Bài 55 (Thứ Tư 29/10/2002)
 

Thiên Chúa Không Dửng Dưng Trước Thiện và Ác

(Ca Vịnh Isaia 33, Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)
 


1. Hôm nay chúng ta thấy bài ca vịnh ngắn vừa được công bố trong số những ca vịnh của Thánh Kinh được đan kết với những bài Thánh Vịnh trong phụng vụ giờ kinh ban mai. Bài ca vịnh này được trích từ một đoạn trong Sách Tiên Tri Isaia, đoạn 33 thuộc tổng bộ bao gồm những lời Chúa phán dài và hay.

Ở các câu trước những câu được qui chiếu (10-12), bài ca vịnh mở màn với lời loan báo về việc Thiên Chúa toàn năng và vinh quang tiến vào diễn trường của lịch sử nhân loại: “Chúa phán, giờ đây Ta sẽ tiến tới, Ta sẽ thượng tôn, Ta sẽ vươn lên” (câu 10). Những lời của Thiên Chúa phán cùng những ai “ở xa” cũng như những kẻ “ở gần”, tức là với tất cả mọi dân nước của trái đất này, ngay cả những nơi xa xôi nhất, cũng như cho dân Yến Duyên, dân “ở gần” Chúa theo giao ước (xem câu 13)

Một đoạn khác của Sách Tiên Tri Isai đã cho thấy rằng “Chúa phán, bình an, bình an cho người ở xa lẫn kẻ ở gần; và Ta sẽ chữa lành chúng” (Is 57:19). Thế mà bây giờ những lời Chúa lại trở thành cay nghiệt; những lời lẽ mang một giọng điệu luận phán về những gian ác của những ai ở “xa” cũng như ở “gần”.

2. Thật vậy, thế là ngay sau đó, nỗi sợ hãi đã lan ra trong thành phần dân cư mang đầy tội lỗi và vô lễ ở Sion (xem câu 14). Họ ý thức được cuộc sống gần Chúa, Đấng ngự trong Đền Thờ, Đấng đã muốn đồng hành với họ trong lịch sử và biến mình thành “Emmanuel”, thành một vị “Thiên Chúa ở với chúng tôi” (xem Is 7:14). Đúng thế, Vị Chúa công minh và thánh hảo không thể chấp nhận tình trạng vô lễ, bại hoại và bất chính. Ngài bừng giận như một “thứ lửa thiêu đốt” và như “những ngọn lửa không hề tắt” (câu 14) đối với sự dữ để tiêu hủy nó đi.

Ở Chương 10, Tiên Tri Isaia đã cảnh giác là “Ánh sáng của dân Yến-Duyên sẽ xuất hiện như một thứ lửa, Đấng Thánh của dân Yến-Duyên như một ngọn lửa, một ngọn lửa bừng cháy và thiêu đốt” (câu 17). Tác Giả Thánh Vịnh cũng xướng lên rằng: “như sáp bị lửa làm cho tan chảy thế nào, kẻ gian ác cũng sẽ bị tiêu ma đi trước nhan Thiên Chúa như vậy” (Ps 67[68]:3). Về phương diện công cuộc thực hiện trong Cựu Ước, vấn đề muốn nói ở đây là Thiên Chúa không dửng dưng trước thiện và ác, nhưng tỏ ra cho thấy rằng Ngài bực tức và giận dữ trước tình trạng gian ác.

3. Bài ca vịnh của chúng ta đây không kết thúc ở cảnh tối tăm của việc luận xử. Trái lại, nó đã giành một phần dài nhất và đặc biệt nhất cho sự thánh thiện được tiếp nhận và sống động như là một dấu hiệu của lòng hoán cải và hòa giải phát xuất từ Thiên Chúa. Giống hệt như một số bài Thánh Vịnh đề cập tới, chẳng hạn như bài 14 và 23, những bài cho thấy các điều kiện Chúa đòi phải có để sống trong mối hiệp thông hoan lạc với Ngài nơi phụng vụ của Đền Thờ, Tiên Tri Isaia đã liệt kê sáu quyết tâm về luân lý cho người tín hữu chân thực, trung thành và công chính (câu 15), thành phần có thể không bị hại khi ở gần lửa thần linh, nguồn mạch ân huệ cho họ.

Quyết tâm thứ nhất là ở chỗ “bước đi trên đường ngay nẻo chính”, tức là lấy lề luật thần linh làm đèn soi dẫn cho đường đời. Dấn thân thứ hai trùng với lời lẽ trung thành và chân thực, dấu hiệu của những mối liên hệ về xã hội đứng đắn và chuyên chính. Ở quyết tâm thứ ba, Tiên Tri Isaia nêu lên vấn đề loại trừ đi việc “cưỡng chiếm”, tức chiến đấu với việc đàn áp kẻ nghèo và chiến đấu với thứ giầu sang bất chính. Người tín hữu bởi thế phải cương quyết lên án tình trạng bại hoại về chính trị và pháp chế, bằng việc phủi “tay để khỏi nhận tiền hối lộ”, một hình ảnh ý nghĩa nói lên việc từ chối những lợi lộc xúi giục làm lệch lạc đi việc áp dụng các khoản lề luật cũng như việc hành sử công lý.

4. Quyết tâm thứ năm được diễn tả với một cử chỉ quan trọng của việc “bịt tai lại” khi nghe thấy những âm mưu đẫm máu, những hành vi bạo động tội ác. Quyết tâm thứ sáu cũng là quyết tâm cuối cùng được nói lên bằng một hình ảnh mà thoạt thấy chẳng có dính dáng gì cả, vì nó không hợp với cách nói năng của chúng ta. Khi chúng ta nói về “việc quay đi con mắt mù”, chúng ta muốn nói rằng: “làm bộ như không thấy gì để khỏi dính vô”; tuy nhiên, vị tiên tri nói rằng con người chân thực “(nhắm) mắt lại kẻo nhìn thấy sự dữ” để tỏ ra hoàn toàn từ chối không chịu dính dáng gì với sự dữ.

Trong lời dẫn giải về Sách Tiên Tri Isaia, Thánh Giêrônimô đã khai triển ý tưởng hợp với toàn đoạn văn, đó là: “Hết mọi lỗi lầm, mọi việc đàn áp và bất chính đều là quyết định đổ máu, và cho dù người ta không lấy gươm sát hại, họ vẫn sát hại trong ý định của họ. ‘Và hãy nhắm mắt lại kẻo trông thấy sự dữ’: phúc thay lương tâm nào không nghe hay không thấy sự dữ! Ai được như vậy sẽ ở ‘nơi cao nhất’, tức là được ở trong Nước Trời cũng như ở trong một cái động sâu nhất của Tảng Đá rất vững, tức ở trong Chúa Giêsu Kitô” ("In Isaiam prophetam," 10, 33: PL [Latin Fathers] 24, 367).

Thánh Giêrônimô như thế đã làm cho chúng ta hiểu được việc “nhắm mắt” mà Vị Tiên Tri gợi lên: Đó là một lời mời gọi hãy nhất định chối bỏ bất cứ một dính bén nào với sự dữ. Điều này cũng dễ hiểu thôi, vì những giác quan chính của thân thể đều bị thử thách, ở chỗ, tay, chân, mắt, tai, lưỡi đều dính dáng đến hành vi cử chỉ luân lý của con người.

5. Phải, những ai muốn thực thi tác hành chân thực và công chính này sẽ tới được Đền Thờ Chúa, nơi họ sẽ được an toàn của một thứ phúc hạnh cả trong lẫn ngoài do Thiên Chúa ban cho ai hiệp thông với Ngài. Vị Tiên Tri này dùng hai hình ảnh để diễn tả phần kết thúc vui tươi ở đây (câu 16): “Họ sẽ ở trên những nơi cao, thành trì của họ sẽ vững như đá, đồ ăn thức uống của họ lúc nào cũng sẵn có”, dấu hiệu của một đời sống dồi dào hạnh phúc.

Truyền thống có khuynh hướng giải thích dấu hiệu nước như hình ảnh của phép rửa (xem… Thư Thánh Barnabê 11,5), trong khi bánh đối với Kitô hữu được biến thành dấu hiệu cho Thánh Thể. Đó là những gì được thấy, chẳng hạn, trong bài dẫn giải của Thánh Justinô Tử Đạo, vị coi những lời của Ngôn Sứ Isaia như là một lời tiên báo về “bánh” Thánh Thể, “việc tưởng niệm” cuộc tử nạn cứu chuộc của Chúa Kitô (xem "Dialogo con Trifone," Paoline, 1988, p. 242).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Ca Vịnh trong đoạn 33 của Sách Tiên Tri Isaia loan báo việc Thiên Chúa luận xử những bất chính của con người cùng những lời Ngài kêu gọi hãy sống thánh thiện đúng với Giao Ước. Theo vị Tiên Tri này thì chỉ có những ai bước đi theo đường nẻo công chính và thanh liêm, loại bỏ tất cả những gì là dan díu với sự dữ, mới được vào Đền Thánh của Chúa và được ở trong bình an của Ngài. Bình an của Thiên Chúa được diễn đạt như tình trạng dồi dào bánh và nước. Nơi hình ảnh phong phú này, Giáo Hội thấy hình ảnh của các Bí Tích ban sự sống là Rửa Tội và Thánh Thể.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 29/10/2002)