Bài 58 (Thứ Tư 20/11/2002)


Thiên Chúa là Chủ Chiên Toàn Năng và Ân Cần

(Ca Vịnh Isaia 40, Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)


1. Sách của vị đại tiên tri Isaia, vị sống ở thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên, có cả những tiếng nói của những vị tiên tri khác nữa, những người môn đệ và thừa kế của ngài. Đó là trường hợp của vị được các nhà học giả gọi là “Đệ Nhị Isaia”, vị tiên tri nói đến việc dân Yến Duyên từ nơi lưu đầy Babylon hồi hương, một cuộc hồi hương xẩy ra vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên. Công việc của vị Đệ Nhi Isaia này được chất chứa ở các chương từ 40 đến 55 trong Sách Tiên Tri Isaia, và bài ca vịnh của phụng vụ giờ kinh ban mai vừa được công bố được trích từ chính chương đầu tiên của những chương này.

2. Bài Ca Vịnh đây gồm có hai phần: Hai câu đầu tiên được lấy từ đoạn cuối của lời an ủi tuyệt vời nhất loan báo về việc thành phần lưu đầy hồi hương trở về Giêrusalem dưới sự lãnh đạo của chính Thiên Chúa (Is 40:1-11). Những câu sau đó mở màn cho một bài diễn từ hộ giáo tôn tụng trí toàn tri và quyền toàn năng của Thiên Chúa và nặng lời phê phán những kẻ tạo tác những thứ ngẫu tượng. Bởi thế, ở ngay đầu bản văn về phụng vụ đã xuất hiện hình ảnh quyền năng về Thiên Chúa, Đấng trở về Giêrusalem được dẫn lối bằng những chiến lợi phẩm, như Giacóp trở về Thánh Địa được dẫn đầu bằng đoàn xúc vật của mình vậy (x Gen 31:17, 32:17). Chiến lợi phẩm của Thiên Chúa là những người dân Do Thái bị lưu đầy, thành phần Ngài đã giật khỏi tay của những kẻ khống chế họ. Bởi thế Thiên Chúa mới được phác tả “như một vị mục tử” (Is 40:11). Trong Thánh Kinh cũng như theo các truyền thống xa xưa thì hình ảnh này gợi lên cho thấy ý niệm về vai trò lãnh đạo và cai trị, thế nhưng, trong trường hợp đặc biệt này lại có những nét dịu dàng và thương cảm, khi vị mục tử cùng đồng hành bước đi bên cạnh đàn chiên của mình (x Ps 22[23]). Vị mục tử ấy chăm sóc cho đàn chiên của mình, chẳng những bằng việc nuôi dưỡng chúng và coi chừng kẻo chúng bị phân tán khỏi đàn, mà còn bằng việc âu yếm cúi mình xuống trên các chiên non đực và chiên non cái (x Is 40:11).

3. Trong việc kết thúc hình ảnh nhập cuộc của Vị Chúa là vua và là mục tử còn cho thấy cả cách tác hành của Ngài như một Vị Hóa Công của vũ trụ nữa. Không ai có thể bằng Ngài ở việc làm cả thể và vĩ đại này: chắc chắn là không có một ai, các thứ ngẫu tượng, những thứ hữu thể chết và bất lực, lại càng không thể. Thế rồi vị tiên tri nêu lên một loạt những vấn đề hùng biện vốn chứa đựng sẵn các câu trả lời. Chúng được phát biểu theo kiểu tiến hành, cho thấy không ai đấu lại được với Thiên Chúa và tự cao trước quyền năng vô cùng và đức khôn ngoan vô hạn của Ngài.

Không ai có thể đo lường được vũ trụ mênh mông do Thiên Chúa tạo dựng. Vị tiên tri dẫn con người đến chỗ hiểu rằng các thứ khí cụ của con người hết sức bất xứng hợp với mục đích này. Hơn thế nữa, Thiên Chúa là một vị kiến trúc sư duy nhất; không ai có khả năng hộ giúp Ngài hay cố vấn cho Ngài trong dự án cả thể như dự án tạo dựng nên vũ trụ đây (x các câu 13-14).

Trong bài giáo lý 18 về rửa tội, Thánh Cyril ở Giêrusalem, căn cứ vào bài ca vịnh này, giải thích rằng chúng ta không đo lường Thiên Chúa bằng cái thước đo giới hạn của loài người chúng ta: “đối với anh em, một con người nhỏ bé và yếu hèn như thế, thì khoảng cách từ Gotia đến Ấn Độ, từ Tây Ban Nha tới Ba Tư, thì rộng lớn, nhưng đối với Thiên Chúa, Đấng nắm giữ cả vũ trụ này trong bàn tay của Ngài thì hết mọi miền đất đều gần gũi nhau”. (The Catecheses, Rome, 1993, p. 408).

4. Sau khi đã chúc tụng quyền toàn năng của Thiên Chúa nơi thiên nhiên tạo vật, vị tiên tri phác họa vai trò chủ tể của Ngài trên lịch sử, tức là trên các dân nước, trên loài người định cư trên mặt đất. Những cư dân thuộc những miền đất tiếng tăm, cả những cư dân ở những vùng xa xôi được Thánh Kinh gọi là “những hải đảo” xa xăm, đều là một thực tại li ti so với sự cao cả vô cùng của Chúa. Những hình ảnh này sáng tỏ và đậm nét, ở chỗ các dân nước ấy chỉ là “như một giọt nước trong bầu”, “như một hạt bụi trên đĩa cân”, “như thứ bột nghiền tán” (Is 40:15).

Không ai có thể hiến dâng một của lễ hy sinh xứng đáng với vị Chúa và là vua cao cả này: tất cả mọi thứ tế vật hy sinh của trái đất ấy cũng sẽ không đủ, tất cả mọi rừng cây hương bá ở Lêbanon cũng không đủ để đốt thứ lễ vật toàn thiêu này (câu 16). Vị tiên tri nhắc nhở con người hãy nhận thức những giới hạn của mình trước sự vô cùng cao cả và quyền toàn năng tối thượng của Thiên Chúa. Câu kết luận xác đáng là: “Trước nhan Ngài tất cả mọi dân nước chỉ là như không, Ngài đã coi các dân nước ấy như không, trống rỗng” (câu 17).

5. Bởi thế, kẻ tín nghĩa được mời gọi từ ban đầu của ngày sống hãy tôn thờ Vị Chúa toàn năng. Thánh Grêgory ở Nyssa, Vị Giáo Phụ của Giáo Hội Cappodocia (thế kỷ thứ 4), đã suy niệm những lời của bài ca vịnh Isaia như thế này: “Do đó, khi chúng ta nghe lời ‘toàn năng’ phán ra, chúng ta nghĩ đến sự kiện là Thiên Chúa nắm giữ tất cả mọi sự hiện hữu lại với nhau, cả những sự hữu tri thông minh lẫn những sự thuộc về loài chất thể. Vì lý do ấy, thật vậy, Ngài làm cho toàn thể trái đất hiện hữu, vì lý do này, Ngài nắm trong tay mình các đầu trái đất, vì lý do này Ngài nắm giữ tầng trời trong tay của mình, vì lý do này Ngài lấy tay đo đạc giòng nước, vì lý do này Ngài hiểu biết chính mình nơi tất cả mọi tạo vật hữu tri: nhờ đó, tất cả mọi sự sẽ tồn tại hiện hữu, được gìn giữ một cách mãnh liệt bởi quyền năng ôm ấp chúng” ("Teologia trinitaria" [Trinitarian Theology], Milan, 1994, p. 625).

Trong bài ca của mình, Thánh Giêrônimô đã tỏ ra ngỡ ngàng lưỡng lự trước một sự thật kỳ diệu khác, đó là sự thật về Chúa Kitô, Đấng “mặc dù thân phận là Thiên Chúa… Người cũng đã hủy mình ra như không, mặc lấy thân phận tôi đòi, sinh ra giống như loài người” (Phil 2:6-7). Thánh nhân ghi nhận, Vị Thiên Chúa vô cùng và toàn năng này. làm cho mình trở nên nhỏ bé và hữu hạn. Thánh Giêrônimô đã chiêm ngắm Người trong hang Bêlem và đã kêu lên rằng: “Hãy nhìn xem Người kìa: Đấng nắm giữ vũ trụ trong tay của mình lại được một máng cỏ nhỏ hẹp cầm giữ” (Letter 22, 39, in: "Opere Scelte" [Selected Works], I, Turin, 1971, p. 379).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Ca Vịnh hôm nay trích từ Sách Tiên Tri Isaia (40:10-17) an ủi dân chúng bằng lời hứa hẹn cho họ được trở lại Giêrusalem, và tôn tụng những kỳ công của một Vị Thiên Chúa toàn năng và toàn tri. Bài ca vịnh này diễn tả Chúa như một vị chủ chiên, Đấng chẳng những chăn dắt chiên của mình mà còn ân cần đồng hành với chúng, dưỡng nuôi chúng và chăm sóc chúng.

Đối với vị “Thiên Chúa của Yến-Duyên” thì các dân nước và các hải đảo xa xăm chẳng khác gì “một giọt nước trong bầu” hay “hạt bụi trên đĩa cân” (Is 40:15). Tuy nhiên, như các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội nhắc nhở chúng ta, Thiên Chúa là Đấng nắm giữ tất cả mọi sự trong lòng bàn tay của Ngài cũng là Vị Chúa được sinh ra trong máng cỏ khó hèn. Chúng ta cúi mình cung kính tôn thờ trước nhan Người.
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 20/11/2002)