Bài 56 (Thứ Tư 6/11/2002)


Bài Ca Chúc Tụng Vị Chúa của Vũ Trụ và Lịch Sử

(Thánh Vịnh 97 [98], Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Ba)
 



1. Bài Thánh Vịnh 97 [98] vừa được công bố thuộc về một loại các bài thánh thi ca chúng ta đã từng thấy trong cuộc hành trình thiêng liêng của chúng ta theo chiều hướng của Sách Thánh Vịnh.

Đây là một bài thánh thi ca dâng lên Vị Chúa là Vua của vũ trụ và của lịch sử (câu 6). Bài Thánh Vịnh này được diễn tả như là một “bài ca mới” (câu 1), một bài ca mà theo ngôn ngữ Thánh Kinh tức là một bài ca hoàn hảo, trọn vẹn, long trọng, được nhạc điệu vui tươi phụ họa. Thật vậy, cùng với bài ca hợp xướng này còn có “tiếng hòa điệu” của cây đàn thất huyền, của kèn thổi cũng như của còi hụ (câu 6), có cả hình ảnh vỗ tay của vũ trụ nữa (câu 8).

Ngoài ra, danh hiệu “Chúa” âm vang (6 lần), được kêu cầu như “Chúa Trời của chúng trời” (câu 3). Bởi thế Thiên Chúa ở tâm điểm của cảnh tượng này với tất cả uy nghi của Ngài, khi Ngài thi hành việc cứu độ trong lịch sử, và thế giới cùng các dân tộc đợi chờ việc Ngài “cai trị” (câu 9). Động từ Do Thái nói đến “việc phân xử” còn có nghĩa là “cai trị” nữa, bởi vậy mà cả trái đất đang đợi trông tác động hiệu lực của Vị Vương Chủ, vị mang lại bình an và công lý.

2. Bài Thánh Vịnh mở đầu bằng lời loan báo việc can thiệp của Thiên Chúa ở ngay tâm điểm lịch sử của dân Yến-Duyên (các câu 1-3). Những hình ảnh “bàn tay phải” và “cánh tay thánh” ám chỉ đến Cuộc Xuất Ai Cập, đến việc giải thoát khỏi cảnh làm tôi Ai Cập (câu 1). Lại nữa, lời giao ước với thành phần dân tuyển chọn này cũng được gợi lại cho thấy ở hai ưu phẩm thần linh cao cả là “yêu thương” và “trung tín”. Những dấu hiệu cứu độ này được tỏ ra “cho các dân nước thấy” và “cho đến tận cùng trái đất” (câu 2,3), để tất cả loài người qui hướng về Thiên Chúa Đấng Cứu Độ và mở lòng mình ra cho lời của Ngài cũng như cho công cuộc cứu độ của Ngài.

3. Việc tỏ ra tiếp nhận Vị Chúa nhúng tay can thiệp vào lịch sử này được vang lên nơi lời hòa ca chúc tụng, ở chỗ, cùng với ban hợp tấu và những bài ca của Đền Thờ Sion (câu 5-6), vũ trụ, một vũ trụ giống như một thứ đền thờ, cũng tham dự vào việc tiếp nhận này.

Trong ca đoàn vĩ đại dâng lời chúc tụng đây có bốn ca sĩ. Ca sĩ thứ nhất là tiếng biển gầm gừ giống như một loại bè thật trầm liên tục trong bài thánh thi ca uy nghi (câu 7). Tiếp theo là trái đất và toàn thế giới (câu 4-7) cùng với tất cả mọi dân cư trên trái đất cũng long trọng hợp ca. Nhân vật thứ ba là sông ngòi, như những cánh tay của biển khơi, dường như vỗ tay reo mừng theo nhịp nước chảy của mình (câu 8). Sau hết là những ngọn đồi dường như hân hoan nhẩy múa trước nhan Chúa, mặc dù chúng là những tạo vật kồng kềnh và nặng nề nhất (câu 8; Ps 28:6, 113 [114]:6).

Thế rồi ca đoàn vĩ đại này chỉ có một mục đích duy nhất, đó là tôn tụng Chúa là Vua và là Quan Án công minh. Thực vậy, như đã nói, Bài Thánh Vịnh kết thúc ở chỗ cho thấy Thiên Chúa là “Đấng đến cai trị trái đất… bằng chính trực và… công bình” (Ps 97 [98]:9).

Đó là niềm hy vọng cao cả và là mời kêu cầu của chúng ta: “Xin cho Nước Cha trị đến!”, một Vương Quốc của an bình, của công lý và của yên hàn, một vương quốc sẽ tái thiết sự thái hòa nguyên thủy của thiên nhiên tạo vật.

4. Thánh Tông Đồ Phaolô đã hết sức vui mừng nhận thấy nơi bài Thánh Vịnh này lời tiên tri về công việc của Thiên Chúa nơi mầu nhiệm Chúa Kitô. Thánh Phaolô đã sử dụng câu thứ 2 để trình bày đề tài của Bức Thư quan trọng Ngài gửi cho Kitô hữu Rôma, đó là “sự công chính của Thiên Chúa được mạc khải” (Rm 1:17), “được biểu lộ” (Rm 3:21) trong Phúc Âm.

Lời dẫn giải của Thánh Phaolô làm cho bài Thánh Vịnh này thêm ý nghĩa hơn. Đọc theo quan điểm của Cựu Ước, bài Thánh Vịnh công bố Thiên Chúa là Đấng cứu độ dân Ngài và tất cả mọi dân nước thấy như vậy đều ca ngợi. Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo, Thiên Chúa thực hiện việc cứu độ nơi Chúa Kitô, miêu duệ của dân Yến-Duyên; tất cả mọi dân nước đều thấy Người và được mời gọi để hưởng ơn ích từ việc cứu độ này, ở chỗ, Phúc Âm “là quyền năng của Thiên Chúa để cứu độ hết những ai tin tưởng, Do Thái trước cũng như Hy Lạp” tức dân ngoại (Rm 1:16). Ngoài ra, “tận cùng trái đất” chẳng những “đã thấy việc chiến thắng của Thiên Chúa chúng ta” (câu 3), mà còn chào mừng cuộc chiến thắng này nữa.

5. Theo quan điểm của giáo phụ Origen, một cây viết Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, trong một bản văn sau này được Thánh Giêrônimô trích lại, đã cắt nghĩa “bài ca mới” của bài Thánh Vịnh như là một việc cử hành trước cái mới mẻ Kitô giáo của Đấng Cứu Chuộc tử giá. Giờ đây chúng ta hãy theo dõi lời dẫn giải của ngài, lời dẫn giải bao gồm cả bài ca của Tác Giả Thánh Vịnh lẫn việc công bố Phúc Âm.

“Một bài ca mới là Con Thiên Chúa, Đấng tử giá – một điều chưa bao giờ được nghe thấy. Một thực tại mới cần phải có một bài ca mới. ‘Hãy hát lên Chúa một bài ca mới’. Đấng đã chịu Cuộc Khổ Nạn thực sự là một con người; thế nhưng anh em lại hát dâng lên Chúa. Ngài đã chịu Khổ Nạn như một con người, song được cứu như Thiên Chúa”. Giáo phụ Origen tiếp: Chúa Kitô “đã thực hiện những phép lạ giữa dân Do Thái, ở chỗ, Ngài đã chữa những người tật phong, làm cho những người cùi được sạch, đã hồi sinh kẻ chết. Thế nhưng, những phép lạ này cũng được các tiên tri khác làm. Ngài đã biến một ít ổ bánh ra nhiều cho vô số người ăn. Tiên tri Êlia cũng đã làm được như vậy. Vậy thì Ngài đã làm điều gì mới mẻ để đáng nghe bài ca mới đây? Anh em có muốn biết Ngài đã làm điều gì mới chăng? Thiên Chúa đã chết như một con người, để nhờ đó con người được sự sống; Con Thiên Chúa đã tử giá để đưa chúng ta lên thiên đàng” (74 Omelie sul libro dei Salmi [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 309-310).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 97 là một bài ca chúc tụng Vị Chúa của vũ trụ và của lịch sử. Bài thánh vịnh này kêu gọi con người, thật ra kêu gọi tất cả mọi tạo vật hãy hân hoan và loan truyền sự cao cả của Thiên Chúa. Trái đất cà các dân cư trên trái đất, biển khơi, sông ngòi và đồi núi, tất cả bày tỏ niềm vui của mình trước những sự lạ lùng Chúa đã làm cho Dân Ngài Tuyển Chọn. Bài Thánh Vịnh kết thúc ở biểu lộ cho thấy một niềm thiết tha mong đợi: vì Chúa sẽ đến cai trị trong công lý và phân xử bằng chân lý. Đây cũng là niềm hy vọng chúng ta biểu lộ trong Kinh Chúa Dạy, khi chúng ta nguyện: ‘Nước Cha trị đến!’ Tức sự công chính của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi Chúa Kitô. Phúc Âm là quyền năng Thiên Chúa cứu rỗi tất cả mọi người tin tưởng vào Người (x Rm 1:16). Cuộc tử nạn cứu độ của Người trên thập giá mang lại cho chúng ta sự thiện hảo và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Bởi thế, đối với chúng ta, bài Thánh Vịnh này trở thành một bài ca mới tri ân cảm tạ Chúa về ơn cứu độ của chúng ta.
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 6/11/2002)