Bài 48 (Thứ Tư 28/8/2002)
Trông Mong Vị Chúa Của Sự Sống
(Thánh Vịnh 83 [84], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)
1.- Chúng ta tiếp tục cuộc hành trình của chúng ta với những bài Thánh Vịnh của phụng vụ giờ kinh ban mai. Vậy chúng ta đã nghe bài Thánh Vịnh 83 (84), bài thánh vịnh được truyền thống Do Thái gán cho “những người con của Korah”, một gia đình tư tế tham dự việc cử hành phụng vụ và canh giữ cửa lều hòm bia giao ước (x 1Cor 9:19).
Đây là một bài ca duyên dáng nhất, thấm nhiễm một nỗi lòng trông mong vị Thiên Chúa của sự sống, Đấng được lập đi lập lại (câu 2-4, 9, 13), với tên gọi là “Chúa các Đạo Binh”, tức là Chúa của các tầng trời và vì thế cũng là Chúa của vũ trụ. Ngoài ra, danh xưng này có dính dáng đặc biệt với hòm bia trong đền thờ, được gọi là “hòm bia của Chúa các đạo binh, Đấng ngự trên thần cherubim” (1Sam 4:4; x Ps 79[80]:2). Thật vậy, hòm bia là dấu chỉ của việc Thiên Chúa bảo vệ trong những ngày hiểm nguy và chiến tranh (x 1Sam 4:3-5; 2Sam 11:11).
Bối cảnh của toàn bài Thánh Vịnh này được tiêu biểu bằng đền thờ với đoàn tín hữu hành hương đang tiến về đó. Thời tiết bấy giờ dường như là mùa thu, vì có chi tiết nói đến “những cơn mưa đầu mùa” làm dịu nhiệt độ thiêu đốt của mùa hè (x câu 7). Bởi thế mà người ta có thể nghĩ đến đoàn hành hương đến Sion tham dự cuộc lễ thứ ba trong năm của dân Do Thái, đó là lễ Capanne, một lễ tưởng nhớ cuộc hành trình của dân Do Thái trong sa mạc.
2.- Ngôi đền thờ hiện lên với tất cả vẻ thu hút của mình ở đầu và cuối bài Thánh Vịnh. Ở phần mở đầu (x câu 2-4), chúng ta thấy hình ảnh tuyệt vời và sắc nét về những con chim đang làm tổ của mình nơi cung thánh, một đặc ân đáng thèm khát.
Đây là biểu hiệu của hạnh phúc cho tất cả những ai – chẳng hạn như các vị tư tế trong đền thờ – được ở cố định trong Nhà Thiên Chúa, hoan hưởng cái gần gũi và an bình của nơi này. Thật vậy, toàn thể con người của tín hữu vươn tới Chúa, được thôi thúc bởi một ước vọng về thể lý và theo bản năng nhất: “Linh hồn tôi trông mong khát vọng những cung đường của Chúa. Tâm hồn và xác thịt tôi kêu lên Vị Thiên Chúa hằng sống” (câu 3). Thế nên, ngôi đền thở đã tái xuất hiện ở cuối bài thánh vịnh (câu 11-13). Con người hành hương bày tỏ niềm hạnh phúc lớn lao của mình trong việc ở nơi những cung đường nhà của Thiên Chúa một thời gian, cũng như bày tỏ những tương phản của niềm hạnh phúc linh thiêng này với những ảo vọng về ngẫu tượng dẫn con người đến “những túp lều của kẻ gian ác”, tức là đến những ngôi đền thờ đồi bại của bất chính và hư hỏng.
3.- Cung thánh của Thiên Chúa mới có ánh sáng, sự sống và niềm vui, và “phúc cho những ai” là người “tin tưởng vào Chúa”, theo đường nẻo công minh chính trực (câu 12-13). Hình ảnh về con đường này đưa chúng ta đến tâm điểm của bài Thánh Vịnh (câu 5-9), nơi làm cho cuộc hành hương có một ý nghĩa sâu xa hơn nữa. Phúc cho ai vững vàng ở trong đền thờ, phúc hơn cho ai quyết tâm chấp nhận cuộc hành trình đức tin tiến về Giêrusalem.
Khi dẫn giải về bài Thánh Vịnh 83 (84) này, các Vị Giáo Phụ cũng đặc biệt nhấn mạnh đến câu 6: “Phúc thay những ai tìm nương tựa nơi Chúa, lòng họ đang ở trên con đường hành hương”. Những bản dịch đầu tiên của Sách Thánh Vịnh đã nói về việc quyết tâm hoàn tất “những cuộc thẳng tiến” về Thành Thánh. Bởi thế, đối với các Vị Giáo Phụ, việc hành hương đến Sion đã trở thành một biểu hiệu cho thấy một cuộc tiến hành liên tục của người công chính tiến đến “những lều vĩnh cửu”, nơi Thiên Chúa hết sức vui mừng tiếp nhận các người bạn của Ngài (x Lk 16:9).
Chúng ta muốn suy nghĩ một chút về “cuộc thăng tiến” thần nhiệm này, một cuộc thăng tiến thể hiện nơi hình ảnh và dấu hiệu của cuộc hành trình trần thế. Và chúng ta sẽ thực hiện việc suy nghĩ này bằng những lời của một cây bút Kitô giáo thuộc thế kỷ thứ bảy, đó là đức đan viện phụ đan viện Sinai.
4.- Vị này là John Climacus, người đã giành trọn bản luận đề “Cái Thang Thiên Đình” để trình bày cho thấy những bước vô số kể mà cuộc sống thiêng liêng cần phải tiến lên. Ở phần cuối của luận đề của mình, tác giả nhường lời cho chính đức bác ái là những gì được đặt ở đỉnh của cái thang tiến hành thiêng liêng này.
Chính đức bác ái là đức kêu mời và huấn dụ, đức cho thấy những tình cảm và thái độ như đã được nêu lên trong bài Thánh Vịnh của chúng ta đây: “Hỡi anh em, hãy tiến lên, hãy thăng tiến. Anh em ơi, hãy vun trồng trong lòng mình ước vọng tha thiết lúc nào cũng muốn thăng tiến (câu 6). Hãy lắng nghe những lời kêu mời là ‘Hãy đến, chúng ta hãy tiến lên núi của Chúa và lên nhà của Thiên Chúa chúng ta’ (x Is 2:3), chớ gì chúng ta nhanh nhân chạy rảo như nai, và chớ gì chúng ta được chỉ cho thấy đích điểm của một nơi chốn cao sang, để nhờ theo đường lối của Ngài, chúng ta sẽ đạt được chiến thắng (x Ps 17:33). Bởi thế, như đã được ghi chép, chúng ta hãy mau mắn, trong khi tất cả chúng ta chưa nhìn thấy nhan Thiên Chúa trong sự hiệp nhất của đức tin, và khi nhận ra Ngài, chúng ta cũng chưa đạt tới con người thành toàn theo tầm vóc trọn vẹn của Chúa Kitô (x Eph 4:13)” (“Cái Thang Thiên Đình, Rome, 1989, p. 355).
5.- Vị Tác Giả Thánh Vịnh trước hết đang nghĩ về cuộc hành hương cụ thể đến Sion từ các miền lân cận ở Đất Thánh. Ông thấy mưa rơi như niềm ngưỡng vọng hướng về những phúc lành hoan lạc là những gì sẽ bao bọc ông như một chiếc áo choàng (83:7) khi ông ra trước nhan Thiên Chúa trong đền thờ (câu 8). Cuộc hành trình mệt nhọc qua “thung lũng châu lệ” (câu 7) được biến đổi bởi niềm xác tín Thiên Chúa là cùng đích, Ngài là Đấng ban sức lực (câu 8), Đấng nghe những tiếng kêu xin của tín hữu (câu 9), và là Đấng trở thành “thuẫn đỡ” chở che họ (câu 10).
Cuộc hành hương cụ thể thực sự được biến đổi theo chiều hướng này – như được Các Vị Giáo Phụ trực cảm thấy – được biến thành một ngụ ngôn cho cả cuộc sống, một cuộc hành hương giữa khoảng cách xa tới chỗ thân mật với Thiên Chúa, giữa mầu nhiệm đến tỏ hiện. Ngay cả trong sa mạc của cuộc sống hằng ngày, sáu ngày làm việc trong tuần sinh hoa kết trái, được soi sáng và thánh hóa bởi cuộc hội ngộ với Thiên Chúa vào ngày thứ bảy ở việc cử hành phụng vũ và cầu nguyện.
Bởi thế, chúng ta cũng hãy bước đi khi chúng ta còn ở trong “thung lũng châu lệ” này, gắn mắt chúng ta vào cùng đích chói ngời của an bình và hiệp thông. Chúng ta cũng lập lại trong lòng mình niềm hạnh phúc cuối cùng theo kiểu câu đối ca nổi bật của bài Thánh Vịnh: “Ôi Chúa các đạo binh, phúc thay những ai tin tưởng nơi Chúa” (câu 13).Anh Chị Em Thân Mến,
Thánh Vịnh 83 là một bản thánh thi ca về lòng mong mỏi thần nhiệm Chúa của sự sống. Bài Thánh Vịnh này gợi lên cho thấy một cuộc hành hương tiến về Đền Thờ, cung thánh của Thiên Chúa hằng sống, nơi tín hữu tìm thấy ánh sáng, sự sống và niềm vui. Trong nơi cung thánh này, Chúa Các Đạo Binh không rời xa dân của Ngài nữa, nhưng đến với họ bằng một mối thân tình mật thiết. Như Tác Giả Thánh Vịnh, chúng ta cũng phải hướng về vị Chúa của sự sống, và trong đức tin, chúng ta bước đi trên con đường đầy ánh sáng dẫn đến bình an và hiệp thông với Thiên Chúa của chúng ta.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 28/8/2002)