Bài 70 (Thứ Tư 2/4/2003)


Hãy tin tưởng vào Vị Chúa của lịch sử

(Ca Vịnh Isaia 42:10-17, Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)



1. Trong cuốn sách mang tên của tiên tri Isaia, các vị học giả đã nhận thấy có những cung giọng khác, tất cả đều được ở dưới bóng của vị đại tiên tri sống vào thế kỷ thứ tám trước Chúa Kitô Giáng Sinh. Đây là trường hợp của bài thánh thi ca hào hùng của niềm hân hoan và vinh thắng vừa được đọc lên như một phần phụng vụ của giờ kinh ban mai cho Tuần Thứ Tư. Các nhà dẫn giải qui đoạn này cho một vị được gọi là Đệ Nhị Isaia, một vị tiên tri sống ở thế kỷ thứ 6 trước Chúa Kitô Giáng Sinh, thời điểm dân Do Thái lưu đầy ở Babylon hồi hương. Bài thánh thi ca này được mở đầu bằng lời kêu gọi “hãy chúc tụng Chúa một bài ca mới” (câu 10), như vẫn thấy nơi các bài Thánh Vịnh khác (x 95:1 và 97:1).

Cái “mới” của bài ca được vị tiên tri yêu cầu hát lên này chắc chắn là khởi đầu của một chân trời tự do, một thay đổi sâu xa nơi lịch sử của một dân tộc đã trải qua tình trạng bị đàn áp và tha hương ở đất khách quê người (x Ps 136).

2. Cái “mới”, trong Thánh Kinh, thường hướng về một thực tại toàn hảo và tối hậu. Nó hầu như là một dấu hiệu mở đầu cho một kỷ nguyên đầy ơn cứu độ bao phủ lịch sử đau khổ của nhân loại. Bài ca vịnh Iraia đây có đặc tính của chiều hướng mãnh liệt ấy, một chiều hướng rất thích ứng với kinh nguyện Kitô giáo.

Tất cả thế giới, bao gồm mặt đất, biển khơi, hải đảo, sa mạc và thị thành, đều được kêu gọi dâng lên Chúa một “bài ca mới” (câu 10-12). Tất cả không gian cũng tham dự vào cho tới những giới hạn vươn dài nhất của mình, một giới hạn thậm chí bao gồm cả những gì không được biết tới cũng như chiều kích vươn cao của nó, một chiều kích bắt đầu từ sa mạc bằng phẳng có những bộ lạc du mục Kedar (x Is 21:16-17) vươn lên tới các núi non. Ở đó có thành phố Sela, được nhiều người cho là Petra, thuộc lãnh thổ của những người Edomites, một thành phố nằm giữa những đỉnh núi đá.
Tất cả mọi cư dân trên mặt đất đều được kêu mời để làm nên một thứ ca đoàn vĩ đại để hoan hỉ tung hô Chúa và tôn vinh Ngài.

3. Sau lời long trọng mời gọi hãy ca tụng này (câu 10-12), vị tiên tri đem Chúa nhập cuộc, với hình ảnh của một Vị Thiên Chúa của Cuộc Xuất Hành, Đấng đã giải thoát dân Ngài khỏi cảnh làm tôi cho người Ai Cập: “Chúa tiến lên như một vị anh hùng, như một tay chiến đấu” (câu 13). Ngài làm rung động nơi các kẻ thù địch của Ngài, thành phần áp đảo kẻ khác và làm điều bất chính.

Bài ca vịnh Moisen cũng vẽ họa Vị Vhúa này trong cuộc vượt qua Biển Đỏ như là một “con người uy hùng chiến đấu”, sẵn sàng vung cánh tay quyền năng của mình để làm cho các quân thù kinh khiếp (x Ex 15:3-8). Việc dân Do Thái từ nơi lưu đầy Babylon trở về là một cuộc xuất hành mới sắp sửa xẩy ra, và tín hữu cần phải ý thức là lịch sử không thể bị bỏ mặc cho số phận của nó, cho tình trạng xao động hay cho những quyền lực khuynh đảo, phán quyết tối hậu vẫn là Vị Thiên Chúa công chính và dũng lực, vị Tác Giả Thánh Vịnh đã hát lên rằng: “Xin giúp chúng tôi chống lại quân thù; việc loài người hỗ trợ chỉ là vô bổ” (Ps 59:13).

4. Khi nhập cuộc, Vị Chúa này đã lên tiếng nói và những lời nhiệt tình của Ngài (x Is 42:14-16) được hòa lẫn với phán quyết cùng ơn cứu độ. Ngài bắt đầu bằng việc gợi lại rằng “Ta đã nắm giữ hòa bình trong một thời gian dài”, tức là Ngài đã không nhúng tay can thiệp. Sự im lặng thần linh thuờng là nguyên cớ bối rối, thậm chí là cớ vấp phạm cho kẻ lành, như được chứng tỏ nơi tiếng kêu than não nuột của ông Gióp (x Jb 3:1-26). Tuy nhiên, đây không phải là sự im lặng nói lên cái vắng bóng, hầu như thể bỏ mặc lịch sử trong tay thành phần vô loài hư hỏng, trong khi đó Chúa vẫn cứ tỏ ra dửng dưng và cô cảm. Thực tế cho thấy cái im lặng đó được kết thúc bằng một phản ứng giống như phản ứng của một người đàn đang quằn quại kêu la chuyển bụng sinh con. Nó là phán quyết thần linh về sự dữ, được tiêu biểu bằng hình ảnh hạn hán, phá hoại, sa mạc (câu 15) là những gì nhắm đến mục đích của nó nơi thành quả sống động và phong phú.

Thật vậy, Vị Chúa này đang làm phát sinh ra một thế giới, một kỷ nguyên của tự do và ơn cứu độ. Con mắt của những ai bị mù lòa đang mở ra để họ có thể hoan hưởng ánh sáng chói lòa. Đường đi nước bước đã trở thành dễ dàng và niềm hy vọng đã nở hoa (câu 16), để có thể tiếp tục tin tưởng vào Thiên Chúa cũng như vào một tương lai hòa bình và hạnh phúc.

5. Hằng ngày người tín hữu cần phải biết làm sao để nhận ra những dấu hiệu của tác động thần linh, ngay cả khi tác động này được ẩn khuất trong giòng thời gian đơn điệu và vô định. Một tác giả Kitô hữu đáng giá thời nay đã viết: “trái đất này đầy những ngất ngây vũ trụ: ở chỗ, nơi nó có một thực tại và hiện diện hằng hữu, nhưng bình thường lại thiếp ngủ trong nếp sống quen thuộc. Thực tại hằng hữu này giờ đây tỏ mình ra như một cuộc hiển linh của Thiên Chúa nơi tất cả những gì hiện hữu” (R. Guardini, "Sapienza dei Salmi" [Wisdom of the Psalms], Brescia, 1976, p. 52).

Với con mắt đức tin, việc khám phá ra sự hiện diện thần linh này trong thời gian và không gian cũng như trong cả chúng ta nữa là nguồn hy vọng và tin tưởng, ngay cả khi lòng chúng ta bị bối rối và rung động “như cây rừng chuyển rung trước gió” (Is 7:2). Thật vậy, Vị Chúa này nhập cuộc là để cai trị và phân xử: “Để quản trị thế giới bằng công minh và cai trị các dân bằng thành tín” (Ps 95[96]:13)

Anh Chị Em thân mến,

Bài Ca Vịnh này ở Đoàn 42 của Sách Isaia đã kêu gọi hát lên “một bài ca mới” để chúc tụng Thiên Chúa là Đấng đã giải thoát dân của Ngài và đã đem lại cho họ ơn cứu độ. Được sáng tác vào thời điểm dân Do Thái hồi hương từ chốn Lưu Đầy, bài thành thi ca này kêu gọi tất cả mọi tạo vật hãy hát mừng cuộc chiến thắng của đức công minh và quyền năng cứu độ của Thiên Chúa. Nếu có những lúc Thiên Chúa dường như câm lặng thì cái “câm lặng” này chỉ là một dạo khúc cho việc Ngài vì những ai tín nghĩa sẽ cương quyết nhúng tay can thiệp. Bài Ca Vịnh này thôi thúc chúng ta hãy tái xác nhận đức tin của chúng ta vào quyền chủ trị của Thiên Chúa trong giòng lịch sử, hãy nhận thức những dấu hiệu hiện diện của Ngài trong thế giới của chúng ta và hãy tin tưởng vào việc hoàn thành những lời hứa cứu độ của Ngài.


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 2/4/2003)