Bài Ca Vịnh Chúc Tụng
(Bài 87 Giáo Lý Thánh Vịnh Thứ Tư 1/10/2003:
Ca Vịnh Zechariah: Kinh Ban Mai, Hằng Ngày)
1.- Để kết thúc cuộc hành trình của chúng ta trong việc duyệt qua các bài Thánh Vịnh và ca vịnh của Phụng Vụ Giờ Kinh Ban Mai, chúng ta muốn suy niệm về một kinh nguyện xuất hiện ở mỗi buổi sáng vào lúc chúc tụng. Đó là bài ca vịnh Chúc Tụng, bài ca vịnh được Zechariah, cha của Thánh Gioan Tẩy Giả, xướng lên vào ngày sinh của đứa con trai làm đổi thay cuộc đời của ông, ở chỗ làm cho ông hết nghi ngờ là căn do khiến ông bị câm, một hình phạt đích đáng đối với việc thiếu tin tưởng và chúc tụng của ông.Trái lại, bấy giờ ông Zechariah đã có thể chúc tụng vị Thiên Chúa cứu độ, và ông đã thực hiện điều ấy bằng một bài thánh thi ca, bài thánh thi ca đã được Thánh Ký Luca đề cập đến ở chỗ nó thực sự phản ảnh cho việc sử dụng phụng vụ trong cộng đồng Kitô giáo sơ khai (x Lk 1:68-79).
Cũng vị thánh ký này đã cho nó là một bài ca ngôn sứ bởi tác động của hơi thở Thánh Linh (x 1:67). Thật vậy, chúng ta đứng trước một phúc lành loan truyền các hành động cứu độ cũng như việc giải phóng do Chúa thực hiện cho dân của Ngài. Nó thật là một bài đọc lịch sử “có tính cách ngôn sứ”, tức là một nhận thức về ý nghĩa thân tình và sâu xa nơi tất cả mọi thăng trầm của loài người được dẫn dắt bởi bàn tay vô hình song hiệu lực của Chúa đan kết với bàn tay yếu hèn và bất nhất của con người.
2. Bài ca vịnh này là một bài ca vịnh trang trọng, và theo nguyên ngữ Hy Lạp, được hợp bởi hai câu mà thôi (x 68-75; 76-79). Sau phần dẫn nhập mang đặc tính của một lời tán dương chúc tụng, chúng ta có thể nhận thấy nơi phần thân của bài ca vịnh này thực sự có ba tiết đoạn là những gì gợi lên nhiều đề tài đánh dấu toàn thể lịch sử cứu độ, đó là đề tài về giao ước với Đavít (x 68-71), đề tài về giáo ước với Abraham (x 72-75), đề tài về Vị Tẩy Giả sẽ dẫn chúng ta đến giao ước mới trong Chúa Kitô (x 76-79). Tất cả lời cầu nguyện đều hướng về đích điểm liên hệ tới Đavít và Abraham khi các vị còn sống.
Tột đỉnh của bài ca vịnh này được tóm gọn trong một câu kết luận, đó là câu “rạng đông cao xanh sẽ viếng thăm chúng ta” (câu 78). Hình ảnh thoạt tiên có vẻ mâu thuẫn trong việc liên kết giữa “cao xanh” và “rạng đông” thực sự là một hình ảnh quan trọng.
3. Đúng thế, theo nguyên ngữ Hy Lạp thì việc “mặt trời lên” là “anatole”, một chữ có nghĩa là ánh sáng mặt trời chiếu soi trái đất của chúng ta đây, hay cũng có nghĩa là một chồi cây nẩy sinh. Cả hai hình ảnh này đều mang một thứ giá trị thiên sai theo truyền thống thánh kinh.
Một đàng, khi nói về Emmanuel, tiên tri Isaia đã nhắc cho chúng ta thấy rằng “dân chúng đang bước đi trong tăm tối đã được thấy một thứ ánh sáng cao cả;/ ánh sáng đã chiếu soi trên những ai ở trong miền đất u minh” (9:1). Đàng khác, cũng nói đến vị Emmanuel vương đế này, vị tiên tri đã diễn tả Người như “một chồi mọc lên từ gốc Jesse”, tức là từ triều đại Đavít, một chồi cây được Thần Linh Thiên Chúa bao phủ (x 11:1-2).
Bởi thế, nơi Chúa Kitô, ánh sáng đã xuất hiện chiếu soi cho tất cả mọi tạo vật (x Jn 1:9) và sự sống trổ sinh, như Thánh Ký Gioan sẽ nói tới khi thực sự liên kết hai thực tại này lại với nhau: “sự sống ở nơi Người và sự sống này là ánh sáng chiếu soi nhân loại” (1:4).
4. Nhân loại, một nhân loại đang ở “trong tối tăm và trong bóng tối sự chết” được chiếu soi bởi ánh quang mạc khaiũi này (x Lk 1:79). Như tiên tri Malachi loan báo “mặt trời công chính chiếu tỏa những tia chữa lành trên những ai kính sợ danh Ta” (3:20). Mặt trời này sẽ “hướng dãn chân chúng ta theo đừng lối bình an” (Lk 1:79).
Đến đây, với ánh sáng ấy như cứ điểm của mình, chúng ta tiến bước; và những bước chân ngập ngừng bất định của chúng ta ban ngày thường bước đi trên những con đường tăm tối trơn trượt đã được vững chắc bởi ánh sáng chân lý Chúa Kitô chiếu soi trên thế giới và trong lịch sử.
Ở đây, chúng ta muốn nhường lời lại cho một bậc thày của Giáo Hội, một trong những Vị Tiến Sĩ của Giáo Hội, đó là Thánh Bede người Hiệp Vương Quốc (ở vào thế kỷ thứ bảy thứ tám), vị mà trong Bài Giảng của mình về cuộc Vào Đời của Thánh Gioan Tẩy Giả đã dẫn giải về Ca Vịnh Zechariah thế này: “Chúa… đã viếng thăm chúng ta như một vị y sĩ đối với bệnh nhân của mình, vì để chữa một thứ bệnh mãn tính kiêu căng của chúng ta, Người đã hiến cho chúng ta một gương mới của lòng khiêm nhượng; Người đã cứu chuộc dân Người, vì Người đã giải thoát chúng ta, thành phần đã trở thành những kẻ làm tôi cho tội lỗi và là nô lệ cho kẻ thù xưa kia, bằng giá máu của Người – Chúa Kitô đã thấy chúng ta đang sống trong dối trá ‘tối tăm và bóng chết’, tức là thấy chúng ta bị áp đảo bởicái mù lòa lâu dài bởi tội lỗi và vô tri… Người đã mang đến cho chúng ta ánh sáng thật của kiến thức Người, và đánh tan tối tăm lầm lạc, Người đã tỏ cho chúng ta thấy con đường chắc chắn về quê hương thiên quốc. Ngài đã hướng dẫn những bước đường hoạt động của chúng ta để làm cho chúng ta bước đi theo đường lối của chân lý là đường lối Người tỏ cho chúng ta, và làm cho chúng ta tiến vào ngôi nhà vĩnh viễn an bình được Người hứa hẹn cho chúng ta”.
5- Sau hết, trích từ những đoạn thánh kinh khác, Thánh Bede đã kết luận như thế này khi dâng lời tạ ơn về những tặng ân nhận lãnh: “Anh em thân mến, vì chúng ta có được những tặng ân của sự thiện hảo đời đời này… chúng ta cũng hãy chúc tụng Chúa trong mọi lúc (x Ps 33:2), vì ‘Người đã viếng thăm và cựu chuộc dân Người’. Chớ gì lời chúc tụng này luôn ở trên môi miệng của chúng ta, chớ gì chúng ta cứ nhớ đến Người và loan truyền công cuộc của Đấng đã “gọi anh em ra khỏi tối tăm vào ánh sáng huyền diệu của Người’ (1Pt 2:9). Chúng ta hãy không ngừng xin Người giúp đỡ, để Người bảo trì trong chúng ta ánh sáng kiến thức Người đã ban cho chúng ta, và dẫn chúng ta tới ngày của sự hoàn hảo” ("Omelie sul Vangelo," [Homilies on the Gospel Rome], 1990, pp. 464-465).
Anh Chị Em thân mến!
Việc dẫn giải của chúng ta về những bài Thánh Vịnh và ca vịnh của Kinh Nguyện Ban Mai hôm nay được kết thúc với bài Ca Vịnh Zechariah là bài ca vịnh thường được gọi là bài Benedictus. Đó là một ca vịnh có tính cách ngôn sứ được thân phụ của Thánh Gioan Tẩy Giả nói lên cho thấy ba biến cố trong cuộc Thiên Chúa giải phóng dân Do Thái, đó là giáo ước của Người với Abraham, giao ước của Người với Đavít, và giao ước mới của Người nơi Chúa Kitô. Như “rạng đông từ cao xanh”, Chúa Kitô dã chiếu ánh sáng và hướng dẫn chúng ta đi vào con đường hòa bình. Thánh Bede đã nhận định là Chúa Kitô tỏ cho chúng ta thấy “con đường vững chắc tiến về quê hương thiên đình của chúng ta”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 1/10/2003)