Bài 73 (Thứ Tư 14/5/2003)
Hướng về Chúa với cõi
lòng tan nát và tinh thần khiêm cung
(Ca Vịnh Đaniên 3:26-41: Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Bốn)
1. Bài Ca Vịnh vừa được công bố ở trong bản văn Hy Lạp của Sách Đaniên và được trình bày như một lời cầu khẩn thiết tha và chân thành dâng lên Chúa. Bài này là tiếng của dân Do Thái đang traiũi qua cuộc thử thách gay go bị lưu đầy và tha hương giữa các dân nước. Nhân vật làm nên cung điệu của bài Ca Vịnh naỳy thực sự là một người Do Thái, đó là Azariah, ở khung cảnh của chân trời Babylon, vào giai đoạn lưu đầy của dân Do Thái, sau khi Vua Nebuchadnezzar hủy hoại Giêrusalem.
Azariah, cùng với hai người Do Thái tín trung khác, đang “ở giữa một hỏa lò” (3:25), như vị tử đạo sẵn sàng chịu chết để không phản bội lương tâm và đức tin của mình. Ông bị án tử vì không chịu tôn thờ pho tượng đế vương.
2. Trong bài Ca Vịnh này, việc bách hại đực coi như là một hình phạt chính đáng Thiên Chúa dùng để thanh tẩy đám dân tội lỗi: “vì Ngài thực sự công chính khi gây ra tất cả những sự này trên chúng tôi vì chúng tôi đã phạm tội” (câu 5). Bởi thế, chúng ta đang ở trước một lời nguyện cầu thống hối không kết thúc bằng một nỗi chán chường hay sợ hãi mà là với niềm hy vọng.
Không thể chối cãi được là khởi điểm thì chua cay, hoang tàn thì nhức nhối, thử thách thì cay nghiệt, phán quyết thần linh đối với tội lỗi của dân chúng thì nghiêm thẳng: “Vào thời gian ấy không còn vua chúa, tiên tri, lãnh đạo, toàn thiêu, hy tế, lễ dâng hay hương ngát, không còn nơi để dâng hiến trước nhan Ngài hay để tìm lòng xót thương” (câu 15). Đền thờ Sion đã bị hủy hoại, và Chúa hình như không còn ngự giữa dân của Ngài nữa.
3. Trong tình trạng thể thảm bấy giờ, niềm hy vọng tìm về nguồn mạch quá khứ của mình, tức là, tìm về những lời hứa với các vị tổ phụ. Bởi thế, nó nghĩ đến Abraham, Isaac và Giacóp (câu 12), những vị được Thiên Chúa bảo đảm bằng những phép lành và sự phong phú, bằng đất đai và sự cao cả, bằng sự sống và hòa bình. Thiên Chúa là Đấng tín trung và sẽ không hề làm sai trệch những lời hứa hẹn của Ngài. Cho dù công lý bắt dân Do Thái phải bị trừng phạt bởi lỗi lầm của họ, song họ vẫn tin tưởng rằng phán quyết cuối cùng sẽ là phán quyết của tình thương và tha thứ. Tiên tri Êzêkiên đã nhắc đến những lời của Chúa ấy như sau: “Ta đâu có lấy làm sung sướng nơi cái chết của kẻ gian ác, chứ không phải là muốn thấy họ bỏ đường lối của họ mà được sống hay sao?... Vì Ta không vui thú nơi cái chết của bất cứ ai” (18:23-32). Quả thực bấy giờ là thời gian ô nhục: “Vì chúng tôi đã trở thành ít ỏi hơn bất cứ một dân nước nào, và bị hạ cấp vào hôm nay đây trên khắp thế giới vì tội lỗi của chúng tôi” (x Đaniên 3:37). Tuy nhiên, niềm mong đợi này không phải là niềm mong đợi chết chóc mà là một sự sống mới sau khi được thanh tẩy.
4. Con người cầu nguyện tiến đến với Chúa, hiến dâng cho Ngài tặng vật cao quí nhất và đáng chấp nhận nhất, đó là “một tấm lòng tan nát” và “một tinh thần khiêm cung” (x câu 16; x Ps 50[51]:19). Thực sự chính ở tâm điểm của sự hiện hữu, của ‘cái tôi’ được đổi mới bằng thử thách dâng lên Thiên Chúa mà họ sẽ nhận được nó như dấu hiệu cải thiện và thánh hiến cho sự thiện hảo.
Với tâm trạng sâu xa này, sợ hãi biến mất, bối rối và thẹn thuồng được chế ngự (3:40), để rồi tinh thần tràn đầy tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp hơn, khi mà các lời hứa với cha ông được nên trọn.
Đoạn cuối cùng nơi lời cầu khẩn của Azariah, như được phụng vụ đề ra, có một tác dụng mãnh liệt về cảm xúc và một cường độ thấm thía về tinh thần: “Vậy giờ đây bằng cả tâm can của mình, chúng tôi theo Chúa, chúng tôi kính sợ Chúa và tìm kiếm nhan Ngài” (câu 18). Nó làm vang vọng bài Thánh Vịnh khác: “Lòng tôi đã thưa cùng Chúa rằng: ‘Hãy tìm kiếm nhan Ngài’; Lạy Chúa, tôi tìm kiếm nhan Ngài” (Ps 26[27]:8).
Giờ đây giây phút đó đã tới, giây phút chúng tôi từ bỏ những đường lối gian ác, những đường lối quanh co và những đường lối lệch lạc (x Prov 2:15). Chúng tôi bắt đầu theo Chúa, khi được thúc đẩy bởi ý muốn chiêm ngắm nhan Ngài. Và nhan của Ngài không giận dữ, mà tràn đầy yêu thương, như một người cha nhân hậu được tỏ ra nơi cuộc gặp gỡ người con phung phá (x Lk 15:11-32).
5. Chúng ta kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài Ca Vịnh Azariah bằng lời cầu nguyện đực Thánh Maximus viết trong Bài Diễn Từ Khổ Chế (xem các câu 37-39), bài diễn từ thánh nhân thực sự mở đầu bằng bài ca vịnh này của tiên tri Đaniên. “Lạy Chúa, vì danh Ngài xin đừng muôn đời bỏ rơi chúng con, đừng bẻ gẫy giao ước của Ngài và đừng bỏ việc thương xót chúng tôi (x Dan 3:34-35), Ôi lạy Cha chúng con ở trên trời, vì lòng thương của Cha, vì lòng thương cảm của Con duy nhất của Cha, và vì tình thương của Thánh Linh Cha… Ôi lạy Chúa, xin đừng mần ngơ lời cầu khẩn của chúng con và đừng muôn đời bỏ rơi chúng con.
“Chúng con không đặt lòng tin tưởng của chúng con vào những việc làm công chính, nhưng vào tình thương của Chúa, một tình thương Chúa dùng để bảo trì loài người chúng con… Xin đừng chê bai thân phận bất xứng của chúng con, song hãy thương đến chúng con theo lòng rât hay thương của Chúa, và vì lòng đầy xót thương của Chúa, xin hãy xí xóa tội lỗi của chúng con, để thanh thản chúng con tiến đến nơi vinh hiển thánh hảo của Chúa hiện diện và được coi là xứng đáng được Người Con duy nhất của Chúa bảo vệ”.
Thánh Maximus kết thúc: Vâng, Ôi Chúa là Chủ Tể toàn năng, xin nghe lời chúng con khẩn nguyện, vì chúng con nhận biết bất cứ chủ tể nào khác ngoài Chúa” (Humanity and Divinity of Christ, Rome, 1979, pp. 51-52).
Anh Chị Em thân mến,
Nơi bài Ca Vịnh chúng ta vừa nghe từ Sách Đaniên, Azariah đã dâng một lời nguyện cầu sốt sắng lên Thiên Chúa. Giêrusalem đã sụp đổ, dân chúng Do Thái bị lưu đầy, và chính Azariah đang phải đương đầu với tử thần vì không chịu phản lại niềm tin của mình. Bất chấp những khốn khó chới với này, Azariah vẫn không mất đức tin và vẫn hướng về Chúa với tấm lòng tan nát và tinh thần khiêm cung.
Cả chúng ta nữa cũng được mời gọi để
tiến đến cùng Thiên Chúa với tấm lòng tan nát và tinh thần khiêm cung, không bao
giờ mất đức tin. Điều này chẳng những làm cho chúng ta thoát được sợ hãi, bối
rối và ô nhục, song nó cũng làm cho chúng ta tràn đầy ước muốn nồng nàn trong
việc muốn thấy dung nhan Chúa, một dung nhan rạng ngời yêu thương và cảm thương
đối với dân Ngài.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài
liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 14/5/2003)