Bài 93 (Thứ Tư 26/11/2003)

 

Bài ca vương giả Đavít - bài Thánh Vịnh Thiên Sai

(TV 109 [110] - Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất)



1.     Chúng ta đã nghe một trong những bài Thánh Vịnh nổi tiếng nhất trong lịch sử Kitô giáo. Bài Thánh Vịnh 109, bài được phụng vụ giờ kinh tối soạn cho chúng ta đọc vào mỗi ngày Chúa Nhật, thật sự đã được trích đi dẫn lại trong Tân Ước. Những câu 1 và 4 đặc biệt được áp dụng vào trường hợp Chúa Kitô, theo truyền thống Do Thái xưa, một truyền thống đã biến bài thánh thi ca này từ một bài ca vương giả về Vua Đavít sang một bài Thánh Vịnh Thiên Sai.

Lời kinh nguyện cầu này thông dụng còn do bởi việc nó được liên tục sử dụng trong các giờ kinh tối Chúa Nhật. Đó là lý do bài Thánh Vịnh 109 {110), theo bản Latinh Vulgate, đã trở thành đối tượng của nhiều sáng tác hứng khởi làm nên những nét chấm phá nơi lịch sử văn hóa Tây Phương. Phụng vụ, như được thực hiện theo Công Đồng Chung Vaticanô II, đã cắt bỏ khỏi bản nguyên ngữ Do Thái của bài Thánh Vịnh thật ra chỉ có 63 chữ này, câu thứ 6 có tính cách bạo động. Câu này mang một giọng điệu của những bài Thánh Vịnh được gọi là nguyền rủa và cho thấy vị vua Do Thái thực hiện một thứ xuất quân để tàn sát kẻ thù và phân xử các quốc gia.

2.     Vì chúng ta sẽ có dịp để suy tư về bài Thánh Vịnh này một lần nữa vào các dịp khác, vì nó thường xuyên xuất hiện trong phụng vụ, bởi thế giờ đây chúng ta muốn có một cái nhìn khái quát về bài Thánh Vịnh này.

Để làm việc này chúng ta có thể phân biệt một cách rõ ràng hai phần. Phần nhất (xem câu 1-3) chứa đựng câu Thiên Chúa phán với người được vị tác giả Thánh Vịnh gọi là “Chúa”, tức là vị vương chủ của thành Giêrusalem. Câu phán dạy này loan báo việc lên ngôi của miêu duệ vua Đavít “ngự bên hữu” Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa đã phán cùng vị vương chủ ấy rằng: “Hãy ngồi bên hữu Ta” (câu 1). Cũng thế ở đây chúng ta thấy đề cập tới một thứ lễ nghi theo đó vị được tuyển chọn được ngồi bên hữu hòm bia giao ước, để lãnh nhận quyền bính cai trị từ đức vua tối cao của dân Do Thái, tức là từ Thiên Chúa.

3.     Bối cảnh của sự kiện này là những lực lượng thù hằn, nhưng lại bị khống chế bởi một cuộc chiến thắng vẻ vang: Những kẻ thù được diễn tả nằm ở dưới chân vị vương chủ này, vị uy nghi tiến lên giữa quân thù trong tay cầm vương trượng quyền bính của mình (xem câu 1-2). Sự kiện này thật sự phản ảnh một trường hợp cụ thể về chính trị, một trường hợp xẩy ra vào những lúc trao quyền bính từ vị vua này cho vị vua kia, khi xẩy ra phản loạn từ thành phần thuộc hạ hay xẩy ra những cuộc chinh phục.

Tuy nhiên, ở đây bài Thánh Vịnh ám chỉ đến bản chất chung của việc đối đầu giữa dự án của Thiên Chúa là Đấng hành động qua thành phần tuyển chọn với những dự tính của thành phần muốn tỏ ra cái thù hận và quyền năng giả tạo của họ. Bởi thế mới mãi mãi xẩy ra cuộc đụng độ giữa thiện và ác, cuộc đụng độ được thể hiện nơi các biến cố lịch sử là những gì Thiên Chúa muốn dùng để tỏ mình ra và nói với chúng ta.

4.     Trái lại, phần thứ hai của bài Thánh Vịnh này chứa đựng một câu nói thuộc hàng ngũ tư tế, một câu nói đề cập đến một vị vua đóng vai chính theo giòng dõi Đavít (xem câu 4-7). Phẩm vị vương giả, được bảo đảm bởi lời Thiên Chúa long trọng thề hứa, cũng gắn liền với phẩm tước tư tế. Việc ám chỉ về Melchisedek, vị vua và tư tế của Salem, tức là của Thành Giêrusalem xưa (x Gen 14), có lẽ là cách chứng tỏ cho thấy vai trò tư tế đặc biệt của một vị vua sát cận với vai trò tư tế chính thức thuộc chi Levi ở đền thờ Zion. Bởi thế Bức Thư gửi dân Do Thái mới có câu: “Con là linh mục đời đời theo giòng Melchisedek” (Ps 109[110]:4) để nói về vai trò tư tế đặc biệt và toàn hảo của Chúa Giêsu Kitô.

Chúng ta sau này sẽ khảo sát bài Thánh Vịnh 109 (110) kỹ hơn, bằng cách cẩn thận phân tích từng câu một.

5.     Tuy nhiên, để kết thúc, chúng ta muốn đọc lại câu mở đầu của bài Thánh Vịnh với lời phán: “Hãy ngồi bên hữu Ta khi Ta đặt các kẻ thù của con dưới chân con”. Chúng ta đọc lại lời phán này với Thánh Maximus Thành Turin (sống từ thế kỷ thứ 4 sang thứ 5), vị đã dẫn giải về câu này trong bài giảng Lễ Hiện Xuống như thế này: “Theo tập tục của chúng ta thì việc ban phát ngai vàng được cống hiến cho người nào đã hoàn thành việc đảm nhận và nhờ chiến thắng đáng được ngự trên ngai như một dấu hiệu tôn vinh. Cũng thế, con người Giêsu Kitô, khi chiến thắng ma quỉ bằng cuộc Khổ Nạn của Người, khai mở vương quốc dưới lòng đất bằng cuộc Phục Sinh của Người, chiến thắng về trời sau khi đã hoàn thành trách vụ, đã nghe thấy Thiên Chúa Cha mời gọi: ‘Hãy ngự bên hữu Cha’. Chúng ta lấy làm lạ lùng khi Chúa Cha cho Con thông phần ngồi vào ngai tòa với Ngài, Người Con theo bản tính có cùng bản thể với Cha… Người Con này ngự bên hữu bởi vì, theo Thánh Kinh, chiên thì ở bên phải; còn ở bên trái là thành phần dê. Thế nên, Con Chiên tiên khởi cần phải chiếm chỗ của thành phần chiên và Vị Thủ Lãnh vô tội này cần phải chiếm được trước vị trí được dành cho đàn chiên vô tội sẽ đi theo Người” (40,2: "Scriptores circa Ambrosium," IV, Milan-Rome, 1991, p. 195).

Anh Chị Em thân mến,

Mỗi Chúa Nhật, vào giờ kinh tối, Giáo Hội cử hành biến cố phục sinh của Chúa Kitô bằng việc hát bài Thánh Vịnh 109 {110}. Bài Thánh Vịnh này, bài Thánh Vịnh đầu tiên được sáng tác cho việc đăng quang của một vị vua trần thế được hạ sinh theo giòng dõi vua Đavít, cử hành cuộc chiến thắng cuối cùng của Đấng Thiên Sai trên tất cả mọi kẻ thù địch của Người. Với lời Thiên Chúa thế hứa, Vị Vua này cũng được chọn làm “một vị tư tế đến muôn đời theo giòng Melchisedek”. Giáo Hội đọc thấy bài Thánh Vịnh này một ám chỉ cho thấy trước việc lên ngôi của Chúa Giêsu Kitô, Vị Vua và là Vị Thượng Tế của chúng ta, ngự bên hữu Cha. Từ ngai tòa thiên quốc này của mình, Vị Chúa Phúc Sinh mời gọi chúng ta hãy chiêm ngưỡng vinh hiển chúng ta được kêu gọi làm phần thể của Mình Mầu Nhiệm Người.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 26/11/2003)