Bài 49 (Thứ Tư 4/9/2002)
Tân Đô của Thiên Chúa, Trung Tâm của Nhân Loại
(Ca Vịnh Isaia 2, Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)
1.- Phụng vụ giờ kinh ban mai hằng ngày bao giờ cũng có một bài Ca Vịnh trong Cựu Ước thêm vào các Bài Thánh Vịnh. Bên cạnh Sách Thánh Vịnh, một cuốn sách cầu nguyện thực sự và xứng hợp của dân Do Thái cũng như của Giáo Hội sau đó, cũng còn một loại “Sách Thánh Vịnh” khác rải rác nơi các trang Thánh Kinh thuộc loại lịch sử, tiên tri và khôn ngoan. Loại “Sách Thánh Vịnh” khác này bao gồm các bài thánh thi ca, những lời cầu khẩn, những lời chúc tụng và những lời kêu xin, thường có vẻ đẹp cao cả và tính cách linh thiêng.Trong cuộc hành trình của chúng ta trải qua các bài cầu nguyện phụng vụ giờ kinh ban mai, chúng ta đã thấy được nhiều bài cầu nguyện này trong những khúc ca được tản mác trong các trang Thánh Kinh. Giờ đây chúng ta sẽ suy đến một bài thực sự đáng ca ngợi, đó là bài của tiên tri Isaia, một trong những vị đại tiên tri của dân Do Thái sống vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên. Vị tiên tri này là chứng nhân thấy được những giờ khắc khốn khó mà vương quốc Giuđa đã trải qua, thế nhưng ngài cũng là một nhà thơ của niềm hy vọng về Đấng Thiên Sai được tỏ hiện ra nơi một thứ ngôn ngữ thi ca rất hay.
2.- Đây là trường hợp của bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe, bài ca vịnh xuất hiện hầu như ở đầu cuốn sách của vị tiên tri, nơi những câu đầu tiên của Đoạn Thứ Hai, được dẫn nhập bởi lời ghi chú của biên tập gia sau này, với giòng chữ: “Đây là những gì Isaia con của Amoz thấy liên quan đến Giuđa và Giêrusalem” (2:1). Bởi thế, bài thánh thi ca này được cưu mang như là một viễn ảnh tiên tri cho thấy tận cùng của lịch sử Do Thái đang hy vọng tiến tới. Không phải là ngẫu nhiên mà đã có những lời đầu tiên được viết là: “Trong những ngày tới” (câu 2), tức là, vào lúc thời gian viên trọn. Thế nên, nó là một lời mời gọi không dính dáng gì đến cái hiện tại thật là thảm thương, thế nhưng lại là lời mời gọi trực giác được nơi những biến cố hằng ngày về sự hiện diện nhiệm mầu của tác động thần linh, tác động dẫn dắt lịch sử tiến đến một chân trời chói sáng và an bình khác hẳn.“Viễn ảnh” có mầu sắc thiên sai ấy sau này còn được lập lại ở Đoạn 60 của cùng cuốn sách, nơi một cảnh trí lớn lao hơn, chứng tỏ cho thấy một suy tư sâu xa hơn về những lời chính yếu và phấn khởi của vị tiên tri, chính là những lời của Bài Ca Vịnh vừa được công bố. Tiên tri Micah (x 4:1-3) sẽ lập lại cùng bài thánh thi ca này, dù có đoạn kết khác (x 4:4-5) với lời của tiên tri Isaia (x 2:5).
3.- Ở trung tâm “viễn ảnh” của tiên tri Isaia này hiện lên ngọn Núi Sion là ngọn núi sẽ vươn lên một cách bóng bẩy trên tất cả mọi ngọn núi khác, được Thiên Chúa ngự trị, nhờ đó sẽ là nơi giao tiếp với trời cao (x Kgs 8:22-53). Tứ đó, theo lời tiên tri Isaia ở đoạn 60:1-6, sẽ có một thứ ánh sáng phát tỏa làm tan biến bóng tối và sẽ có một đoàn lũ dân chúng từ khắp cùng tận trái đất tiến về với ánh sáng này.
Mãnh lực thu hút của Núi Sion ấy là do hai thực tại phát xuất từ núi thánh Giêrusalem: đó là Lề Luật và Lời Chúa. Thật vậy, hai điều này tạo nên một thực tại duy nhất là nguồn mạch sự sống, ánh sáng và bình an, những biệu hiện cho mầu nhiệm và ý muốn của Ngài. Khi các dân nước tiến đến đỉnh Núi Sion, nơi đền thờ Thiên Chúa mọc lên, bấy giờ sẽ xẩy ra phép lạ là những gì nhân loại luôn đợi trông và khát vọng. Con người sẽ bỏ khí giới xuống, những thứ sẽ được tập trung lại để đúc thành những khí cụ hoạt động cho hòa bình: gươm kiếm sẽ biến thành lưỡi cầy, và đao thương thành liềm hái. Thế là chân trời an bình hiện lên, chân trời của Shalom (x Is 60:17), như được người Do Thái nói, một từ ngữ rất hay nhất là đối với loại thần học về thiên sai. Cuối cùng thì màn chiến tranh và thù hận đã được hạ xuống.
4.- Lời của tiên tri isaia được kết thúc bằng một lời kêu gọi hợp với linh đạo của những bài ca hành hương tiến về Giêrusalem: “Ôi nhà Giacóp, hãy đến, chúng ta hãy bước đi trong ánh sáng của Chúa” (2:5). Dân Do Thái không được đóng vai trò bàng quan với cuộc biến đổi lịch sử sâu xa này; họ không thể tách mình khỏi lời mời gọi được vang động ở khúc đầu trên môi miệng dân chúng: “Hãy đến, nào chúng ta hãy trèo lên núi Chúa” (câu 3).
Bài Ca Vịnh Isaia này cũng thách đố cả Kitô hữu chúng ta nữa. Khi dẫn giải bài ca vịnh này, các vị Giáo Phụ ở thế kỷ thứ 4 và 5 (như Thánh Basiliô Cả, Thánh Gioan Kim Khẩu, Theodoret ở Cyprus, Thánh Cyrilô Alexandria), đã thấy bài ca vịnh an2y được nên trọn nơi việc xuất hiện của Chúa Kitô. Bởi thế, các vị đồng hóa với Giáo Hội “ngọn núi của đền thờ Chúa… được xây trên đỉnh của các ngọn núi”, ngọn núi mà Lời Chúa từ đó được lan truyền, cũng là ngọn núi các dân ngoại tuốn về, trong một kỷ nguyên của an bình được Phúc Âm khai mở.
5.- Thánh Justinô tử đạo, trong cuốn “Prima Apologia” của mình, được viết vào khoảng năm 153, đã công bố việc nên trọn của bài Ca Vịnh này như sau: “Từ Giêrusalem phát xuất lời CHúa” (câu 3). Thánh nhân viết: “Từ Giêrusalem có những con người sẽ đi vào thế giới, với một con số là 12 vị; và các vị là thành phần thất học; các vị không biết nói năng ra sao, nhưng nhờ quyền năng của Thiên Chúa, các vị đã tỏ cho cả nhân loại biết rằng các vị được Chúa Kitô sai đi để giảng dạy cho tất cả mọi người Lời Thiên Chúa. Và chúng ta, thành phần trước đây thường sát hại nhau, giờ đây không còn đánh nhau với quân thù của mình nữa, trái lại, vì không muốn dối trá và lừa đảo những kẻ chất vấn chúng ta, chúng ta sẵn lòng chết đi để tuyên xưng Chúa Kitô” (39,3: “Gli apologeti greci”, Rome, 1986, p.118).
Ví lý do đó, Kitô hữu chúng ta tiếp nhận một cách đặc biệt lời kêu gọi của vị tiên tri này và tìm cách đặt nền tảng cho một thứ văn minh yêu thương và hòa bình không còn chiến tranh, “không còn chết chóc hay than van, khóc lóc hay đớn đau, (vì) trật tự cũ đã qua đi rồi” (Rev 21:4).
Anh Chị Em thân mến,
Bài đọc hôm nay về Ca Vịnh Isaia là một viễn ảnh tiên tri về những ngày sau hết, khi mà tất cả mọi dân nước tuôn đến núi Chúa. Bấy giờ cuối cùng thế giới sẽ tìm thấy hòa bình nơi việc tuân phục lề luật và lời của Ngài. Viễn ảnh này là lời mời gọi hy vọng và tin tưởng nơi dự án cứu độ của Thiên Chúa. Kitô hữu thấy niềm hy vọng này được nên trọn nơi Chúa Giêsu Kitô cũng như nơi Giáo Hội. Trong mầu nhiệm về Giáo Hội, tất cả nhân loại được xích lại gần Thiên Chúa và thông phần hòa bình do Chúa Kitô mang đến. Đồng thời, tất cả mọi người cũng được triệu tập đến để hoạt động cho một thế giới hòa giải, công chính và an bình hơn bao giờ hết.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 4/9/2002)