời duy nhất được chính thức ngỏ với tất cả mọi tạo vật để kêu gọi chúng hãy ca ngợi Thiên Chúa; thực ra nó là bài ca tạ ơn được thành phần tín nghĩa dâng lên Chúa về tất cả những kỳ công của vũ trụ. Con người lên tiếng thay cho toàn thể thiên nhiên tạo vật để chúc tụng và tạ ơn Thiên Chúa.
2.- Bài thánh thi này, bài thánh thi được hát lên bởi ba người trẻ Do Thái để mời gọi tất cả mọi tạo vật hãy chúc tụng Thiên Chúa, phát xuất từ một tình trạng thảm thương. Ba người trẻ này, bị bách hại bởi vị vương chủ Babylon, ở trong một lò lửa vì niềm tin của họ. Thế mà, ngay cả khi sắp sửa được tử đạo, họ vẫn không ngần ngại ca hát, hân hoan và chúc tụng. Cơn đau đớn dữ dằn và tàn bạo của cuộc thử thách biến mất, hầu như nó được tan biến trước việc nguyện cầu và chiêm niệm. Chính thái độ tin tưởng phó thác này đã đưa đến việc can thiệp của Thiên Chúa.
Thật vậy, như lời lẽ gợi ý của Đaniên chứng thực, “thiên thần Chúa xuống lò lửa với Azariah và đồng bạn của hắn, thổi bay những ngọn lửa hồng ra khỏi lò lửa, và làm cho vực của lò lửa này mát mẻ như được một ngọn gió hiu hiu thổi qua. Lửa không thể nào chạm đến họ hay làm cho họ đau đớn hoặc thiệt hại” (câu 49-50). Những cơn ác mộng bị biến tan như sương mai trước ánh nắng mặt trời, những nỗi sợ hãi được giải tỏa, việc khổ đau biến mất khi toàn thân con người trở thành lời chúc tụng và lòng tin tưởng, trở thành niềm đợi trông và hy vọng. Đó là mãnh lực của lời cầu một khi nó tinh tuyền, thiết tha, hoàn toàn phó mặc cho Thiên Chúa, Đấng đáp ứng và cứu chuộc.
3.- Bài Ca Vịnh của ba người trẻ này diễn tả một loạt danh mục hoàn vũ lần lượt theo nhau diễn hành trước mắt của chúng ta, bắt đầu từ trời cao với các thiên thần, nơi mặt trời, mặt trăng và tinh tú chiếu sáng. Từ trên cao, Thiên Chúa đổ xuống trên trái đất tặng ân nước nguồn ở trên các bầu trời (xem câu 60), tức là nước mưa và sương sa (câu 64).
Thế rồi tới giá thổi, chớp sáng, và các mùa thời tiết với khí ấm, khí lạnh, với sức nóng nẩy của mùa hè, cũng như với các thứ băng, đá, tuyết (xem các câu 65-70,73). Vị thi sĩ cũng bao gồm cả nhịp điệu của thời gian trong bài ca chúc tụng Đấng Hóa Công nữa, ngày và đêm, ánh sáng và bóng tối (xam các câu 71-72). Sau hết ánh mắt của nhà thơ hướng về trái đất, bắt đầu từ các đỉnh núi, một thực tại như nối liền giữa đất và trời (xem các câu 74-75).
Giờ đây đến các tạo vật thảo mộc mọc lên trên trái đất hiệp lời chúc tụng Thiên Chúa (câu 76), các suối nguồn phát sinh sự sống và sinh lực, các biển khơi và sông ngòi đầy những giòng nước dồi dào và lạ lùng (câu 77-78). Thật vậy, người ca sĩ cũng kêu gọi cả “những khổng thú biển khơi” cùng với loài cá (câu 79), như dấu hiệu nói lên cuộc giao động của nước từ nguyên thủy đã được Thiên Chúa đặt định giới hạn (xem Ps 92[93]:3-4; Jb 38:8-11, 40:15-41 […]).
Sau đó tới phiên của nhiều loài thú vật khác nhau sống động và di chuyển dưới nước, trên đất cũng như trên bầu trời (xem Dan 3:80-81).
4.- Diễn viên cuối cùng của tạo vật xuất hiện là con người. Trước hết ánh mắt của vị thi sĩ hướng đến tất cả mọi “con cái loài người” (câu 82); sau đó, hướng chú ý tới Yến Duyên, dân Chúa (câu 83); đoạn hướng về những ai hoàn toàn hiến thân cho Thiên Chúa chẳng những như là những vị tư tế (xem câu 84) mà còn như chứng tá của niềm tin, công lý và chân lý. Họ là những “người tôi tớ Chúa”, “những tinh thần và hồn thiêng của người công chính”, “những con người có lòng khiêm hạ”, và nơi họ có ba người trẻ là Hananiah, Azariah và Mishael, thành phần đã lên tiếng thay cho tất cả mọi tạo vật bằng một lời chúc tụng phổ quát và vĩnh cửu (các câu 85-88).
Ba động từ liên lỉ vang vọng vinh hiển thần linh như trong một kinh cầu là “ca ngợi, chúc tụng, tôn vinh” Chúa. Đây là tinh thần cầu nguyện và ca tụng chân thực, ở chỗ không ngừng tôn tụng Chúa trong hân hoan được tham dự vào ca đoàn tất cả mọi tạo vật.
5.- Chúng ta muốn kết thúc bài suy niệm của chúng ta bằng việc nhường lời cho các Vị Giáo Phụ như Origen, Hyppolitus, Basil of Caesarea, Ambrose of Milan, những vị đã dẫn giải về đoạn kể về sáu ngày tạo dựng (x Gen 1:1-20,4a) bằng việc nối kết đoạn này với chính bài Ca Vịnh của ba người trẻ này.
Chúng ta chỉ đề cập đến lời dẫn giải của Thánh Ambrose, vị mà khi nói về ngày tạo dựng thứ bốn (x Gen 1:14-19), thì cho rằng trái đất lên tiếng nói, và khi nghĩ về mặt trời, thì thấy tất cả mọi tạo vật hiệp nhất nên một trong việc chúc tụng Thiên Chúa: “Thật vậy, mặt trời tốt lành, vì nó phục vụ cho chúng ta, giúp cho chúng ta sinh hoa kết trái, nuôi dưỡng hoa trái của chúng ta. Nó được ban cho chúng ta vì thiện ích của chúng ta, và tùy thuộc vào tôi mà tiêu hao. Nó than van với tôi, vì việc loài người được thừa nhận làm con cái và được cứu chuộc, nhờ đó chúng ta có thể được giải thoát khỏi cảnh làm tôi nô lệ. Bên cạnh tôi, nó cùng tôi chúc tụng Đấng Hóa Công, cùng với tôi nó dâng lên Chúa là Thiên Chúa của chúng ta bài thánh thi. Nơi đâu mặt trời ca ngợi thì ở đó cùng với tôi trái đất ngợi ca, cây trái ca ngợi, thú vật ngợi ca, chim muông ca ngợi” (“I Sei Giorni della Creazione” SAEMO, I, Milan-Rome, 1977-1994, pp 192-193).
Không một vật nào bị loại trừ ra khỏi việc ngợi ca Chúa hết, kể cả những con khổng thú ngoài biển khơi (x Dan 3:79). Thật vậy, Thánh Ambrôsiô tiếp tục: “Ngay cả rắn rết cũng chúc tụng Chúa, vì bản tính và tính chất của chúng hiện lên trước mắt chúng ta một vẻ đẹp nào đó và tỏ cho chúng ta thấy cái chân chính của chúng” (Ibid., pp. 103-104).
Là loài người, chúng ta lại càng có lý để hợp tiếng hân hoan và tin tưởng của mình với cuộc hòa tấu chúc tụng này, bằng một đời sống nhất tâm và thành tín.
(Cuối phần Triều Kiến Chung, ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)“Anh Chị Em thân mến,
Bài Ca Vịnh về 3 người trẻ bị Vua Babylon kết án thiêu sống trong hỏa lò là một bài kinh cầu trang trọng chúc tụng Thiên Chúa Hóa Công. Bài Ca Vịnh này phác tả một cuộc rước cả thể của thiên nhiên bao gồm toàn thể vũ trụ hợp tiếng ca tụng vinh quang Thiên Chúa. Như tất cả mọi lời cầu nguyện chân thực, bài Ca Vịnh này là một hân hoan cử hành việc quan phòng của Thiên Chúa, một bài thánh thi tạ ơn về muôn vàn phúc lành của Ngài, và là một hành động làm sống al5i đức tin giữa khổ đau và bách hại”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 10/7/2002)