Bài 67 (Thứ Tư 19/2/2003)


Thiên Chúa không bỏ mặc chúng ta cho tử thần

(Ca Vịnh Đaniên, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Bốn)



1. “Bấy giờ ba người trẻ này đồng thanh ca lên ton vinh và chúc tụng Thiên Chúa” (Dan 3:51). Câu này mở đầu cho bài Ca Vịnh nổi tiếng chúng ta vừa nghe ở đoạn nồng cốt của nó. Nó ở trong Sách Đaniên, trong phần được lưu truyền cho chúng ta bằng tiếng Hy lạp, với giọng điệu của những chứng nhân đức tin can đảm, thành phần không muốn cúi đầu tôn thờ tượng vua và sẵn sàng chấp nhận cái chết thê thảm, chấp nhận cuộc tử đạo trong lò lửa.

Họ là ba con người Do Thái trẻ trung, được tác giả sách thánh đặt vào một khung cảnh lịch sử dưới triều Nebuchadnezzar, một đại lãnh chúa Babylon, nhân vật đã hủy hoại thành Giêrusalem năm 586 trước công nguyên và đã đầy dân Do Thái đến sống “bên các giòng nước Babylon” (x Ps 136). Mặc dù hết sức nguy hiểm, khi những ngọn lửa đang liếm vào thân thể của họ, thì họ được sức mạnh “để ca ngợi, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa”, với lòng tin tưởng rằng Vị Chúa của vũ hoàn và lịch sử sẽ không bỏ rơi họ cho tử thần và âm phủ.

2. Vị tác giả thánh kinh, người đã viết vào mấy thế kỷ sau, đã gợi lại biến cố anh hùng này để phấn khích những người đồng thời của mình nêu cao đức tin trong những cuộc bách hại của các vua Syro-Hellennistic vào thế kỷ thứ hai trước công nguyên. Chính vì thế mới xẩy ra phản ứng can trường của nhà Maccabê, những chiến sĩ cho quyền tự do sống đức tin và truyền thống Do Thái.

Bài ca vịnh này, theo truyền thống được gọi là bài ca vịnh “về ba người trẻ”, giống như một ngọn lửa sáng lên trong tăm tối của thời áp bức và bách hại bấy giờ, một thời điểm thường được tái diễn trong lịch sử dân Do Thái cũng như của chính Kitô Giáo. Và chúng ta biết rằng kẻ bách hại không phải lúc nào cũng tỏ ra bộ mặt hung dữ và sát khí của một kẻ áp bức, mà thường thích dùng cách chế diễu và mỉa mai để cô lập hóa người công chính bằng những lời chua chát: “Thiên Chúa của các ngươi đâu rồi?” (Ps 41[42]:4,11).

3. Tất cả mọi tạo vật được tham dự vào trong lời chúc tụng do ba người trẻ này dâng lên Vị Chúa Toàn Năng từ cảnh cực hình của cơn thử thách. Họ đan kết lại thành một tấm vải muôn mầu với tinh tú sáng ngời, thời tiết đổi thay, thú vật di động, thần thiêng xuất hiện, và nhất là “những người tôi tớ của Chúa” hát ca, thánh phần “thánh hảo” và “khiêm nhượng trong lòng” (x Dn 3:85,87).

Đoạn ca vịnh vừa được công bố này ở trước cảnh tượng vĩ đại hiện lên của tất cả mọi tạo vật ấy. Nó làm nên phần đầu của bài ca vịnh, phần gợi lên cho thấy sự hiện diện hiển vinh của Vị Chúa siêu việt song lại gần gũi. Phải, vì Thiên Chúa ở trên trời, nơi Ngài “nhìn xuống các vực thẳm” (x 3:55), và cũng nhìn “vào đền thờ của vinh quang thánh hảo của Chúa” ở Sion nữa (x 3:53). Ngài ngự trên “ngai” của “vương quốc” vô cùng trường cửu của Ngài (x 3:54), nhưng cũng “ngự trên cherubim thần” (x 3:55), ở hòm bia giao ước trong nơi Cực Thánh của đền thờ Giêrusalem.

4. Ngài là một vị Thiên Chúa ở trên chúng ta, có khả năng cứu chúng ta bằng quyền lực của Ngài, nhưng cũng là một Vị Thiên Chúa gần gũi với Dân của Ngài, như Ngài muốn ngự giữa họ nơi “đền thánh hiển vinh” của Ngài để tỏ tình Ngài yêu thương. Một tình yêu Ngài sẽ hoàn toàn tỏ ra qua việc làm cho Chúa Giêsu Kitô Con Ngài, “đầy ân sủng và chân lý” “ở giữa chúng ta” (Jn 1:14). Ngài sẽ tỏ hết tình yêu của Ngài ra bằng việc sai Con của Ngài đến giữa chúng ta để chia sẻ mọi bề, ngoại trừ tội lỗi, thân phận được đánh dấu bằng các thứ thử thách, áp bức, lẻ loi và chết chóc của chúng ta.

Lời ca ngợi của ba người trẻ dâng lên Vị Thiên Chúa Cứu Độ được tiếp tục nơi Giáo Hội ở những cách thức khác. Chẳng hạn, Thánh Clêmentê ở Rôma, ở phần cuối Bức Thư của Ngài gửi cho các tín hữu Côrintô, “đưa vào một kinh nguyện chúc tụng và tin tưởng dài, được đan kết đầy những gợi ý thánh kinh và có lẽ âm vang cả phụng vụ Rôma sơ khai nữa. Đó là một kinh nguyện cầu tri ân cảm tạ Vị Chúa đã hướng dẫn lịch sử tới cùng đích tốt đẹp, bất chấp việc chiến thắng bề ngoài của sự dữ.

5. Đây là đoạn văn ấy:

“Ngài đã soi sáng con mắt tâm hồn chúng tôi (x Eph 1:18)
để chúng tôi có thể biết Ngài là Đấng Duy Nhất (x Jn 17:3)
Tối cao trên các đỉnh trời
Đấng Thánh ở giữa các vị thánh
Đấng hạ bệ những gì kiêu căng hống hách (x Is 13:11),
Đấng làm cho các thứ ý đồ của các dân tộc bấn loạn (x Ps 32:10),
Đấng nâng lên cao những ai hèn kém
Và những ai khóc lóc được đến chốn an toàn (x Jb 5:11).
Chúa là Đấng làm cho giầu sang và nghèo mạt
Đấng sát hại và ban sự sống (x Deut 32:39),
Đấng thi ân duy nhất trong các thần linh
Và là Thiên Chúa của tất cả mọi xác phàm
Đấng thấu suốt các thẳm sâu (x Dn 3:55),
Đấng nhìn đến các hoạt động của loài người,
Đấng giải cứu những ai đang gặp nguy khốn
Và cứu những ai đang ở trong cơn thất vọng (x Jud 9:11),
Là tạo hóa và là bảo quản viên của hết mọi thần linh,
Đấng làm cho các dân tộc sinh sôi nẩy nở trên mặt đất,
Và tuyển chọn trong tất cả mọi người những ai mến yêu Ngài
Nơi Chúa Giêsu Kitô,
Con rất yêu dấu của Chúa,
Nhờ Người Chúa đã giáo huấn, thánh hóa
Và tôn vinh chúng tôi”

(Clement of Rome, "Lettera ai Corinzi" [Letter to the Corinthians], 59, 3:I "Padri Apostolici" [The Apostolic Fathers], Rome, 1976, pp. 88-89).
 

Anh Chị Em thân mến,

Bài Ca Vịnh trong đoạn thứ ba của Sách Đaniên là một bài thánh thi ca long trọng trong việc chúc tụng vinh hiển siêu việt của Thiên Chúa. Được ca lên bởi ba người trẻ bị lên án tử trong vạc lửa vì trung thành với Vị Thiên Chúa của Do Thái, bài Ca Vịnh này gợi lên cho thấy sự thánh thiện và quyền năng của Đấng Hóa Công, Đấng ngự giữa dân Ngài nơi đền thánh Giêrusalem. Cuộc cử hành việc Thiên Chúa gần gũi với Dân của Ngài có tính cách tiên tri này cho thấy việc Con Thiên Chúa đến, Đấng vào lúc thời gian viên trọn “đã mặc xác thể và ở giữa chúng ta”. Nơi phụng vụ của mình, Giáo Hội ở mọi thời đã tiếp tục bài ca tri ân cảm tạ này đối với tình yêu nhân hậu của Thiên Chúa, một tình yêu hướng dẫn tất cả lịch sử đến đích điểm ấn định của nó.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 19/2/2003)