Bài 54 (Thứ Tư 22/10/2002)

Lời Cầu Tin Tưởng

(Thánh Vịnh 85 [86], Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)
 


1.- Bài Thánh Vịnh 85 [86] chúng ta vừa nghe và là những gì chúng ta sẽ suy niệm đã hiến cho chúng ta một hình ảnh sâu xa về Vị Tác Giả Thánh Vịnh. Vị tác giả này đã đặt mình trước Thiên Chúa bằng những lời: Tôi là “tôi tớ của Chúa” và là “đứa con của nữ tỳ Ngài” (câu 16). Chắc chắn là lời bày tỏ này thuộc về một thứ ngôn ngữ của những lễ nghĩa triều đình, thế nhưng nó cũng được sử dụng để nói lên một người tôi tớ được người trưởng gia hay trưởng tộc thừa nhận làm con cái. Bởi thế, Vị Tác Giả Thánh Vịnh. người cũng đã bày tỏ mình như là một “người tôi trung” của Chúa (câu 2), cảm thấy mình được hiệp nhất với Thiên Chúa, không những bằng một thắt kết tuân phục, mà còn bằng một mối thân gia và hiệp thông nữa. Đó là lý do tại sao lời nguyện cầu của vị tác giả này đầy lòng tín thác tin tưởng và hy vọng.

Giờ đây chúng ta hãy theo dõi lời nguyện cầu được phụng vụ giờ kinh ban mai đề ra cho chúng ta vào lúc mở màn cho một ngày sống, một lời cầu nguyện dường như mang lại chẳng những các điều quyết tâm và nỗ lực mà còn cả những hiểu lầm và khó khăn nữa.

2.- Bài Thánh Vịnh mở đầu bằng một lời kêu gọi thiết tha, một lời kêu gọi được Vị Tác Giả Thánh Vịnh ngỏ cùng Chúa, tin tưởng vào tình yêu của Ngài (các câu 1-7). Ở đoạn cuối, vị tác giả này lại bày tỏ niềm tin tưởng rằng Chúa là “một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và hết sức yêu thương và chân thật” (câu 15; xem Ex 34:6). Những lời xác nhận được lập lại và tác động của lòng tin tưởng này đã cho thấy một niềm tin tuyền vẹn và tinh nguyên, một niềm tin phó mình cho “Chúa,… nhân ái và thứ tha, hết lòng yêu thương tất cả những ai kêu cầu Chúa” (câu 5).

Giữa bài Thánh Vịnh này là bài thánh thi ca, một bài thánh thi chất chứa những cảm tình tạ ơn với việc tuyên xưng đức tin vào các việc cứu độ được Thiên Chúa thể hiện trước các dân nước (các câu 8-13).

3.- Chống lại với tất cả mọi hướng chiều về ngẫu tượng, Vị Tác Giả Thánh Vịnh công bố việc hoàn toàn hiệp nhất với Thiên Chúa (câu 8). Cuối cùng, vị tác giả này bày tỏ một niềm hy vọng điên rồ là một ngày kia “tất cả mọi dân nước” sẽ tôn thờ Thiên Chúa của Yến Duyên (câu 9). Viễn ảnh tuyệt vời này đã được nên trọn nơi Giáo Hội Chúa Kitô, vì Người đã mời gọi các tông đồ của Người hãy đi giảng dạy cho “tất cả mọi dân nước” (Mt 28:19). Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể thực hiện được việc hoàn toàn giải cứu, vì tất cả mọi sự là tạo vật đều phải lệ thuộc vào Ngài và tất cả đều phải qui về Ngài bằng một thái độ tôn thờ (câu 9). Thật vậy, Ngài đã thể hiện những kỳ công của Ngài, những kỳ công chứng thực quyền chủ tể tuyệt đối của Ngài, trong vũ trụ cũng như trong lịch sử (câu 10).

Tới đây, Vị Tác Giả Thánh Vịnh đặt mình trước nhan Thiên Chúa với một lời kêu cầu thiết tha và tinh vẹn: “Lạy Chúa, xin hãy dạy tôi đường lối của Chúa để tôi bước đi trong chân lý Ngài, với con tim ngay chính và bằng việc tôn kính danh Ngài” (câu 11). Đây là một điều kêu xin tuyệt đẹp trong việc làm sao để có thể nhận biết ý muốn của Thiên Chúa, cũng là một lời kêu xin Chúa ban cho mình “một con tim đơn thành” như con tim của trẻ thơ, những con trẻ không biết mưu đồ tính toán trong việc phó mình hoàn toàn cho Cha để được Ngài dẫn dắt bước đi trên con đường đời.

4.- Thế rồi từ môi miệng của thành phần tín nghĩa phát lên lời chúc tụng Vị Thiên Chúa xót thương, Đấng không để cho họ phải thất vọng và chết đi, bị vướng phải sự dữ và tội lỗi (câu 12-13; Ps 15[16]:10-11).

Bài Thánh Vịnh 85[86] là bài thánh vịnh được Do Thái giáo yêu chuộng cho vào phụng vụ Lễ Yom Kippur hay ngày lễ xóa tội, một trong những ngày trọng thể nhất. Phần Sách Khải Huyền đã lấy một câu (thứ 9) trong bài Thánh Vịnh này, đưa vào phụng vụ hiển vinh thiên đình ở đoạn giữa của bài ca Moisen, người tôi tớ Thiên Chúa, và bài ca Con Chiên, mà rằng: “Tất cả mọi dân nước tiến đến tôn thờ Ngài”, rồi Sách Khải Huyền thêm: “Vì Ngài đã tỏ ra cho thấy những hành động chính trực của Ngài” (Rev 15:4).

Thánh Âu-Quốc-Tinh đã giành cả một bài dẫn giải dài giòng và cảm kích cho bài Thánh Vịnh của chúng ta đây trong tập Dẫn Giải Các Bài Thánh Vịnh của thánh nhân, biến bài thánh vịnh này thành một bài ca của Chúa Kitô và của Kitô hữu. Bản dịch Latinh, theo đúng bản dịch Bảy Mươi Hy Lạp, thay vì dịch là “tín nghĩa”, thì ở câu 2 đã dịch là “thánh thiện”: “Xin bảo vệ tôi vì tôi thánh thiện”. Thực ra chỉ một mình Chúa Kitô mới là Đấng thánh. Tuy nhiên, Thánh Âu-Quốc-Tinh đã giải thích là Kitô hữu cũng có thể áp dụng những lời này vào trường hợp của họ: “Tôi thánh hảo vì Ngài đã thánh hóa tôi; vì tôi đã lãnh nhận (danh hiệu này), không phải tự mình mà tôi có được danh hiệu ấy; mà bởi vì Ngài đã ban nó cho tôi, chứ không phải vì tôi đã chiếm được nó”. Bởi thế, “hết mọi Kitô hữu cũng phải nói, đúng hơn, toàn thể thân thể Chúa Kitô phải kêu lên ở khắp mọi nơi, trong khi trải qua những cơn gian nan khốn khó, những chước cám dỗ, những gương mù gương xấu vô số kể, là ‘Hãy bảo vệ linh hồn tôi, vì tôi thánh hảo! Lạy Chúa Trời tôi, xin hãy cứu vớt tôi tớ của Ngài, người tôi tớ hy vọng vào Ngài’. Đó, vị thánh này đâu có lên mặt, vì vị ấy hy vọng vào Chúa mà” (Vol II, Rome, 1970, p. 1251).

5.- Người Kitô hữu thánh thiện hướng bản thân mình về tính cách phổ quát của Giáo Hội và cầu nguyện cùng Vị Tác Giả Thánh Vịnh rằng: “Lạy Chúa, Tất cả mọi quốc gia Ngài đã tạo lập sẽ đến cúi đầu trước Ngài” (câu 9). Theo Thánh Âu-Quốc-Tinh dẫn giải: “Tất cả mọi dân tộc trong một Chúa duy nhất chỉ là một dân tộc duy nhất và làm nên một mối duy nhất. Như việc có Giáo Hội và các giáo hội, và các giáo hội đều là Giáo Hội thế nào thì ‘dân tộc’ ấy cũng là các dân tộc như vậy. Thoạt tiên họ là các dân tộc khác nhau, đông đảo; giờ đây họ chỉ còn là một dân tộc duy nhất. Tại sao lại chỉ có một dân tộc duy nhất? Vì chỉ có một đức tin, chỉ có một đức cậy, chỉ có một đức mến, chỉ có một sự đợi trông duy nhất. Sau hết, không phải là vì chỉ có một dân tộc duy nhất nên cũng chỉ có một quê hương duy nhất hay sao? Quê hương đây là thiên đàng, quê hương đây là Giêrusalem. Và dân tộc này bao gồm từ Đông sang Tây, từ bắc phương cho tới biển cả, khắp bốn phương trời của cả thế giới này” (ibid., p. 1269).

Theo chiều hướng đại đồng ấy, lời nguyện phụng vụ của chúng ta được biến thành một hơi thở chúc tụng và là một bài ca tôn vinh dâng lên Chúa thay cho tất cả mọi tạo vật.

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 85 là một lời cầu nguyện sống động về lòng tin tưởng vào Thiên Chúa và đức tin nơi Thiên Chúa, Đấng mang ơn cứu độ đến cho những ai kêu lên Ngài. Chúa đầy lòng cảm thương và nhân hậu đối với các tôi tớ của Ngài, với những ai tìm cách nhận biết các đường lối của Ngài và sự thật của Ngài. Tất cả mọi dân nước trên trái đất này được kêu gọi để tôn thờ Thiên Chúa và tôn vinh danh của Ngài. Chính qua Chúa Kitô, Đấng Thánh duy nhất, mà tất cả mọi dân nước trên địa cầu trở thành dân thánh của Thiên Chúa, trong đức tin, đức cậy và đức mến, khi họ nâng tiếng chúc tụng vị Chúa duy nhất của trời đất.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 22/10/2002)