Bài 76 (Thứ Tư 18/6/2003)
 


Giêrusalem được tái sinh như cô dâu sửa soạn thành hôn

(Ca Vịnh Isaia 61 và 62: Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Bốn)
 


1. Bài Ca Vịnh tuyệt vời chúng ta thấy nơi Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai vừa được công bố đã mở đầu như bài ca vịnh Ngợi Khen Magnificat: “Tôi hân hoan hớn hở trong Chúa, hồn tôi mừng rỡ trong Chúa Trời của tôi” (Is 61:10). Bài ca vịnh này được đưa vào phần ba của Sách Tiên Tri Isaia, một đoạn được các vị học giả cho là ở vào giai đoạn sau, lúc dân Do Thái, sau khi từ Babylon hồi hương trở về (thế kỷ thứ 6 trước Công Nguyên), tiếp tục cuộc sống của mình như là một dân tộc tự do nơi mảnh đất cha ông của họ tái thiết thành Giêrusalem và đền thờ này. Bởi thế không lạ gì Thành Thánh, như chúng ta sẽ thấy, ở ngay tâm điểm của bài ca vịnh, với một chân trời mở ra sáng ngời chứa chan hy vọng.

2. Vị tiên tri bắt đầu bài ca của mình bằng hình ảnh một dân tộc được tái sinh khoác những bộ y phục lóng lánh giống như một cặp uyên ương kết duyên trước ngày trọng thể của việc cử hành hôn ước (x câu 10). Ngay sau đó là một biểu hiệu khác xuất hiện, biểu hiệu của sự sống, của niềm vui và của mới mẻ, đó là hình ảnh của một chồi cây (x câu 11).

Các vị tiên tri đề cập đến hình ảnh của chồi cây bằng nhiều cách khác nhau, tiêu biểu cho vị vua thiên sai (x Is 11:1, 53:2; Jer 23:5; Zec 3:8, 6:12). Đấng Thiên Sai là một chồi cây canh tân thế giới, và vị tiên tri ấy cho thấy rõ ràng ý nghĩa sâu xa của tính cách sinh động này: “Chúa là Thiên Chúa sẽ làm cho đức chính trực trổ sinh” (Is 61:11), nhờ đó Thành Thánh trở thành một khu vườn công lý, tức là khu vườn thành tín và chân lý, của lề luật và yêu thương. Như vị tiên tri nói đến trước đó một chút, “Ngài sẽ gọi các bức tường của Ngài ‘Ơn Cứu Độ’ và các cổng của Ngài là ‘Lời Chúc Tụng’” (Is 60:18).

3. Vị tiên tri mạnh mẽ tiếp tục cất tiếng nói của mình: Bài ca tuôn ra cùng với những nỗ lực tiêu biểu cho cuộc tái sinh của Giêrusalem hướng về một kỷ nguyên mới sắp được mở ra (x Is 62:1). Thành này được phác tả như một cô dâu sửa soạn cử hành đám cưới của mình.

Cái biểu hiệu hôn nhân xuất hiện một cách rõ ràng trong đoạn này (x câu 4-5) là một trong những hình ảnh mãnh liệt nhất trong Thánh Kinh để đề cao mối giây thân mật và giáo ước yêu thương hiện hữu giữa Chúa và Dân Ngài Tuyển Chọn. Duyên sắc của dân ấy là do “ơn cứu độ”, “đức công minh”, và “sự vinh quang” (x câu 1-2), tuyệt vời đến nỗi trở thành “một triều thiên vinh quang trong tay Chúa” (x câu 3).

Yếu tố quyết liệt là việc đổi tên gọi, như xẩy ra ở thời đại chúng ta đây, khi một người nữ trẻ lập gia đình. Việc nhận một “tên gọi mới” (x câu 2) hầu như được gắn liền với một thứ căn tính mới, với việc lãnh nhận một sứ vụ, với việc thay đổi tất cả cuộc sống của mình (x Gen 32:25-33).

4. Danh xưng mới mà cô dâu Giêrusalem là biểu hiệu cho tất cả thành phần dân Chúa nhận gọi được vị tiên tri trình bày cho thấy nghịch đảo nhau: “Người ta sẽ không còn gọi ngươi là ‘Kẻ bị ruồng bỏ’, hay gọi mảnh đất của người là ‘Cảnh hoang tàn’ nữa / Trái lại, ngươi sẽ được gọi là ‘Niềm Vui của Ta’, và mảnh đất của ngươi sẽ được gọi là ‘Duyên kết’. Vì Chúa hoan lạc nơi ngươi và làm cho mảnh đất của ngươi nên người phối ngẫu của Ngài” (Is 62:4). Những tên gọi nhắc đến tình trạng bị ruồng bỏ và hoang tàn trước đó, tức là tình trạng thành phố bị tàn phá bởi quyền lực của những người Babylon và thảm kịch lưu đầy, giờ đây được thay thế bằng những tên gọi tái sinh và là những từ ngữ yêu thương và êm ái, hân hoan và hạnh phúc.

Tới đây, tất cả được tập trung vào vị hôn phu. Này đây cả một ngỡ ngàng cả thể, đó là chính Chúa gán cho Sion một tên gọi hôn nhân mới. Câu tuyên bố cuối cùng mới thật là tuyệt vời, câu tuyên bố tiếp tục chủ đề bài ca yêu thương được dân Ngài cất tiếng hát: “Như một nam nhân trẻ trung kết hôn với người trinh nữ, Đấng Xây Dựng nên ngươi sẽ cưới lấy ngươi; và như chàng rể vui thú người hôn thê của mình thế nào Thiên Chúa cũng vui thú ngươi như vậy” (câu 5).

5. Bài ca này không còn được hát ở đám cưới của một vị vua chúa và hoàng hậu, mà là để chúc tụng một thứ tình yêu sâu xa kết hiệp muôn đời Thiên Chúa và Giêrusalem. Nơi vị hôn thê trần gian của mình là dân nước thánh hảo này, Vị Chúa ấy tìm được cùng một thứ hạnh phúc người chồng tìm thấy nơi người vợ yêu dấu của mình. Vị Thiên Chúa cách biệt và siêu việt, vị thẩm phán công minh chính trực, giờ đây được thay thế bằng một Vị Thiên Chúa gần gũi và say yêu. Cái tính cách tiêu biểu hôn nhân này sẽ được Tân Ước sử dụng (x Eph 5:21-32) và sẽ được các Vị Giáo Phụ tiếp tục và khai triển thêm. Chẳng hạn như Thánh Ambrôsiô đã theo quan điểm ấy nhắc nhở chúng ta rằng “vị hôn phu là Chúa Kitô, vị hôn thê là Giáo Hội, phu thê bởi yêu thương, đồng trinh vì tinh tuyền” ("Esposizione del Vangelo secondo Luca: Opere esegetiche" [Exposition of the Gospel According to Luke: Exegetic Works] X/II, Milan-Rome, 1978, p. 289).

Rồi thánh nhân tiếp tục, trong một tác phẩm khác của ngài, “Giáo Hội kiều diễm. Đó là lý do tại sao Lời Chúa nói với Giáo Hội ‘Em hoàn toàn xinh đẹp, là tình yêu của anh; nơi em không có một tì vết nào’ (Diễm Tình Ca 4:7), vì lỗi lầm đã bị phủ lấp…. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu, bị tác động bởi niềm ước mong của một tình yêu quá lớn lao, bởi nét đẹp của những gì Giáo Hội trang sức cũng như của ân sủng Giáo Hội có được, ở nơi những ai đã được tinh tuyền không còn vết nhơ của bất cứ lỗi lầm nào, nói với Giáo Hội rằng: ‘Em hãy lấy in ấn anh trên trái tim em, trên cánh tay em’ (Diễm Tình Ca 8:6), tức là, hỡi hồn sống của anh, em tranh sức mỹ miều, em hết sức kiều diễm, em không thiếu một sự gì! ‘Hãy in ấn anh trên trái tim em’, để đức tin em tỏa sáng nơi nó tầm mức trọn vẹn của bí tích này. Các việc của em làm cũng chiếu tỏa và cho thấy hình ảnh Thiên Chúa như em đã được dựng nên” (The Mysteries, nn. 49.41: "Opere Dogmatiche" (Dogmatic Works), III, Milan-Rome, 1982, pp. 156-157).

Anh Chị Em thân mến,

Bài ca Vịnh hôm nay, được trích từ Sách Tiên Tri Isaia, cử hành việc tái sinh và canh tân Giêrusalem, một thành đô được phán họa như một Cô Dâu sửa soạn cho ngày cưới của mình. Trong Sách Thánh, hinh ảnh hôn nhân này gợi lên cho thấy giao ước yêu thương giữa Thiên Chúa và Dân Ngài, một giao ước mang lại niềm vui và hy vọng cho tương lai. Tân Ước tiếp tục hình ảnh này để diễn tả tình Chúa Kitô yêu thương Giáo Hội, vị hôn thể của Người, được thanh tẩy sạch tội lỗi, thánh hảo và sáng ngời trong niềm vui ơn cứu độ.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 18/6/2003)