Một Giêrusalem tái sinh và
Tình yêu từ mẫu của Thiên Chúa
ÐTC Gioan Phaolô II chia sẻ Bài Giáo Lý Thánh Vịnh 79, Thứ Tư 16/7/2003 về Ca Vịnh Is 66:10-14: Kinh Ban Mai, Thứ Năm, Tuần Thứ Bốn.
1. Bài thánh thi ca chúng ta vừa nghe được trích từ trang cuối cùng của Sách Tiên Tri Isaia, một bài ca hân hoan đầy hình ảnh từ mẫu của Giêrusalem (x 66:11), và đầy sự chăm sóc ưu ái của chính Thiên Chúa (câu 13). Các học giả Thánh Kinh coi đoạn cuối cùng hướng về một tương lai rạng ngời và mừng rỡ này là chứng từ của một tiếng nói sau đó, tiếng nói của một vị tiên tri cử hành việc tái sinh của Do Thái sau giai đoạn tăm tối lưu đầy ở Babylon. Bởi thế, chúng ta đang ở vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên, hai thế kỷ sau sứ vụ của Isaia, một vị đại tiên tri được toàn bộ cuốn sách linh hứng này mang tên.
Giờ đây chúng ta sẽ theo giòng hân hoan vui mừng của bài ca vịnh ngắn ngủi này, bài ca vịnh mở đầu bằng ba lời hiệu triệu làm nên lời kêu mời tham hưởng hạnh phúc: “hãy hân hoan”, “hớn hở”, “Hãy hân hoan với Sion trong vui mừng” (x câu 10). Đây là một đề tài sáng ngời thường được thấy ở những trang cuối cùng của Sách Tiên Tri Isaia: thành phần sầu khổ của Sion được hoan lạc, thăng hoa, xức “dầu hoan lạc” (61:3); chính vị tiên tri cũng “hết sức hân hoan trong Chúa, linh hồn người hớn hở trong Thiên Chúa” (câu 10); “như tân lang hoan hỉ nơi tân nương thế nào Thiên Chúa của người cũng hân hoan như thế” nơi dân của Ngài (62:5). Ở trang trướctrang hiện là đối tượng cho bài ca và lời nguyện của chúng ta thì chính Thiên Chúa tham dự với hạnh phúc của Do Thái là một quốc gia sắp được tái sinh: “Sẽ luôn hân hoan và hạnh phúc nơi những gì Ta tạo thành; vì Ta kiến tạo nên Giêrusalem là để trở thành một niềm vui cũng như tạo nên dân của thành này là để hoan hỉ. Ta sẽ hân hoan nơi Giêrusalem và hớn hở nơi dân của Ta” (65:18-19).
2. Nguồn mạch và lý do cho niềm hoan lạc nội tâm được thấy nơi sức sống mới của Giêrusalem, một sức sống phát xuất từ tro tàn, một tàn rụi đã xẩy ra cho Giêrusalem khi thành này bị quân Babylon hủy hoại. Thật vậy, việc “than khóc” của thành này (66:10), một thứ than khóc giờ đây đã không còn, đã được đề cập tới.
Như thường xẩy ra ở một số văn hóa, thành này được tiêu biểu bằng hình ảnh nữ giới, thậm chí bằng hình ảnh của một người mẹ. Khi một thành trì ở trong tình trạng an bình thì nó giống như một thứ bụng dạ vững chắc và an toàn; thật vậy, nó giống như một người mẹ nuôi dưỡng con cái của mình bằng sự phong phú và êm ái (câu 11). Theo chiều hướng này, thực tại được Thánh Kinh gọi tên, bằng một biểu hiệu nữ giới, là “nữ tử Sion”, tức “Giêrusalem”, một lần nữa lại trở thành mẫu đô lãnh nhận, nuôi dưỡng và làm vui con cái là thành phần cư dân của mình. Trong khung cảnh của sự sống và nỗi dịu dàng này mà lời Chúa đã đến, lời mang giọng điệu của một phúc lành (câu 12-14).
3. Thiên Chúa sử dụng những hình ảnh khác có tính cách phong phú. Thật vậy, Ngài nói về sông ngòi và các giòng thủy triều, tức nói về nước là biểu hiệu cho sự sống, về sự nẩy nở của cỏ cây, về sự phì nhiêu của mặt đất cùng với dân cư của nó (câu 12). Sự thịnh vượng của Giêrusalem, “cảnh an bình” (shalom) của thành này, một tặng ân dồi dào của Thiên Chúa, bảo đảm cho con cái của thành này một sự sống được vây bọc bằng một thứ âu yếm dịu dàng từ mẫu: “các người sẽ được nó bồng bế trên cánh tay và ấp ủ trên gối” (ibid), một thứ âu yếm dịu dàng của chính Thiên Chúa: “Như người mẹ an ủi cacùc người thế nào, Ta cũng sẽ an ủi các người như vậy” (câu 13). Như thế Chúa đã sử dụng bóng ngữ về từ mẫu để diễn tả tình yêu thương của Ngài đối với các tạo vật của Ngài.
Ngay cả ở đoạn trước đó của Sách Tiên Tri Isaia cũng có một đoạn mang ý nghĩa từ mẫu của Thiên Chúa: “Có người đàn bà nào quên được đứa con thơ nhi của mình hay chăng, không âu yếm nâng niu đứa con ấy lòng dạ của mình? Cho dù bà có quên con bà đi nữa thì Ta sẽ không bao giờ quên được ngươi” (49:15). Trong bài ca vịnh của chúng ta đây, những lời của Chúa nói với Giêrusalem được chấm dứt bằng việc tiếp tục đề tài về sức sống nội tâm, một sức sống được thể hiện bằng một hình ảnh phong phú và sinh động khác, đó là hình ảnh cỏ tươi, hình ảnh được áp dụng cho các thứ xương để nói lên cái cứng cát của thân thể và của hiện hữu (câu 14).
4. Đến đây, đối diện với một mẫu đô như thế, chúng ta dễ thấy được hình ảnh của Giáo Hội, một trinh nữ và là một người mẹ dồi dào sinh lực. Chúng ta kết thúc bài suy niệm của chúng ta về một Giêrusalem tái sinh, với lời suy niệm của Thánh Ambrôsiô, trích từ tác phẩm “Những Cô Trinh Nữ” của thánh nhân: “Hội Thánh vô nhiễm nơi mối hiệp hôn của mình, dồi dào sinh lực nơi các cuộc hạ sinh của mình, và đồng trinh nơi đức trong sạch của mình cho dù Hội Thánh có sinh sản con cái. Thế nên chúng ta được sinh ra bởi một trinh nữ, một trinh nữ đã thụ thai không phải bởi khả năng của một nam nhân mà là bởi quyền năng Thần Linh. Chúng ta được sinh ra bởi một trinh nữ không bị đớn đau về thể lý nhưng đầy hoan lạc của các thần trời. Vị trinh nữ của chúng ta nuôi dưỡng chúng ta không phải bằng thứ sữa của xác thân mà bằng thứ sữa được Thánh Tông Đồ nói đến khi thánh nhân nói rằng ngài đã nuôi dưỡng dân Chúa ở tuổi vị thành niên, ở tuổi còn non nớt.
“Có người đàn bà lập gia đình nào lại nhiều con hơn Giáo Hội hay chăng? Giáo Hội đồng trinh bởi sự thánh thiện Giáo Hội lãnh nhận nơi các bí tích và là mẹ của các dân tộc. Sinh lực dồi dào của Giáo Hội cũng được Thánh Kinh chứng thực nữa, ở chỗ: ‘Con cái của người vợ bị son sẻ còn nhiều hơn là con cái của người đàn bà có chồng’ (Is 54:1; Gal 4:27). Người mẹ của chúng ta không biết đến nam nhân, nhưng lại có hôn phu, vì cả Giáo Hội nơi các dân tộc lẫn tâm hồn của mỗi một người, không hề bất trung, dồi dào phong phú nơi sự sống tâm linh mà không suy giảm sự nết na đoan trang của mình, đều được hiệp hôn với Lời Thiên Chúa như vị hôn phu đời đời của mình” (I,31: Saemo 14/1, pp. 132-133).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh hôm nay của tiên tri Isaia cho thấy một hình ảnh đầy hy vọng. Giêrusalem, một thành đô đã phải chịu khổ đau hết sức bởi những người Babylon, giờ đây được chúc phúc bằng một đời sống an bình, thịnh vượng và hướng về một tương lai phong phú dồi dào. Bởi thế dân chúng tỏ ra hân hoan và hớn hở, vì họ tin tưởng vào vị Chúa đã an ủi và nuôi dưỡng họ, như một người mẹ đối với đứa con thơ nhi của bà. Đối với chúng ta thì Giáo Hội là người mẹ của chúng ta. Giáo Hội nuôi dưỡng vô số con cái của mình bằng Lời và các bí tích của vị hôn phu của Giáo Hội. Chúng ta hãy cầu cho Giáo Hội để Giáo Hội có thể luôn trung thành với Chúa của mình.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 16/7/2003)