Bài 65 (Thứ Tư 5/2/2003)


Yếu Tính của Cầu Nguyện là Đối Thoại với Thiên Chúa

(Thánh Vịnh 116 [117], Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Ba)
 


1. Để tiếp tục việc chúng ta suy niệm về những bài phụng vụ giờ kinh ban mai, một lần nữa chúng ta trở lại với một bài Thánh Vịnh đã được trưng dẫn, bài thánh vịnh ngắn nhất trong tất cả những sáng tác của Sách Thánh Vịnh. Đó là bài Thánh Vịnh 116 [117], bài chúng ta vừa nghe, một thứ thánh thi ca hay kêu than nho nhỏ đã được trở thành một lời chúc tụng đại đồng dâng lên Chúa. Bài này nói lên hai lời căn bản cần được loan báo, đó là yêu thương và lòng trung thành (xem câu 2).

Với những từ ngữ này, vị Tác Giả Thánh Vịnh đã phô bày một cách tổng hợp Giao Ước giữa Thiên Chúa và dân Do Thái, nhấn mạnh đến mối liên hệ sâu xa là lòng trung thành và tin tưởng hiện hữu giữa Chúa và dân của Ngài. Ở đây chúng ta nghe thấy tiếng vang của những lời chính Thiên Chúa tuyên phán trên núi Sinai khi Ngài hiện ra với Moisen, đó là: “Chúa, một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, chậm bất bình và hết sức khoan dung và trung thành” (Ex 34:6).

2. Mặc dù có một đặc tính vắn vỏi và ngắn gọn, bài Thánh Vịnh 116 [117] cũng đi vào cốt lõi của việc cầu nguyện, ở chỗ gặp gỡ và đối thoại một cách sống động riêng tư với Thiên Chúa. Trong việc cầu nguyện này, mầu nhiệm của Thần Tính được tỏ ra như lòng trung thành và yêu thương.
Vị Tác Giả Thánh Vịnh thêm vào một khía cạnh đặc biệt nữa của việc cầu nguyện, đó là việc cảm nghiệm nguyện cầu cần phải được lan tỏa ra trên thế giới, khi nó biến mình thành chứng từ cho những ai không cùng niềm tin với chúng ta. Thật vậy, ngay từ ban đầu, chân trời đã được vươn tới “tất cả dân tộc các người” và tới “tất cả mọi quốc gia các người” (x câu 1), để trước vẻ đẹp và niềm vui của đức tin, cả họ nữa cũng sẽ được lòng khao khát thúc đẩy đến việc tìm biết, gặp gỡ và chúc tụng Thiên Chúa.
Trong một thế giới kỹ thuật tính cách linh thánh đang bị đe dọa bởi tình trạng nhật thực, trong một xã hội lấy hưởng thụ làm một thứ mãn nguyện bản thân thì chứng từ của một con người cầu nguyện giống như một tia sáng trong tăm tối.
Thoạt tiên nó chỉ là một thứ tò mò bừng lên, rồi nó có thể xui khiến con người suy tư tự hỏi về ý nghĩa của việc nguyện cầu, và sau hết, nó có thể khơi lên lòng ao ước hơn nữa trong việc có được cảm nghiệm này. Vì thế mà cầu nguyện không bao giờ chỉ là một việc làm lẻ loi song có khuynh hướng lan tỏa cho đến khi nó bao gồm cả thế giới.
4. Giờ đây chúng ta hãy theo bài Thánh Vịnh 116 [117] này với những lời của vị Đại Giáo Phụ thuộc Giáo Hội Đông Phương, đó là Thánh Ephrem người Syria, vị đã sống ở thế kỷ thứ 4. Ở một trong “Những Thánh Thi Ca Về Đức Tin, bài thứ 14, thánh nhân đã diễn tả lòng ước mong không bao giờ thôi chúc tụng Thiên Chúa, bao gồm “tất cả những ai hiểu biết sự thật (thần linh)”. Đây là chứng từ của ngài:
“Lạy Chúa, cây đàn cầm của tôi làm sao lại không chúc tụng Chúa được chứ? / Làm sao tôi lại có thể dạy cho miệng lưỡi của tôi bất trung được đây? / Tình yêu của Ngài đã khiến cho nỗi áy náy của tôi tin tưởng, / nhưng ý muốn của tôi vẫn tỏ ra vô ơn bội bạc (tiết 9).
“Con người thực sự cần phải nhận biết thần tính của Ngài, / các hữu thể thiên linh thực sự cần phải chúc tụng nhân tính của Ngài; / các hữu thể thiên linh sửng sốt khi thấy được Ngài đã hủy mình ra như không là dường nào, / và những ai trên trái đất này thấy được Ngài được vinh thăng ra sao” (tiết 10: L'Arpa dello Spirito [The Harp of the Spirit,] Rome, 1999, pp. 26-28).
5. Ở một bài thánh thi ca khác, (Nisibian, 50), Thánh Ephrem xác nhận việc ngài hiến thân không ngừng chúc tụng, và cho biết cái động lực phát xuất từ tình yêu và lòng thương xót thần linh đối với chúng ta, giống như bài Thánh Vịnh của chúng ta đây nêu lên.
“Lạy Chúa, trong Ngài, chớ gì miệng lưỡi của tôi âm thầm chúc tụng Chúa. / Chớ gì miệng lưỡi của chúng tôi không ngừng chúc tụng Chúa, / chớ gì những miệng lưỡi không thôi tin tưởng Chúa; / chớ gì việc chúc tụng Chúa rung động lên trong chúng tôi!” (tiết 2).
“Vì gốc rễ đức tin của chúng ta được gắn liền với Chúa của chúng ta; nên mặc dù xa cách, Ngài vẫn gần gũi chúng ta qua việc thấm nhập yêu thương. / Chớ gì những gốc rễ yêu thương của chúng ta được liên kết với Ngài, / chớ gì tất cả lòng thương cảm của Ngài tuôn đổ xuống trên chúng ta” (tiết 6: ibid., pp. 77, 80).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 116 cho thấy tâm điểm của Giao Ước giữa Thiên Chúa và Dân của Ngài. Bài Thánh Vịng vắn gọn này đi sâu vào yếu tính của việc cầu nguyện như là một cuộc hội ngộ tư riêng với Thiên Chúa, một cuộc đối thoại làm cho mầu nhiệm thần linh tỏ hiện qua lòng trung thành và yêu thương. Nơi việc cầu nguyện, “tất cả mọi quốc gia và mọi dân tộc” được mời gọi chúc tụng Thiên Chúa và cảm nghiệm được niềm vui tin tưởng. Thế giới ngày nay hết sức cần đến chứng từ của con người nam nữ cầu nguyện và khuyến khích người khác cầu nguyện. Vì nơi việc cầu nguyện, chúng ta khám phá thấy Thiên Chúa là nguồn mạch tối hậu của tình yêu chúng ta, trong khi Ngài tuôn đổ trên chúng ta tất cả tình thương của Ngài” (see Saint Ephrem the Syrian, Carm, Nisib., 50).

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 5/2/2003)