Bài 60 (Thứ Tư 4/12/2002)

Nài Xin Thiên Chúa Thương Xót Và Thứ Tha

(Thánh Vịnh 50 [51], Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Ba)
 


1. Hằng tuần phụng vụ giờ kinh ban mai lập lại bài Thánh Vịnh 50 (51), một bài Kinh Thương Xót nổi tiếng. Chúng ta đã suy niệm một số đoạn của bài này ở những dịp trước đây. Giờ đây chúng ta lại đặc biệt suy niệm một đoạn của lời nài xin tha thứ cao cả này nữa, từ câu 12 đến 16.

Trước hết, cần phải chú ý là, theo nguyên ngữ Do Thái, tiếng “tinh thần” được lập lại ba lần, được dùng để kêu xin Thiên Chúa ban tinh thần này cho như là một tặng ân và là một tinh thần được tạo vật thống hối tội lỗi mình lãnh nhận: “Xin hãy canh tân tinh thần cương nghị trong tôi… Xin đừng… cất thánh thần Chúa khỏi tôi… Xin hãy bảo trì tinh thần hăng hái nơi tôi” (câu 12,13,14). Sử dụng một từ ngữ phụng vụ, người ta có thể nói rằng đây là một “epiclesi”, tức là một lời kêu cầu ba lần Vị Thần Linh, Đấng xà xà trên các giòng nước vào lúc tạo thành trời đất (x Gen 1:2), giờ đây thấm nhập vào linh hồn của người tín nghĩa, làm phát tỏa ra một sự sống mới và nâng linh hồn lên từ vương quốc tội lỗi tới thiên đường ân sủng.

2. Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã thấy được nơi “tinh thần” được Vị Tác Giả gợi lên ấy sự hiện diện thực sự của Chúa Thánh Thần. Bởi thế Thánh Ambrôsiô đã tin tưởng rằng đó chính vị Thánh Linh duy nhất này, là vì Ngài “đã ban ơn hứng khởi nơi các vị tiên tri, đã được Chúa Kitô thổi vào các vị tông đồ, đã hiệp nhất nên một với Chúa Cha và Chúa Con trong bí tích rửa tội” ("Lo Spirito Santo" [The Holy Spirit], I, 4, 55: SAEMO 16, p. 95).

Các vị Giáo Phụ khác cũng tin tưởng như vậy, như Didimus Người Mù Thành Alexandria ở Ai Cập và Thánh Basiliô ở Caesarea, trong những luận đề đáng kính nể về Thánh Linh của các vị (Didimus the Blind, "Lo Spirito Santo" [The Holy Spirit], Rome, 1990, p. 59; Basil of Caesarea, "Lo Spirito Santo" [The Holy Spirit], IX, 22, Rome, 1993, p. 117f.). Một lần nữa, Thánh Ambrôsiô, khi nhận thấy là Vị Tác Giả Thánh Vịnh nói về niềm vui tràn đầy linh hồn khi linh hồn nhận được Vị Thần Linh quảng đại và quyền năng của Thiên Chúa, đã dẫn giải là: “Niềm diễm phúc và niềm sướng vui là hoa trái của Thần Linh, và Vị Thần Linh Tối Thượng này là vị chúng ta trước hết nương dựa vào Ngài. Bởi thế, ai được Vị Thần Linh Tối Thượng này tăng cường sinh lực sẽ không sống trong cảnh nô lệ, không làm tôi cho tội lỗi, không ở trong tình trạng bất định, không lang thang đây đó, không xao xuyến về những chọn lựa của mình, nhưng họ sẽ vững vàng, chân họ sẽ không lay chuyển đứng trên tảng đá” ("Apologia del Profeta David a Teodosio Augusto" [Apologia of the Prophet David to Theodosius Augustus], 15, 72: SAEMO 5, p. 129).

3. Bằng việc đề cập ba lần đến “tinh thần”, bài Thánh Vịnh 50 (51), sau khi diễn tả ở những câu trước đó cái ngục tù tối tăm của tội lỗi, đã hướng tới một miền ánh sáng ân sủng. Đây là một khúc quanh quan trọng, có thể so sánh với một cuộc tân tạo: ở chỗ, như lúc ban đầu Thiên Chúa đã thổi thần linh của Ngài vào vật chất để hình thành con người (x Gen 2:7) thế nào, thì nay cũng cùng Vị Thần Linh ấy tái tạo (câu 12), canh tân, biến hình và biến đổi tội nhân thống hối, ấp ủ họ một lần nữa (x câu 13), và làm cho họ được tham dự vào niềm vui cứu độ (x câu 14). Bấy giờ con người này, được điều khiển bởi Vị Thần Linh ấy, đi theo con đường công chính và yêu thương, như đã được một bài Thánh Vịnh khác nói tới: “Xin hãy dạy cho tôi biết làm theo ý của Ngài, vì Ngài là Thiên Chúa của tôi! Xin thần linh lành thánh của Ngài dẫn tôi đi trên con đường bằng phẳng” (Ps 142:10).

4. Cảm nghiệm được cuộc tái sinh nội tâm này, con người nguyện cầu trở nên một chứng nhân; họ hứa với Thiên Chúa là họ sẽ “dạy cho kẻ gian ác đường lối (thiện hảo) của Chúa” (câu 15), để thành phần này, như người con phung phá, có thể trở về nhà Cha. Cũng thế, sau khi cảm nghiệm được những con đường tội lỗi tối tăm, Thánh Âu-Quốc-Tinh bấy giờ mới cảm thấy nhu cầu cần phải làm chứng cho niềm tự do và nguồn vui cứu độ được diễn tả trong cuốn Tự Thú của ngài.

Ai cảm nghiệm được tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa thì trở nên một nhân chứng nhiệt thành, nhất là khi phải đối đầu với những người còn bị bủa vây bởi màng lưới tội lỗi. Chúng ta hãy nghĩ đến hình ảnh của một Phaolô, vị bị Chúa Kitô làm chóa mắt trên con đường Đamascô, đã trở nên một nhà truyền giáo hiên ngang bất khuất cho ân sủng thần linh.

5. Con người cầu nguyện lần cuối cùng nhìn đến quá khứ tối tăm của mình đã kêu lên cùng Thiên Chúa: “Xin hãy giải cứu tôi khỏi tội lỗi vấy máu, Ôi Thiên Chúa, Ngài là Thiên Chúa cứu độ tôi” (câu 16). “Máu” được nói đến ở đây theo Thánh Kinh có những ý nghĩa khác nhau. Máu được thoát ra từ môi miệng của Vua Đavít đây gián tiếp ám chỉ đến việc vua đã sát hại Uriah, chồng của Bathsheba, người đàn bà trở thành đối tượng cho đam mê của vị vua này. Theo nghĩa chung chung hơn, lời kêu cầu này bày tỏ cho thấy ước muốn được thanh tẩy khỏi sự dữ, khỏi bạo lực, khỏi hận thù luôn luôn hiện diện nơi cõi lòng con người bằng một quyền lực tối tăm và gian tà. Tuy nhiên, giờ đây, môi miệng của thành phần tín nghĩa, được thanh tẩy khỏi tội lỗi, lại hát lên chúc tụng Chúa.

Đoạn văn của bài Thánh Vịnh 50 (51) chúng ta dẫn giải hôm nay đây thực sự đã kết thúc bằng quyết tâm loan báo “đức công minh” của Thiên Chúa. Từ ngữ “công chính”, một từ ngữ, thường thấy trong ngôn từ thánh kinh, không ám chỉ một cách thích đáng tới tác động trừng phạt của Thiên Chúa trong việc Ngài đối chọi với sự dữ, mà là, trái lại, nói đến việc phục hồi tội nhân, vì Thiên Chúa tỏ hiện đức công chính của Ngài ra bằng việc làm cho tội nhân nên công chính (x Rm 3:26). Thiên Chúa không hề vui thú trước cái chết của thành phần gian ác, nhưng muốn họ thay đổi đường lối của họ mà được sống (x Ezekiel 18:23).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 50, một bài ‘Kinh Thương Xót”, là lời nài xin Thiên Chúa thương xót và thứ tha. Vị Tác Giả Thánh Vịnh, bằng việc nhìn nhận lầm lỗi của mình, đã xin Thiên Chúa tạo nên nơi mình một trái tim tinh tuyền cũng như ban cho ông một tinh thần cương nghị. “Xin đừng cất Thánh Linh Ngài khỏi tôi” (câu 13). Giáo Hội thấy những lời tiên tri này một qui chiếu về tặng ân Thánh Linh, Đấng giải phóng chúng ta khỏi tội lỗi, làm cho chúng ta nên tạo vật mới, và khiến chúng ta sống trong sự thật, công chính và yêu thương. Lời hứa hẹn của cuộc tái sinh thiêng liêng này đã thúc đẩy Vị Tác Giả Thánh Vịnh hân hoan tuyên chứng cho đức công minh chính trực của Thiên Chúa, Đấng tỏ lòng xót thương đối với các tội nhân và phục hồi cho họ ân sủng, tự do và sự sống mới.
 


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 4/12/2002)