Bài 63 (Thứ Tư 15/1/2003)


Tầm Quan Trọng của Việc Cầu Nguyện cho Một Ngày Sống

(Thánh V ịnh 118 [119], Kinh Ban Mai, Thứ B ảy, Tuần Thứ Ba)


1. Trong cuộc hành trình dài trải qua các bài Thánh Vịnh được phụng vụ giờ kinh ban mai sử dụng, chúng ta tiến đến một khúc, khúc thứ 19 trong lời kinh nguyện dài nhất của Sách Thánh Vịnh, đó là bài Thánh Vịnh 118 [119]. Đây là một phần trong bài ca vịnh dài theo thứ mẫu tự, ở chỗ, vị Tác Giả Thánh Vịnh chia sáng tác của mình làm 22 khúc, tương đương với thứ tự của 22 chữ trong bộ mẫu tự Do Thái. Mỗi một khúc có tám câu, bắt đầu bằng những chữ Do Thái đều được đứng đầu bởi cùng một chữ trong bộ mẫu tự ấy. Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe là khúc được đánh dấu bằng chữ Do Thái koph, một chữ biểu hiệu cho con người cầu nguyện đang thiết tha bày tỏ đời sống nhiệt thành tin tưởng và cầu nguyện của mình với Thiên Chúa (các câu 145-152).

2. Việc kêu cầu Chúa là một việc làm nghiêm chỉnh, vì nó là một đáp ứng liên tục đối với những gì được Lời Thiên Chúa vốn phác họa. Một mặt thì những động từ về cầu nguyện thực sự là có rất nhiều, như tôi kêu lên Chúa, tôi kêu gọi Chúa, tôi kêu xin giúp đỡ, hãy lắng nghe tiếng tôi. Mặt khác thì lời Chúa lại được đề cao trong việc phác họa ra cho thấy những sắc chỉ, giáo huấn, lời lẽ, hứa hẹn, phán đoán, luật lệ, huấn lệnh và chứng từ của Thiên Chúa. Chúng hợp lại với nhau thành một chùm giống như một thứ tinh cầu đức tin và lòng tin tưởng của vị Tác Giả Thánh Vịnh. Bởi thế, việc cầu nguyện thể hiện như là một cuộc đối thoại được bắt đầu khi trời đã tối hay lúc bình minh chưa lên (x câu 147) và tiếp tục cả một ngày sống, nhất là trong những lúc khốn khó của cuộc đời. Thật thế, có những lúc chân trời trở nên mù mịt và bão bùng: “Những kẻ bách hại gian manh tiến đến gần tôi; họ xa vời với giáo huấn của Ngài” (câu 150). Tuy nhiên, con người cầu nguyện là con người có một niềm tin không lay chuyển, tức họ gắn bó lời Chúa và ơn Chúa: “Ôi Chúa, Ngài đang ở gần bên tôi” (câu 151). Thiên Chúa không bỏ mặc người công chính trong tay những kẻ bách hại.

3. Đến đây, một khi sứ điệp đơn sơ nhưng quyết liệt của khúc Thánh Vịnh 118 [119] đã được phác tả, một sứ điệp hợp với thời điểm mở màn cho một ngày sống, chúng ta sẽ suy niệm theo một vị Đại Giáo Phụ của Giáo Hội là Thánh Ambrôsiô, vị đã dùng 44 đoạn trong Tập Dẫn Giải Thánh Vịnh 118 [119] để cắt nghĩa cách chính khúc Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe.

Tiếp tục lời mời gọi cao vời trong việc chúc tụng thần linh vào những giờ phút mới sáng, ngài suy niệm đặc biệt các câu 147-148: “Tôi chỗi dạy trước hừng đông mà kêu lên… Mắt tôi chào đón những canh khuya”. Nơi câu phát biểu này của vị Tác Giả Thánh Vịnh, Thánh Ambrosiô trực giác thấy được cái tư tưởng về một cuộc cầu nguyện liên lỉ, một cuộc cầu nguyện bao trùm tất cả mọi lúc: “Ai giao tiếp với Thiên Chúa thì phải tác hành như thể Ngài không biết gì đến việc hiện hữu của một lúc nào đó được dùng để kêu xin Chúa, nhưng bao giờ cũng phải giữ thái độ kêu cầu. Cho dù chúng ta ăn hay uống, chúng ta đều loan báo Chúa Kitô, cầu cùng Chúa Kitô, nghĩ về Chúa Kitô! Chớ gì Chúa Kitô luôn ở trong lòng chúng ta và trên môi miệng của chúng ta!” (Commentary on Psalm 118/2: Saemo 10, p. 297).

Thế rồi, khi đề cập đến những cầu nói về giây phút đặc biệt buổi sáng, cũng như để dẫn đến lời diễn tả của Sách Khôn Ngoan là “hãy cảm tạ Thiên Chúa trước khi mặt trời lên” (16:28), Thánh Ambrôsiô đã giải thích rằng: “Thật vậy, thật là tệ nếu những tia sáng của mặt trời lên lấy làm ngỡ ngàng khi thấy anh em đang ươn lười nằm trên giường một cách dại khờ khinh mạn, và nếu một làn ánh sáng mạnh hơn làm cay con mắt ngái ngủ của anh em, mà anh em vẫn im lìm bất động. Quả là vô phúc nếu chúng ta sống một thời gian dài mà lại không thực thi lòng đạo đức tối thiểu và không dâng lên một hy sinh thiêng liêng nào đó trong cả một đêm không làm gì” (Ibid., op. cit., p. 303).

4. Để rồi, Thánh Ambrôsiô, khi ngắm mặt trời lên, như ngài đã làm ở những bài thánh ca danh tiếng “trong lúc gà gáy” khác của ngài, bài “Aeterne rerum conditor”, bài được dùng trong phụng vụ giờ kinh, đã nhắn nhủ chúng ta thế này: “Ôi con người, có lẽ ngươi không biết rằng hằng ngày ngươi mắc nợ Thiên Chúa những thứ hoa trái đầu mùa của cõi lòng và tiếng nói của ngươi hay chăng? Mùa màng hằng ngày phải thu hoạch, hoa trái hằng ngày phải hái lấy. Bởi vậy, ngươi hãy chạy cho kịp mặt trời lên… Mặt trời công chính muốn được đợi trông chứ đừng mong mỏi gì khác… Nếu ngươi ngưỡng vọng mặt trời lên ngươi sẽ nhận được Chúa Kitô là ánh sáng. Chính Người thực sự sẽ là ánh sáng đầu tiên chiếu vào mật thất tâm can của ngươi. Người sẽ là, đúng hơn… Người sẽ làm cho ánh sáng ban mai chiếu soi ngươi trong những giờ khắc đêm tối, nếu ngươi suy niệm những lời của Chúa. Trong lúc ngươi suy niệm thì ánh sáng sẽ lên… Vào lúc sáng sớm, ngươi hãy mau mắn đến nhà thờ và sốt sắng hái lấy những hoa trái đầu mùa của lòng đạo đức của mình. Sau đó, nếu các công việc trần gian cần đến ngươi thì không gì có thể cản trở người nói rằng: ‘khi suy niệm về những lời Chúa hứa hẹn, con mắt tôi mong thấy những buổi canh thức về đêm”, rồi bằng một lương tâm lành thánh, ngươi bắt tay vào những việc làm của mình. Đẹp biết bao khi bắt đầu ngày sống bằng các bài thánh ca và các bài hoan ca, bằng các phúc đức ngươi đọc thấy trong Phúc Âm! Thật là phúc lợi biết bao lời Chúa đến với ngươi chúc lành cho ngươi; để ngươi, vừa hát vừa lập lại các phúc lành của Chúa, nhờ đó ngươi cảm thấy cần phải thực hành một nhân đức nào đó, nếu ngươi nhận thấy một điều gì trong ngươi khiến ngươi cảm thấy xứng đáng với phúc lành thần linh!” (Ibid., op. cit., pp. 303.309.311.313).

Chúng ta cũng hãy đáp lại lời kêu gọi của Thánh Ambrôsiô, và mỗi sáng chúng ta hãy mở mắt ra nhìn vào ngày sống, nhìn vào những niềm vui và các nỗi lo âu của nó, bằng lời kêu cầu Thiên Chúa, nhờ đó Ngài mới gần gũi chúng ta và dẫn đắt chúng ta bằng lời của Ngài, lời lan tỏa yên hàn và ân phúc.

Anh Chị Em thân mến,

Trong vấn đề giáo lý về các Thánh Vịnh của chúng ta được dùng trong Phụng Vụ Giờ Kinh, giờ đây chúng ta bàn đến Thánh Vịnh 118. Được sáng tác thành 22 khúc, tương đương với 22 chữ trong bộ mẫu tự Do Thái, bài Thánh Vịnh này là bài về việc long trọng cử hành lời Chúa như nguồn mạch khôn ngoan, sự sống và chân lý. Ở phần được dùng cho Kinh Sáng Thứ Bảy, vị Tác Giả Thánh Vịnh đã diễn tả việc cầu nguyện như là một cuộc đối thoại liên tục giữa Thiên Chúa là Đấng nói và tín hữu là thành phần đáp trả bằng lời chúc tụng và van xin. Trong số các Giáo Phụ của Giáo Hội, Thánh Ambrôsiô đã thôi thúc chúng ta hãy bắt chước gương của vị Tác Giả Thánh Vịnh trong việc liên lỉ cầu nguyện mỗi ngày, từ sáng sớm tới đêm khuya.
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 15/1/2003)