Bài 47 (Thứ Tư 17/7/2002)
Kinh “Te Deum”
Cựu Ước.
(Thánh Vịnh 148, Kinh Ban
Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Ba)
1.- Thánh Vịnh 148, bài thánh vịnh vừa được dâng lên Thiên Chúa, thực sự là một
"Ca Vịnh của các tạo vật", một thứ Kinh Tạ Ơn Te Deum của Cựu Ước, một bản
alleluia hoàn vũ bao gồm hết mọi sự và hết mọi người trong việc chúc tụng thần
linh. Đó là lý do một nhà dẫn giải hiện đại đã nhận định là "Vị Tác Giả Thánh
Vịnh, khi gọi đích danh chúng, đã đặt các hữu thể theo thứ tự: Trên có bầu trời
với hai thiên thể về thời gian, rồi tới các tinh tú; chỗ này có cây ăn trái, chỗ
kia có những cây trắc bá; các rắn rết một nơi, chim chóc ở một chỗ; nơi thì các
hoàng gia chỗ thì đám dân chúng; những con người trẻ nam nữ như nắm lấy tay nhau
theo hàng lối sánh đôi... Thiên Chúa đã thiết lập nên chúng, ban cho chúng vị
trí cùng với nhiệm vụ của chúng; con người lãnh lấy chúng, cho chúng chỗ đứng
trong ngôn từ, nhờ đó đưa chúng vào việc cử hành phụng vụ. Con người là "mục tử
của hữu thể" hay là phụng viên của tạo vật" (Luis Alonso Schokel, "Trenta salmi:
poesia e preghiera" [Thirty Psalms: Poetry and Prayer], Bologna, 1982, p. 499).
Chúng ta cũng hãy tham gia vào ca đoàn hoàn cầu này, một ca đoàn âm vang cả bầu
trời cao và lấy toàn thể hoàn vũ làm đền thờ. Chúng ta hãy hô hấp theo hơi thở
của lời chúc tụng được toàn thể tạo vật dâng lên Đấng Hóa Công của chúng.
2.- Trên trời, chúng ta hợp với những ca sĩ của một vũ trụ tinh cầu, đó là những
thiên thể xa cách, ca đoàn của các thần trời, mặt trời và mặt trăng, những tinh
tú sáng ngời, "các tầng trời cao thẳm" (câu 4), tức là cái không khoảng tinh cầu,
có nước ở trên, yếu tố được con người của Thánh Kinh nghĩ rằng được tích tụ nơi
những nơi chứa trước khi rơi xuống trái đất như mưa.
Bài alleluia này, tức là lời mời gọi "hãy chúc tụng Chúa", vang vọng ít là 8 lần
và lấy tình trạng thứ tự cùng hòa hợp của các thiên thể làm đích điểm cuối cùng
của mình ("hãy trao cho chúng những việc làm không bao giờ thay đổi") (câu 6).
Ánh mắt của chúng ta hướng về chân trời trái đất, nơi diễn hành một đoàn rước đủ
loại ca sĩ, ít là 22 kẻ, tức là một thứ mẫu tự chúc tụng, rải rắc khắp hành tinh
của chúng ta đây. Chỗ này có các con khổng thú biển khơi cùng với những vực sâu
thẳm, biểu hiệu cho tình trạng giao động của nước, một tình trạng giao động bắt
nguồn cho việc hình thành trái đất (Ps 23 [24]:2), theo quan niệm thiên văn học
của giống người Semites thời xưa.
Thánh Giáo Phụ Basiliô nhận định là "Không phải Vị Tác Giả Thánh Vịnh cho rằng
ngay cả vực sâu cũng có thể chiêm ngưỡng, khi ông bao gồm vực sâu trong ca đoàn
tổng hợp của tạo vật, mà còn hơn thế nữa, bằng ngôn ngữ của riêng mình, một thứ
ngôn ngữ làm hoàn trọn bài thánh thi một cách hòa hợp để dâng lên Đấng Hóa Công"
("Homiliae in hexaemeron", III, 9: PG 29, 75).
3.- Đoàn diễn hành tiếp tục với các tạo vật tuộc về khí tượng, như chớp sáng và
vụn đá đông, tuyết và hơi sương, gió bão, một yếu tố được coi như là vị sứ giả
tốc hành của Thiên Chúa (Ps 148:8).
Thế rồi núi đồi xuất hiện, những thứ vẫn thường được coi như là những tạo vật cổ
kính nhất địa cầu (câu 9a). Loài thảo mộc được tiêu biểu bởi những cây ăn trái
và cây hương bá (câu 9b). Loài thú vật thì được tiêu biểu bởi những con hoang
thú và gia xúc, những rắn rết và chim bay (câu 10).
Xuất hiện sau cùng là loài người, thành phần chủ sự việc phụng vụ của tạo vật.
Họ được tiêu biểu bởi mọi thứ lứa tuổi và khác biệt, như phụ nữ, giới trẻ và
giới già, hoàng gia, vua chúa và quốc gia (11-12).
4.- Giờ đây chúng ta hãy trao cho Thánh Gioan Kim Khẩu công việc ném một cái
nhìn tổng quan về ca đoàn vĩ đại này. Thánh nhân thực hiện điều này bằng những
lời lẽ cũng liên quan đến Ca Vịnh về ba người trẻ ở trong hỏa lò được chúng ta
suy niệm tuần vừa rồi.
Vị đại Giáo Phụ và Thượng Phụ Giáo Chủ Constantinople này xác nhận rằng: “Vì
tinh thần thật chân chính của mình, các thánh nhân, khi sắp sửa dâng lời cảm tạ
Thiên Chúa, thì thường kêu gọi nhiều người tham dự vào việc chúc tụng với mình,
huấn dụ họ hãy cùng nhau tham gia với các vị vào việc phụng vụ tuyệt vời này.
Điều này cũng đã được ba người trẻ làm trong hỏa lò, khi họ kêu gọi toàn thể tạo
vật hãy chúc tụng và hát những bài thánh thi dâng lên Thiên Chúa về những ơn ích
đã được nhận lãnh (Dan 3).
Bài Thánh Vịnh này cũng làm giống như vậy, cũng kêu gọi cả các phần bộ thế giới,
phần bộ bên trên và phần bộ bên dưới, thành phần cảm giác và thành phần tri thức.
Tiên tri Isaia cũng làm như thế, khi tiên tri nói: “Hãy hát vang, Ôi các tầng
trời, và hãy mừng vui, Ôi trái đất, hãy cất tiếng hát, hỡi núi non các ngươi. Vì
Chúa an ủi dân Ngài và tỏ tình thương của Ngài với thành phần hoạn nạn của Ngài”
(Is 49:13). Chính Sách Thánh Vịnh còn bộc lộ như sau: “Khi dân Yến Duyên ra khỏi
nước Ai Cập, nhà Giacóp ra khỏi một thứ dân xa lạ… thì núi nhẩy nhót như cừu;
đồi nhẩy mừng như chiên” (Ps 113[114]:1,4). Trong Sách Tiên Tri Isaia còn có câu:
“Ôi các tầng trời, từ trên cao hãy đổ công lý xuống như sương” (Is 45:8). Thật
vậy, các thánh nhân, vì tự cảm thấy mình thiếu hụt trong việc dâng lời chúc tụng
lên Chúa nên mới ‘nhìn toàn diện chung quanh mình kêu gọi tất cả mọi sự tham gia
vào việc lên bài thánh thi chung’” (“Expositio in psalmum” CXLVIII: PG 55,
484-485).
5.- Chúng ta cũng được mời gọi để tham gia vào ca đoàn vĩ đại này, trở thành một
tiếng nói rõ ràng của hết mọi tạo vật mà chúc tụng Thiên Chúa theo hai chiều
kích nồng cốt thuộc mầu nhiệm của Ngài. Một đàng thì chúng ta phải tôn kính sự
cao cả siêu việt của Ngài, “vì chỉ một mình danh Ngài mới đáng được tôn tụng; uy
nghi cao cả trên mặt đất cũng như tầng trời”, như được bài Thánh Vịnh của chúng
ta nói tới (câu 13). Đàng khác, chúng ta hãy nhìn nhận sự thiện hảo chiếu rạng
của Ngài, vì Thiên Chúa gần gữi với các loài tạo vật của Ngài và đặc biệt đến để
trợ giúp dân Ngài. “Ngài đã làm mọc lên cho dân Ngài một cái xừng, vì dân Yến
Duyên gần gữi Ngài” (câu 14), như được Tác Giả Thánh Vịnh tái xác nhận.
Giờ đây, trước Đấng Hóa Công toàn năng và thương xót, chúng ta hãy theo lời mời
gọi của Thánh Âu Quốc Tinh để chúc tụng, tôn vinh và mừng chúc Ngài nơi hai việc
Ngài làm: “Khi anh em nhận thấy các tạo vật này, anh em cảm thấy thích thú chúng
và hướng về Nhà Nghệ Sĩ làm nên hết mọi sự cũng như hết mọi vật được tạo thành,
nhờ đó anh em chiêm ngưỡng một cách ý thức các ưu phẩm vô hình của Ngài, rồi mới
thốt lên lời thú nhận dưới đất cũng như trên trời… Nếu các tạo vật tuyệt vời thì
Đấng Hóa Công phải tuyệt vời hơn thế nữa” (“Expositions on the Psalms” –
“Esposizioni sui Salmi”, IV, Rome, 1977, pp. 887-889).
(Cuối phần Triều Kiến Chung,
ĐTC đã tóm tắt bài giáo lý bằng tiếng Anh như sau:)
Anh Chị Em thân mến,
Thánh Vịnh 148 là một bài ca “Alleluia” hoàn vũ hùng vĩ. Tất cả mọi tạo vật –
mọi sự trên trời, dưới đất và trong lòng đất – được kêu gọi hất khen chúc tụng
Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành của tất cả mọi sự hiện hữu. Tiếng nói của chúng ta
nữa cũng hợp giọng với ca đoàn vĩ đại này để chúc tụng Chúa. Ngài ở trên tất cả
mọi tạo vật, và tình yêu của Ngài đối với chúng ta vô cùng tận.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh,
BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 17/7/2002)