Bài Giáo Lý thứ 91 (Thứ Tư 12/11/2003)

 

Thiên Chúa là nơi con người nương náu

 

Thánh Vịnh 141(142) Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất



1. Tối ngày 3/10/1226, vào lúc Thánh Phanxicô Assisi đang hấp hối chết, lời cầu nguyện cuối cùng của ngài chính là việc đọc bài Thánh Vịnh 141 [142] mà chúng ta vừa nghe. Thánh Bonaventura kể lại rằng Thánh Phanxicô “đã than lên lời Thánh Vịnh: ‘Tôi cất tiếng kêu lên Chúa, tôi cất tiếng thỉnh cầu Chúa’, rồi ngài đọc lại bài Thánh Vịnh cho tới câu cuối cùng: ‘Kẻ công chính sẽ vây bọc lấy tôi; vì Chúa đại lượng đối xử với tôi’” ("Legenda Maggiore" [Major Reading], XIV, 5, in: Franciscan Sources, Padua-Assisi, 1980, p. 958).

Bài Thánh Vịnh này là một lời thỉnh nguyện thiết tha, được liên kết bằng một chuỗi những động từ van nài dâng lên Chúa: ‘Tôi kêu lên […]’, tôi cầu khẩn Chúa’, ‘tôi bày tỏ nỗi muộn phiền’ (câu 2-3). Phần chính của bài Thánh Vịnh ở tại lòng tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng không dửng dưng trước nỗi khổ đau của kẻ tín nghĩa (câu 4-8). Với thái độ tin tưởng này, Thánh Phanxicô đã đương đầu với tử thần.

2. Thiên Chúa được thân thưa với một chữ ‘Ngài’ quen thuộc, như một ngôi vị ban cho sự an toàn: ‘Ngài là nơi tôi nương náu’ (câu 6). ‘Ngài biết đường nẻo tôi đi’, tức là biết đực cuộc đời tôi sống, một cuộc đời được đánh dấu bằng việc chọn sống theo đức công minh chính trực. Tuy nhiên, trên con đường này, kẻ gian ác sẽ mưu mô gài bẫy (câu 4): Đó là hình ảnh chung như một cảnh săn bắt, và thường được thấy nơi những lời thỉnh nguyện của các bài Thánh Vịnh, một hình ảnh cho thấy những hiểm nguy và chông gai đang chực chờ kẻ công chính.

Trước ác mộng này, vị tác giả Thánh Vịnh ra dấu báo động để Thiên Chúa thấy được tình trạng của mình hầu nhúng tay can thiệp: ‘Tôi nhìn đến cánh tay phải của mình’ (câu 5). Theo tập tục Đông phương, ở bên phải của người ta là kẻ bênh vực họ hay là người chứng bênh chữa họ ở tòa án; hoặc trong trường hợp chiến tranh thì đó là một tay hộ vệ của họ. Bởi thế mà kẻ tín nghĩa cảm thấy lẻ loi và bị bỏ rơi, “không một người bạn nào ở đó cả”. Vì vậy, họ bày tỏ sự kiện buồn thảm này như sau: “Tôi không còn cách gì thoát thân; không một ai để ý tới tôi” (câu 5).

3. Ngay sau đó vang lên một tiếng kêu cho thấy niềm hy vọng trong lòng con người nguyện cầu. Trong một tình trạng như thế, sự bảo vệ duy nhất và là đồng bạn hữu hiệu đó là Thiên Chúa: ‘Chúa là nơi tôi nương náu, là phần mệnh của tôi nơi phần đất nhân sinh” (câu 6). Theo ngôn từ Thánh Kinh thì “số mệnh” hay “phần mệnh” là tặng ân Đất Hứa, một dấu hiệu của tình yêu thần linh qua những cuộc thăng trầm của dân Ngài. Giờ đây Chúa vẫn là nền tảng cuối cùng và duy nhất cho con người cậy dựa như cơ hội sống duy nhất, như niềm hy vọng tối hậu của mình.

Vị tác giả Thánh Vịnh liên lỉ kêu cầu Ngài, vì ông ‘bị hạ xuống rất sâu’ (câu 7). Ông đã nài xin Ngài nhúng tay can thiệp để bẻ gẫy những xích xiềng ngục tù quạnh hiu và thù địch của ông (câu 8), và đưa ông ra khỏi vực thẳm thử thách.

4.     Như trong các bài Thánh Vịnh thỉnh cầu khác, khía cạnh cuối cùng là khía cạnh của lòng biết ơn được dâng lên Chúa sau khi Ngài lắng nghe lời thỉnh cầu: ‘Xin hãy dẫn tôi ra khỏi ngục tù của tôi để tôi tạ ơn danh Ngài’ (ibid.). Khi được giải cứu, kẻ tín nghĩa sẽ đến tạ ơn Chúa giữa cộng đồng phụng vụ (ibid). Họ được thành phần công chính vây bọc, thành phần thấy rằng ơn cứu độ của người anh em mình cũng là một tặng ân ban cho họ.

Bầu không khí này cũng phẩi được thấm nhiễm những việc cử hành của Kitô giáo. Nỗi đớn đau của một con người phải được vang vọng nơi tâm hồn của tất cả mọi người; cũng thế, niềm vui của mỗi người phải được chia sẻ bởi toàn thể cộng đồng nguyện cầu. Đúng thế, thật là ‘tốt đẹp và sướng vui khi anh em xum họp với nhau’ (Ps 132[133]:1) và Chúa Giêsu cũng đã phán: ‘Nơi nào có hai hay ba người họp lại vì danh Thày, Thày sẽ ở giữa họ’ (Mt 18:20).

5.     Truyền thống Kitô giáo đã áp dụng bài Thánh Vịnh 141[142] vào trường hợp Chúa Kitô khổ nạn và bị bách hại. Theon chiều hướng này thì mục tiêu sáng ngời của lời thỉnh nguyện trong bài Thánh Vịnh ấy được biến hình thành một dấu hiệu vượt qua, một dấu hiệu dựa vào thành quả hiển vinh của đời sống Chúa Kitô cũng như của đích điểm chúng ta được phục sinh với Người. Điều này được xác nhận bởi Thánh Hilary Poitiers, vị tiến sĩ danh tiếng của Giáo Hội ở thế kỷ thứ 4, trong “Tiểu Luận về Các Bài Thánh Vịnh” của ngài.

Ngài đã dẫn giải theo bản dịch Latinh về cầu cuối cùng của bài Thánh Vịnh, câu nói về việc đền bù cho con người cầu nguyện cũng như về lòng mong đợi được ở với thành phần công chính. "Me expectant iusti, donec retribuas mihi." Thánh Hilary đã cắt nghĩa là “Vị Tông Đồ cho chúng ta thấy việc đền bù Chúa Cha đã ban cho Chúa Kitô”: ‘Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu thì mọi đầu gối phải quì xuống, trên trời, dưới đất và dưới lòng đất, và mọi miệng lưỡi phải tuyên xưng Giêsu Kitô là Chúa, cho vinh quang của Thiên Chúa Cha’ (Phil 2:9-11). Đó là việc đền bù: cho thân xác đã lên trời, được trường sinh trong vinh quang của Cha.

“Vậy thì niềm mong đợi của kẻ công chính là những gì được cũng vị Thánh Tông Đồ này dạy khi viết: ‘quê hương của chúng ta ở trên trời, và chúng ta trông đợi Đấng Cứu Thế ở nơi đó, Chúa Giêsu Kitô, Đấng sẽ biến đổi thân xác thấp hèn của chúng ta nên giống như thân xác hiển vinh của Người’ (Phil 3:20-21). Thật vậy, kẻ công chính trông đợi Người để Người đền bù cho họ, ban cho họ được nên giống như vinh quang của thân xác Người, Đấng muôn đời đáng chúc tụng. Amen” (PL 9, 833-837).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh chúng ta vừa nghe là lời cầu nguyện cuối cùng của Thánh Phanxicô Assisi vào đêm qua đời của thánh nhân năm 1226. Đó là một lời khẩn nguyện thiết tha dâng lên Chúa, Đấng là nơi nương thân vững chắc của những ai đặt tin tưởng nơi Ngài. Cộng đoàn kẻ công chính tạ ơn Thiên Chúa về tặng ân cứu độ Ngài ban. Truyền thống Kitô giáo thấy nơi bài Thánh Vịnh này một ám chỉ về một Chúa Kitô bị bách hại và khổ đau, Đấng mà sự phục sinh của Người là nguồn mạch và là mục đích cho niềm hy vọng của chúng ta, là tặng ân sự sống đời đời trong vinh quang muôn đời của Thiên Chúa chúng ta.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 12/11/2003)