Bài 68 (Thứ Tư 26/2/2003)
Bài Ca Trọng Đại Hãy Vui Lên
(Thánh Vịnh 150, Kinh Ban Mai, Chúa Nhật, Tuần Thứ Bốn)
1. Bài Thánh Vịnh 150 chúng ta vừa công bố một lần nữa lại âm vang nơi phụng vụ giờ kinh ban mai; một bài thánh thi ca hoan hỉ, một bài alleluia hãy vui lên theo nhịp điệu âm nhạc. Bài này là biểu hiệu lý tưởng cho tất cả cuốn Sách Thánh Vịnh, cuốn sách ngợi khen, cuốn sách ca tụng, cuốn sách phụng vụ của dân Do Thái.Bài thánh vịnh này là một bài có tính cách giản dị và sáng sủa lạ lùng. Chúng ta cần phải chú ý đến lời mời gọi thiết tha hãy chúc tụng Chúa: “Hãy ca ngợi Thiên Chúa… hãy dâng lời ca ngợi… hãy dâng lời ngợi khen!”. Ngay mở đầu, Thiên Chúa đã hiện lên qua hai chiều kích mầu nhiệm của Ngài. Chắc chắn là Ngài siêu việt, mầu nhiệm, vượt ra ngoài chân trời giới hạn của chúng ta, ở chỗ, vương ngai của Ngài là “thánh điện” thiên đình, là “tầng trời kiên cố”, một thành trì con người không thể đến được. Tuy nhiên, Ngài lại gần gũi chúng ta, ở chỗ, Ngài hiện diện nơi “cung thánh” Sion và hoạt động trong giòng lịch sử qua “các việc dũng mạnh” của Ngài, những việc Ngài mạc khải cho thấy và giúp cho con người có thể cảm nghiệm thấy được “sự cao cả siêu việt của Ngài!” (câu 1-2).
2. Bởi thế, giữa trời và đất là một thứ đường lối truyền thông được thiết lập tạo nên nơi hội ngộ của việc Chúa làm và lời ca chúc tụng của tín hữu. Phụng vụ liên kết hai cung thánh này, đó là đền thờ trần gian và các tầng trời vô tận, là Thiên Chúa và con người, là thời gian và vĩnh cửu.
Trong lời cầu nguyện này, chúng ta bắt đầu bằng cách hướng lên ánh sáng thần linh, đồng thời chúng ta cũng cảm được việc Thiên Chúa ghé xuống, Đấng thích ứng bản thân mình với giới hạn của chúng ta để nghe chúng ta và nói với chúng ta, để gặp gỡ chúng ta và cứu độ chúng ta. Vị Tác Giả Thánh Vịnh sau đó liền cống hiến cho chúng ta những thứ trợ giúp cho cuộc hội ngộ nguyện cầu này, đó là việc sử dụng những nhạc cụ của ban hòa tấu đền thờ Giêrusalem, như kèn đồng, đàn địch, tiêu sáo và não bạt. Việc di chuyển theo đoàn rước cũng là một phần làm nên lễ nghi của đền thờ Giêrusalem (x Ps 117 [118]:27). Lời kêu gọi rất giống nhau này cũng được âm vang trong bài Thánh Vịnh 46:8: “hãy trình diễn một cách thiện nghệ”.3. Bởi thế mới cần phải liên lỉ khám phá và sống vẻ đẹp của việc nguyện cầu cũng như của phụng vụ. Người ta phải cầu nguyện cùng Thiên Chúa chẳng những bằng những công thức đúng với thần học, mà còn bằng một đường lối đẹp đẽ và xứng đáng nữa.
Đối với vấn đề này, cộng đồng Kitô hữu phải xét lại lương tâm để mỗi ngày một phục hồi vẻ đẹp của âm nhạc và ca hát cho phụng vụ. Cần phải thanh tẩy việc thờ phượng bị méo mó, những hình thức diễn đạt không ra làm sao, những bản nhạc và âm nhạc thiếu sửa soạn, là những gì không xứng hợp lắm đối với tính cách cao trọng của tác động đang được cử hành.
Về khía cạnh này thật là quan trọng đối với lời kêu gọi của Bức Thư gửi giáo đoàn Êphêsô hãy tránh tính cách vô độ và nhạt nhẽo thiếu ý vị, hãy nhường chỗ cho tính cách tinh tuyền của các bài thánh thi ca phụng vụ. “Vậy anh em đừng say sưa rượu chè tuôn ra những điều gian dối, nhưng hãy tràn đầy Thần Linh, cùng nhau hát lên những bài thánh vịnh, thánh ca và các ca khúc thiêng liêng, bằng việc đàn ca dâng lên Chúa với cả tấm lòng của anh em, luôn nhân danh Chúa Giêsu Kitô dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa Cha về hết mọi sự” (Eph 5:18-20).
4. Vị Tác Giả Thánh Vịnh chấm dứt bằng việc mời gọi “hết mọi sinh vật” (x Ps 150:5), theo ngôn từ diễn tả là “hết mọi vật có hơi thở”, “hết mọi sự thở hơi”, một diễn tả theo ngôn từ Do Thái biểu hiệu cho “hết mọi hữu thể thở hơi”, nhất là “hết mọi con người sống động” (x Deut 20:16; Jos 10:40, 11:11,14). Bởi thế, nhân loài tạo vật đóng góp tiếng nói và con tim của mình trong việc chúc tụng thần linh. Tất cả mọi hữu thể sinh động chân thực nhất, tất cả mọi tạo vật có hơi thở (x Gen 7:22), đều được kêu gọi hợp cùng với loài người để dâng bài thánh thi ca tạ ơn lên Đấng Hóa Công về ơn được hiện hữu.
Theo lời mời gọi đại đồng này, Thánh Phanxicô đã sáng tác “Bài Ca Vịnh Dương Huynh” đầy ý tứ của thánh nhân, trong đó, thánh nhân đã kêu gọi hãy ca ngợi và chúc tụng Chúa tất cả mọi tạo vật là phản ảnh vẻ đẹp và sự thiện hảo của Ngài (xem Franciscan Sources, 263).
5. Tất cả mọi tín hữu đều phải tham dự một cách riêng biệt vào bài ca này, như Bức Thư gửi giáo đoàn Colossê khuyến dụ: “Chớ gì lời Chúa Kitô dồi dào trong anh em, khi anh em khuyên dạy lẫn nhau một cách hết sức khôn ngoan, và khi anh em hát các bài thánh vịnh, thánh ca và linh ca để hết lòng tạ ơn Thiên Chúa” (3:16).
Theo chiều hướng này, qua “Những Lời Dẫn Giải về Các Bài Thánh Vịnh” của ngài, Thánh Âu-Quốc-Tinh đã thấy các thánh nhân ca tụng Chúa được biểu hiệu nơi những nhạc cụ: “Hỡi chư vị thánh nhân, các vị là kèn đồng, là Sách Thánh Vịnh, là đa huyền cầm, là trống phách, là ca đoàn, là các huyền cầm và dương cầm, là các thứ não bạt của một niềm vui vang lên những âm thanh hòa tấu tuyệt diệu. Chư vị là tất cả những thứ ấy. Khi nghe bài Thánh Vịnh này, người ta không được nghĩ đến những thứ ít có giá trị, đến những gì mau qua, hay đến những khí cụ kịch trường”. Thật vậy, “hết mọi tinh thần chúc tụng Chúa” đều là một tiếng ca dâng lên Thiên Chúa ("Esposizioni sui Salmi" [Commentaries on the Psalms], IV, Rome, 1977, pp. 934-935).
Đó là lý do âm nhạc tuyệt đỉnh là thứ âm nhạc được phát xuất từ tấm lòng của chúng ta. Chính cái hòa hợp này Thiên Chúa muốn nghe thấy nơi phụng vụ của chúng ta.
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 150 là một bài thánh thi ca hoan hỉ, một bài allelui “hãy vui lên” trọng đại được ca lên Chúa. Hết mọi sinh vật được mời gọi tham dự vào bài ca này. Tất cả mọi con người nam nữ đều được kêu gọi để hát lên một bài thánh ca tạ ơn Đấng Hóa Công về tặng ân được hiện hữu của mình. Thánh Âu-Quốc-Tinh đã thấy các thứ nhạc cụ khác nhau là biểu hiệu cho các vị thánh…
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 26/2/2003)