Bài 64 (Thứ Tư 29/1/2003)


Đức Khôn Ngoan Thần Linh

(Ca Vịnh Khôn Ngoan, Kinh Ban Mai, Thứ B ảy, Tuần Thứ Ba)

 


1.     Bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe cho chúng ta thấy phần lớn của một kinh nguyện dài được đặt vào môi miệng của Solomon, vị được truyền thống Thánh Kinh coi như là một vị Vua công chính và khôn ngoan đệ nhất. Bài Ca Vịnh giành cho chúng ta đây ở Đoạn 9 của Sách Khôn Ngoan, một bản văn của Cựu Ước được sáng tác bằng tiếng Hy Lạp, có lẽ ở Alexandria Ai Cập, vào đầu kỷ nguyên Kitô Giáo. Chúng ta nhận thấy điều diễn tả về một Do Thái Giáo chịu đựng và cởi mở của thành phần Dân Do Thái Tha Hương trong thế giới văn minh Hy Lạp Hellenitic.

Có ba luồng tư tưởng thần học chính yếu gợi lên cho chúng ta biết về cuốn sách này, đó là tình trạng bất tử phúc đức ở vào lúc kết thúc cuộc sống của kẻ lành (x đoạn 1-5); khôn ngoan là tặng ân thần linh và là hướng dẫn viên cho của sống cũng như cho những chọn lựa của tín hữu (x đoạn 6-9); lịch sử cứu độ, nhất là biến cố chính yếu khỏi cảnh làm tôi người Ai Cập như dấu hiệu của trận chiến giữa thiện ác, một trận chiến dẫn tới mức độ trọn vẹn của ơn cứu độ và cứu chuộc (x đoạn 10-19).

2.     Solomon đã sống 10 thế kỷ trước vị tác giả thần hứng của Sách Khôn Ngoan này. Tuy nhiên, Solomon được coi là vị sáng lập và là tác giả lý tưởng của tất cả những suy tư khôn ngoan sau vua. Kinh nguyện dưới hình thức của một bài thánh thi ca này được đặt trên môi miệng của vua là một lời long trọng kêu cầu dâng lên “Thiên Chúa của cha ông tôi, Chúa của lòng xót thương” (9:1), xin Ngài ban tặng ân khôn ngoan quí giá nhất.

Bài Ca Vịnh của chúng ta ở đây rõ ràng ám chỉ đến cảnh tượng được kể lại trong Sách Chư Vương cuốn thứ nhất, lúc vua Solomon bắt đầu triều đại của mình đã đến những nơi cao ở Gibeon là nơi có một ngôi đền, và sau khi cử hành một hy tế trọng thể vua đã được một thị kiến mạc khải đêm hôm ấy. Theo lời Thiên Chúa yêu cầu, Đấng cho vua xin một tặng ân, thì vua trả lời là: “Xin ban cho tôi tớ Chúa một tấm lòng tri thức để phân xử dân Chúa cũng như để phân biệt đúng sai” (1Kgs 3:9).

3.     Ơn linh ứng phát xuất từ lời kêu cầu này của vua Solomon đã được khai triển trong bài Ca Vịnh của chúng ta đây thành một chuỗi kêu xin dâng lên Chúa, xin Ngài ban được kho tàng khôn ngoan không gì sánh bằng.

Trong đoạn của phụng vụ giờ kinh ban mai, chúng ta thấy có hai lời kêu cầu là: “Xin ban cho tôi Khôn Ngoan… Từ các tầng trời thánh hảo của Chúa, xin Ngài hãy sai Khôn Ngoan đến và từ ngai vinh quang của Chúa, xin hãy phái Khôn Ngoan đi” (Wis 9:4,10). Không có tặng ân này người ta thấy rằng mình không có hướng dẫn viên, như thể bị mất đi tinh đẩu hướng dẫn con người trong việc chọn lựa sống đời: “Vì tôi là… một con người yếu hèn, yểu mệnh, thiếu hiểu biết trong việc phân xử và luật lệ… nếu Khôn Ngoan phát xuất từ Chúa không ở với mình, hắn sẽ không còn giá trị gì” (câu 5-6)

Người ta có thể dễ trực giác thấy rằng “Khôn Ngoan” này không phải chỉ là thông minh hay khả năng thực tiễn, mà là việc tham dự vào chính tâm trí của Thiên Chúa, Đấng “đã thiết dựng con người theo sự khôn ngoan của mình” (câu 2). Bởi thế, Khôn Ngoan mới là khả năng thấu nhập ý nghĩa sâu xa của hữu thể, của sự sống và của lịch sử, vượt lên trên mặt nổi của các sự vật và các biến cố hầu khám phá được ý nghĩa tối hậu theo như ý muốn của Chúa.

4.     Khôn Ngoan giống như một cây đèn soi sáng cho những chọn lựa về luân lý hằng ngày của chúng ta và dẫn chúng ta trên đường ngay nẻo chính, “để hiểu biết những gì hài lòng Chúa và những gì hợp với các giới răn của Ngài” (x câu 9). Vì lý do này, phụng vụ đã giúp cho chúng ta dùng những lời của Sách Khôn Ngoan để bắt đầu một ngày sống, nhờ đó Thiên Chúa sẽ ở bên chúng ta với đức khôn ngoan của Ngài, “hỗ trợ và nâng đỡ chúng ta trong sự vất vả (hằng ngày) của chúng ta” (câu 10), khi tỏ cho chúng ta thấy sự thiện và sự ác, sự chân chính và sự bất chính.

Nắm lấy bàn tay của Đức Khôn Ngoan thần linh, chúng ta tin tưởng tiến bước trong thế gian. Chúng ta nắm chặt lấy đức này, yêu mến đức ấy bằng một tình yêu phu thê theo gương của vua Solomon, vị mà, theo Sách Khôn Ngoan, đã luôn luôn thú thực là “Tôi yêu mến nàng và tìm kiếm nàng từ thời xuân xanh; tôi đã tìm kiếm để cưới lấy nàng làm vợ mình và say đắm nhan sắc của nàng” (8:2).

5.     Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã nhìn nhận nơi Chúa Kitô Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa, theo như Thánh Phaolô đã định nghĩa Chúa Kitô là “quyền năng của Thiên Chúa và là khôn ngoan của Thiên Chúa” (1Cor 1:24).

Giờ đây chúng ta hãy kết thúc bằng lời nguyện của Thánh Ambrôsiô, vị đã thân thưa với Chúa Kitô như thế này: “Chúa hãy dạy con những lời sâu xa của đức khôn ngoan, vì Chúa là Đức Khôn Ngoan! Xin hãy mở lòng con ra, Chúa là Đấng đã mở ra Cuốc Sách! Chúa đã mở cửa ở trên trời, vì Chúa là Cửa! Nếu chúng con được qua Chúa mà vào thì chúng con sẽ chiếm được Vương Quốc trường sinh; nếu ai qua Chúa mà vào họ sẽ không bị lừa dối, vì họ không thể sai lầm, thành phần vào nơi cư trú của Chân Lý” ("Commentary on Psalm 118/1" ["Commento al Salmo 118/1"]: Saemo 9, p. 377).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Ca Vịnh ở đoạn 9 của Sách Khôn Ngoan đây nhắc nhở chúng ta rằng khôn ngoan chân thực từ Thiên Chúa mà đến. Sự khôn ngoan này không phải chỉ là một thứ kiến thức hay là một thứ tài nghệ hoặc một thứ năng khiếu, mà là sự tham phần vào tâm trí của chính Thiên Chúa. Thật vậy, Vua Solomon đã xin Chúa sai tặng ân khôn ngoan để vua nhờ đó có thể biết những gì làm hài lòng Thiên Chúa.

Không có đức khôn ngoan này chúng ta chẳng là gì. Thế nhưng, với đức khôn ngoan này, chúng ta được hướng dẫn sống thánh thiện và công chính. Đức này giúp chúng ta hiểu được lịch sử, giúp chúng ta nhìn bên trên những dáng vẻ thuần túy để cảm nhận ý nghĩa sâu xa của cuộc sống. Với vua Solomon, chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta tặng ân khôn ngoan này, để soi sáng tâm trí của chúng ta biết đi theo những con đường làm hài lòng Ngài.
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 29/1/2003)
 

Các Bài Giáo Lý trước