Bài 69 (Thứ Tư 26/3/2003)


Con Người Mỏng Dòn và Thời Gian Mau Qua

(Thánh Vịnh 89 [90], Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)



1. Các câu vừa được vang vọng nơi tai của chúng ta và lòng của chúng ta là một bài suy niệm khôn ngoan, một bài suy niệm dầu sao cũng có một cung giọng của một lời cầu khẩn. Thật vậy, con người nguyận cầu bài Thánh Vịnh 89 (90) đã đặt vào trọng tâm lời cầu nguyện của mình một trong những đề tài được triết học hết sức tìm hiểu, được thi văn hết sức xướng lên, được kinh nghiệm của loài người ở mọi thời và mọi nơi trên trái đất của chúng ta đây cảm nghiệm, đó là việc chuyển biến của con người và vấn đề thời gian qua đi.

Chỉ cần nghĩ đến một số trang đậm nét của Sách Ông Gióp là thấy được nỗi mỏng dòn của chúng ta nơi ấy. Thật vậy, chúng ta giống như “những kẻ cư ngụ trong những căn nhà bằng đất sét, với nền của nó là cát bụi là những gì dễ sụp hơn cả bị mối mọt! Sáng chiều chúng có thể bất ngờ bị đổ nát; chúng sẽ vĩnh viễn bị tiêu hủy không ai còn để ý đến nữa” (Jb 4:19-20). Đời sống của chúng ta trên mặt đất này không là gì như “một cái bóng” (x Jb 8:9). Và ông Gióp tiếp tục xác nhận “Những ngày đời tôi vụt nhanh hơn chạy, chúng thoáng qua không mang theo hạnh phúc. Chúng lướt trôi như những chiếc thuyền nan, như phượng hoàng xà xuống bắt mồi” (Jb 9:25-26).

2. Mở đầu bài ca này, một bài ca giống như một bài điếu (x Ps 89[90]:2-6), vị Tác Giả Thánh Vịnh liên tục nói lên cái tương phản giữa cái vĩnh hằng của Thiên Chúa với thời gian trôi nổi của con người. Đây là đoạn công bố rõ ràng nhất của vị tác giả này: “Trước nhan Ngài ngàn năm cũng chỉ là ngày hôm qua… (như} một trống canh trong đêm thâu” (câu 4).

Bởi hậu quả của nguyên tội, con người, theo án lệnh của Thiên Chúa, phải trở về với cát bụi là những gì họ được tạo thành, như được xác nhận trong đoạn Khởi Nguyên: “Vì ngươi là đất bụi, ngươi sẽ trở về bụi đất” (3:19; x 2:7). Đấng Hóa Công, Đấng khuôn đúc con người tạo vật với tất cả vẻ đẹp và tinh tế của họ, cũng là Đấng “đưa con người trở về với bụi đất” (x Ps 89[90]:3). Mà “cát bụi” theo ngôn ngữ thánh kinh cũng là hình ảnh tiêu biểu của sự chết, của âm ti, của mộ bia lạnh lùng.

3. Cái cảm quan về con người hạn hẹp được nổi bật trong lời nguyện cầu này. Việc hiện hữu của chúng ta có tính cách mong manh như đám cỏ rộ nở vào ban sáng; đột nhiên bị lưỡi hái xén thành đống cỏ khô. Cái tươi mới của sự sống chẳng mấy chốc trở thành cằn cỗi chết chóc (see verses 5-6; see Isaiah 40:6-7; Job 14:1-2; Psalm 102:14-16).

Như thường thấy trong Cựu Ước, vị Tác Giả Thánh Vịnh liên kết cái yếu hèn cốt yếu này với tội lỗi: Nơi chúng ta chẳng những có tính cách hữu hạn mà còn có cả tính cách lỗi lầm nữa. Bởi thế, cơn giận và phán quyết của Chúa cũng có thể đổ xuống trên đời sống của chúng ta bất cứ lúc nào: “Chúng tôi thực sự bị hao mòn vì Chúa tức giận, đầy những kinh hoàng bởi Ngài giận dữ. Chúa vẫn nhớ lỗi tội của chúng tôi… Cuộc sống của chúng tôi tàn tạ trước cơn giận của Ngài” (Ps 89[90]:7-9).

4. Khi mở màn cho một ngày sống mới, với bài Thánh Vịnh này, phụng vụ ban mai đã lay động những ảo vọng và kiêu kỳ của chúng ta. Sự sống của con người có giới hạn thôi – “nếu chúng ta khỏe mạnh thì năm tháng của chúng ta là 70 hay 80 năm”, vị Tác Giả Thánh Vịnh xác nhận. Ngoài ra, việc qua đi của ngày tháng lại còn được đan kết với “sầu khổ và lao nhọc” (câu 10), và chính các năm trường giống như “một hơi thở” (x câu 9).

Bởi vậy, đây là bài học rất hay, ở chỗ, Chúa dạy chúng ta “hãy tính ngày tháng của mình”, để, một khi chấp nhận chúng một cách lành mạnh thực tế, “chúng ta được thêm khôn ngoan trong lòng” (câu 12). Thế nhưng, vị Tác Giả Thánh Vịnh còn kêu cầu Thiên Chúa một điều hơn thế nữa, đó là ân sủng của Ngài để có thể bảo trì và phấn khởi ngày sống của chúng ta, những ngày rất mong manh song lại đầy những khổ đau. Xin Ngài cho chúng ta nếm hưởng được hương vị của niềm hy vọng, cho dù chúng ta có bị triều sóng thời gian đẩy đưa lôi kéo. Chỉ có ơn Chúa mới có thể làm cho các hành động của chúng ta được kiên trì và bền bỉ: “Chớ gì chúng tôi có ân sủng của Chúa là Thiên Chúa. Xin hãy làm phong phú các việc do tay chúng tôi làm nên! Xin hãy làm phong phú các việc do tay chúng tôi làm nên!” (câu 17).

Bằng lời nguyện cầu chúng ta xin Chúa làm cho việc suy niệm về cõi vĩnh hằng thấm nhập vào cuộc sống ngắn ngủi của chúng ta cũng như vào các hành động của chúng ta. Với sự hiện diện của ân sủng thần linh nơi chúng ta, một luồng ánh sáng sẽ chiếu soi vào những tháng ngày qua đi của chúng ta, sầu thương sẽ biến thành vinh quang, một thứ vinh quang trọn vẹn vượt ngoài mức độ cảm quan.

5. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài Thánh Vịnh 89[90], nhường lời cho truyền thống Kitô Giáo ban đầu, những lời dẫn giải về Sách Thánh Vịnh, chất chứa hình ảnh vinh hiển của Chúa Kitô trong đó. Vậy, đối với cây bút Kitô Giáo Origen, trong “Biên Luận về các bài Thánh Vịnh” còn truyền lại cho chúng ta qua bản dịch Latinh của Thánh Giêrônimô, thì cuộc phục sinh của Chúa Kitô hiến cho chúng ta cơ hội, như vị Tác Giả Thánh Vịnh nhận định, hân hoan và “hớn hở hết mọi ngày sống” (x câu 14). Vì cuộc khổ nạn của Chúa Kitô là nguồn mạch của đời sống vượt trên sự chết nơi chúng ta: “Sau khi được hân hoan vì cuộc phục sinh của Chúa là những gì chúng ta tin rằng nhờ đó chúng ta đã được cứu chuộc và chính chúng ta một ngày kia cũng sẽ được sống lại, giờ đây chúng ta sống trong hoan hỉ những ngày còn lại của đời sống chúng ta, hoan hỉ vì niềm cậy trông này cùng với các bài thánh thi ca và khúc hát chúng ta hãy ca ngợi Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Origen -- Jerome, "74 Omelie sul Libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, p. 652).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 89 là một lời cầu nguyện chú trọng đến một cảm nghiệm chung đối với tất cả mọi người, đó là tính cách mỏng dòn của con người và cái chóng qua của thời gian. Cuộc sống của chúng ta mong manh như đám cỏ sáng mọc chiều tàn. Bởi thế, chúng ta được kêu gọi để nhận biết cái ngắn ngủi của cuộc đời mình, nhờ đó chúng ta được khôn ngoan trong lòng.

Chỉ có duy ân sủng của Chúa mới mang lại ý nghĩa và sự liên tục cho các hành động của chúng ta mà thôi; nhờ ân sủng, vĩnh hằng đi vào đời sống của chúng ta và biến đổi chúng ta. Thật vậy, chính cuộc phục sinh của Chúa Kitô đã làm hiện thực điều này, ở chỗ, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô là nguồn mạch cho sự sống của chúng ta sau khi chết. Nơi Người, chúng ta được cứu chuộc và đời sống chúng ta tràn đầy niềm vui và hoan chúc.

 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 26/3/2003)