Bài 77 (Thứ Tư 2/7/2003)
Chúc Tụng Thiên Chúa Thượng Quyền và Tín Trung
(Thánh Vịnh 145 [146]: Kinh Ban Mai, Thứ Tư, Tuần Thứ Bốn)
1. Bài Thánh Vịnh 145 (146) chúng ta vừa nghe là một lời
“alleluia”, bài đầu tiên trong bộ năm bài Thánh Vịnh kết thúc toàn cuốn Sách
Thánh Vịnh. Truyền thống phụng vụ Do Thái đã sử dụng bài thánh thi ca này như
bài hát chúc tụng vào buổi sáng: Tuyệt đỉnh của bài Thánh Vịnh này là ở việc
công bố thượng quyền của Thiên Chúa trong lịch sử loài người. Thật vậy, ở cuối
bài Thánh Vịnh này, có lời tuyên xưng rằng “Chúa sẽ cai trị đến muôn đời” (câu
10).
Từ lời tuyên xưng này hiện lên một sự thật, đó là chúng ta không được nản lòng bại chí, những thứ biến đổi của thời đại chúng ta không phải được khống chế bởi những xao động hay mệnh kiếp, những biến cố ấy không tiêu biểu cho một thứ liên tục tác hành thuần túy của bất cứ ý nghĩa hay mục đích nào. Khởi đi từ niềm xác tín ấy mới có lời tuyên xưng lòng tin tưởng nơi Thiên Chúa một cách chân thực và xứng hợp, một lòng tin được diễn đạt như một thứ kinh cầu để công bố những phẩm tính của tình yêu và của sự thiện hảo xứng hợp với Ngài (xem câu 6-9).
2. Thiên Chúa là đấng tạo dựng nên trời đất, và là bảo quản viên trung thành của lời giao ước liên kết Ngài với dân của Ngài. Chính Ngài là Đấng đã trả công lý cho thành phần bị đàn áp, ban bánh bảo dưỡng kẻ đói khổ, và giải phóng những kẻ bị tù ngục. Chính Ngài là Đấng mở mắt cho thành phần bị mù lòa, nâng dậy kẻ gục ngã, yêu thương kẻ chân chính, bảo vệ kẻ xa lạ, nâng đỡ người mồ côi và góa bụa. Chính Ngài là Đấng làm hỗn loạn đường nẻo của thành phần gian ác và bao trùm tối thượng quyền của mình trên tất cả mọi hữu thể qua tất cả mọi thời.
Đây là 12 điều xác tín về thần học, với một con số trọn vẹn của mình, muốn nói lên tính cách vuông tròn và toàn hảo của tác động thần linh. Chúa không phải là một vị thượng chủ cách biệt với các loài tạo vật của mình, song có mặt nơi lịch sử của chúng, như Đấng bảo vệ công lý, hòa mình với thành phần hèn kém nhất, với những nạn nhân, với kẻ bị đàn áp, với kẻ bất hạnh.
3. Bởi thế con người thấy rằng giữa hai khả hội nghịch đảo họ cần phải thực hiện việc chọn lựa quan trọng: một bên là khuynh hướng “tin tưởng vào các thứ vương gia” (xem câu 23), chấp nhận những qui chuẩn của họ theo lòng gian ác, theo cái tôi và niềm kiêu hãnh. Thực ra đó là một đường lối trơn trượt và tàn rụi, nó là “một con đường quanh co và buông thả” x Prov 2:15), con đường cuối cùng đưa đến chán chường.
Thật vậy, vị Tác Giả Thánh Vịnh nhắc chúng ta rằng con người là một hữu thể mỏng dòn và hữu tử, như chữ “adam” cho thấy, một chữ theo tiếng Do Thái chỉ về trái đất, vật chất, bụi đất. Con người, như Thánh Kinh thường lập lại, giống như một lâu đài bị tan tành (x Eccl 12:1-7), một thứ màng nhện bị giá rạch xé (x Job 8:14), một đám cỏ sáng còn xanh chiều đã úa (x Ps 89[90]:5-6, 102 [103]:15-16). Khi đối diện với tử thần thì tất cả mọi dự án của họ đều sụp đổ và họ trở về với bụi đất: “Khi thở hơi cuối cùng, họ trở về với mặt đất; vào ngày ấy tất cả những gì họ dự tính đều trở thành hư không” (Ps 145[146]:4).
4. Tuy nhiên, con người còn có một khả hội khác nữa, một khả hội được vị tác giả Thánh Vịnh tôn lên như một phúc đức: “Phúc cho những ai được Vị Thiên Chúa Giacóp trợ giúp, những ai đặt niềm hy vọng của mình vào Chúa là Thiên Chúa của mình” (câu 5). Đây là cách tin tưởng vào Vị Thiên Chúa hằng hữu và tín trung. Chữ amen, một chữ Do Thái về niềm tin, có nghĩa là dựa vào sự vững chắc bất khả tiêu hủy của Chúa, vào sự hằng hữu của Ngài, vào quyền năng vô cùng của Ngài. Thế nhưng, amen có nghĩa trước hết là có cùng những lựa chọn như Ngài là những gì việc tuyên xưng đức tin và lời chúc tụng, như được chúng ta ban đầu diễn tả, làm sáng tỏ.
Cần phải sống gắn bó với ý muốn thần linh, cống hiến bánh ăn cho thành phần đói khổ, viếng thăm tù nhân, nâng đỡ và an ủi kẻ yếu đau bệnh hoạn, bênh vực và tiếp đón những ai xa lạ, dấn thân phục vụ thành phần bần cùng và khốn khổ. Thật vậy, đó cũng là tinh thần của những mối phúc đức; việc quyết chọn thiên về dự án yêu thương, đó là việc cứu chúng ta vào lúc cuối đời, và bởi thế là đối tượng xét mình của chúng ta trong cuộc Chung Thẩm là biến cố kết thúc lịch sử. Thế rồi chúng ta sẽ bị phán xét về việc chọn lựa phục vụ Chúa Kitô nơi người đói, nơi kẻ khát, nơi người xa lạ, nơi kẻ trần trụi, nơi người yếu đau, nơi kẻ bị tù ngục. Bấy giờ Chúa phán: “Amen, Ta nói cho các người hay, bất cứ những gì các người làm cho một trong những người anh em hèn mọn nhất của Ta đây là các người làm cho chính Ta” (Mt 25:40).
5. Chúng ta hãy kết thúc bài suy niệm của chúng ta về bài Thánh Vịnh 145 [146] với một tư tưởng đáng suy nghĩ đã cống hiến cho chúng ta bởi truyền thống Kitô giáo.
Origen, một cây viết nổi tiếng ở thế kỷ thứ ba, khi dẫn giải câu 7 của bài Thánh Vịnh: “Chúa ban lương thực cho kẻ đói khổ và giải phóng những kẻ bị tù ngục”, đã thấy được một ám chỉ ngấm ngầm về Thánh Thể: “Chúng ta đói Chúa Kitô, và chính Người ban cho chúng ta bánh bởi trời. ‘Xin cho chúng con lương thực hằng ngày’. Những ai nói lên điều này đều là những kẻ đói; những ai cảm thấy cần bánh ăn đều là thành phần đói khổ’. Và kẻ đói khổ này được hoàn toàn thỏa mãn bởi bí tích Thánh Thể, là bí tích con người được nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Chúa Kitô (see Origen -- Jerome, "74 Omelie sul Libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 526-527).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh hôm nay là bài đầu tiên trong năm bài “alleluia” kết thúc Cuốn Sách Thánh Vịnh. Bài Thánh Vịnh này chúc tụng Thiên Chúa bao trùm thượng quyền của mình trên tất cả mọi thụ tạo và trung thành với giao ước của Ngài. Chúng ta cũng được kêu gọi theo tinh thần của các Mối Phúc Đức để chia sẻ với kẻ nghèo, để bênh vực thành phần bị đàn áp, và để tỏ lòng thương xót những cuộc đời phản ảnh dung nhan của Chúa Kitô đau khổ.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài
liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 2/7/2003)