Giáo Lý về việc Cầu Nguyện bằng Thánh Vịnh

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II

chia sẻ và hướng dẫn trong các buổi triều kiến chung Thứ Tư hằng tuần

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch

Bài 6 (Thứ Tư 30/5/2001) 

HÃY TIN TƯỞNG THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG NÂNG ĐỠ KẺ HIẾU TRUNG

(Thánh Vịnh 5, Kinh Ban Mai, Ngày Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất) 

1.         “Chúa nghe lời con vào buổi sớm mai; vào buổi sớm mai con dâng lên Chúa lời con nguyện cầu, với lòng ngóng trông và chờ đợi” (câu 4). Những lời này đã làm cho Thánh Vịnh 5 trở thành lời nguyện cầu buổi sáng, rất thích hợp cho Kinh Nguyện Ban Mai, kinh nguyện của tín hữu vào lúc bắt đầu của một ngày sống. Tình trạng căng thẳng và lo âu đối với những nguy hiểm và cay nghiệt tín hữu phải trực diện là bối cảnh cho cung điệu của lời kinh nguyện này. Thế nhưng, lòng họ tin tuỏng vào Thiên Chúa vẫn không hề suy yếu, vì Ngài bao giờ cũng sẵn sàng nâng đỡ con nguòi hiếu trung, để họ không bị vấp ngã trên đuòng đời.

Không ai ngoài Giáo Hội có đuọc một lòng tin cậy như thế” (Thánh Giêrônimô, Luận Đề 59 về Các Thánh Vịnh, 5, 27: PL 26, 829). Thánh Âu Quốc Tinh, bằng việc gợi lên cho chúng ta chú ý đến nhan đề được đặt cho bài Thánh Vịnh, nhan đề đọc trong bản Latinh là cho người lãnh nhận gia nghiệp, thì nói: “Bài thánh vịnh này ám chỉ Giáo Hội là thực tại lãnh nhận gia sản sự sống đời đời nơi Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, để Giáo Hội chiếm được chính Thiên Chúa, gắn bó với Ngài, và hưởng phúc trong Ngài, hợp với những gì đã viết: ‘Ai hiền lành ấy là phúc thật vì chưng sẽ được đất Đức Chúa Trời làm của mình vậy’ (Mt 5:5)” (Enarr. In ps. 5: CCL 38, 1, 2-3).

2.         Nơi các Thánh Vịnh chất chứa “lời cầu khẩn” xin Chúa cho được thoát khỏi sự dữ thường thấy có 3 ngôi vị hiện lên. Trước hết là Thiên Chúa (các câu từ 2 tới 7), Đấng thực sự là “Ngài”, đối tượng tin tưởng cậy trông của con người cầu nguyện. Một nỗi vững tâm nổi lên đương đầu với những lo âu của một ngày mệt mã cũng có thể là một ngày nguy hiểm. Chúa là Vị Thiên Chúa liên lỉ công chính đối với những gì là bất công, một Vị Thiên Chúa hoàn toàn không liên hệ gì với sự dữ: “Chúa không phải là một Vị Thiên Chúa hoan hỉ nơi điều gian ác” (câu 5).

Một danh sách dài liệt kê những người gian ác, kẻ kiêu hãnh, người khờ dại, kẻ gian trá, người khát máu, kẻ lừa đảo được duyệt qua trước ánh mắt của Chúa. Ngài là Vị Thiên Chúa thánh hảo và công chính, Ngài đứng về phía những ai theo đường lối chân thật và yêu thương của Ngài, chống lại thành phần “chọn những đường nẻo dẫn đến vương quốc của bóng tối tăm” (x Sách Cách Ngôn 2:18). Con người hiếu trung sẽ không cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi khi họ phải chạm trán với trần thế, khi họ dự phần với xã hội cũng như khi gặp phải những rắc rối trong sinh hoạt hằng ngày.

3.         Nơi câu 8 và 9 trong kinh ban mai của chúng ta, ngôi vị thứ hai chính là con người cầu nguyện, xuất hiện như là một Cái Tôi cho thấy toàn thể con người của họ được cung hiến cho Thiên Chúa cũng như cho “tình thương cao cả” của Ngài. Họ tin tưởng là các cổng của đền thờ, nơi hiệp thông và là nơi mật thiết thần linh, nơi đã bị khóa lại trước những kẻ bất chính, lại rộng mở ra cho họ. Họ tiến vào những cổng này để hoan hưởng cảnh an toàn dưới sự chở che thần linh, trong khi đó, ở bên ngoài, sự dữ phát triển và ăn mừng những gì gọi là chiến thắng tạm thời.

Từ kinh ban mai của mình trong đền thờ, con người hiếu trung có được một nghị lực nội tâm để đối diện với thế giới hận thù. Chính Chúa sẽ nắm lấy tay họ để dẫn họ băng qua những đuòng xá thế gian, hơn thế nữa, Ngài còn “làm cho đường lối của Ngài ngay thẳng” trước mắt họ, như Tác Giả Thánh Vịnh diễn tả bằng một hình ảnh đơn sơ nhưng đánh động. Theo bản văn gốc tiếng Do Thái thì niềm tin tưởng cậy trông vững vàng này đuọc diễn tả bằng hai từ ngữ (hésed và sedaqáh): một là “lòng xót thương hay lòng trung thành”, hai là “đức công chính hay việc cứu độ”. Những từ ngữ này là những chữ chính yếu trong việc reo mừng giao ước liên kết Chúa với dân Ngài và với từng tín hữu.

4.         Sau hết, chúng ta thấy tụ lại ở chân trời hình ảnh mờ mịt của nhân vật thứ ba trong thảm kịch thường nhật, đó là những kẻ thù, những kẻ gian ác, thành phần thuộc về bối cảnh ở những câu trước đó. Sau “Ngài” là Thiên Chúa và “Cái Tôi” là con nguòi nguyện cầu, giờ đây đến “Họ” là nhóm người thù hận, tiêu biểu cho sự dữ trên thế gian (các câu 10-11). Hình thể học của họ được vẽ theo ngôn từ, yếu tố căn bản trong việc truyền thông xã hội. Bốn yếu tố là môi miệng, lòng trí, cổ họng và cái lưỡi nói lên cho thấy bản chất sâu xa của cái gian tà nội tâm nơi việc họ chọn lựa. Miệng lưỡi họ đầy những sai lầm, lòng trí họ lúc nào cũng âm mưu phản trắc, cổ họng của họ như mồ mả mở toang, mau mắn mong muốn duy một sự chết, cái lưỡi dụ dỗ của họ “đầy chất độc tử thần” (Jas 3:8).

5.         Sau bức tranh thực tiễn và cay cực như vậy về con người hư hỏng là thành phần tấn công kẻ công chính, tác giả Thánh Vịnh, ở một câu Thánh Vịnh (thứ 11) đã kêu nài Thiên Chúa đoán phạt họ, câu Thánh Vịnh đã được Kitô giáo bỏ qua khi đọc Thánh Vịnh, vì Giáo Hội muốn theo đúng mạc khải Tân Ước về tình yêu nhân hậu, một tình yêu cống hiến cho kẻ dữ có cơ hội ăn năn cải thiện đời sống.

Lời cầu nguyện của tác giả Thánh Vịnh đến đây được kết thúc với đầy những sáng suốt và an bình (câu 12-13), sau câu truyện đen tối của thành phần tội nhân vừa cho thấy. Một triều sóng vững tâm và hoan lạc vây bọc lấy con người hiếu trung với Chúa. Bấy giờ bắt đầu một ngày sống, mở ra trước người tín hữu. Cho dù nó có được đánh dấu bằng nỗ lực và lo âu, bao giờ nó cũng được phúc lành thần linh bao phủ. Tác giả Thánh Vịnh, vị biết được một cách sâu xa cõi lòng và kiểu cách của Thiên Chúa, đã không nghi ngại thân thưa: “Lạy Chúa, Chúa chúc phúc cho kẻ lành; Chúa sủng ái bao bọc họ như khiên với thuẫn” (câu 13).

(L’Osservatore Romano, ấn bản Anh ngữ, ngày 6/6/2001)