Bài giáo lý 94 (Thứ Tư 3/12/2003)

 

Cuộc Xuất Hành Lạ Lùng Ra Khỏi Ai Cập

(TV 113A [114] - Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất)



1.     Bài ca hân hoan và vinh thắng chúng ta vừa công bố nhắc lại biến cố dân Do Thái xuất hành khỏi cảnh áp bức của người Ai Cập. Bài Thánh Vịnh 113A (114) là một phần thuộc bộ tổng hợp được truyền thống Do Thái gọi là bộ “Egyptian Hallel”. Bộ tổng hợp này gồm có những bài Thánh Vịnh từ 112 đến 117, một việc tuyển lựa những bài ca được sử dụng đặc biệt trong phụng vụ Vượt Qua của dân Do Thái.

Kitô giáo đọc lấy bài Thánh Vịnh 113A (114) theo cùng một cung điệu vượt qua, nhưng đã đọc lại bài này bằng một ý nghĩa mới theo chiều hướng Chúa Kitô phục sinh. Bởi thế, biến cố xuất hành được bài Thánh Vịnh đây cử hành trở thành một thứ giải phóng khác sâu xa hơn và phổ quát hơn. Trong vở “Hài Kịch Thần Linh”, thi sĩ Dante, theo bản dịch Latinh Vulgata, đã đặt bài thánh thi ca này vào môi miệng của các linh hồn trong Luyện Tội: “In exitu Israel de Aegypto / tất cả mọi người trong họ đều đồng thanh cất tiếng hát…” ("Purgatorio," II, 46-47). Ông đã thấy nơi bài Thánh Vịnh này khúc ca đợi chờ và hy vọng của tất cả những ai, sau cuộc thanh tẩy khỏi mọi tội lỗi, đang hành trình hướng về cùng đích hiệp thông với Thiên Chúa trên thiên đàng.

2.     Giờ đây chúng ta theo dõi chiều hướng thiêng liêng chủ đề của bài nguyện cầu ngắn ngủi này. Ở đọan đầu (xem câu 1-2), bài Thánh Vịnh cho thấy cuộc xuất hành của dân Do Thái ra khỏi cảnh bị người Ai Cập áp bức, cho đến khi tiến vào mảnh đất hứa là “cung thánh” của Thiên Chúa, tức là, nơi Ngài hiện diện giữa dân Ngài. Thật vậy, đất đai và dân chúng được hòa nhập với nhau: Giuđa và Yến-Duyên, những từ ngữ ám chỉ thánh địa và dân Chúa, được coi là tòa Chúa hiện diện, là sản vật và là di sản đặc biệt của Ngài (x Ex 19:5-6).

Sau lời diễn tả về thần học liên quan đến một trong những yếu tố trọng yếu của đức tin thuộc Cựu Ước, tức là việc dân chúng loan truyền những việc làm lạ lùng của Thiên Chúa, vị tác giả Thánh Vịnh đã suy nghĩ một cách sâu xa hơn, linh thiêng hơn và biểu hiệu hơn về những biến cố cấu tạo.

3.     Biển Đỏ trong cuộc xuất hành khỏi Ai Cập và sông Dược Đăng cửa ngõ tiến vào Đất Hứa được nhân cách hóa và biến thành những chứng nhân và dụng cụ tham dự vào cuộc giải phóng thành công do Chúa thực hiện này (see Psalm 113a[114]:3,5).

Mở đầu cuộc xuất hành xuất hiện một biển cả ngưng đọng để cho dân Do Thái vượt qua, và vào cuối cuộc xuất hành băng qua sa mạc này là con sông Dược Đăng cũng đã ngừng chảy để thành đất khô cho đoàn rước kiệu Do Thái băng qua (x Gen 3-4). Ở đoạn giữa cho thấy cảm nghiệm Núi Sinai: Bấy giờ núi non được tham dự vào cuộc mạc khải thần linh cả thể xẩy ra trên thượng đỉnh của chúng. Nhưng sinh vật, như cừu và chiên, hớn hở nhảy nhót. Bằng một thứ nhân cách hóa sống động nhất, vị tác giả Thánh Vịnh bấy giờ hỏi các núi đồi về lý do liên quan đến tình trạng rối loạn của chúng: “(Tại sao)… núi non lại nhảy nhót như cừu? Đồi nương lại hớn hở như chiên trong đàn?” (câu 6). Chúng không trả lời thẳng ra: câu trả lời được thốt lên cách gián tiếp qua một thứ lệnh truyền khiến trái đất để cả nó nữa cũng rùng mình “trước nhan Chúa” (câu 7). Việc rối loạn của núi đồi bởi thế mới là một thứ tôn thờ chấn động trước nhan Chúa, vị Thiên Chúa của dân Yến Duyên, một tác động tôn vinh chúc tụng vị Thiên Chúa siêu việt và cứu độ.

4.     Đề tài ở phần cuối của bài Thánh Vịnh này (câu 7-8) cho thấy một biến cố quan trọng khác trong cuộc dân Do Thái hành trình băng qua sa mạc, biến cố nước vọt ra từ tảng đá ở Meribah (x Ex 17:1-7; Num 20:1-13). Thiên Chúa đã biến tảng đá thành một giòng suối nước, một giòng suối nước trở nên hồ nước: mối quan tâm của người cha trong việc Ngài gặp gỡ dân của Ngài được bộc lộ sâu xa trong sự thần diệu này.

Bởi thế, cử chỉ này cần phải mang một ý nghĩa biểu hiệu: Nó là dấu hiệu cho tình yêu cứu độ của Chúa là Đấng bảo trì và tái sinh nhân loại trong khi nhân loại tiến bước trong sa mạc lịch sử.

Như đã từng thấy, Thánh Phaolô dùng hình ảnh này, và căn cứ vào một thứ truyền thống Do Thái chủ trương là tảng đá đã đồng hành dân Do Thái trong cuộc hành trình qua sa mạc, thánh nhân đã đọc lại biến cố này theo chiều hướng Kitô học: “Tất cả đều uống cùng một của uống thiêng liêng, vì họ đã uống từ một tảng đá linh thiêng đã theo họ, và tảng đá này là Chúa Kitô” (1Cor 10:4).

5.     Bởi thế, khi dẫn giải về cuộc xuất hành của dân Do Thái ra khỏi Ai Cập, một đại sư Kitô giáo như Origen đã nghĩ về một cuộc xuất hành mới được Kitô hữu thực hiện. Chính vị này đã giãi bày thế này: “Bởi thế đừng nghĩ rằng chỉ có Moisen mới dẫn dân chúng ra khỏi Ai Cập: cả hiện nay nữa, Moisen chúng ta có …, đó là lề luật Thiên Chúa, muốn dẫn chúng ta ra khỏi Ai Cập; nếu anh em biết lắng nghe thì lề luật của Ngài muốn đưa anh em thoát khỏi tay Pharaoh… lề luật của Ngài không muốn thấy anh em cứ dính liền với những hành động tối tăm của xác thịt, nhưng muốn anh em ra khỏi sa mạc, muốn anh em tiến đến địa điểm khỏi bị những rối loạn cùng với những chao đảo của thế kỷ này, muốn anh em tiến đến chỗ bình lặng và yên tĩnh… Để nhờ đó, khi anh em tiến đến được chỗ tĩnh lặng này, anh em mới có thể tế lễ cho Chúa, mới có thể nhìn nhận lề luật của Thiên Chúa và quyền năng của tiếng nói thần linh” ("Homilies on Exodus," Rome, 1981, pp. 71-72).

Sử dụng hình ảnh của Thánh Phaolô là hình ảnh gợi lên việc vượt qua biển cả, ông Origin đã viết tiếp: “Thánh Tông Đồ gọi nó là phép rửa, một phép rửa được hiện thực nơi Moisen trong mây trời và biển cả, để cả anh em nữa, thành phần đã được rửa trong Chúa Kitô, trong nước và trong Thánh Thần, biết được rằng những người Ai Cập đang săn đuổi anh em và muốn anh em trở về phục dịch họ, tức là trở về với những kẻ cai trị thế giới này cũng như với những thứ thần dữ là những gì đã từng làm chủ anh em lúc ban đầu. Họ thật sự tìm cách theo dõi anh em, song anh em đã chìm sâu vào giòng nước và thoát nạn an toàn, để rồi được rửa sạch các thứ vết nhơ tội lỗi, anh em đã hiện lên như một con người mới sẵn sàng hát lên bài ca vịnh mới này” (ibid., p. 107).

Anh Chị Em thân mến,

Bài thánh thi ca hân hoan và chiến thắng chúc tụng chúng ta công bố hôm nay cử hành việc giải phóng dân Do Thái khỏi cảnh bị vua Pharaoh Ai Cập áp bức. Biến cố xuất hành nhắc nhở cho tất cả mọi Kitô hữu nhớ rằng Chúa, Đấng đã dẫn dân Do Thái an toàn qua Biển Đỏ, cũng là Chúa dẫn chúng ta qua phép rửa đến chỗ thoát khỏi tội lỗi của chúng ta. Chớ gì chúng ta luôn lắng nghe Thiên Chúa trong thinh lặng của tâm hồn mình, nhờ đó chúng ta có thể nhìn nhận lề luật của Ngài và quyền năng của lời thần linh Ngài.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 3/12/2003)