Bài 53 (Thứ Tư 8/10/2002)


Sự Sống của Mỗi Người là Lời Chúc Tụng Thiên Chúa

(Thánh Vịnh 66 [67], Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Ba)
 



1.- Tiếng của vị Tác Giả Thánh Vịnh xưa vừa được xướng lên, vị đã dâng một bài thánh thi ca cảm tạ lên Chúa. Bản thánh thi ca này là một bài ca ngắn ngủi mà xúc tác, một bài ca mở ra một chân trời rộng lớn, cho đến khi chân trời này ôm lấy tất cả mọi dân tộc trên mặt đất này.

Chiều hướng rộng mở này có lẽ đã phản ảnh tinh thần ngôn sứ của giai đoạn sau cuộc lưu đầy ở Babylon, giai đoạn được cho rằng ngay cả những kẻ ngoại bang cũng được dẫn đến cùng Thiên Chúa trên núi thánh của Ngài với tràn đầy niềm hân hoan vui sướng. Những hiến lễ của họ cũng như những lễ dâng toàn thiêu của họ đẹp lòng Thiên Chúa, vì đền thờ Chúa đã trở nên “nhà cầu nguyện cho tất cả mọi dân nước” (Is 56:7).

Trong bài Thánh Vịnh 66[67] còn có cả một ca đoàn hoàn vũ các dân nước nữa được mời gọi để hợp tiếng chúc tụng do dân Do Thái dâng lên trong đền thờ Sion. Thật vậy, luân khúc này đã được lập lại hai lần là “Chớ gì các dân nước hãy chúc tụng Ngài, Ôi Thiên Chúa; chớ gì tất cả mọi dân nước hãy ca ngợi Ngài” (câu 4,6).

2.- Ngay cả những ai không thuộc về cộng đồng được Thiên Chúa tuyển chọn cũng được Ngài kêu gọi, ở chỗ, thật vậy, họ được kêu gọi để nhận biết “đường lối” mà Ngài đã tỏ cho dân Do Thái thấy. “Đường lối” này là dự án cứu độ thần linh, là vương quốc ánh sáng và hòa bình, một vương quốc bao gồm cả các dân ngoại là thành phần cũng được mời gọi để lắng nghe tiếng Gia-Vê Thiên Chúa (x. câu 3). Thành quả của việc lắng nghe tuân giữ này là lòng kính sợ Chúa ở “tận cùng trái đất” (câu 8), một diễn tả không gây nên nỗi sợ hãi cho bằng lòng trọng kính tôn sùng trước mầu nhiệm siêu việt và hiển vinh của Thiên Chúa.

3.- Đoạn mở và kết của bài Thánh Vịnh lập đi lập lại nỗi ước vọng mong được phúc lành thần linh: “Chớ gì Thiên Chúa sủng ái chúng tôi và chúc phúc cho chúng tôi; Chớ gì dung nhan Thiên Chúa tỏ hiện trên chúng tôi… Ôi Chúa Trời, xin Chúa chúc phúc cho chúng tôi. Chớ gì Thiên Chúa cứ mãi chúc phúc cho chúng tôi” (các câu 2,7-8).

Nghe những lời này làm cho chúng ta dễ cảm thấy như vang vọng lời chúc phúc tư tế nổi tiếng đã được Moisen nhân danh Thiên Chúa truyền cho Aaron và giòng dõi chi tộc tư tế: “Xin Chúa chúc phúc cho anh em và gìn giữ anh em! Xin dung nhan của Chúa chiếu sáng trên anh em và tỏ lòng ưu ái với anh em! Xin Chúa nhân ái nhìn đến anh em và ban bình an cho anh em!” (Num 6:24-26).

Vậy, theo vị Tác Giả Thánh Vịnh, phúc lành trên dân Do Thái này sẽ giống như một hạt giống ân sủng và cứu độ, một hạt giống sẽ được trồng cấy trên trái đất khắp thế giới và trong lịch sử, sẵn sàng nẩy mầm mọc nên thành một cây tốt tươi hoa trái.

Chúng ta nghĩ đến lời Chúa hứa với Abraham vào ngày ông được tuyển chọn là: “Ta sẽ làm phát xuất từ ngươi một đại dân tộc, và Ta sẽ chúc phúc cho ngươi; Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao cả, để ngươi trở thành một phúc lành… Tất cả mọi cộng đồng trên trái đất này sẽ tìm thấy phúc lành ở nơi ngươi” (Gen 12:2-3).

4.- Theo truyền thống Thánh Kinh, một trong những tác dụng của phúc lành thần linh có thể cảm nghiệm được đó là tặng ân sự sống, là tặng ân dồi dào phong phú và là tặng ân sinh hoa kết trái.

Bài Thánh Vịnh của chúng ta đây qui chiếu một cách tỏ tường về thực tại cụ thể này, một thực tại cao quí cho cuộc sống, đó là “Mặt đất đã trổ sinh mùa màng” (câu 7). Sự kiện này đã khiến các học giả liên kết bài Thánh Vịnh này với lễ nghi tạ ơn về mùa màng phì nhiêu, dấu hiệu của hồng ân thần linh và là chứng từ cho các dân nước khác về việc Chúa gần gũi với dân Do Thái.

Đoạn Thánh Vịnh này cũng làm cho các Vị Giáo Phụ Hội Thánh chú trọng, những vị đã đi từ chân trời canh nông tới cánh đồng tiêu biểu. Bởi thế, giáo phụ Origen đã áp dụng câu này cho Trinh Nữ Maria cũng như cho Thánh Thể, tức là cho Chúa Kitô, Đấng từ cánh hoa Trinh Nữ xuất thân và trở thành hoa trái có thể ăn được. Theo chiều hướng này thì “mặt đất là Thánh nữ Maria, người đã xuất thân bởi Adong, từ trái đất của chúng ta mà có, từ mầm mống của chúng ta, từ thứ bùn đất này, từ thứ đất xét này”. Trái đất này đã trổ sinh hoa trái: Ở chỗ, những gì đã bị mất mát trên thiên đàng lại được tìm thấy nơi Người Con. “Trái đất đã trổ sinh hoa trái: đầu tiên là một cánh hoa…. Đoạn, nhờ cánh hoa này nó đã sinh hoa kết trái, nhờ đó chúng ta có thể ăn, chúng ta có thể ăn thịt của Người. Anh em có biết trái này là gì chăng? Đó là Đấng Trinh Nguyên của Vị Trinh Nữ, là Chúa của người nữ tỳ, là Vị Thiên Chúa của con người, là Con của Thánh Mẫu, hoa trái của trái đất” ("74 Omelie sul libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of the Psalms], Milan, 1993, p. 141).

5.- Chúng ta kết thúc bằng những lời của Thánh Âu Quốc Tinh trong cuốn dẫn giải Thánh Vịnh của thánh nhân. Thánh nhân đã cho hoa trái mọc lên từ trái đất này là một thứ tin mừng được ân sủng làm nẩy sinh nơi con người khi Chúa Kitô đến, là một thứ tin mừng ăn năn hoán cải và là hoa trái của việc chúc tụng Thiên Chúa.

Thật vậy, “trái đất đầy những gai góc”, thánh nhân giải thích. Thế nhưng, “bàn tay của Đấng làm cho chúng bật gốc đã gần kề, tiếng của Đấng uy nghi cũng như của tình Ngài thương xót đã gần đến, và trái đất đã bắt đầu lên tiếng ngợi ca. Bấy giờ trái đất trổ sinh hoa trái”. Dĩ nhiên trái đất không thể sinh hoa kết trái, “nếu trước hết nó không được tưới nước” từ những cơn mưa, “nếu tình thương của Thiên Chúa trước hết không tỏ hiện từ trên cao”. Bởi thế chúng ta mới thấy một thứ hoa trái chín mùi nơi Giáo Hội nhờ việc rao giảng của các Vị Tông Đồ: “Thế nên việc làm cho mưa xuống từ những đám mây của Ngài đây tức là từ các vị tông đồ, thành phần loan báo chân lý, ‘trái đất đã trổ sinh hoa trái’ dồi dào hơn, và mùa màng phì nhiêu này giờ đây đã tràn lan khắp thế giới” ("Esposizioni sui Salmi" [Expositions on the Psalms] II, Rome, 1970, p. 551).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 66 là một bài thánh thi ca tạ ơn Thiên Chúa ngắn ngủi nhưng đánh động. Bài thánh thi ca này được dâng lên Chúa nhân danh tất cả mọi dân nước trên trái đất, những người được kêu gọi để làm sáng tỏ đường lối của Ngài, những đường lối cứu độ, những đường lối của ánh sáng và bình an. Bài thánh thi ca này kêu cầu tình thương của Thiên Chúa và xin Ngài hãy chúc phúc cho dân của Ngài, để họ có thể sinh hoa kết trái nhờ đó họ trở thành nguồn phúc ân cho những người khác. Chúa Giêsu Kitô là phúc lành tuyệt đỉnh Thiên Chúa đã ban cho dân của Ngài. Chính qua Chúa Kitô mà toàn thể thế giới đã được lãnh nhận lời hứa cứu chuộc là tặng ân sự sống đời đời.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 8/10/2002)