Bài 82 (Thứ Tư 13/8/2003)



Hãy tạ ơn Chúa cách xứng đáng
 

(Ca Vịnh Tobia: Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)



1. Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai đã bao gồm trong số những bài Ca Vịnh của mình một mảnh của bài thánh thi ca, một bài thánh thi ca được đóng xuống như con dấu trên lịch sử được Sách Tobia thuật lại mà chúng ta vừa nghe trước đây ít phút. Bài thánh thi ca thật ra vừa dài vừa trang trọng đây là lời diễn tả tiêu biểu cho việc nguyện cầu và linh đạo Do Thái giáo, những lời diễn tả cũng được lấy từ các bản văn khác trong Thánh Kinh.

Bài Ca Vịnh diễn tả bằng một lời kêu cầu lưỡng diện. Trước hết là lời kêu gọi chúc tụng Thiên Chúa được lập đi lập lại (cf. vv 3,4,7) về việc thanh tẩy Ngài đã thi hành nơi việc lưu đầy. “Con cái Do Thái” được kêu gọi để đón nhận việc thanh tẩy này bằng một lòng thống hối chân thành (cf. vv 6,8). Nếu việc thống hối nở hoa trong lòng, Chúa sẽ làm cho rạng đông của cuộc giải phóng xuất hiện ở chân trời. Đó chính là bầu khí Phụng Vụ được chọn để đặt bài Ca Vịnh này được trích dẫn từ bài thánh thi ca của Tôbia ở đoạn 13.

2. Phần thứ hai của bài ca vịnh, với cung giọng của một Tobia già, nhân vật cùng với đứa con trai của ông, hai Tôbia đóng vai chính qua cả cuốn sách, là một cuộc hân hoan mừng vui Sion cách chân thực và đặc biệt. Cuộc hân hoan mừng vui Sion này phản ảnh cái nhung nhớ khôn cùng và tình yêu tha thiết dân Do Thái cảm thấy nơi chốn tha hương hướng về Thành Thánh (cf vv 9-18), và khía cạnh này cũng chiếu giãi từ đoạnđược chọn làm kinh sáng cho Phụng Vụ Giờ Kinh Ban mai này. Chúng ta hãy suy tư về hai đề tài này: dề tài về việc thanh tẩy tội lỗi bằng gian nan thử thách và đề tài mong chờ được gặp gỡ Chúa liên quan đến Sion và đền thánh của Ngài.

3. Tôbia đã thúc giục tội nhân hãy thống hối và tác hành một cách công chính: đó là con đường phải đi để tái khám phá ra rằng tình yêu thần linh là những gì mang lại niềm an bình và hy vọng (cf. v 8).

Chính lịch sử Giêrusalem là một dụ ngôn dạy cho mọi người biết phải chọn lựa những gì. Thiên Chúa đã trừng phạt thành này vì Ngài không thể dửng dưng trước sự dữ con cái Ngài vấp phạm. Tuy nhiên, giờ đây thấy rằng nhiều người đã hoán cải và trở thành những đứa con trung tín và chính trực, Ngài một lần nữa sẽ chứng tỏ cho thấy tình yêu nhân hậu của Ngài (cf v. 10).

Toàn bài Ca Vịnh Tobia đoạn 13 này đã lập đi lập lại niềm xác tín mãnh liệt này, đó là Chúa “hành khổ rồi tỏ lòng xót thương;… tính tội chúng ta rồi tỏ lòng thương xót… Ngài sẽ tính tội ngươi về những việc làm của con cái ngươi, nhưng lại tỏ lòng thương xót con cái của kẻ công chính” (vv 2,5,9). Việc trừng phạt của Thiên Chúa là đường lối làm cho tội nhân, thành phần điếc lác trước lời kêu gọi của kẻ khác quay về đường ngay nẻo chính. Tuy nhiên, phán quyết cuối cùng của Vị Thiên Chúa chính trực này vẫn là sứ điệp yêu thương và tha thứ; Ngài hết sức muốn lại được ôm lấy những đứa con hoang đàng trở về với Ngài bằng một con tim thống hối.

4. Với thành phần dân được tuyển chọn, tình thương thần linh tỏ mình ra bằng việc tái thiết Đền Thờ Giêrusalem, được chính Chúa thực hiện “để chiếc lều của Ngài được hân hoan tái thiết nơi ngươi” (v 10). Bởi thế, Sion, đề tài thứ hai, xuất hiện như là một nơi thánh chẳng những là nơi dân Do Thái trở về qui tụ mà còn là nơi các kẻ hành hương tìm kiếm Thiên Chúa nữa. Bởi thế mới hiện lên một cái nhìn đại đồng, đó là đền thở được tái thiết Giêrusalem, dấu hiệu của lời thần linh và sự hiện diện thần linh, sẽ chiếu giãi muôn vàn ánh sáng xua tan bóng tối, nhờ đó “nhiều quốc gia, những cư dân khắp nơi trên mặt đất” (cf v 11), có thể bắt đầu tiến bước, mang các thứ tặng vật của mình, hân hoan ca hát khi tham dự vào ơn cứu độ được Chúa tuôn đổ xuống nơi dân Do Thái.

Như thế, các người Do Thái cùng với tất cả mọi dân tộc đang tiến về tận điểm duy nhất của đức tin và chân lý. Vị tác giả của bài thánh thi ca xin đổ xuống trên đoàn người này dồi dào phúc lành, khi nói cùng Giêrusalem rằng: “Phúc thay những ai yêu mến ngươi! Họ sẽ hoan hưởng bình an của ngươi” (v 4). Hạnh phúc chân thực khi nó được tái khám phá thấy nơi thứ ánh sáng phát tỏa từ trời cao trên những ai tìm kiếm Chúa bằng một con tim thanh tẩy và bằng một tấm lòng hết sức khát vọng chân lý.

5. Trong cuốn Tự Thú của mình, Thánh Âu Quốc Tinh đã hứng khởi hướng về thành Giêrusalem n ày, một Giêrusalem tự do và hiển vinh, dấu hiệu của Giáo Hội vào giai đoạn hy vọng cuối cùng của Giáo Hội, một tiền thân cho thấy hy tế Vượt Qua của Chúa Kitô.

Khi nói đến kinh nguyện ngài có ý dâng lên từ trong “nội tâm” của mình, ngài cho chúng ta thấy rằng “những bài ca yêu thương… từ những nỗi rên xiết này đến những nỗi rên xiết khôn tả khác trong cuộc đời hoang đàng của con, đã làm cho con nhớ đến Giêrusalem, với tấm lòng hướng về đó, Giêrusalem quê hương của con, Giêrusalem thân mẫu của con, và Chúa là Đấng ngự trị ở đó, là Đấng Sáng Soi, là Thân Phụ, là Đấng Bảo Hộ, là Phu Quân, là niềm hoan lạc tinh tuyền mãnh liệt, là niềm vui vững chắc, và là tất cả những điều thiện hảo khôn tả”. Thế rồi thánh nhân đã kết thúc bằng một lời hứa hẹn: “Con sẽ không bị từ khước cho đến khi Chúa tập trung lại tất cả những gì con là, từ thân phận bị phân tán và hu hoại này, vào chốn an bình của người mẹ chí ái ấy của chúng con, nơi chất chứa những hoa trái đầu mùa của tâm linh con (chỗ con nắm được những hoa trái ấy), và Chúa an ủi cùng làm nó muôn đời bền vững, Ôi Chúa Trời con, Tình Thương của con” (Tự Thú 12,16,23).
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Tuần San L’Osservatore Romano, ấn bản Anh Ngữ ngày 27/8/2003)