Bài 71 (Thứ Tư 9/4/2003)



Chúc Tụng Đấng làm nên những việc lạ lùng

(Thánh Vịnh 134 [135]:1-12, Kinh Ban Mai, Thứ Hai, Tuần Thứ Bốn)



1. Phụng vụ giờ kinh ban mai mà tiến trình của giờ kinh nguyện này được chúng ta theo dõi qua các bài giáo lý của chúng ta, đã trình bày cho chúng ta thấy phần thứ nhất của bài Thánh Vịnh 134 (135), phần chúng ta vừa nghe ca đoàn hát. Bài thánh vịnh cho thấy một loạt hình ảnh của các đoạn Thánh Kinh khác và bầu khí bao trùm bản văn giống như bầu khí của Lễ Phục Sinh. Thật vậy, truyền thống Do Thái đã liên kết bài (Thánh Vịnh) của chúng ta với bài thánh vịnh sau đó 135 (136), coi cả hai bài như “một đạn khúc Hãy Vui Lên”, tức là như một lời chúc tụng long trọng và hân hoan dâng lên Chúa vào dịp Lễ Phục Sinh.

Thật vậy, bài Thánh Vịnh này nhấn mạnh đến Cuộc Xuất Ai Cập, bằng việc đề cập tới “những hoạn nạn” của Ai Cập và nhắc lại việc tiến vào Đất Hứa. Thế nhưng, giờ đây chúng ta hãy theo dõi những giai đoạn sau đó, giai đoạn được bài Thánh Vịnh 134 (135) cho thấy diễn tiến ở 12 câu đầu: Đó là một suy niệm mà chúng ta muốn biến thành một lời nguyện cầu.

2. Mở đầu chúng ta thấy lời mời gọi có tính cách chúc tụng, một yếu tố kiểu mẫu của các bài thánh thi ca dâng về Chúa trong Sách Thánh Vịnh. Lời mời gọi hãy ca mừng vui lên nhắm tới “các người tôi tớ Chúa” (câu 1), thành phần theo nguyên ngữ Do Thái được thấy như những kẻ “đang đứng” ở nơi thánh trong đền thờ (câu 2), tức là, trong tư cách nguyện cầu theo nghi thức (x Ps 133 [134]:1-2).

Vào dự vào cuộc chúc tụng này, trước hết là các vị thừa tác viên phụng vụ, các vị tư tế và Lêvi, thành phần sống và làm việc “trong tiền đường nhà Chúa chúng ta” (x Ps 134[135]:2). Tuy nhiên, tất cả mọi tín hữu đều được thực sự liên kết với những “người tôi tớ của Chúa” ấy. Thật thế, ngay sau đó, bài Thánh Vịnh nhắc đến toàn thể Do Thái trong việc liên minh và làm chứng cho tình yêu Chúa: “Vì Chúa đã chọn Giacóp, chọn Israel như một sở hữu trân quí” (câu 4). Theo quan điểm này có hai tính chất trọng yếu của Thiên Chúa được cử hành, ở chỗ Ngài “thiện hảo”, Ngài “ưu ái” (câu 3). Mối liên hệ giữa chúng ta và Chúa được đánh dấu bằng yêu thương, thân tình và hân hoan gắn bó.

3. Sau lời mời gọi chúc tụng, vị Tác Giả Thánh Vịnh tiếp tục bằng một lời long trọng tuyên xưng đức tin, mở đầu với lời bày tỏ tiêu biểu “tôi biết”, tức là tôi nhìn nhận, tôi tin tưởng (câu 5). Có hai điều của đức tin được đơn ca viên công bố thay cho toàn thể cộng đoàn cử hành phụng vụ. Trước hết tôn vinh công cuộc của Thiên Chúa nơi toàn thể vũ trụ: Ngài là Vị Chúa tuyệt hảo của vũ trụ: “Chúa muốn điều gì thì Ngài đều làm trên trời dưới đất” (câu 6). Ngài cũng cai trị biển khơi và vực thẳm là những gì tiêu biểu cho tình trạng xao động, cho những quyền năng tiêu cực, cho giới hạn, cho hư không.

Cũng thế, chính Chúa là Đấng làm nên mây trời, nên chớp sáng, nên mưa rơi và gió thổi, khi sử dụng “kho chứa” của Ngài (câu 7). Thật vậy, người ở Cận Đông ngày xưa đã cho rằng các tác nhân về khí hậu đều được chất chứa ở một nơi đặc biệt, giống như các trang trí trên trời được Thiên Chúa dùng để gieo vãi xuống mặt đất vậy.

4. Điều tuyên xưng đức tin thứ hai liên quan đến lịch sử cứu độ. Vị Thiên Chúa hóa công giờ đây được nhận biết là Vị Chúa cứu chuộc, qua những biến cố chính yếu trong việc giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh làm tôi cho người Ai Cập. Vị Tác Giả Thánh Vịnh trước hết đã đề cập đến “tai họa” của đứa con đầu lòng (x Ex 12:29-30), một tai họa gồm tóm tất cả mọi “dấu kỳ và điềm lạ” do Vị Thiên Chúa giải thoát thực hiện trong trình thuật Xuất Ai Cập (Ps 134[135: 8-9). Ngay sau đó những cuộc chiến thắng vang lừng dã được nhắc lại, những cuộc chiến thắng khiến cho dân Do Thái thắng vượt những khốn khó và trở ngại trên đường họ đi (câu 10-11). Sau cùng là mảnh Đất Hứa đã xuất hiện ở chân trời, mảnh đất mà dân Do Thái nhận được như “một gia sản” Chúa ban cho (câu 12).

Thế rồi, tất cả những dấu lạ của giao ước sẽ được tuyên xưng hơn nữa ở bài Thánh Vịnh 135 (136) sau đó đều chứng thực cho sự thật nồng cốt này, một sự thật được loan báo ở giới răn thứ nhất trong bản Thập Điều. Thiên Chúa duy nhất và là một ngôi vị tacùc hành và phát ngôn, yêu thương và cứu độ: “Tbiết Chúa cao cả, Chúa của chúng tôi cao cả hơn hết tất cả mọi thần linh” (câu 5; x Ex 20:2-3; Ps 94[95]:3).

5. Về vấn đề tuyên xưng đức tin này, cả chúng ta nữa cũng dâng lời chúc tụng lên Thiên Chúa. Thánh Giáo Hoàng Clêmentê I, trong Thư gửi cho tín hữu Côrintô, đã ngỏ lời mời gọi chúng ta rằng: “Chúng ta hãy nhìn lên Chúa Cha và là Đấng Tạo Dựng nên cả vũ trụ này. Chúng ta hãy liên kết bản thân mình với những tặng vật và phúc lộc an bình vĩ đại và cao cả. Chúng ta hãy chiêm ngắm Ngài trong tư tưởng và bằng con mắt linh hồn hãy nhìn vào sự cao trọng của ý muốn Ngài! Chúng ta hãy xem Ngài vô tư chừng nào đối với hết mọi tạo vật của Ngài. Các tầng trời di chuyển theo lệnh của Ngài đều ngoan ngoãn vâng lời Ngài. Ngày và đêm hoàn tất hành trình của mình như Ngài ấn định mà không tác hại lẫn nhau. Mặt trời, mặt trăng và cơ binh tinh tú xoay vần một cách hòa hợp mà không xê xích ở những qũi đạo giành cho chúng theo chỉ định của Ngài. Trái đất, phong phú theo ý muốn của Ngài, sản xuất ra muôn vàn chất dinh dưỡng cho con người, cho hoang thú cũng như cho tất cả mọi thú vật sống trên mặt đất, mà không chống cưỡng hay thay đổi việc Ngài sắp định” (19:2-20:4: "I Padri Apostolici" [The Apostolic Fathers], Rome, 1984, pp. 62-63) . Đức Clêmentê I đúc kết bằng việc nhận định là: “Đấng Hóa Công và là Chúa vũ trụ đã đặt định là tất cả mọi sứ ấy phải sinh lợi cho tất cả mọi sự trong thuận thảo và hòa hợp, nhất là đối với chúng ta là thành phần kêu cầu tình thương của Ngài qua Chúa Giêsu Kitô. Xin cho Ngài được hiển vinh và cao sang muôn đời. Amen” (20:11-12: Ibid., p. 63).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 134 bắt đầu bằng lời hân hoan mời gọi hãy ca khen chúc tụng Thiên Chúa. Thành phần tín nghĩa của Chúa được gọi là “các tôi tớ của Chúa” và Đấng Toàn Năng được nhận biết là Đấng “thiện hảo” và “yêu thương”. Lời mời gọi chúc tụng đầu tiên này được tiếp theo bằng một thứ tuyên xưng đức tin, bằng việc nhắc lại tác động cứu độ của Chúa trong việc giải thoát dân Ngài khỏi cảnh làm tôi ở Ai Cập và mang họ vào Đất Hứa.

Chúng ta cũng tuyên xưng đức tin của chúng ta nữa, khi chúng ta dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: ở chỗ, nhờ Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc chúng ta, chúng ta đã được cứu khỏi tội lỗi và sự chết, và chúng ta đã lãnh nhận lời hứa sự sống đời đời. Là những người đầy tớ trung thành của Chúa, chúng ta sẽ được chiêm ngắm vinh quang và sự uy nghi cao cả của Thiên Chúa chúng ta đến muôn đời.
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 9/4/2003)