Bài 62 (Thứ Tư 8/1/2003)
 

Lòng Trung Thành của Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta

(Thánh V ịnh 99 [100], Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Ba)
 

1. Trong bầu không khí hân hoan và cử hành mừng lễ kéo dài cho tới tuần cuối cùng của Mùa Giáng Sinh này, chúng ta trở lại với việc suy niệm phụng vụ giờ kinh của chúng ta. Hôm nay, chúng ta suy niệm về bài Thánh Vịnh 99 [100] vừa được công bố, bài thánh vịnh hân hoan kêu gọi hãy chúc tụng Chúa là vị mục tử chăn dắt dân của Ngài.

Có bảy lời truyền khiến trải khắp bài thánh vịnh, dẫn cộng đồng tín hữu đến việc cử hành thờ phượng Vị Thiên Chúa của tình yêu và giao ước, đó là hãy tôn tụng, hãy phục vụ, hãy hiến mình, hãy nhận biết, hãy nhập môn, hãy ca ngợi, hãy chúc tụng. Người ta nghĩ đến một cuộc rước phụng vụ sắp sửa tiến vào đền thờ Sion để thực hiện lễ nghi tôn kính Chúa (x các Ps 14; 23; 94).

Trong bài Thánh Vịnh này, có những lời lẽ quyện vào nhau làm cho mối giây giao ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái có tính cách tôn tụng. Nhất là niềm xác tín phát xuất từ việc thuộc trọn về Thiên Chúa: “là Đấng chúng tôi thuộc về, là Đấng chúng tôi là dân” (câu 3), một niềm xác tín đầy hãnh diện song đồng thời cũng khiêm tốn, khi dân Do Thái tỏ mình ra như “đàn chiên được Chúa chăm sóc” (Ibid.). Nơi các bài Thánh Vịnh khác, chúng ta cũng thấy bày tỏ mối liên hệ này: “Vì đây là vị Thiên Chúa của chúng ta” (x Ps 94[95]:7). Thế rồi chúng ta thấy bày tỏ về mối liên hệ yêu thương nữa, một “tình thương” và “lòng trung tín” liên kết với “sự thiện hảo” (x Ps 99[100]:5), là những gì, theo nguyên ngữ Do Thái, làm nên chính những chữ cho thấy một thứ hiệp ước thắt kết dân Do Thái với Thiên Chúa của họ.

2. Việc điều hợp giữa không gian và thời gian cũng được nhắc đến nữa. Thật vậy, một mặt thì toàn thể trái đất xuất hiện trước chúng ta cùng với các dân cư của nó đang chúc tụng Thiên Chúa (x câu 2); thế rồi chân trời này thu về địa điểm của Đền Thờ Giêrusalem, nơi có sân đường và cổng đường, chốn cộng đồng tụ họp để nguyện cầu. Mặt khác, thời gian cũng được đề cập đến qua ba khía cạnh của nó, đó là một quá khứ của việc tạo dựng (“Chúa là Thiên Chúa, Đấng Dựng Nên chúng tôi” – câu 3), hiện tại của một giáo ước và việc tôn thờ (“chúng tôi là dân của Ngài, là đàn chiên Chúa chăn nuôi” – ibid.), và sau cùng là tương lai “muôn đời” của lòng trung thành nhân hậu của Chúa, một lòng trung thành kéo dài “qua các thế hệ” (câu 5).

3. Giờ đây chúng ta hãy suy niệm vắn tắt về bảy lời truyền khiến làm nên một lời mời gọi dài chúc tụng Thiên Chúa và là những lời hầu như liên tục cả bài Thánh Vịnh này (x các câu 2-4), trước khi thấy ở câu cuối cùng cái động lực thúc đẩy chúng tôn tụng Thiên Chúa, chiêm ngưỡng căn tính thân tình và sâu xa của Ngài.

Lời kêu gọi đầu tiên là lời vui mừng vang lên với toàn thể trái đất hãy ca khen chúc tụng Đấng Hóa Công. Khi chúng ta cầu nguyện, chúng ta cần phải cảm thấy có cùng một cung điều với tất cả những ai nguyện cầu, tôn tụng một vị Chúa duy nhất bằng những thứ ngôn từ và đường lối khác nhau. Như Tiên Tri Malachi nói: “Vì, từ khi mặt trời mọc lên cho tới khi lặn xuống, tên của Ta là một danh hiệu cao cả nơi các dân nước, Chúa các đạo binh phán” (1:11).

4. Thế rồi tới một số lời kêu gọi có bản chất về phụng vụ và lễ nghi, đó là “hãy phục vụ”, “hãy hiến thân”, và “hãy nhập môn” Đền Thờ. Chúng là những động từ, cũng ám chỉ cả những thính giả vương gia, diễn tả một số những cử chỉ khác nhau cần thành phần tín hữu bày tỏ khi họ tiến vào cung thánh Sion để tham dự cuộc cầu nguyện cộng đồng. Sau bzài ca vũ trụ, phụng vụ được dân Chúa cử hành, một dân là “đàn chiên trong đồng cỏ của Ngài”, là “sản vật giữa tất cả mọi dân tộc” của Ngài (Ex 19:5).

Lời mời gọi “hãy nhập môn với lòng tri ân cảm tạ” và “với những lời hoan ca chúc tụng” nhắc chúng ta nhớ lại một đoạn về “Các Mầu Nhiệm” được Thánh Ambrôsiô dùng để diễn tả thành phần lãnh nhận phép rửa tiến lên bàn thờ: “Thành phần được thanh tẩy tiến lên bàn thờ của Chúa Kitô mà nói: ‘Tôi sẽ đi tới bàn thờ của Thiên Chúa, tới với Vị Thiên Chúa là niềm vui của tuổi xuân tôi’ (Ps 42[43]:4). Thật vậy, khi từ bỏ những cái vô bổ của thứ lầm lỗi đã đâm rễ, con người ta đã canh tân tuổi xuân của mình như một con đại bàng vội vã tham dự vào bữa tiệc nước trời này. Thế rồi họ tới, và khi thấy bàn thờ nguyên hảo đã được sửa soạn một cách xứng đáng thì kêu lên: ‘Chúa là vị mục tử của tôi, tôi không còn thiếu gì; Ngài cho tôi nghỉ ngơi trên đồng cỏ xanh rì. Ngài dẫn tôi đi bên giòng nước trong; Ngài bồi dưỡng linh hồn tôi’ (Ps 22:1-2)” ("Opere Dogmatiche III," [Dogmatic Works III], SAEMO 17, pp. 158-159).

5. Những lời truyền khiến khác làm bài Thánh Vịnh vững chắc đã tái nêu lên những thái độ đạo giáo căn bản của một con người cầu nguyện, đó là nhận biết, ca khen, chúc tụng. Động từ nhận biết diễn tả nội dung của việc tuyên xưng đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất. Thật vậy, chúng ta phải tuyên xưng rằng chỉ có “Chúa là Thiên Chúa” (câu 3), chống lại với mọi ngẫu tượng cũng như mọi thứ ngạo mạn và quyền năng của con người phạm đến Ngài.

Đối tượng của các động từ khác, tức của động từ ca khen và chúc tụng, cũng là “danh” của Chúa (x câu 4), tức là, bản thân Ngài, việc hiện diện thực sự và cứu độ của Ngài.

Theo ý nghĩa ấy, bài Thánh Vịnh cuối cùng dẫn đến việc long trọng tôn tụng Thiên Chúa, một hành động thuộc một thứ tuyên xưng đức tin: Chúa tốt lành và lòng trung thành của Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta, vì Ngài bao giờ cũng sẵn sàng bảo trì chúng ta bằng tình yêu nhân hậu của Ngài. Với lòng tin tưởng như thế, con người cầu nguyện phó mình vào vòng tay Thiên Chúa của họ: “Hãy nếm thử Chúa thiện hảo dường nào. Phúc cho ai tìm nương tựa nơi Ngài”, vị tác giả Thánh Vịnh ở chỗ khác đã nói như thế (Psalm 33[34]:9; see 1 Peter 2:3).

Anh Chị Em thân mến,

Trong niềm vui của Mùa Giáng Sinh này, chúng ta suy niệm bài Thánh Vịnh 99. Bài Thánh Vịnh đây kêu gọi tín hữu hãy qua cổng của Chúa mà vào để chúc tụng và kêu cầu Ngài bằng việc phục vụ và ca khen. Đó là việc cử hành một thứ giao ước của Thiên Chúa được coi như dấu hiệu của mối liên hệ yêu thương bao gồm “tình thương” và “lòng trung thành” liên kết lại thành “sự tốt lành” (x Ps 99:5). Bài Thánh Vịnh xác nhận vai trò là phần tử của chúng ta nơi gia đình của Thiên Chúa: “Chúng tôi thuộc về Ngài, là dân của Ngài” (Ps 99:3). Như thế, bài Thánh Vịnh trở thành một thứ tuyên xưng đức tin chúng ta dùng để công bố Chúa tốt lành và không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Ngài sẽ luôn luôn nâng đỡ chúng ta bằng tình yêu nhân hậu của Ngài. Tin tưởng như thế, chúng ta hoàn toàn phó mình vào tình thương ưu ái của Ngài.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 8/1/2003)