Bài 51 (Thứ Tư 25/9/2002)
Thiên Chúa Thứ Tha và Chờ Đợi Con Người Hoán Cải(Thánh Vịnh 84 [85], Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Ba)
1.- Thánh Vịnh 83 [84] chúng ta vừa công bố là một bài ca hân hoan tràn đầy hy vọng hướng về một tương lai cứu độ. Bài Thánh Vịnh này cho thấy giây phút hớn hở của dân Do Thái từ chốn lưu đầy Babylon trở về lại với mảnh đất của cha ông họ. Sinh hoạt quốc gia được bắt đầu trở lại ở mảnh đất thân yêu đó, một mảnh đất bị thiêu rụi và hủy diệt bởi quân đội của Vua Nebuchadnezzar chiếm thành Giêrusalem năm 586 trước công nguyên.Thật vậy, theo nguyên ngữ Do Thái của bài Thánh Vịnh này thì động từ “shub” được lập đi lập lại, có ý nói đến việc trở về của thành phần bị lưu đầy, song nó cũng còn có nghĩa ám chỉ một cuộc “trở về” thiêng liêng nữa, nghĩa là việc “hoán cải đời sống”. Bởi thế, cuộc tái sinh không nguyên ám chỉ quốc gia mà còn đến cộng đồng tín hữu nữa, thành phần coi việc lưu đầy như là hình phạt bởi tội lỗi đã vấp phạm, cũng là thành phần giờ đây thấy được sự bù đắp và niềm tự do mới như là một ân phúc thần linh, vì việc hoán cải họ thực hiện.
2.- Có thể đọc Bài Thánh Vịnh này theo chiều hướng khai triển ở hai giai đoạn chính yếu. Giai đoạn thứ nhất cho thấy đề tài “trở về” với tất cả ý nghĩa chúng ta vừa đề cập đến.
Trước hết, việc dân Do Thái trở về ở bề ngoài đã được cử hành ở chỗ: “Lạy Chúa, Chúa… đã phục hồi phần phúc cho Giacóp” (câu 2); “Lạy Thiên Chúa là Vị cứu tinh của chúng tôi, xin phục hồi chúng tôi một lần nữa; … Xin ban lại sự sống cho chúng tôi” (câu 5,7). Đây là một tặng ân quí giá của Thiên Chúa, Đấng quan tâm đến việc giải thoát con cái của mình khỏi bị đàn áp và chú ý tới sự thịnh vượng của họ. Thật vậy, “vì Chúa yêu thương tất cả mọi sự hiện hữu… Chúa dung tha cho tất cả mọi sự, vì chúng là của Chúa, Ôi Chúa là Đấng yêu thương các sinh linh” (Wis 11:24,26).
Tuy nhiên, bên cạnh cuộc “trở về” này, một cuộc trở về qui tụ thành phần bị phân tán, còn một cuộc “trở về” khác sâu xa và linh thiêng hơn nữa. Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã đặc biệt chú trọng đến cuộc trở về này, mặc cho nó một tầm mức quan trọng, một tầm mức có giá trị chẳng những cho dân Do Thái xưa mà còn cho thành phần tín trung ở hết mọi thời nữa.
3.- Chúa tác hành một cách hiệu nghiệm nơi cuộc “trở về” này, bằng cách Ngài đã tỏ tình yêu của Ngài ra trong việc thứ tha lỗi lầm của dân Ngài, trong việc xóa bỏ cho họ tất cả mọi tội lỗi, trong việc nguôi giận và hết tức (câu 3-4).
Thật vậy, việc giải thoát khỏi sự dữ, việc thứ tha lỗi lầm, việc thanh tẩy tội lỗi là những gì kiến tạo nên một dân tộc mới cho Chúa. Sự kiện này đã được tỏ bày nơi lời kêu cầu sau đây, lời kêu cầu cũng được nói lên nơi phụng vụ Kitô Giáo: “Lạy Chúa, xin tỏ cho chúng con thấy tình yêu của Chúa; xin ban cho chúng con ơn cứu độ của Chúa” (câu 8)
Tuy nhiên, việc “trở về” của Thiên Chúa là Đấng thứ tha cần phải tương xứng với cuộc “trở về” của con người thống hối, tức là việc họ hoán cải cuộc đời. Thật vậy, bài Thánh Vịnh này nói rằng bình an và ơn cứu độ đã được ban “cho những ai tin tưởng nơi Ngài” (câu 9). Bất cứ ai cương quyết dấn thân theo đường lối thánh thiện đều nhận được ơn sống trong vui mừng, tự do và an bình.
Cần phải để ý là những từ ngữ thánh kinh liên quan đến tội lỗi thường gợi lên cho thấy một con đường lầm lạc, một xa lìa đích nhắm, một lệch lạc với đường ngay nẻo chính. Việc hoán cải cuộc đời thực sự là một “cuộc trở về” với đường ngay nẻo chính là đường nẻo dẫn về nhà Cha, Đấng đợi chờ để ôm lấy chúng ta, để tha thứ cho chúng ta, và để làm cho chúng ta được hạnh phúc (x Lk 15:11-32).
4.- Bởi thế chúng ta tiến sang phần hai của bài Thánh Vịnh (các câu 10-14), phần được truyền thống Kitô giáo rất yêu chuộng. Phần này diễn tả một tân thế giới, trong đó tình yêu Thiên Chúa và lòng thủy chung của Ngài như là những con người ôm lấy nhau; cũng thế, công lý và bình an hội ngộ và hôn nhau. Chân lý bừng nở như trong một mùa xuân mới, và công lý, đối với Thánh Kinh cũng được coi là ơn cứu độ và sự thánh thiện, xuất hiện từ trời để bắt đầu cuộc hành trình của mình giữa nhân loại.
Tất cả mọi nhân đức, đầu tiên đã bị tội lỗi loại trừ khỏi mặt đất, giờ đây trở về với lịch sử và gặp gỡ nhau, phác họa lại tấm bản đồ của một thế giới an bình. Tình thương, sự thật, công lý và bình an hầu như trở thành bốn trụ điểm của địa dư về tinh thần này. Tiên tri Isaia cũng ca lên rằng: “Ôi các tầng trời, hãy để cho công lý như sương sa từ trời rơi xuống, như mưa nhẹ rơi từ bầu trời. Mặt đất hãy mở ra và ơn cứu độ nẩy nở; công lý cũng hãy vươn lên! Ta là Chúa đã làm nên điều này” (Is 45:8).
5.- Những lời của Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã được đọc lên, theo Thánh Irenaues thành Lyon ở thế kỷ thứ hai, như là một lời công bố về “việc phát xuất của Chúa Kitô từ một Người Trinh Nữ” (“Adversus haereses”, III,5,1). Thật vậy, việc xuất hiện của Chúa Kitô là nguồn mạch của tình thương, là sự nẩy mầm của chân lý, là việc nở hoa của công lý, là ánh quang sáng của an bình.
Vì điều này mà bài Thánh Vịnh đây, nhất là phần cuối cùng của bài, đã được đọc lại theo chiều hướng Giáng Sinh của truyền thống Kitô Giáo. Đó là cách Thánh Âu-Quốc-Tinh cắt nghĩa trong bài diễn từ về Giáng Sinh của ngài. Chúng ta hãy để cho thánh nhân kết thúc buổi suy niệm của chúng ta như sau. “’Chân lý xuất phát từ đất’, đó là Chúa Kitô, Đấng đã phán ‘Ta là sự thật’ (Jn 14:6), được sinh ra bởi một Trinh Nữ. ‘Và công lý từ trời xuất hiện’, đó là ai tin vào Người là Đấng đã được sinh ra thì không tự mình công chính hóa mà là được Thiên Chúa làm cho nên công chính. ‘Chân lý xuất phát từ đất’, vì ‘Lời đã hóa thành nhục thể’ (Jn 1:14). “Và công lý từ trời xuất hiện’, vì ‘hết mọi ân sủng tuyệt vời và hết mọi tặng ân hoàn hảo đều từ trên cao ban cho’ (James 1:17). ‘Chân lý xuất phát từ đất’, tức là chân lý mặc lấy một thân thể từ Mẹ Maria. ‘Và công lý từ trời xuất hiện’ vì ‘không ai có thể lãnh nhận bất cứ sự gì trừ khi được ban cho từ trên cao’ (Jn 3:27)” (“Discorsi” [Discourses], IV/I, Rome, 1984, p.11).
Anh Chị Em thân mến,
Thánh Vịnh 84 là một cử hành hân hoan về việc dân Do Thái từ chốn lưu đầy trở về và là một lời mời gọi hãy tiếp tục hy vọng nơi lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. Thành phần Dân Tuyển Chọn chẳng những được mời gọi hãy trở về Đất Hứa mà còn trở về với Chúa bằng đức tin và lòng tuân phục Giao Ước của Ngài nữa. Vị Tác Giả Thánh Vịnh phác họa một tương lai được tình yêu thủy chung của Thiên Chúa làm cho công chính và bình an phát sinh từ mặt đất. Giáo Hội thấy lời tiên tri này được nên trọn nơi việc xuất hiện của Chúa Giêsu Kitô cũng như nơi việc lan tràn Vương Quốc công lý, chân thật và bình an của Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 25/9/2002)