Bài 59 (Thứ Tư 27/11/2002)
Thiên Chúa Vừa Gần Gũi lại Bất Khả Đạt
(Thánh Vịnh 98 [99], Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Ba)
1. “Chúa là vua”. Lời kêu lên chúng ta vừa nghe mở đầu bài Thánh Vịnh 98 (99) ấy cho thấy chủ đề chính yếu cùng với loại văn từ đặc biệt của bài thánh vịnh. Đó là một bài ca cao quí của dân Chúa dâng lên Chúa, Đấng cai trị thế giới và lịch sử như một vị chủ tể siêu việt và tối cao. Bài thánh vịnh này nhắc nhở chúng ta về những bài thánh thi ca tương tự khác, như các bài 95-97, những bài đã được chúng ta suy niệm, được phụng vụ giờ kinh sử dụng như những lời kinh ban mai lý tưởng.Thật vậy, khi con người tín nghĩa bắt đầu ngày sống của mình, họ biết rằng họ sẽ không bị bỏ mặc cho những gì là ngẫu nhiên mù quáng tối tăm, hay cho một cái gì đó bất ổn theo tự do của mình, hoặc lệ thuộc vào những sự quyết định của kẻ khác, hay bị chi phối bởi những biến cố lịch sử. Họ biết rằng, với sự cao cả, thánh thiện và nhân hậu của Ngài, Đấng Tạo Hóa và Cứu Tinh cho thấy Ngài trổi vượt trên tất cả mọi thực tại trần gian.
2. Các học giả đặt một số giả thiết về việc sử dụng bài Thánh Vịnh này cho phụng vụ Đền Thờ Sion. Dù sao nó cũng có tính chất của một lời chúc tụng ngất ngây dâng lên Chúa là Đấng ngự trong vinh quang trước mắt tất cả mọi dân tộc và trái đất (câu 1). Tuy nhiên, Thiên Chúa tỏ mình hiện diện nơi một địa điểm và giữa một cộng đồng, đó là Giêrusalem (câu 2), để cho thấy rằng Ngài là “Thiên Chúa ở với chúng ta”.
Vị Tác Giả Thánh Vịnh qui cho Thiên Chúa bảy danh hiệu trọng đại ở trong câu đầu tiên: Ngài là vua, là Đấng cao cả, Đấng được tôn tụng, Đấng uy nghi, Đấng thánh hảo, Đấng quyền năng, Đấng công chính (câu 1-4). Ngoài ra, Thiên Chúa còn được tỏ hiện với tính chất “nhẫn nại” nữa (câu 8). Thế nhưng, được nhấn mạnh nhất là sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thật vậy, Ngài là “Đấng thánh hảo” (câu 3,5,9) đã được lập lại 3 lần, hầu như đây là thể thức của một bài đối ca luân xướng. Theo ngôn ngữ Thánh Kinh thì từ ngữ “thánh hảo” trước hết nói đến siêu việt tính thần linh. Thiên Chúa trổi vượt trên chúng ta và tỏ mình vĩnh viễn trên hết mọi tạo vật của Ngài. Tuy nhiên, siêu việt tính này không làm cho Ngài trở thành một vị chủ tể thụ động và xa lạ, ở chỗ, Ngài đáp ứng khi được kêu cầu (câu 6). Thiên Chúa là Đấng có thể cứu độ, Đấng duy nhất có thể giải thoát con người khỏi sự dữ và sự chết. Thật vậy, Ngài (là) “Đấng yêu chuộng công chính” và “đã thiết lập luật lệ chính đáng nơi Giacóp” (câu 4).
3. Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã suy niệm rất nhiều về đề tài sự thánh thiện của Thiên Chúa, bằng việc chúc tụng tính cách bất khả đạt thấu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, Vị Thiên Chúa siêu việt và thánh hảo này đã đến gần con người. Thánh Irenaeus nói rằng cái tỏ ra hơn những gì vốn có trong Cựu Ước đó là Ngài đã trở nên “quen thuộc” đối với con người, khi Ngài tỏ mình ra qua những lần hiện xuất cũng như khi Ngài nói qua các vị tiên tri, trong khi đó, con người “trở nên quen thuộc” với Thiên Chúa, bằng việc biết theo Ngài và vâng nghe Ngài. Còn gì nữa, ở một trong những bài thánh thi ca của mình, Thánh Ephrem nhấn mạnh là qua Việc Nhập Thể “Đấng thánh hảo đã trú ngụ trong cung dạ (của Mẹ Maria) một cách thể lý, giờ đây Người ngự trong tâm trí một cách thiêng liêng” ("Inni sulla Natività" [Hymns on the Nativity], 4, 130). Hơn nữa, tương tự như Việc Nhập Thể, qua tặng ân Thánh Thể, “Nơi Chứa Sự Sống từ trời xuống ngự trong những ai xứng đáng. Sau khi Người vào, Người ngự nơi chúng ta, để bản thân chúng ta được thánh hóa trong Người” ("Inni conservati in armeno" [Hymns Kept in Armenian], 47, 27.30).
4. Cái liên kết sâu xa giữa “sự thánh thiện” và việc gần gũi của Thiên Chúa cũng được khai triển ở bài Thánh Vịnh 98 (99). Thật vậy, sau khi chiêm ngưỡng sự tuyệt đối trọn hảo của Chúa, Vị Tác Giả Thánh Vịnh nhắc lại là Thiên Chúa liên lỉ giao tiếp với dân Ngài qua Moisen và Aaron, những vị môi giới của Ngài, cũng như qua Samuel, tiên tri của Ngài. Ngài tuyên phán và lắng nghe, Ngài sửa trị những vi phạm đồng thời cũng thứ tha.
Dấu hiệu của việc Ngài hiện diện ở giữa dân chúng là “dấu chân của Ngài”, tức là ngai tòa hòm bia trong đền thờ Sion (câu 5-8), như thế, Vị Thiên Chúa thánh hảo và vô hình cho thấy rằng dân chúng có thể đến với Ngài qua Moisen luật gia, Aaron tư tế và Samuel tiên tri. Ngài tỏ mình ra bằng lời nói cùng với những hành động cứu độ và phân xử, và Ngài đã hiện diện ở Sion qua việc tôn thờ được cử hành trong đền thờ.
5. Thế nên, chúng ta có thể nói rằng bài Thánh Vịnh 98 (99) ngày nay đã được hiện thực nơi Giáo Hội, ngai tòa hiện diện của Vị Thiên Chúa thánh hảo và siêu việt. Chúa đã không ẩn thân ở một nơi bất khả đạt nào trong mầu nhiệm của Ngài, đã không dửng dưng với lịch sử và những niềm mong đợi của chúng ta. Ngài “đến để cai trị địa cầu, cai trị thế giới một cách chính trực và cai trị tất cả mọi dân tộc một cách công bằng” (câu 9).
Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta nhất là nơi Con của Ngài, làm cho Ngài trở thành một con người trong chúng ta để có thể tràn ban sự sống và thánh thiện của Ngài trong chúng ta. Nhờ đó mà giờ đây chúng ta mới có thể đến được với Thiên Chúa bằng lòng tin tưởng chứ không phải bằng sự run sợ. Thật vậy, nơi Chúa Kitô, chúng ta có một vị tư tế tuyệt dối thánh hảo, vô tội, không tì tích. Người “luôn luôn có thể cứu độ những ai nhờ Người tiến đến với Thiên Chúa, vì Người muôn đời sống là để chuyển cầu cho họ” (Heb 7:25). Bởi vậy, bài ca của chúng ta đây tràn đầy niềm an bình và hân hoan. Nó tôn tụng Chúa là vua, Đấng ngự giữa chúng ta, lau khô châu lệ trên khuôn mặt của chúng ta (x Rev 21:3-4).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 98 chúc tụng sự thánh thiện của Chúa là Thiên Chúa và cho thấy dân Ngài tin tưởng rằng Thiên Chúa là Đấng tối cao, nhân hậu và thánh thiện trên tất cả mọi thực tại trần gian. Bài Thánh Vịnh này chẳng những nhận biết siêu việt tính của Thiên Chúa, còn nhận thấy với một lòng biết ơn về việc Thiên Chúa lúc nào cũng sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu cần thiết của con người. Moisen, Aaron và Samuel cả 3 vị này “đã kêu cầu Chúa và đã được Ngài nhận lời”. Việc liên kết giữa “sự thánh thiện” và “việc gần gũi” của Thiên Chúa giờ đây đã được thể hiện nơi Giáo Hội. Vị Thiên Chúa thánh thiện và siêu việt hoạt động qua Giáo Hội khi Giáo Hội thi hành sứ vụ phục vụ của mình trên thế giới này. Nhờ Chúa Kitô ở giữa chúng ta, cả chúng ta nữa cũng hướng lên Chúa Cha, không phải vì sợ hãi cho bằng tin tưởng. Với lòng tri ân cảm tạ, chúng ta “chúc tụng Chúa là Thiên Chúa và cúi mình xuống trước núi thánh của Ngài”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 27/11/2002)