Bài 50 (Thứ Tư 18/9/2002)

 

Hãy Tôn Thờ và Chúc Tụng Vua Vũ Trụ


(Thánh Vịnh 95 [96], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Ba)
 

1.- “Hãy nói lên giữa các dân nước rằng ‘Chúa là vua’”. Lời huấn dụ này trong bài Thánh Vịnh 95 [96] (câu 10) chúng ta vừa công bố, có thể nói, đã nói lên cho thấy cung điệu bao trùm cả bài thánh thi ca ấy. Thật vậy, bài này là một trong những bài Thánh Vịnh được gọi là bài thánh vịnh về Vị Chúa Là Vua, trong đó có các bài Thánh Vịnh 95-98 [96-99] cũng như bài 46 [47] và 92 [93].

Trong quá khứ, chúng ta đã có dịp để thấy và chú giải về bài Thánh Vịnh 92 [93], và chúng ta thấy rằng những bài ca vịnh này được tập trung vào hình ảnh cao cả của Thiên Chúa, Đấng cai trị toàn thể vũ trụ và quản trị lịch sử loài người.

Thánh Vịnh 95 [96] cũng tôn tụng cả Đấng Hóa Công của các hữu thể lẫn Đấng Cứu Thế của các dân nước, ở chỗ, Thiên Chúa đã thiết lập thế giới “không khi nào bị chuyển lay. Thiên Chúa cai trị các dân nước cách công bình” (câu 10). Thật vậy, theo nguyên ngữ Do Thái, động từ trong thực tế lại có nghĩa là “quản trị” được chuyển dịch (đôi khi) là “phân xử”. Bởi vậy, chúng ta chắn chắn sẽ không bị bỏ rơi cho các thứ quyền lực náo động hay ngẫu nhiên tăm tối, thế nhưng hằng ở trong tay của một Vị Vương Chủ công minh và nhân ái.

2.- Bài Thánh Vịnh được bắt đầu với lời hoan hỉ mời gọi hãy chúc tụng Thiên Chúa, một lời mời gọi hướng ngay đến một chân trời hòan vũ: “Hỡi toàn thể trái đất, hãy ngợi khen Chúa” (câu 1). Tín hữu được mời gọi để “tuyên dương vinh hiển” Thiên Chúa “giữa các dân nước”, và sau đó nói với “tất cả mọi dân nước” hãy công bố “những việc lạ lùng của Thiên Chúa” (câu 3). Tác Giả Thánh Vịnh thực sự đã trực tiếp xin “gia đình các dân nước” (câu 7) trong việc mời gọi họ hãy tôn vinh Chúa. Sau hết, vị tác giả này xin thành phần tín hữu hãy nói “giữa các dân nước rằng Chúa là vua” (câu 10), và xác định rõ Chúa “cai trị các dân tộc” (câu 10), “thế giới” (câu 13). Việc hướng về hoàn vũ này rất quan trọng đối với một dân tộc nhỏ bé bị các đế quốc khổng lồ đàn áp. Những dân tộc này biết rằng Chúa của họ là Thiên Chúa của vũ trụ cũng như “tất cả mọi vị thần linh của các dân tộc đều chẳng làm được gì cả” (câu 5).

Bài Thánh Vịnh này được sáng tác có hai cảnh chính. Phần thứ nhất (câu 1-9) bao gồm một cảnh hiển linh của Chúa “trong nơi thánh của Ngài” (câu 6), tức là nơi Đền Thờ Sion. Cảnh hiển linh này được dẫn đầu và theo sau bằng những bài hát cùng với những lễ nghi tế hiến của cộng đồng tín hữu. Lời chúc tụng được thiết tha dâng lên trước uy nghi thần linh: “Hãy ca ngợi Chúa một bài ca mới… hãy ca ngợi …. Hãy ca ngợi… hãy chúc tụng…. Hãy loan truyền ơn cứu độ của Ngài…. Hãy nói lên vinh quang của Thiên Chúa…. Những việc lạ lùng của Thiên Chúa…. Hãy dâng lên Ngài vinh quang với quyền uy…. hãy dâng lên Chúa hiển vinh…. Hãy mang các tặng vật …. Hãy cúi đầu xuống” (các câu 1-3, 7-9). Cử chỉ cúi mình sâu xa trước Chúa là Vua, Đấng tỏ vinh quang của Ngài nơi lịch sử cứu độ, bởi thế, là một bài ca tôn thờ, ca khen và chúc tụng. Những thái độ này cũng được thể hiện nơi phụng vụ hằng ngày của chúng ta cũng như lời cầu nguyện riêng tư của chúng ta.

3.- Ở tâm điểm của bài ca cộng đoàn này chúng ta thấy một lời tuyên bố phản lại việc tôn thờ ngẫu tượng. Như thế, lời cầu nguyện này tự nó cho thấy nó là một cách thức đạt đến đức tin tinh tuyền, hợp với câu tâm niệm nổi tiếng “lex orandi, lex credendi”: Qui chuẩn của lời cầu nguyện thực sự cũng chính là qui chuẩn của đức tin và kiến thức về chân lý thần linh. Thật vậy, phần thứ hai trong câu tâm niệm này có thể được tỏ ra một cách xác thực qua việc thân mật hiệp thông với Thiên Chúa được cảm nghiệm được nơi việc cầu nguyện.

Vị Tác Giả Thánh Vịnh công bố rằng “Vì Chúa cao cả và rất đáng ngợi khen, đáng kính sợ hơn hết mọi thần linh. Vị các vị thần linh của tất cả mọi dân nước chẳng làm gì được cả, song Vị Chúa này đã tác tạo nên các tầng trời” (câu 4-5). Nhờ phụng vụ và việc nguyện cầu, đức tin của hết mọi thế hệ được tinh tuyền, những ngẫu tượng được con người cúng tế trong đời sống thường ngày bị loại bỏ, đi từ chỗ sợ hãi trước đức công minh siêu việt của Thiên Chúa đến thực sự cảm nghiệm thấy tình yêu của Ngài.

4.- Thế là chúng ta tiến sang cảnh thứ hai, một cảnh mở ra bằng lời công bố đức trung thành của Chúa (xem các câu 10-13). Giờ đây tới lượt vũ trụ ca khen, bao gồm hầu hết những yếu tố kỳ diệu và tối tăm nhất của nó, như biển khơi theo quan niệm thánh kinh cổ kính: “Các tầng trời hãy hân hoan và trái đất hãy vui mừng; biển khơi cùng với những gì thuộc biển khơi hãy vọng tiếng; đồng bằng cùng với tất cả những gì thuộc về no hãy hoan hỉ. Rồi tất cả mọi cây rừng hãy vui mừng trước Vị Chúa đang đến, đến quản trị trái đất” (các câu 11-13).

Thánh Phaolô về sau còn nói cả thiên nhiên cùng với con người “ngong ngóng đợi chờ… để được thoát khỏi cảnh nô lệ tình trạng hư hoại mà được thông phần với tình trạng tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa” (Rm 8:19,21).

Ở điểm này, chúng ta sẽ giành chỗ cho những gì các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội viết về bài Thánh Vịnh này, những vị thấy nơi bài thánh vịnh tiền thân của biến cố nhập thể và tử giá, một dấu hiệu trung thành tương khắc nơi Chúa Kitô.

5.- Vậy, ở đoạn đầu của bài nói ở Constantinople trong mùa Giáng Sinh năm 379 hay 380 gì đó, Thánh Gregory Nazianzen đã lấy một số diễn đạt của bài Thánh Vịnh 95 [96] như sau: “Chúa Kitô được sinh ra: Hãy tôn vinh Người! Chúa Kitô đã từ Trời xuống: Hãy đi nghênh đón Người! Chúa Kitô sống trên trái đất: Hãy chỗi dậy! ‘Toàn thể trái đất, hãy ca khen Chúa’ (câu 1), và hãy làm cho hai tư tưởng thành một, đó là ‘Các tầng trời hãy hân hoan và trái đất hãy mừng vui’ (câu 11), vì Đấng thuộc về trời nay trở thành đất” (“Omelie sulla natività”, “Discorso 38” [Hominies on the Nativity, Address 38], 1, Rome, 1983, p.44).

Như thế là mầu nhiệm của lòng trung thành thần linh được thể hiện nơi Biến Cố Nhập Thể. Thật vậy, Người là Đấng cai trị ‘trở nên đất’, Đấng cai trị khiêm hạ đặc biệt trên cây thập giá. Đáng chú ý là có nhiều vị xưa kia đã đọc câu 10 của bài Thánh Vịnh này bằng một tư tưởng hợp với những gì liên hệ tới Kitô học: “Chúa cai trị từ cây gỗ”.

Bởi thế, Bức Thư của Thánh Barnabê đã dạy rằng “triều đại của Chúa Giêsu ở trên cây gỗ” (VIII, 5: “I Padri Apostolici” [The Apostolic Fathers], Rome, 1984, p.198) và Thánh Justine tử đạo, trích bài Thánh Vịnh hầu như toàn diện trong cuốn “Prima Apologia”, đã kết luận bằng việc mời gọi tất cả mọi người hãy vui mừng vì “chúa cai trị từ cây gỗ” thập giá (“Gli apologeti greci” [The Greek Apologists], Rome, 1986, p.121).

Từ địa thế này đã phát ra bài thánh thi ca “Vecilla regis” của nhà thơ Kitô giáo Venanzio Fortunato, trong đó Chúa Kitô được tôn tụng, Đấng cai trị từ trên cao của thập giá, ngai tòa của tình yêu chứ không phải của đô hộ: “Regnavit a ligno Deus”. Thật vậy, ngay từ khi còn tại thế, Chúa Giêsu đã cảnh giác “Ai muốn làm lớn trong các con phải làm đầy tớ các con; ai muốn làm đầu trong các con phải làm đầy tớ của mọi người. Vì Con Người đến không phải để được phục vụ mà là phục vụ và hiến mạng sống mình làm giá chuộc cho nhiều người” (Mk 10:43-45).

Anh chị em thân mến,

Nhiều bài Thánh Vịnh nói về sự cao cả của Thiên Chúa, Đấng bảo trì vũ trụ và quản trị lịch sử loài người chúng ta. Bài Thánh Vịnh 95 mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa được cử hành trong một phụng vụ uy nghi của Đền Thờ trên Núi Sion. Ở đó, một thứ dân nhỏ bé và bị đàn áp đã bày tỏ tất cả niềm cậy trông của mình nơi Vị Thiên Chúa chân thật, cho thấy rằng những vị thần linh của các dân ngoại đều chẳng là gì.

Thế nhưng, chính tất cả vũ trụ mới là những gì tỏ hiện sự cao cả của Thiên Chúa: “biển khơi và tất cả những gì trong đó…. Đất đai và tất cả những gì nó chất chứa” đều cất tiếng hát khen chúc tụng Đấng Hóa Công.

Bởi thế, bài Thánh Vịnh này là một lời mời gọi chúng ta hãy biến lời cầu nguyện cá nhân cũng như phụng vụ thành một bài hát tôn thờ hoan hỉ, ca tụng và chúc phúc cho Đức Vua của chúng ta là Chúa Giêsu, Đấng hiển trị từ trên Cây Thập Giá.

Kết thúc buổi triều kiến chung hằng tuần này, ĐTC đã lên tiếng kêu gọi hòa bình như sau:

“Trong mấy ngày vừa qua, sau những cơn gió chiến tranh đe dọa đảo lộn toàn miền Trung Đông, Tôi lại nhận được tin tức về việc nước Iraq có thể hợp tác với cộng đồng quốc tế một lần nữa. Tôi tha thiết xin anh chị em hãy tiếp tục cầu nguyện để Chúa soi sáng cho các vị lãnh đạo các quốc gia biết hướng về và bảo trì những thái độ thiện tâm, cũng như biết dẫn nhân loại đã chịu đựng quá nhiều sự dữ đến một cuộc chúng sống phi chiến tranh và bạo lực”.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 18/9/2002)