Chúc tụng Vị Thiên Chúa tỏ mình

nơi lịch sử và thiên nhiên

(Bài giáo lý 83 Thứ Tư 20/8/2003 về Thánh Vịnh 147 phần hai: Kinh Ban Mai, Thứ Sáu, Tuần Thứ Bốn)



1. Bài Thánh Vịnh vừa gợi ý cho việc suy niệm của chúng ta là phần thứ hai của bài Thánh Vịnh 146 trước đó. Tuy nhiên, những bản dịch Hy lạp và La tinh cổ, sau đó là bản dịch phụng vụ, đều coi bài Thánh Vịnh này như là một bài ca biệt lập, vì đoạn mở đầu của bài hoàn toàn khác hẳn với phần trước đó. Đoạn mở đầu này cũng trở thành nổi tiếng vì thường được hát bằng tiếng La tinh: “Lauda, Jerusalem, Dominum”. Những lời mở đầu này tạo nên một lời mời gọi kiểu mẫu cho những bài thánh thi ca của các Thánh Vịnh trong việc tôn vinh chúc tụng Chúa: Bởi thế mà Giêrusalem, được nhân cách hóa làm dân Chúa, đã tỏ ra hân hoan tôn tụng Thiên Chúa của mình (câu 12).

Trước hết, cần lưu ý đến lý do tại sao cộng đồng nguyện cầu phải dâng lời chúc tụng Chúa. Lý do ấy phát xuất từ bản chất lịch sử, ở chỗ chính Ngài, vị giải phóng dân Do Thái khỏi cuộc lưu đầy Babylon, là Đấng đã ban an ninh cho dân Ngài, bằng cách củng cố “những thanh cửa” của thành này (câu 13).

Khi Giêrusalem quân đội của Vua Nebuchadnezzar tấn công vào năm 586 BC, Sách Ai Ca đã cho thấy chính Chúa là vị thẩm phán tội lỗi của dân Do Thái, khi Ngài “phá đổ bức tường của nữ tử Sion… Giật sập các cổng của họ; Ngài đã dẹp bỏ và bẻ gẫy các then chốt của họ” (2:8,9). Thế mà giờ đây Chúa tái thiết Thành Thánh; trong việc tái thiết đền thờ, Ngài lại chúc lành cho con cái của mình. Bởi thế mới nhắc đến việc Nehemiah thi hành (x Neh 3:1-38), vị đã sửa chữa các tường thành Giêrusalem, để một lần nữatrở thành một chốn thanh thản an bình.

2. Thật vậy, bình an, shalom, liền hiện lên, như nó được chất chứa một cách tiêu biểu nơi chính tên gọi Giêrusalem. Tiên tri Isaia đã hứa với thành này là: “Ta sẽ chỉ định bình an làm thống lãnh của ngươi, và công chính làm thủ lãnh của ngươi” (60:17).

Thế nhưng, ngoài việc tái thiết các bức tường của thành này, chúc lành cho thành và làm cho thành được bình an ổn định, Thiên Chúa còn ban cho dân Do Thái những tặng ân quan trọng khác nữa, những tặng ân được nói đến ở cuối bài Thánh Vịnh. Đúng thế, những tặng ân đó là Mạc Khải, Lề Luật và những qui định thần linh: “Chúa cũng công bố lời của Ngài cho Giacóp, các chỉ thị và lề luật của Ngài cho Israel” (147:19).

Bởi thế dân Do Thái mới hân hoan mừng vui vì mình được tuyển chọn cùng với sứ vụ chuyên nhất của họ giữa các dân tộc, ở chỗ đem loan báo cho thế giới Lời của Thiên Chúa. Sứ vụ đó là sứ vụ ngôn sứ và tư tế, vì “còn quốc gia cao cả nào có các thứ qui định và chỉ thị như toàn bộ lề luật tôi ban bố cho anh em hôm nay hay chăng?” (Deut 4:8). Qua dân Do Thái, và vì thế, cũng qua cộng đồng Kitô hữu là Giáo Hội mà Lời Chúa được vang vọng trên thế giới và trở thành tiêu chuẩn và ánh sáng sự sống cho tất cả mọi dân tộc (x Ps 147:20).

3. Cho tới đây chúng ta đã nói đến lý do đầu tiên của việc chúc tụng cần phải dâng lên Chúa, đó là lý do lịch sử, một lý do liên quan tới tác động giải phóng và mạc khải Thiên Chúa thực hiện nơi dân của Ngài.

Ngoài ra, còn một lý do nữa để hân hoan chúc tụng, đó là lý do có bản chất thiên nhiên, tức có liên quan tới tác động tạo thành của Thiên Chúa. Lời thần linh bộc phát để ban sự sống cho hữu thể. Như một sứ giả, Lời thần linh chạy rảo khắp các nơi bao la trên trái đất (147:15). Để rồi, đột nhiên bừng lên những sự lạ lùng.

Vậy mùa đông tới, một mùa mà hiện tượng khí hậu của nó được diễn tả có tính cách thi văn, ở chỗ, tuyết giống như bông trắng, những hạt sương như cát bụi trong sa mạc (câu 16), mưa đá như những vụn bánh rơi xuống đất, đá lạnh làm đông cứng đất đai và đóng cục cỏ cây (câu 17). Đó là hình ảnh một thứ mùa đông mời gọi con người hãy khám phá những kỳ công của thiên nhiên tạo vật, những kỳ công được nhắc lại ở trang sách thánh kinh đầy hình ảnh khác là cuốn Sirach (43:18-20).

4. Tuy nhiên, tác động của Lời thần linh cũng làm cho mùa xuân tái hiện nữa, ở chỗ đá lạnh tan loãng, gió ấm thổi về khiến các giòng nước chảy trôi (147:18), nhờ đó chu kỳ trường tồn của thời tiết lại tái diễn, và như vậy con người nam nữ cũng lại có cơ hội sống động nữa.

Theo tự nhiên, không thể nào không đọc lại những tặng ân thần linh này theo nghĩa bóng. “Bông lúa” khiến người ta nghĩ đến tặng ân cao trọng là bánh thánh thể. Chưa hết, Origen, một đại văn hào Kitô giáo ở thế kỷ thứ ba, đã cho thứ lúa này như dấu hiệu chỉ về chính Chúa Kitô, đặc biệt chỉ về Sách thánh.

Đây là lời dẫn giải của ông: “Chúa của chúng ta là hạt lúa miến rơi xuống đất và tự sinh hoa kết trái cho chúng ta. Thế nhưng, hạt lúa miến ấy hết sức phong phú. Lời Chúa hết sức phong phú, bao gồm tất cả mọi vui thú. Tất cả những gì anh em thấy đều từ Lời Chúa mà ra, tương tự như những gì người Do Thái đã nói khi họ ăn manna họ cảm thấy mùi vị ở miệng lưỡi họ tùy theo họ muốn. Thịt của Chúa Kitô cũng vậy, la ụ lời giảng dạy, tức là việc hiểu biết các Sách Thánh, chúng ta càng ao ước càng được nuôi dưỡng. Nếu anh em thánh thiện anh em sẽ được bồi dưỡng; nếu anh em là tội nhân, anh em sẽ bị cực hình” (Origen -- Jerome, "74 omelie sul libro dei Salmi" [74 Homilies on the Book of Psalms], Milan, 1993, pp. 543-544).

5. Bởi thế, Chúa tác động với Lời Ngài, chẳng những nơi thiên nhiên tạo vật mà còn cả nơi lịch sử nữa. Ngài tỏ mình bằng thứ ngôn ngữ thầm lặng của thiên nhiên (x Ps 18[19]:2-7), nhưng Ngài biểu hiện bản thân mình một cách tỏ tường nơi Thánh Kinh, cũng như nơi việc thông đạt riêng tư với các vị tiên tri, và một cách trọn vẹn qua Người Con (x Heb 1:1-2). Chúng là hai tặng ân khác nhau nhưng hội tụ của tình Ngài yêu thương.

Đó là lý do tại sao việc chúng ta chúc tụng cần phải dâng lên trời cao mỗi ngày. Nó là lòng chúng ta biết ơn, lòng biết ơn nở hoa ban sáng nơi kinh ban mai để chúc tụng vị Chúa của sự sống và tự do, của hiản hữu và đức tin, của thiên nhiên và ơn cứu độ.

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh hôm nay là một lời mời gọi hãy dâng lời chúc tụng Thiên Chúa về việc Ngài làm trong lịch sử cũng như nơi thiên nhiên tạo vật. Bài Thánh Vịnh chúc tụng tác động thần linh là tác động đã giải phóng Dân Tuyển Chọn khỏi chốn Lưu Đầy va ụ là tác động tái thiết và kiên cố thành Giêrusalem để thành này trở nên một nơi hòa bình. Bài Thánh Vịnh cũng gợi lên cho thấy tặng ân Mạc Khải và Lề Luật của Thiên Chúa, Đấng biến mùa đông thành mùa xuân và tiếp tục cống hiến cho chúng ta hôm nay đây tặng ân Sự Sống mới của Ngài.
 

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 20/8/2003)