Bài 66 (Thứ Tư 12/2/2003)
Chúa là Đá Tảng, là Đấng Cứu Độ
(Thánh Vịnh 117 [118], Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Bốn)
1. Cái tuần tự của các bài Thánh Vịnh từ bài 112 đến bài 117 [118] đã được xướng lên vào tất cả những cuộc hội lễ quan trọng và vui mừng nhất của Do Thái Giáo cổ xưa, nhất là trong việc cử hành Lễ Vượt Qua. Loạt bài thánh thi ca chúc tụng và tạ ơn dâng lên Thiên Chúa này được gọi là “Hãy Vui Lên Dân Ai Cập”, vì ở một trong những bài Thánh Vịnh này, đó là bài Thánh Vịnh 113A, cuộc xuất hành của dân Do Thái khỏi mảnh đất bị áp bức, đất Ai Cập thời Pharao, cùng với tặng ân giao ước thần linh tuyệt vời đã được nhắc lại một cách tiết điệu và tượng hình nhất. Bởi vậy, bài Thánh Vịnh cuối cùng kết thúc loạt bài là “Hãy Vui Lên Dân Ai Cập” chính là bài Thánh Vịnh 117 [118] chúng ta vừa công bố và là bài chúng ta đã suy niệm ở một bài dẫn giải trước đây.2. Bài ca này rõ ràng cho thấy mình được sử dụng trong đền thờ Giêrusalem. Như được tỏ hiện cho thấy thì bài ca này dường như cho thấy một cuộc rước được khởi hành từ giữa “các lều của những kẻ chiến thắng” (câu 15), tức là nơi các ngôi nhà của thành phần tín nghĩa. Thành phần tín nghĩa tôn tụng bàn tay bảo vệ thần linh có khả năng bảo vệ kẻ công chính và tin tưởng, cho dù vào lúc bị đối phương hung dữ xâm chiếm. Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã sử dụng hình ảnh gợi hình ở đây: “Chúng bủa vậy tôi như đàn ong; chúng bừng bừng như lửa nơi gai góc; nhân danh Chúa tôi đã chúng triệt hạ” (câu 12).
Vì tránh được cơn nguy hiểm này, dân Chúa đã kêu lên bằng “những tiếng hân hoan la hò được giải thoát” (câu 15) để tôn kính “bàn tay phải của Chúa đã giơ lên (và mạnh mẽ giáng xuống)” (câu 16). Bởi thế, dân mới có được một nhận thức là họ không bao giờ bị bỏ mặc cho phong ba bão tố bùng lên bởi kẻ gian ác. Thật vậy, phán quyết cuối cùng bao giờ cũng thuộc về Thiên Chúa, Đấng mặc dù để cho thành phần tín nghĩa của Ngài phải chịu gian nan hoạn nạn nhưng không trao họ vào bàn tay tử thần (x câu 18).
3. Tới đây hình như cuộc rước tiến đến đích điểm được vị Tác Giả Thánh Vịnh gợi lên cho thấy qua hình ảnh của “những cửa chiến thắng” (câu 19), tức là, cửa thánh của đền thờ Sion. Cuộc kiệu đi hộ tống vị anh hùng được Thiên Chúa ban cho chiến thắng. Ngài muốn các cổng phải được mở ra nghênh đón vị anh hùng này, để vị anh hùng có thể “dâng lời tạ ơn Chúa” (x câu 19). Cùng với vị anh hùng ấy, “những kẻ chiến thắng tiến vào” (câu 20). Để diễn tả cuộc thử thách gay go vị anh hùng ấy đã thắng vượt, cũng như vinh hiển từ đó mà ra, vị anh hùng này so sánh mình với “một tảng đá bị các thợ xây loại bỏ” song “đã trở nên tảng đá chân móng” (câu 22).
Chính Chúa Kitô đã lấy hình ảnh này và câu Thánh Vịnh này, ở cuối dụ ngôn về những tay tá điền vườn nho sát nhân, để loan báo về việc khổ nạn và hiển vinh của Người” (x Mt 21:42).
4. Áp dụng bài Thánh Vịnh vào bản thân mình, Chúa Kitô đã mở lối cho Kitô Giáo cắt nghĩa về bài thánh thi ca tin tưởng và tri ân Chúa này về tính cách trung thành yêu thương của Người, một tính cách vang vọng khắp cả bài Thánh Vịnh (xem các câu 1,2,3,4,29).
Các Vị Giáo Phụ của Giáo Hội đã sử dụng hai biểu hiệu. Trước hết là biểu hiệu “những cổng công chính”, những cổng được Thánh Clement ở Rôma đã dẫn giải thế này trong Thư gửi giáo đoàn Côrintô của ngài: “Cửa mở thì nhiều, những chỉ có một cửa công chính duy nhất ở nơi Chúa Kitô mà thôi. Phúc cho những ai qua cửa này mà vào và bước đi trong thánh thiện và công chính, làm hết mọi sự trong an bình” (48,4: "I Padri Apostolici" [The Apostolic Fathers], Rome, 1976, p. 81).
5. Biểu hiệu khác, gắn liền với biểu hiệu trước, chính là biểu hiệu đá tảng. Giờ đây chúng ta hãy suy niệm theo Thánh Ambrôsiô trong tập Dẫn Giải Phúc Âm thao Thánh Luca. Khi giải thích về lời Thánh Phêrô tuyên xưng đức tin ở Cesarea Philippi, ngài nhắc lại rằng “Chúa Kitô là tảng đá” và “Chúa Kitô không chối từ danh hiệu tuyệt vời này cho các môn đệ của Người, để Người cũng sẽ là Phêrô, một Phêrô như tảng đá, có một sức mạnh kiên vững, một đức tin bất khả hủy diệt”.
Thế rồi Thánh Ambrôsiô lên tiếng huấn dụ: “Anh em cũng hãy cố gắng trở thành một tảng đá. Thế nhưng, để đạt được điều này, anh em đừng tìm kiếm tảng đá ở ngoài anh em mà là ở trong anh em. Tảng đá của anh em là các hành động của anh em, tảng đá của anh em là tư tưởng của anh em. Ngôi nhà của anh em được xây cất trên tảng đá này, nhờ đó nó sẽ không bị đổ nát bởi bất cứ chước cám dỗ nào của các tinh thần xấu xa. Nếu anh em là đá tảng, anh em sẽ ở trong Giáo Hội, vì Giáo Hội ở trên tảng đá này. Nếu anh em ở trong Giáo Hội, những cổng hỏa ngục sẽ không khống chế nổi anh em” (VI, 97-99: "Opera Esegetiche" IX/II [Exegetical Works], Milan/Rome, 1978 = Saemo 12, p. 85).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 117 nhắc lại những năm bị áp bức bên Ai Cập và cử hành việc Thiên Chúa bảo vệ dân Ngài, cho dù cả vào lúc họ bị những đối phương hung dữ bủa vây. Chính Thiên Chúa là Đấng ban chiến thắng, và dân Ngài được mời gọi để tạ ơn Ngài khi họ bước qua những cửa công chính. Bằng việc tôn vinh Đấng Tuyển Chọn của mình, Thiên Chúa đã làm cho “tảng đá bị thợ xây loại bỏ trở thành … đá nền” (câu 22). Chúa Kitô áp dụng hình ảnh này vào bản thân Người, khi Người loan báo cuộc khổ nạn và hiển vinh của Người. Bởi thế, chúng ta có thể cắt nghĩa bài thánh thi ca tin tưởng và tạ ơn này theo quan điểm Kitô Giáo. Như Thánh Ambrôsiô nói, cả chúng ta nữa cũng phải cố gắng để trở thành một tảng đá, một tảng đá hành động, phát ngôn và tin tưởng được xây dựng trên tảng đá đích thực (Ad Cor 48:4). Chớ gì lòng chúng ta luôn luôn kiên vững trong Chúa Kitô, Tảng Đá Chân Móng của chúng ta.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 12/2/2003)