Bài 74 (Thứ Tư 21/5/2003)
 

Bài Ca Nguyện Cầu cho Nền Hòa Bình Bền Vững
 

(Thánh Vịnh 143 [144]: Kinh Ban Mai, Thứ Ba, Tuần Thứ Bốn)



1. Chúng ta vừa nghe phần đầu của bài Thánh Vịnh 143 (144). Bài Thánh Vịnh này có những đặc tính của một bài thánh thi ca vương giả, có liên hệ với những bài thánh kinh khác, những bài thánh kinh làm hồn sống cho một thứ sáng tác nguyện cầu mới mẻ (x Ps 8:5; 17:8-15; 32:2-3; 38:6-7). Người đang nói là chính Vua Đavít, vị nhận biết nguồn gốc thần linh nơi những thứ thành đạt của mình.

Chúa được phác họa bằng những hình ảnh hôn nhân theo cách sử dụng biểu hiệu cổ thời: thật vậy, Ngài được thấy như là một vị hướng dẫn mạnh mẽ (x Ps 143:1), một thành trì không thể công phá, một chiếc thuẫn bảo vệ, một kẻ chiến thắng (x câu 2). Như thế, bản vị của Thiên Chúa được tôn tụng, Đấng tự mình ra tay chống lại sự dữ trong lịch sử; Ngài không phải là một thứ quyền lực tối tăm, hay một thứ định mạng nào đó, hoặc một thứ vương chủ vô tâm lạnh lùng đối với những nhân loại vụ. Những chi tiết và giọng điệu của cuộc cử hành thần linh này có tính chất của bài thánh thi ca của Vua Đavít trong bài Thánh Vịnh 17 và trong đoạn 22 của Sách Samuen cuốn hai.

2. Trước quyền lực thần linh, vị vua Do Thái thấy mình mỏng dòn yếu đuối như tất cả mọi con người tạo vật khác. Để diễn tả cảm nhận này, vị vua nguyện cầu ấy sử dụng hai câu trong bài Thánh Vịnh 8 và 38, và ông ghép chúng lại, khiến cho chúng có một công hiệu mới mẻ và mạnh mẽ hơn: “Lạy Chúa, những kẻ hữu tử là chi mà Chúa lưu tâm; con người là gì mà Chúa nghĩ tới? Họ chỉ là một hơi thở; ngày sống của họ qua đi như cái bóng” (x câu 3-4). Niềm xác tín mạnh mẽ hiện lên ở đây đó là chúng ta bất nhất, giống như gió thổi, nếu Đấng Hóa Công không bảo trì sự sống cho chúng ta, nắm trong bàn tay của mình, Ngài, như ông Gióp nói, “là sự sống của hết mọi sinh vật và là hơi thở của toàn thể nhân loại” (12:10).

Chỉ khi nào được ơn Chúa nâng đỡ chúng ta mới thắng vượt được những thứ nguy hiểm và khốn khó làm ngãng trở đời sống hằng ngày của chúng ta. Chỉ khi nào cậy dựa vào trợ ân của Trời Cao chúng ta mới có thể dấn thân, như Vị Vua Do Thái ngày xưa, để tiến tới tự do bất chấp mọi thứ áp đảo.

3. Việc can thiệp thần linh được phác họa bằng những hình ảnh truyền thống về vũ trụ và lịch sử, để cho thấy chủ quyền thần linh trên vũ trụ cũng như trân các công cuộc của loài người. Bởi vậy, nào là các ngọn núi bốc khói từ những cuộc phun lửa bất ngờ (xem câu 5). Nào là những tia chớp như những mũi tên Chúa bắn ra để sẵn sàng tiêu diệt sự dữ (xem câu 6). Sau hết, nào là “những giòng nước cả”, theo ngôn ngữ thánh kinh, là biểu hiệu cho những thứ xao động, cho sự dữ và cho hư không, tóm lại, cho những thứ quyền lực tiêu cực trong lịch sử (xem câu 7). Những hình ảnh này được liên kết với những hình ảnh khác có bản chất lịch sử: chúng là “những kẻ thù” (xem câu 6), là “những kẻ thù ngoại bang” (xem câu 7), là những tên dối trá và những kẻ thề gian tức những người tôn sùng ngẫu tượng (xem câu 8).

Đó là đường lối rất cụ thể và theo Đông phương để nói lên cái gian ác, hư hỏng, đàn áp và bất chính là những thực tại kinh khủng Chúa muốn giải cứu chúng ta khỏi chúng khi chúng ta tiến bước trên thế gian này.

4. Bài Thánh Vịnh 143 (144) được Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai dọn cho chúng ta, kết thúc bằng một bản thánh thi ca tạ ơn ngắn gọn (xem các câu 9-10). Bản thánh thi ca này phát xuất từ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi chúng ta trong cuộc đối chọi với sự dữ. Vì thế, con người cầu nguyện mới cất lên một tiết điệu hòa với cây thập huyền cầm, với lòng tin tưởng là Chúa “ban chiến thắng cho vị được xức dầu và giải cứu Đavít tôi tớ của Ngài” (xem các câu 9-10).

Chữ “được xức dầu” theo tiếng Do Thái là “Đấng Thiên Sai”, bởi thể, chúng ta đối diện với một bài Thánh Vịnh vương giả được biến thành một bài ca thiên sai vốn được phụng vụ Do Thái xưa kia sử dụng. Kitô hữu chúng ta lập lại điều này khi gắn mắt nhìn lên Chúa Kitô, Đấng giải cứu chúng ta khỏi mọi sự dữ trong trận chiến chống lại với những thứ quyền lực hư hoại kín đáo. Thật vậy, trận chiến này không phải là trận chiến “chống lại với xác thịt và máu me, mà là chống lại với những thiên phủ, chống lại với các quyền năng, chống lại với những tay thống lãnh thế giới của thứ tối tăm hiện nay, chống lại với những loại chủ trị gian ác nơi chốn vô hình“ (Eph 6:12).

5. Chúng ta hãy kết thúc bằng nhận định được nêu lên bởi Thánh John Cassian, một đan sĩ sống ở Gaul vào thế kỷ thứ 4 và 5. Trong tác phẩm Việc Chúa Nhập Thể, căn cứ vào câu thứ 5 của bài Thánh Vịnh đây, “Lạy Chúa, hãy xé các tầng trời mà đến”, thánh nhân thấy ở những lời này niềm trông chờ việc Chúa Kitô đến thế gian.

Và thánh nhân tiếp tục như sau: “Vị Tác Giả Thánh Vịnh đã cầu nguyện rằng… Chúa sẽ tỏ bản thân mình ra nơi xác thịt, xuất hiện một cách hữu hình trên thế giới, mặc lấy vinh quang một cách tỏ tường (x 1Tim 3:16), cuối cùng đã cầu xin để các thánh có thể thấy bằng đôi mắt xác thịt tất cả những gì họ nhìn bằng con mắt linh thiêng” (The Incarnation of the Lord, V,13, Rome, 1991, pp. 208-209). Đây chính là những gì mọi người đã lãnh nhận phép rửa chứng thực trong niềm vui của đức tin.

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh hôm nay là một chứng từ hy vọng. Đối diện với hiểm nguy và khốn khó lớn lao, Vua Đavít hướng niềm tin tưởng về Chúa, ý thức rằng Ngài sẽ không bỏ qua lời cầu nguyện của dân Ngài, song sẽ can thiệp vào lịch sử và sẽ đánh bại sự dữ.

Vị vua này nhìn nhận cái yếu đuối của con người là thành phần “chỉ là một hơi thở” (câu 4), và hiểu rằng nhân loại phải hoàn toàn tùy thuộc vào Thiên Chúa. Con người nam nữ ngày nay cũng phải nhìn nhận rằng họ cần đến Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô đã chiến thắng sự dữ và ban cho chúng ta sức mạnh để thắng vượt những cuộc thử thách. Chính Ngài là Đấng bảo trì chúng ta trong cuộc sống tự do thật sự. Chúng ta hãy hân hoan làm chứng cho niềm hy vọng được thế giới khát mong này.
 


(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 21/5/2003)