Bài 95 (Thứ Tư 10/12/2003)

 

 

Cuộc Nhiệm Hôn của Chúa Kitô và Giáo Hội
 

(Ca Vịnh Rev. 19:1-7 - Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất)


 


1.     Tiếp tục loạt Bài Thánh Vịnh và ca vịnh làm thành lời nguyện cầu của giáo hội cho những giờ kinh ban tối, chúng ta suy niệm về một bài thánh thi ca được lấy từ đoạn 19 của Sách Khải Huyền và được diễn tiến bằng những lời hãy vui lên và những lời tung hô.

Đằng sau những lời kêu cầu hân hoan này là lời than van thảm thiết theo cung giọng của thành phần vua chúa, của các tay thương gia và của những kẻ hải hồ ở đoạn trước, khi chứng kiến thấy cảnh sụp đổ của đô đế Babylon, một thành đô của sự dữ xấu xa và của đàn áp, biểu hiệu của một cuộc bách hại hung hãn chống lại Giáo Hội.

2.     Ngược lại với tiếng kêu phát xuất từ trái đất này là một ca đoàn hoân hoan có một tính cách phụng vụ vang lên trên trời lập lại tiếng amen cùng với những lời hãy vui lên. Trong bản văn Khải Huyền, những lời tung hô khác nhau tương tự như những câu đối xướng được phụng vụ giờ kinh ban tối giờ đây liên kết lại thành một bài ca vịnh duy nhất, thực sự đã đặt vào môi miệng của những thành phần khác nhau. Trước hết chúng ta thấy cả một “đám rất đông”, bao gồm các thần thánh (x câu 1-3). Rồi nghe thấy tiếng của “24 vị lão thành” và “4 sinh vật”, những hình ảnh như biểu hiệu cho các vị tư tế trong phụng vụ thiên quốc chúc tụng và tạ ơn này (x câu 4). Sau hết là bài thánh thi ca được đồng thanh dâng lên (x câu 5), một bài thánh thi ca được khởi lên từ “đám rất đông” ấy (x câu 6-7).

3.     Trong những bài tới của hành trình cầu nguyện của chúng ta, chúng ta sẽ có dịp để dẫn giải những câu đối xứng riêng trong bài thánh thi ca uy linh và vui mừng chúc tụng đa giọng này. Lúc này đây chúng ta chỉ chú ý tới hai nhận định mà thôi. Nhận định thứ nhất liên quan đến câu tung hô mở đầu là “Ơn cứu độ, vinh quang và quyền năng thuộc về Thiên Chúa của chúng ta, vì các phán quyết của Ngài thì chân thực và công minh” (câu 1-2).

Ở tâm điểm của lời kêu cầu hân hoan này là hình ảnh của việc Thiên Chúa can thiệp thẳng tay vào lịch sử con người: Chúa không dửng dưng, như là một đế vương vô tâm và cô lập trước những quằn quại của loài người. Như vị tác giả Thánh Vịnh viết: ‘Ngai tòa của Chúa ở trên trời. Đồi mắt của Chúa vẫn cẩn thận trông xem và thử thách tất cả mọi dân tộc” (Ps 10[11]:4).

4.     Ngoài ra, cái nhìn của Ngài còn là nguồn mạch hành động, vì Ngài can thiệp và hủy diệt những thứ đế quốc hống hách và áp bức, Ngài lật đổ kẻ kiêu căng khinh dễ Ngài, Ngài phán xử tất cả những ai hành ác. Vị tác giả Thánh Vịnh cũng dùng những hình ảnh tượng hình (x Ps 10:7) để diễn tả việc Thiên Chúa dũng mãnh can thiệp đột ngột vào lịch sử này, như tác giả Sách Khải Huyền đã nói đến ở đoạn trước (x Rev 18:1-24) về việc can thiệp thần linh một cách kinh hoàng ở Babylon, lật đổ tận rễ thành đô này mà dìm xuống biển khơi. Bài thánh thi ca của chúng ta đề cập tới việc can thiệp này ở một đoạn không được tiếp nối trong việc cử hành giờ kinh ban tối (x Rev 19:2-3).

Bởi thế, trước hết, việc chúng ta nguyện cầu cần phải nêu lên và chúc tụng tác động thần linh, đức công minh hữu hiệu của Chúa, vinh quang của Ngài chiến thắng sự dữ. Thiên Chúa tỏ mình ra trong lịch sử, đứng về phía thành phần công chính và thành phần nạn nhân, đúng như được nói đến trong lời tung hô ngắn ngủi và quan trọng của Sách Khải Huyền cũng như được thường lập lại khi hát Thánh Vịnh (x Ps 145[146]:6-9).

5.     Chúng ta cần phải để ý tới một đề tài khác nơi bài ca vịnh của chúng ta đây. Đề tài này được khai triển từ lời tung hô cuối cùng và là một trong những động lực nổi bật của chính Sách Khải Huyền: “Vì ngày hôn ước của Con Chiên đã đến, hôn thê của Con Chiên đã sữa soạn sẵn sàng” (Rev 19:7). Chúa Kitô và Giáo Hội, Con Chiên và hôn thê, đều thuộc về một cuộc hiệp thông yêu thương sâu xa.

Chúng ta sẽ cố gắng làm cho cuộc nhiệm hôn này sáng tỏ qua chứng từ thi ca của một đại Giáo Phụ thuộc Giáo Hội Syrian là Thánh Ephrem, vị đã sống ở thế kỷ thứ 4. Bằng việc sử dụng một cách tượng trưng dấu hiệu của tiệc cưới Cana (x Jn 2:1-11), ngài mời chính thành Cana được nhân cách hóa này hãy chúc tụng Chúa Kitô về tặng ân cao cả đã lãnh nhận:

“Cùng với các vị khách của mình, tôi xin cám ơn Ngài vì Ngài đã cho rằng tôi xứng đáng mời Ngài:/ Ngài là vị Phu Quân thiên quốc, Đấng đã hạ giáng và mời gọi tất cả mọi người;/ và cả tôi nữa cũng được mời gọi vào tham dự lễ cưới tinh tuyền./ Trước mặt dân chúng, tôi sẽ nhìn nhận Ngài là Vị Hôn Phu, ngoài ra không có ai như Ngài./ Phòng hôn ước của Ngài đã sửa soạn sẵn sàng qua các thế kỷ, và được trang bị một cách sang trọng không thiếu một sự gì hết:/ không giống như tiệc cưới Cana đã được Ngài cho thỏa mãn” ("Inni sulla verginità," [Hymns on Virginity], 33,3: "L'arpa dello Spirito" [The Lyre of the Spirit], Rome, 1999, pp. 73-74).

6.     Ở một bài thánh thi ca khác cũng nói đến tiệc cưới Cana, Thánh Ephrem đã nhấn mạnh đến cách Chúa Kitô, vị được mời đến các bữa tiệc cưới khác (nhất là những cặp phu thê ở Cana), muốn cử hành lễ cưới của mình: một tiệc cưới với vị hôn thê của mình là hết mọi linh hồn trung tín. “Hỡi Giêsu, Ngài được mời đến lễ cưới của những người khác, của những cặp hôn phu ở Cana,/ ở đây, thay vì là lễ cưới của Ngài, tinh tuyền và tuyệt mỹ: Lễ cưới làm cho những ngày sống của chúng ta vui mừng,/ vì Lạy Chúa, các người khách của Chúa cũng cần những bài hát của Ngài nữa: Xin hãy để cho cây huyền cầm của Chúa tràn đầy mọi sự!/ Linh hồn là hôn thê của Chúa, thân thể là the phòng,/ các khách khứa là các thứ giác quan và tâm tưởng./ Và đối với Ngài nếu chỉ có một thân thể là lễ cưới,/ thì cả Giáo Hội này là tiệc cưới của Ngài vậy!” ("Inni sulla fede" [Hymns on the Faith], 14,4-5: op. cit., p. 27).

Anh Chị Em thân mến,

Bài ca vịnh hôm nay, một bài ca vịnh được trích từ Sách Khải Huyền, bày tỏ niềm vui của các thần thánh trong phụng vụ tạ ơn trên thiên đình của các ngài. Thiên Chúa được chúc tụng vì Ngài đã ra tay chiến thắng quyền lực của các kẻ hành ác cũng như bênh vực tất cả mọi nạn nhân của những gì là bất chính. Bài ca vịnh cũng cử hành cuộc hôn nhân của Chúa Kitô Con Chiên với Giáo Hội hôn thê của Ngài. Một số vị Giáo Phụ, như Thánh Ephrem, đã áp dụng hình ảnh phu thê này của cuộc hiệp nhất giữa Chúa Kitô và Giáo Hội của Ngài vào trường hợp mỗi một linh hồn.

(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 10/12/2003)