Bài 92 (Thứ Tư 19/11/2003)
Mầu Nhiệm Chúa Kitô Hạ Thân Giữa Chúng Ta
(Ca Vịnh Philippi 2:6-11, Kinh Đêm, Chúa Nhật, Tuần 1)
Trong buổi triều kiến chung hằng tuần cho tuần này, Thứ Tư 26/11/2003, Đức Thánh Cha tiếp tục loạt bài Giáo Lý cầu nguyện bằng Thánh Vịnh của Ngài như Ngài hứa trong Tông Thư Mở Màn Tân Thiên Kỷ. Ngài đã chia sẻ xong 87 bài giáo lý về các Thánh Vịnh cho Kinh Ban Mai vào ngày 1/10/2003 với 87 buổi chia sẻ. Và Ngài đã bắt đầu sang các bài Thánh Vịnh cho Kinh Tối từ ngày 8/10/2003, bài tuần này là bài thứ 93, bài chia sẻ Thánh Vịnh 109 {110} cho Ngày Thứ Hai Tuần Thứ Nhất liên quan đến vương quyền của Chúa Kitô. (Xin xem nguyên văn bài giáo lý này vào Thứ Tư tuần tới). Tuần này xin xem bài giáo lý 92 được ĐTC chia sẻ vào Thứ Tư tuần trước sau đây.
1. Ngoài những bài Thánh Vịnh, phụng vụ giờ kinh tối có cả một số bài ca vịnh thánh kinh nữa. Bài ca vịnh vừa được công bố thật sự là một trong những bài quan trọng nhất và hết sức phong phú về thần học. Đó là một bài thánh ca được thêm vào đoạn thứ hai của Bức Thư Thánh Phaolô gửi cho Kitô Hữu Philippi, một thành phố ở Hy Lạp trong giai đoạn truyền giáo đầu tiên của Thánh Tông Đồ ở Âu Châu. Bài ca vịnh này đã giữ được những biểu hiện của phụng vụ Kitô giáo trong những ngày sơ khai và nó là một niềm vui cho thế hệ của chúng ta, nhờ đó, chúng ta có thể, sau hai ngàn năm, được liên kết với lời nguyện cầu của Giáo Hội tông truyền.
Bài ca vịnh này cho thấy một chiều hướng lưỡng diện theo chiều dọc, trước là xuống sau là lên. Thật vậy, một mặt là chiều hướng xuống của Con Thiên Chúa khi Người vì yêu hóa thân làm người nơi biến cố Nhập Thể. Người đã trở thành “kenosis”, tức là “hư không” về vinh hiển thần linh, đến độ Người đã chết trên cây thập giá, một hình phạt của thành phần nô lệ biến Người trở thành một con người thấp hèn nhất trong loài người, khiến Người trở thành một người anh em thực sự của loài người đau khổ, tội lỗi và bị ruồng bỏ.
2. Mặt khác, chúng ta thấy được cuộc vinh thăng xẩy ra vào biến cố Phục Sinh khi Chúa Kitô được Cha Người phục hồi trong rạng ngời của thần tính và được xưng tụng là Chúa của toàn thể vũ hoàn cũng như của tất cả mọi con người đã được cứu độ. Chúng ta ở trước một biến cố vĩ đại khi đọc lại mầu nhiệm Chúa Kitô, nhất là mầu nhiệm vượt qua. Thánh Phaolô, ngoài việc loan báo biến cố phục sinh (x 1Cor 15:3-5), còn đi đến chỗ định nghĩa Cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô như là một “cuộc tôn thăng”, một “cuộc nâng lên”, một “cuộc vinh hiển”.
Bởi thế, từ chân trời sáng ngời của siêu việt tính thần linh, Con Thiên Chúa đã vượt qua khoảng cách bất tận phân cách giữa Đấng Hóa Công và loài thụ tạo. Người đã không gắn chặt với “thân phận ngang hàng với Thiên Chúa” của mình, một thứ ngang hàng về bản tính chứ không phải bởi chiếm đoạt: Người đã không muốn khư khư giữ lấy cho mình đặc quyền như một bảo tàng này hay không chỉ dùng nó cho lợi lộc riêng tư của mình. Trái lại, Chúa Kitô “đã hư không hóa”, tự “hạ” và trở nên nghèo hèn, yếu đuối, cho đến nỗi bị chết nhục nhã trên cây thập tự giá. Chính từ thân phận hết sức nhục nhã này đã hiện lên một chiều hướng thăng hóa được diễn tả ở phần thứ hai của bài thánh ca của Thánh Phaolô (x Phil 2:9-11).
3. Vậy Thiên Chúa “vinh thăng” Con Ngài khi ban cho Người một “danh hiệu” vinh hiển, một danh hiệu theo ngôn ngữ thánh kinh, cho thấy chính con người và phẩm vị của họ. “Danh hiệu” này là “Kyrios”, là “Chúa”, một danh xưng linh thánh của Vị Thiên Chúa của Thánh Kinh, bấy giờ được áp dụng vào trường hợp Chúa Kitô phục sinh. Điều này đặt vũ trụ, được chia làm ba phần là trời, đất và hỏa ngục, ở trong thái độ tôn thờ.
Thế là một Chúa Kitô vinh hiển hiện lên ở phần cuối bài thánh ca, như là một “Pantokrator”, tức là như một Vị Chúa toàn năng, Đấng nổi bật uy hùng ở hậu cung của các đền thờ Kitô giáo paleo và Byzantine. Người vẫn mang các dấu tích của Cuộc Khổ Nạn, tức là dấu tích nhân tính thực sự của mình, song bấy giờ Người tỏ mình ra trong vinh quang thần tính. Gắn bó với chúng ta trong đau khổ và chết chóc, để rồi Chúa Kitô thu hút chúng ta đến với Người trong vinh quang, chúc phúc cho chúng ta và làm cho chúng ta tham dự vào vĩnh hằng tính của Người.
4. Chúng ta kết thúc buổi suy niệm của chúng ta về bài thánh ca của Thánh Phaolô bằng những lời của Thánh Ambrôsiô, vị thường suy niệm hình ảnh Chúa Kitô “tự tước lột vị thế của mình”, hạ mình xuống, đến độ hư không hóa thân mình (“exinanivit semetipsum”) nơi việc nhập thể cũng như hy sinh bản thân mình trên cây thập giá.
Đặc biệt trong việc dẫn giải bài Thánh Vịnh 118, vị giám mục Milan này đã viết: “Chúa Kitô, khi treo thân trên cây thập giá… bị đâm thâu bởi lưỡi đòng và vọt ra một thứ máu cùng nước ngọt ngào hơn mọi thứ dầu thơm thoa bóp, là hy vật đẹp lòng Thiên Chúa, tỏa hương thơm thánh đức khắp thế giới… Giờ đây Chúa Giêsu, bị đâm thâu, làm lan tỏa hương thơm thứ tha tội lỗi và ơn cứu chuộc. Thật vậy, khi hóa thân làm người, với tư cách là Ngôi Lời, Người đã áp đặt lên bản thân mình những thứ giới hạn; mặc dù giầu sang, Người đã vì chúng ta trở nên nghèo nàn, để nhở sự nghèo nàn của Người chúng ta trở nên giầu có (x 2 Cor 8:9); Người quyền năng nhưng đã tỏ ra như một con người đáng thương, đến nỗi bị Hêrôđê khinh khi nhạo báng; Người có thể làm rung chuyển trái đất nhưng vẫn dính chặt với một cây gỗ; Người có thể bao phủ bầu trời bằng tăm tối, có thể đóng đang thế gian, nhưng lại bị đóng đanh; Người đã gục đầu xuống nhưng Lời đã phát hiện; Người đã hủy mình ra không nhưng lại đầy tràn mọi sự. Thiên Chúa đã xuống, nhưng con người đã được nâng lên; Lời đã hóa thành nhục thể để nhục thể có thể chiếm được ngai tòa của Lời bên hữu Thiên Chúa; Người đã trở thành một vết thương to lớn nhưng từ Người tuôn ra dầu thơm thoa xức, Người như là một kẻ bần hèn nhưng lại là Thiên Chúa” (III, 8 "Saemo IX," Milan-Rome, 1987, pp. 131.133).
Anh Chị Em thân mến,
Bài ca vịnh được trích từ Thư gửi Kitô Hữu Philippi được xướng lên vào mỗi Chúa Nhật trong giờ Kinh Tối của Giáo Hội. Bài thánh ca phụng vụ cổ kính này cử hành mầu nhiệm Chúa Kitô hạ mình xuống như một con người giữa chúng ta, đã vâng theo ý của Chúa Cha, đã chết trên thập giá và được tôn vinh bên hữu Cha như Chúa tế của tất cả mọi loài tạo vật. Hạ mình xuống để chung thân phận đau khổ và chết chóc của loài người, Chúa Kitô phục sinh giờ đây kêu mời chúng ta, anh chị em của Người, thông dự vào vinh quang thần tính của Người.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 19/11/2003)