Tương Phản giữa Người Công Chính và Kẻ Gian Ác
(Bài Giáo Lý về Thánh Vịnh thứ 84 Thứ Tư 3/9/2003 - Thánh Vịnh 91[92]: Kinh Ban Mai, Thứ Bảy, Tuần Thứ Bốn)
1. Chúng ta vừa nghe bài ca vịnh về một con người trung thành với Vị Thiên Chúa thánh hảo. Đó là bài Thánh Vịnh 91[92], bài mà theo nhan đề cũ, được truyền thống Do Thái sử dụng cho “một ngày hưu lễ” (câu 1). Bài thánh thi ca mở đầu với một lời kêu gọi chung là hãy hân hoan chúc tụng Chúa bằng đàn ca (câu 2-4). Đó là chiều hướng cầu nguyện dường như không bao giờ bị đứt đoạn, như tình yêu thần linh cần phải được tuyên tụng vào buổi sáng, khi ngày sống bắt đầu, song còn phải được loan truyền trong cả ngày sống và suốt đêm trường (câu 3).Thật vậy, chi tiết về những nhạc cụ được vị tác giả Thánh Vịnh sử dụng trong phần mời gọi nhập đề, lời mời gọi đã gợi lên nơi Thánh Âu Quốc Tinh bài suy niệm trong “Lời Dẫn Giải về bài Thánh Vịnh 91” của ngài: “Hãy hát lên những bài thánh thi ca của Sách Thánh Vịnh nghĩa là gì thưa anh em. Sách Thánh Vịnh là một thứ nhạc cụ được trang bị bằng những giây đàn. Sách Thánh Vịnh của chúng ta là công việc của chúng ta. Ai ra tay thực hiện những việc lành phúc đức là hát lên những bài thánh thi ca dâng lên Thiên Chúa với Sách Thánh Vịnh. Ai tuyên xưng bằng môi miệng là ca tụng Thiên Chúa. Ca tụng bằng môi miệng! Hãy hát những bài Thánh Vịnh qua các việc làm của mình!... Thế nhưng, vậy thì ai là người ca tụng đây? Những ai hân hoan làm lành. Thật vậy, ca hát là dấu hiệu của niềm vui. Thánh Tông Đồ đã nói gì? ‘Thiên Chúa yêu thích kẻ hân hoan ban phát’ (2Cor 9:7). Bất cứ anh em làm gì, hãy vui vẻ mà làm. Có thế, việc anh em làm lành mới là việc anh em làm đẹp. Trái lại, nếu anh em buồn bã ma ụ làm. Cho dù anh em có làm lành, thì không phải là anh em làm lành, ở chỗ anh em chỉ cầm cuốn Sách Thánh chứ không chúc tụng” ("Esposizioni sui Salmi," III [Expositions on the Psalms], Rome, 1976, pp. 192-195).
2. Qua những lời lẽ của Thánh Âu Quốc Tinh ấy chúng ta có thể đi sâu vào cốt lõi của bài chúng ta suy niệm, và nói lên đề tài chính yếu của bài Thánh Vịnh, đề tài về lành dữ. Cả hai điều này đều được vị Thiên Chúa công chính và thánh hảo “muôn đời trên cao” (câu 9) cân nhắc, Đấng hằng hữu và vô cùng, biết hết mọi tác động của con người.
Như thế là có hai kiểu tác hành nghịch đảo cứ đối địch nhau. Việc làm của thành phần tín nghĩa nhắm đến chỗ cử hành các công cuộc thần linh, thấm nhiễm sâu xa các tư tưởng của Chúa, và nhờ đó đời sống của họ mới chiếu tỏa ánh sáng và niềm vui (câu 5-6).
Ngược lại, con người hư đốn được bộc lộ qua những cái đần độn của họ, họ không thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của các việc con người làm. Cơ may tạm thời làm cho họ lên mặt, nhưng thật ra nội tâm của họ dòn mỏng, để rồi sau cái thành công bề ngoài ấy là thất bại và tàn rụi (câu 7-8). Vị tác giả Thánh Vịnh, sau kiểu giải thích hoan hỉ về Cựu Ước, đến việc giải thích về hình phạt đích đáng, đã thâm tín rằng Thiên Chúa sẽ đền bù cho kẻ công chính ngay ở đời này, ban cho họ một tuổi già phúc hạnh (câu 15) và sẽ sớm trừng phạt kẻ gian ác.
Trên thực tế thì, như ông Gióp sau này xác nhận và như Chúa Giêsu dạy, không thể giải thích lịch sử theo hàng dọc như thế. Bởi thế, nhãn quan của vị tác giả Thánh Vịnh trở thành một lời kêu cầu Đấng Tối Cao công chính (câu 9) để Ngài tham dự vào hàng chuỗi các biến cố của nhân loại màphân xử chúng, làm cho người lành chiếu sáng.
3. Cái tương phản giữa người công chính và kẻ gian ác lại được con người nguyện cầu tiếp nối. Một đàng chúng ta nhìn thấy ‘các kẻ thù’ của Chúa, ‘các kẻ hành ác’, một lần nữa lại bị phân tán và thất bại (câu 10). Đáng khác, thành phần tín nghĩa hiện lên với tất cả rạng ngời của mình, được hiện thân nơi vị tác giả Thánh Vịnh, người đã diễn tả mình bằng các thứ hình ảnh mầu mè, phát xuất từ biểu hiệu tính Đông phương.
Kẻ công chính có một sức mạnh bất khả chống cưỡng của một con trâu, và sẵn sàng đối đầu với hết mọi đối thủ, vầng trán sáng sủa của họ được xức bằng dầu thần linh bảo vệ, trở nên như một thứ thuẫn che chở an toàn cho họ (câu 11). Từ đỉnh cao quyền lực và an ninh của mình, con người cầu nguyện thấy được cái đại gian ác đẩy chính mình họ vào vực thẳm hủy hoại (câu 12).
Bài Thánh Vịnh 91[92], bởi thế, là hạnh phúc, tin tưởng, lạc quan: các thứ tặng ân chúng ta đã phải xin Thiên Chúa cho, nhất là thời đại chúng ta, một thời đại có khuynh hướng thiếu đức tin, thậm chí tuyệt vọng một cách dễ dàng.
4. Trước cảnh yên hàn thư thái thấm nhập nó, bài thánh thi ca của chúng ta phóng một cái thoáng nhìn về ngày tháng tuổi già của thành phần công chính và thấy được rằng họ vẫn bình an thư thái như vậy. Ngay cả khi những ngày tháng này chợt đến đi nữa thì tinh thần của con người cầu nguyện sẽ vẫn nhiệt tình, hạnh phúc và siêng năng chuyên cần (câu 15). Họ cảm thấy như cây dừa và cây hương bá được trồng nơi khuôn viên đền thờ Sion (câu 13-14).
Gốc rễ của kẻ công chính đâm sâu vào Thiên Chúa, Đấng đã ban cho họ sáp ân sủng thần linh. Sự sống của Chúa nuôi dưỡng họ và biến đổi họ, khiến họ nở hoa và hào nhoáng, tức là, có thể hiến mình cho kẻ khác và làm chứng cho đức tin của mình. Những lời cuối cùng của vị tác giả Thánh Vịnh, trong việc diễn tả về một cuộc sống công chính và chuyên cần, cũng như về một tuổi già đầy đặn và chủ động, được liên kết với việc loan báo lòng trung thành viễn viễn của Chúa (câu 16).
Do đó, chúng ta có thể kết luận bằng lời loan báo về bài ca được dâng lên cho Vị Thiên Chúa hiển vinh trong Sách Khải Huyền, một cuốn sách viết về cuộc đối chọi khủng khiếp giữa lành và dữ, nhưng cũng về niềm hy vọng ở việc Chúa Giêsu chiến thắng lần cuối cùng: “Công việc của Chúa cao cả và tuyệt vời. Ôi Chúa là Thiên Chúa, Đấng Toàn Năng! Đường lối của Ngài công chính và chân thật, Ôi Vua các thế hệ!... Vì chỉ có mình Ngài là thánh, tất cả mọi quốc gia sẽ đến thờ lậy Chúa, vì các phán quyết của Chúa đã được tỏ lộ ra… Chúa công chính nơi những phán quyết này của Chúa, Ôi Đấng Thánh, Đấng là và không là. Vậng Chúa là Thiên Chúa Toàn Năng, phán quyết của Chúa chân thực và công chính!” (15:3-4, 16:5-7).
Anh Chị Em thân mến,
Bài Thánh Vịnh 91 diễn tả cái tương phản giữa người công chính và kẻ dối gian. Người công chính hiểu biết và cử hành các việc làm của Thiên Chúa, được kiên cường bằng lời cầu nguyện cũng như được đầy niềm vui trong tuổi già. Con người gian ác sống trong tăm tối, và không biết gì đến đường lối của Thiên Chúa. Những việc làm của con người này, thậm chí kể cả được thành công, cũng phải chết. Niềm hy vọng của vị tác giả Thánh Vịnh cũng như của tất cả mọi kẻ công chính, là ở nơi Thiên Chúa, Đấng sẽ không để cho sự dữ thắng vượt sự lành.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 3/9/2003)