Bài 78 (Thứ Tư 9/7/2003)
 


Tin tưởng vào tình yêu trung thành và cứu độ của Chúa

(Thánh Vịnh 142 [143]: Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Bốn)
 



1.    Bài Thánh Vịnh 142 [143] vừa được công bố, bài Thánh Vịnh cuối cùng trong số những Thánh Vịnh được gọi là thống hối, những bài Thánh Vịnh làm nên 7 lời cầu khẩn được phân phối trong Sách Thánh Vịnh (x Ps 6, 31, 37, 50, 101, 129, 142). Truyền thống Kitô giáo đã sử dụng những bài Thánh Vịnh này để nài xin Chúa thứ tha tội lỗi. Bài Thánh Vịnh chúng ta muốn suy niệm hôm nay đây rất gần gũi với Thánh Phaolô, vị đã suy diễn về tình trạng tội lỗi sâu xa của hết mọi con người thụ tạo: “trước nhan Ngài không một sinh linh nào có thể được coi là công chính” (câu 2). Câu này được vị tông đồ này sử dụng làm nền tảng cho giáo thuyết của ngài về tội lỗi và ân sủng (x Gal 2:16; Rm 3:20).

Phụng Vụ Ban Mai đề ra lời khẩn nguyện này cho chúng ta như là một quyết tâm sống trung thành và kêu xin ơn trợ giúp thần linh vào lúc ngày sống bắt đầu. Thật vậy, bài Thánh Vịnh này khiến cho chúng ta thưa cùng Thiên Chúa rằng: “Vào lúc bình minh, xin cho tôi nghe về lòng từ ái Chúa, vì tôi tin tưởng nơi Ngài” (câu 8).

2.     Bài Thánh Vịnh bắt đầu bằng một lời kêu cầu thiết tha và nhất trí dâng lên Thiên Chúa, Đấng trung thành với những lời hứa cứu độ đối với dân của Ngài (câu 1). Con người cầu nguyện nhìn nhận rằng mình không có công nghiệp gì xứng đáng cả nên hạ mình cầu xin Thiên Chúa đừng đóng vai quan án (câu 2).

Thế rồi con người cầu nguyện này trình bày tình trạng thê thảm, giống như một cơn ác mộng chết người mà người ấy đang phải đối chọi, đó là kẻ thù, được tiêu biểu cho sự dữ trong lịch sử và trên thế giới, dẫn con người này đến ngưỡng cửa tử thần. Thật vậy, tại đó, con người này phục xuống bụi đất, hình ảnh của một ngôi mộ; con người ấy ở trong tăm tối, tình trạng thiếu thứ ánh sáng là dấu hiệu thần linh của sự sống; và sau hết con người đề cập đến “những kẻ đã chết từ lâu”, tức là kẻ quá cố (câu 3), trong số đó con người này dường như cũng đã bị đọa đầy.

3.     Chính cuộc hiện hữu của vị Tác Giả Thánh Vịnh trở nên tàn tạ: Ở chỗ vị này không còn hơi thở, trái tim dường như một cục đá lạnh không thể rung động được nữa (câu 4). Đối với con người trung nghĩa cảm thấy rùng mình và bị chà đạp này thì chỉ còn đôi tay là tự nhiên giơ lên trời bằng một cử chỉ vừa kêu cầu trợ giúp vừa tìm sự nâng đỡ (câu 6). Vị ấy nghĩ lại cái quá khứ được Thiên Chúa thực hiện những việc lạ lùng (câu 5).

Tia hy vọng này làm nóng tảng băng đá đau khổ và thử thách mà con người cầu nguyện tự cảm thấy mình bị đắm chìm và hầu như bị loại trừ (câu 7). Tuy nhiên, tình trạng căng thẳng vẫn còn mãnh liệt; song tia sáng dường như đã xuất hiện ở chân trời. Do đó, chúng ta tiến sang phần thứ hai của bài Thánh Vịnh (câu 7-11).

4.     Phần hai được bắt đầu bằng một lời kêu xin mới và khẩn trương. Con người tín nghĩa cảm thấy sự sống đang rời xa mình thì kêu lên Thiên Chúa rằng: “Xin mau mau đáp ứng tôi, lạy Chúa; vì tinh thần của tôi bỏ tôi” (câu 7). Chưa hết, con người này sợ rằng Thiên Chúa ẩn mặt của Ngài và tách mình xa cách, bỏ rơi con người ấy và để mặc thụ tạo của mình lẻ loi cô độc.

Việc biến mất dung nhan thần linh làm cho con người rơi vào cõi cô quạnh, thực sự rơi vào chính cõi chết, trong khi Chúa là nguồn mạch của sự sống. Chính lúc ở trong một thứ giới hạn tột độ này mới nẩy sinh ra lòng tin tưởng vào Thiên Chúa, Đấng không biết bỏ rơi ai bao giờ. Con người cầu nguyện gia tăng những lời kêu cầu của mình và hỗ trợ những lời khẩn cầu này bằng những lời tuyên xưng lòng tin tưởng vào Chúa. “Bởi tôi tưởng tưởng nơi Chúa… vì tôi nâng hồn lên Chúa… Tôi đã chạy đến nương ẩn nơi Ngài… bởi Chúa là Thiên Chúa của tôi”. Con người này đã xin được thoát khỏi tay quân thù (câu 8-12) cũng như khỏi sầu đau (câu 11), nhưng con người ấy cũng lập lại một lời yêu cầu bộc lộ cho thấy niềm khát vọng thiêng liêng sâu xa, đó là “Xin dạy tôi làm theo ý Chúa, vì Chúa là Thiên Chúa của tôi” (câu 10a, xem câu 8b, 10b). Chúng ta phải lấy lời yêu cầu đáng ca ngợi này làm của mình. Chúng ta phải hiểu rằng sự thiện tối cao của chúng ta là hiệp nhất ý muốn của mình với ý muốn của Cha trên trời, vì chỉ có thế chúng ta mới có thể lãnh nhận tình yêu của Ngài, một tình yêu mang ơn cứu độ và sự sống viên mãn. Nếu không được kèm theo bởi ước muốn mãnh liệt trong việc tuân theo ý muốn của Thiên Chúa thì lòng tin tưởng của chúng ta nơi Ngài không phải là lòng tin tưởng chân thực.

Con người cầu nguyện biết được điều này nên mới bày tỏ ý muốn ấy. Con người này thực lòng và tương xứng lên tiếng tuyên xưng đức tin nơi Thiên Chúa Dấng Cứu Độ, Đấng phá tan nỗi sầu đau và phục hồi hương vị sự sống, nhân danh “đức công chính” của Ngài, nói cách khác, nhân danh lòng trung thành yêu thương và cứu độ của Ngài (câu 11). Phát xuất từ một tình trạng đặc biệt buồn đau, lời cầu nguyện dẫn đến niềm hy vọng, vui mừng và ánh sáng, nhờ thực lòng gắn bó với Thiên Chúa cũng như với ý muốn của Ngài, một ý muốn của tình yêu. Đó là mãnh lực của lời cầu nguyện, là nguồn phát sinh sự sống và ơn cứu độ.

5.     Hướng mắt nhìn về ánh sáng ban mai của ân sủng (câu 8), Thánh Grêgôriô Cả, trong bài dẫn giải 7 Thánh Vịnh Thống Hối, bởi thế đã diễn tả hừng đông hy vọng và vui mừng này như sau: “Đó là một ngày được chiếu sáng bởi vầng dương thực sự không hề lặn xuống, một vầng dương không thể bị mây che khuất hay khói làm lu mờ…. Khi Chúa Kitô là sự sống của chúng ta xuất hiện, chúng ta sẽ bắt đầu được thấy Thiên Chúa với một khuôn mặt cởi mở không che đậy, bấy giờ tất cả mọi bóng tối sẽ tan biến, khói vô tri sẽ tan bay, sương sa cám dỗ sẽ tan loãng…. Nó sẽ là một ngày sáng láng và rực rỡ nhất, giành cho tất cả thành phần được Ngài tuyển chọn, Đấng đã giật chúng ta ra khỏi quyền lực tối tăm và đã chuyển chúng ta vào vương quốc của Con yêu dấu Ngài.

“Buổi sáng của ngày ấy là cuộc phục sinh mai này… Vào buổi sáng ấy, hạnh phúc của kẻ công chính sẽ chiếu sáng, vinh quang sẽ xuất hiện, hoan hỉ sẽ diễn ra, khi Thiên Chúa lau sac5h hết mọi giọt nước mắt của các thánh, khi mà tử thần cuối cùng bị tiêu diệt, khi mà kẻ công chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong vương quốc của Chúa Cha.

“Buối sáng hôm ấy, tình thương của Thiên Chúa sẽ được cảm nhận ở chỗ: “Hãy đến, hỡi kẻ được Cha Ta chúc phúc’ (Mt 25:34). Bấy giờ tình thương của Thiên Chúa sẽ bộc lộ, một tình thương không thể hiểu đươcỉc trong cuộc sống hiện thế. Thật vậy, Chúa sửa soạn cho những ai yêu mến Ngài những gì mắt chưa hề thấy, tai chưa hề nghe và lòng chưa hề cảm” (LF 79, coll. 649-650).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 142 là bài cuối cùng của các Thánh Vịnh mang tên Thống Hối. Bài Thánh Vịnh này nhắc nhớ lời Thiên Chúa hứa cứu độ và nhắc lại các kỳ công đã qua do Chúa thực hiện. Đối diện với đối phương và thử thách, dân thánh của Thiên Chúa vẫn không mất niềm hy vọng, trái lại, họ kêu lên Ngài, tin tưởng rằng Ngài sẽ nghe họ và đáp ứng. Như thế, chúng ta thấy được quyền lực thực sự của lời cầu nguyện, ở chỗ, đối với những ai đặt niềm tin tưởng vào tình yêu trung thành và cứu độ của Chúa, thì lời cầu nguyện sẽ phát sinh hy vọng, niềm vui và ánh sáng, cũng như dẫn đến sự sống trường sinh.



(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 9/7/2003)