Bài 57 (Thứ Tư 13/11/2002)
Bài Thánh Thi Ca cho Giêrusalem, Mẹ của Các Dân Nước.
(Thánh Vịnh 86 [87], Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)
1. Bài ca về Giêrusalem, một thành đô an bình và là mẹ của hoàn vũ, một bài ca chúng ta vừa nghe rất tiếc lại phản ngược lại với kinh nghiệm lịch sử hiện nay của thành đô này. Tuy nhiên, việc cầu nguyện vẫn là việc gieo rắc lòng tin tưởng và làm nẩy sinh niềm hy vọng.Quan điểm phổ quát về bài Thánh Vịnh 86 [87] nhắc nhớ đến một trong những bài thánh thi ca của Sách Tiên Tri Isaia, một bài thánh thi ca làm cho người ta nhìn thấy tất cả mọi dân nước qui tụ về Sion để nghe Lời Chúa cũng như để tái khám phá ra vẻ đẹp của an bình, đúc “gươm kiếm thành lưỡi cầy” và “đao thương thành liềm hái” (2:2-5). Thật vậy, bài Thánh Vịnh này chất chứa một quan điểm khác hẳn, một quan điểm dời chuyển, thay vì qui tụ về Sion thì lại xa lìa Sion; vị Tác Giả Thánh Vịnh nhìn thấy nguồn gốc của tất cả mọi dân tộc ở nơi Sion. Sau khi công bố tính cách chính yếu của Thành Thánh này, một tính cách không phải do những huân công lịch sử hay văn hóa mà là bởi tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ xuống trên nó mà thôi (Ps 86 [87]:1-3), bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng một cuộc cử hành chính cái tính cách phổ quát làm cho tất cả mọi dân tộc trở thành anh em với nhau ấy.
2. Sion được ca mừng như một thân mẫu của toàn thể nhân loại chứ không phải của riêng Yến-Duyên. Việc khẳng định này thật là táo bạo. Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã nhận thức được điều này và đã làm cho người ta phải chú ý đến nó: “Ôi thành đô của Thiên Chúa, ngươi đã nhận được nhiều lời tôn tụng” (câu 3). Làm thế nào thủ đô của một dân tộc nhỏ bé lại được trình bày cho thấy như là nguồn gốc của các dân tộc là thành phần xa cách song quyền năng mãnh lực hơn? Tại sao Sion lại có thể kỳ vọng quá sức như thế? Câu trả lời ở ngay cùng đoạn thánh vịnh, ở chỗ Sion là mẹ của toàn thể loài người, bởi nó là “thành đô của Thiên Chúa”; nên nó là tâm điểm cho những gì Thiên Chúa dự định.
Tất cả mọi trụ điểm trên trái đất này đều có liên hệ với mẹ mình là Rahab, tức với Ai Cập, một đại quốc ở phía tây; Babylon, một quyền lực nổi danh của phía đông; Tyre được nhân cách hóa thành một thứ dân thương gia ở phía bắc với Ethiopia là tiêu biểu cho phía nam xa xôi; và Palestine, trung điểm, cũng là nử tử của Sion.
Tất cả mọi dân tộc trên trái đất đều được ghi danh vào sổ tinh thần của Giêrusalem, với công thức được lập đi lập lại ba lần là “được hạ sinh ở đó / được vào đời ở đây” (câu 4,5,6). Đó là lời diễn tả chính thức về pháp lý, một lời diễn tả cũng nói lên rằng người ta là dân bản xứ của một thành phố riêng, hay cũng được hưởng trọn vẹn các quyền lợi dân sự của dân thành này.
3. Sau hết, vấn đề đáng suy nghĩ khi thấy các dân tộc vẫn được coi là thù địch với Yến Duyên đang tiến lên Giêrusalem để trở thành những “người thân thuộc”, không phải là những người ngoại quốc nữa. Chưa hết, bài Thánh Vịnh đã biến đoàn rước của các dân tộc tiến về Sion này thành một bài hợp ca và một điệu hoan vũ, ở chỗ, họ tìm lại được mùa xuân của họ (câu 7) nơi đô thành của Thiên Chúa, một thành đô có giòng nước chảy làm cho cả thế gian tươi tốt, hợp với những gì các vị tiên tri đã loan báo (x Ez 47:1-12; Zec 13:1,14:8; Rev 22:1-2).
Ở Giêrusalem, tất cả mọi dân tộc phải khám phá ra cội gốc thiêng liêng của họ, cảm thấy rằng họ đang ở quê hương của mình, gặp lại nhau như là các phần tử thuộc cùng một gia đình, ôm lấy nhau như anh em trở về nhà vậy.
4. Là một trang liên quan đến việc trao đổi liên tôn thực sự, bài Thánh Vịnh 86 đã bao gồm di sản chung của các vị tiên tri (x Is 56:6-7, 60:21; Job 4:10-11; Mal 1:11 v.v.) và cho thấy trước truyền thống Kitô Giáo, một truyền thống áp dụng bài Thánh Vịnh này cho “Giêrusalem trên cao”, như Thánh Phaolô công bố “thành này là một thành tự do và là mẹ của chúng ta” và có nhiều con cái hơn Giêrusalem trần thế (x Gal 4:26-27). Sách Khải Huyền cũng đồng quan điểm khi hát lên “một tân Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống” (21:2,10).
Theo chiều hướng của bài Thánh Vịnh 86 [87] này, Công Đồng Chung Vaticanô II cũng thấy nơi Giáo Hội hoàn vũ nơi qui tụ “tất cả mọi kẻ công chính, bắt đầu từ Adong và Aben công chính cho tới kẻ được lựa chọn cuối cùng”. Giáo Hội sẽ đạt đến “tầm vóc vinh hiển của mình vào lúc cùng tận thời gian” (Lumen Gentium, 2).
5. Việc đọc bài Thánh Vịnh này theo chiều hướng giáo hội, theo truyền thống Kitô giáo, hướng tới việc đọc lại bài Thánh Vịnh theo chiều hướng Thánh Mẫu học. Đối với vị Tác Giả Thánh Vịnh, Giêrusalem thực sự là “thủ đô”, tức là một “mẫu đô” có nội cung được Chúa ngự trị (x Zeph 3:14-18). Với ý nghĩa này, Kitô Giáo chúc tụng Mẹ Maria như một Sion sống động, với cung lòng phát sinh Lời Nhập Thể nhờ đó cũng tái sinh con cái Thiên Chúa. Những lời của các vị Giáo Phụ, từ Thánh Ambrôsiô ở Milan đến Thánh Athonasiô ở Alexandria, từ Maximus the Confessor đến Thánh Gioan Damascô, từ Cromazio ở Aquileia đến Germanus ở Constantinople, đều đống ý với việc tái đọc bài Thánh Vịnh 86 [87] này theo cung cách Kitô Giáo như thế.
Giờ đây chúng ta hãy lắng nghe một bậc thày của truyền thống Armenia là Gregory ở Narek (circa 950-1010), trong cuốn Panegyric của mình về Rất Thánh Nữ Trinh Maria, đã thân thưa cùng Vị Trinh Nữ này như sau: “Ôi Thiên Chúa Thánh Mẫu, chúng con được bảo vệ khi tìm náu ẩn nơi việc chuyển cầu xứng đáng và quyền năng nhất của Mẹ, khi tìm ủi an và nghỉ ngơi dưới bóng chở che của Mẹ như thể chúng con được bao che bởi một tường thành vững chắc: một tường thành được điểm tô đẹp đẽ bằng những hạt kim cương tinh ròng nhất; một tường thành được bao bọc bằng lửa, do đó những tên trộm cướp không thể nào đột nhập được; một tường thành với ngọn lửa cháy sáng không để những kẻ phản bội hung tàn có thể tìm thấy và vào được; một tường thành mà theo vua Đavít được vây bọc đủ mọi phía, do Đấng Tối Cao đặt nền móng (x Ps 86 [87]:1,5); một tường thành uy lực của thành đô thiên quốc như Thánh Phaolô nói (x Gal 4:26; Heb 12:22), nơi Mẹ đón tiếp tất cả mọi người vào làm cư dân, vì bằng việc hạ sinh về thể lý cho Thiên Chúa, Mẹ đã biến con cái của Giêrusalem trần thế thành con cái của Giêrusalem trên trời. Bởi thế, môi miệng của chúng mới chúc tụng cung lòng trinh nguyên của Mẹ và tất cả đều xưng tụng Mẹ là nơi cư ngụ và là đền thờ của Đấng có cùng một bản tính với Chúa Cha. Do đó lời tiên tri đã nói rất xứng với Mẹ: ‘Đối với chúng con Mẹ là một ngôi nhà trú ngụ và là sự nâng đỡ chống lại với những giòng cuồng lưu của những ngày sầu thương’ (x Ps 45[46]:2)” ("Testi Mariani del Primo Millennio" [Marian Texts of the First Millennium], IV, Rome, 1991, p. 589).
Anh Chị Em thân mến.
Bài Thánh Vịnh 86 đã hát về Giêrusalem, một thành đô hòa bình và là một ngôi nhà thiêng liêng của các dân nước. Truyền thống Kitô Giáo thấy nơi bài Thánh Vịnh này hình ảnh của một tân đô Gia Liêm, một Thành Thánh từ trời xuống (x Rev 21:2,10). Các Giáo Phụ của Giáo Hội cũng đã đọc bài Thánh Vịnh này theo chiều hướng Thánh Mẫu, Vị đã hạ sinh Lời Nhập Thể và vì thế cũng là mẹ của tất cả những ai được cứu chuộc. Chớ gì con cái Chúa khắp nơi luôn hướng về Đức Trinh Nữ bằng một niềm hy vọng tin tưởng trong lúc họ đang hành trình về ngôi nhàthực sự của họ là Gia Liêm thiên quốc.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 13/11/2002)