Bài 75 (Thứ Tư 28/5/2003)
 


Lời Chúc Tụng và Nguyện Cầu dâng lên Chúa

(Thánh Vịnh 107 [108]: Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Bốn)



Bài Thánh Vịnh 107 (108) chúng ta vừa nghe tiếp tục tiến trình các Bài Thánh Vịnh Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai, đối tượng cho bài giáo lý của chúng ta. Thoạt tiên bài Thánh Vịnh này cho thấy một đặc tính lạ lùng. Bản văn bao gồm hai đoạn của các bài Thánh Vịnh trước đó, một lấy từ bài Thánh Vịnh 56 (57) câu 8-12, và một đoạn lấy từ bài Thánh Vịnh 59 (60), câu 7-14. Đoạn đầu giống như một bản thánh thi ca, và đoạn thứ hai có đặc tính của một lời nguyện cầu, song chất chứa những lời thần lực của Thiên Chúa làm cho con người cầu nguyện kết tụ an bình và tin tưởng.

Việc kết tụ này làm nẩy sinh một lời cầu nguyện mới, và sự kiện này trở thành một mẫu gương cho chúng ta. Thật vậy, phụng vụ Kitô giáo thường kết tụ những đoạn thánh kinh khác nhau để biến những đoạn này thành một bản văn mới nhắm đến việc làm sáng tỏ những trường hợp mới. Tuy nhiên, việc liên hệ với cái gốc gác vẫn còn đó. Thật thế, bài Thánh Vịnh 107 (108), mặc dù không phải là một bài duy nhất, chẳng hạn có thể nghĩ đến một chứng cớ khác, đó là bài Thánh Vịnh 143 (144), đã chứng tỏ cho thấy cách thức dân Do Thái trong Cựu Ước tái sử dụng lời mạc khải của Thiên Chúa để làm thành chủ đề.

2. Bởi thế, bài Thánh Vịnh phát xuất từ việc kết hợp này không phải chỉ là vấn đề gồm tóm hay kết ghép hai đoạn trước đó. Thay vì bắt đầu bằng một lời nài xin, như bài Thánh Vịnh 56 (57), “Xin thương xót con, Lạy Chúa, xin thương xót con” (câu 1), bài Thánh Vịnh mới được mở đầu với lời tuyên bố dứt khoát chúc tụng Chúa: “Lòng con kiên vững, Lạy Chúa,… tôi sẽ xướng hát ca khen chúc tụng” (Ps 107:1). Lời chúc tụng này chiếm chỗ của lời than van ở đầu bài Thánh Vịnh khác (xem bài 59:1-6), như thế, lời chúc tụng này trở thành nền tảng cho lời thần linh tác động (Ps 59:8-10 = Ps 107:8-10), và cho lời van xin vây quanh nó (Ps 59:7,11-14 = Ps 107:7,11-14).

Niềm hy vọng và nỗi sợ hãi hòa trộn với nhau và trở thành bản chất của lời cầu nguyện mới, tất cả là để gieo rắc niềm tin tưởng ngay cả trong lúc cả cộng đồng phải trải qua cơn thử thách.

3. Bài Thánh Vịnh này, do đó, được mở ra với một bài thánh thi ca hân hoan chúc tụng. Nó là một bài ca ban mai được đàn địch phụ họa (x Ps 107:3). Sứ điệp này là một sứ điệp sáng tỏ và tập trung vào “tình yêu” thần linh và “lòng tin tưởng” (x câu 5): theo ngôn ngữ Do Thái thì hésed và ‘emèt là những từ ngữ chung để xác định lòng trung tín yêu thương của Chúa liên quan đến giao ước đối với dân của Ngài. Vì lòng trung tín này mà dân chúng tin rằng họ sẽ không bao giờ bị Thiên Chúa bỏ rơi trong vực thẳm hư vô hay tuyệt vọng.

Kitô giáo đọc lại bài Thánh Vịnh này với nhiều tư tưởng đặc biệt nẩy sinh từ đó. Ở câu 6, vị tác giả Thánh Vịnh chúc tụng vinh hiển siêu việt của Thiên Chúa: “Thiên Chúa xuất hiện trên các tầng trời cao thẳm”. Bình giải bài Thánh Vịnh này, Origin, một nhà văn danh tiếng của Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, đã nhắc đến một lời Chúa Giêsu nói, đó là câu dạo khúc cho việc tử giá: “Khi Tôi bị nâng lên khỏi đất, Tôi sẽ kéo mọi người lên cùng Tôi” (Jn 12:32). Như thế, vị thứ hai đã xác nhận câu sau đó, câu “để những ai Ngài yêu thương được giải cứu” (Ps 107:7). Đoạn Origin kết luật: “Ý nghĩa tuyệt vời biết bao! Lý do tại sao Chúa Kitô bị đóng đanh và được vinh thăng là để thành phần yêu dấu của Người được giải cứu… Tất cả những gì chúng ta mong muốn đều trở thành sự thật, đó là Người dã được tôn vinh và chúng ta được giải cứu” (Origin-Jerome, "74 Omelie sul Libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, p. 367).

4. Vậy chúng ta hãy hướng về bài Thánh Vịnh 107, phần được trích lại từ bài Thánh Vịnh 59 như chúng ta nói đến. Trong cơn sầu thương của dân Do Thái, môt nỗi sầu thương làm cho họ cảm thấy vắng bóng và cách xa Thiên Chúa (“Lạy Chúa, không phải là Ngài đã loại trừ chúng tôi hay sao?”: câu 12), thì lời thần linh sống động của Chúa lại tái vang lên trong đền thờ (xem câu 8-10). Qua việc tỏ mình này, Thiên Chúa trở nên như một Vị Chủ Trị và là Chúa của toàn thể đất thánh, từ thành Shechem tới Thung Lũng Succoth bên ngoài Jordan, từ những vùng phía đông ở Gilead và Manasseh đến những trung tâm phíc nam ở Ephraim và Judah, cho tới cả những lãnh thổ ngoại bang chư hầu của dân Moab, Edom và Philistia.

Vai trò làm chủ tể thần linh cai trị Đất Hứa được loan báo bằng những hình ảnh nhuốm mầu sắc theo kiểu cách quân lực và có tính cách pháp chế. Nếu Chúa là Đấng trị vì thì không cần gì phải lo sợ: Người ta không bị xô đẩy bởi những lực lượng tối tăm của định mệnh hay của tình trang xao động. Ở tất cả mọi thời, ngay cả trong những lúc tối tăm nhất, vẫn có một ý muốn cao cả quản trị lịch sử.

5. Niềm tin này thắp sáng hy vọng. Trong bất cứ trường hợp nào thì Thiên Chúa cũng sẽ cho thấy lối thoát, tức là, cho thấy “một thành trì kiên cố” được nằm ở miền của dân Edom. Điều này có nghĩa là, bất chấp thử thách và thái độ câm lặng, Thiên Chúa cũng sẽ đáp ứng và tỏ mình ra, để bảo trì và hướng dẫn dân của Ngài. Ơn trợ giúp duy nhất chỉ phát xuất từ Ngài mà thôi, chứ không phải từ những thứ liên quân ngoại bang, tức là từ lực lượng võ trang (xem câu 13). Và tự do cùng với “những điều lớn lao” cũng chỉ nhờ Ngài mà đạt được (x câu 14).

Cùng với Thánh Giêrônimô, chúng ta hãy nhắc lại bài học cuối cùng của vị tác giả Thánh Vịnh, một bài học được hiểu theo chiều hướng của một Kitô hữu: “Không ai được thất vọng trên đời này. Anh em có Chúa Kitô mà anh em còn sợ hay sao? Người là sức mạnh của chúng ta, Người sẽ là bánh nuôi chúng ta, Người sẽ là vị hướng đạo của chúng ta” (Breviarum in Psalmos, Ps. CVII: PL 26,1224).

Anh Chị Em thân mến!

Bài Thánh Vịnh 107 là một bài ca chúc tụng Thiên Chúa và là một lời van xin Ngài trợ giúp. Bài Thánh Vịnh này, một bài Thánh Vịnh lập lại hai đoạn của hai bài Thánh Vịnh trước đó, là một kiểu mẫu được dân Do Thái liên tục sử dụng lời thần linh của Chúa để bày tỏ đức tin của họ. Bài Thánh Vịnh này ca tụng “tình yêu” của Chúa và “chân lý” của Ngài, một tình thương và lòng trung thành muôn thuở được Ngài tỏ ra cho Dân Ngài thấy. Vị tác giả Thánh Vịnh nguyện cầu Thiên Chúa được tôn vinh trên các tầng trời và tỏ vinh hiển của Ngài trên trái đất. Kitô hữu thời sơ khai hiểu câu này như là một lời tiên tri về Chúa Giêsu Kitô, Đấng bị Đóng Đanh đã được nâng lên khỏi mặt đất để mạc khải vinh hiển của Thiên Chúa và mang ơn cứu độ đến cho thế giới.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 28/5/2003)