Bài 96 (Thứ Tư 14/1/2004)
Chúa Kitô Tử Giá Vì Chúng Ta(Ca Vịnh 1Phêrô 2:21-24 – Chúa Nhật, Tuần Thứ Nhất)
1. Sau thời gian tạm dừng để cử hành Lễ Giáng Sinh, hôm nay chúng ta tiếp tục những bài suy niệm của chúng ta về phụng vụ giờ kinh tối. Bài ca vịnh vừa được công bố trích từ Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô đề cập đến cuộc khổ nạn cứu chuộc của Chúa Kitô là biến cố đã đực tiên báo vào giây phút Người lãnh nhận phép rửa ở sông Dược Đăng.Như chúng ta đã nghe vào Chúa Nhật vừa rồi, Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa, Chúa Giêsu tỏ mình ra ngay từ lúc khởi đầu cuộc hoạt động công khai của mình như là “Người Con yêu dấu” được Cha lấy làm hài lòng (x Lk 3:22), và là “Người Tôi Tớ Giavê” (x Is 42:1) thực sự, Đấng giải thoát con người khỏi tội lỗi bằng cuộc khổ nạn và tử giá của mình.
Việc tưởng nhớ đến cuộc khổ nạn này rất thường được nhắc đến trong Bức Thư của Thánh Phêrô này, trong đó, người đánh cá ở Galilêa tự nhận mình là “chứng nhân thấy những khổ nạn của Chúa Kitô” (5:1). Chúa Giêsu là Con Chiên hy hiến tinh tuyền đã đổ máu cao quí của mình ra vì phần rỗi của chúng ta (x 1:18-19). Người là tảng đá sống bị con người loại bỏ nhưng được Thiên Chúa chọn làm “tảng đá gốc” làm nền tảng cho “ngôi nhà thiêng liêng” tức là cho Giáo Hội (x 2:6-8). Người là Đấng công chính tự hiến mình cho thành phần bất chính để dẫn họ về lại với Thiên Chúa (x 3:18-22).
2. Giờ đây chúng ta chú trọng tới những gì về Chúa Kitô được đoạn văn chúng ta vừa nghe nói tới (x 2:21-24). Người hiện lên trước mắt chúng ta như là một mô phạm để chiêm ngưỡng và bắt chước, một thứ “chương trình”, như bản nguyên ngữ Hy Lạp viết (x 2:21), cần phải được thực hiện, một gương mẫu cần phải nhất định noi theo, liên kết chúng ta với những ước muốn của Người.
Thật vậy, bản văn đã sử dụng đến động từ Hy Lạp về việc đi theo, về môn đệ tính, về việc bước theo từng bước chân của Chúa Giêsu. Những bước chân của Vị Thày thần linh này tiến đi trên con đường dốc dác và nhọc nhằn, như người ta đọc thấy trong Phúc Âm: “Ai muốn theo Thày phải … vác thập giá mà theo Thày” (Mk 8:34).
Ở đây bài thánh thi ca của Thánh Phêrô mô tả một tổng hợp rất hay về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô, được diễn tả bằng những lời lẽ và hình ảnh được tiên tri Isaia ám chỉ về nhân vật Tôi Tớ khổ đau (x Is 53), và được đọc lại theo chiều hướng thiên sai của truyền thống Kitô Giáo xưa kia.
3. Câu truyện khổ nạn theo hình thức của một bài thánh thi ca này được cấu tạo bởi 4 lời công bố tiêu cực (22-23a) và 3 lời công bố tích cực (23b-24), là những gì cho thấy thái độ của Chúa Giêsu nơi biến cố kinh hoàng và cả thể ấy.
Bắt đầu là việc xác nhận lưỡng đôi về tính cách hoàn toàn vô tội của Người như được tiên tri Isaia nói tới: “Người không hề phạm tội và không hề có điều chi điêu ngoa nơi miệng lưỡi của Người” (22). Sau đó là hai nhận định khác về tác hành gương mẫu theo đức hiền lành và từ ái của Người: “Khi bị xỉ nhục, Người không lăng nhục, khi bị khổ đau Người không dọa nạt” (23). Việc âm thầm nhẫn nhịn của Chúa không phải chỉ là một hành động can đảm và quảng đại. Nó còn là một cử chỉ tin tưởng vào Cha của Người, như một trong ba điều xác nhận tích cực cho thấy: “Người đã phó mình cho Đấng phân xử công minh” (ibid). Người đã hoàn toàn và trọn vẹn tin tưởng vào đức công chính thần linh, một đức công chính hướng lịch sử đi đến chỗ chiến thắng của thành phần vô tội.
4. Như thế chúng ta tiến tới tột đỉnh của trình thuật về cuộc khổ nạn cho thấy giá trị cứu độ của hành động hy hiến bản thân đến cùng của Chúa Kitô: “Chính Người đã mang lấy tội lỗi của chúng ta nơi thân thể bị treo trên một cây gỗ của Người, nhờ đó, được giải thoát khỏi tội lỗi, chúng ta sống cho đức công minh” (2:24).
Nhận định tích cực thứ hai này, một nhận định theo những gì được lời tiên tri của Isaia diễn tả (53:12), cho thấy rõ Chúa Kitô đã mang “nơi thân xác của Người” “ở trên một cây gỗ”, tức là ở trên cây thập tự giá, “tội lỗi của chúng ta” để có thể xóa bỏ chúng đi.
Trên con đường này, cả chúng ta nữa, được giải thoát khỏi con người cũ cùng với sự dữ và khốn nạn của nó, có thể “sống công chính”, tức là sống thánh thiện. Tư tưởng này tương hợp với, mặc dù chữ nghĩa rất khác nhau, giáo lý về phép rửa của Thánh Phaolô, một phép rửa tái sinh chúng ta nên những tạo vật mới, dìm ngập chúng ta vào mầu nhiệm khổ nạn, tử giá và hiển vinh của Chúa Kitô (x Rm 6:3-11).Câu cuối cùng “nhờ bởi những thương tích của Người mà anh em đã được chữa lành” (24) cho thấy giá trị cứu độ nơi những gì Chúa Kitô phải chịu, một giá trị cứu độ được diễn tả bằng những lời tương tự bởi tiên tri Isaia trong việc nhấn mạnh đến hoa trái cứu độ phát sinh từ nỗi khổ đau Người Tôi Tớ Chúa phải chịu (x Is 53:5).
5. Chiêm ngưỡng những thương tích của Chúa Kitô đã cứu độ chúng ta, Thánh Ambrôsiô nói: “Tôi chẳng có gì nơi những việc tôi làm để mà tự tôn vinh mình, tôi chẳng có gì để mà vinh vang, bởi thế, tôi mới tôn vinh trong Chúa Kitô. Tôi sẽ không tự tôn vinh mình vì tôi là kẻ công chính, song tôi tôn vinh vì tôi được cứu chuộc. Tôi sẽ không tự tôn vinh mình vì tôi được không vướng mắc tội lỗi, song tôi tôn vinh vì tội lỗi tôi đã được thứ tha. Tôi không tự tôn vinh mình vì tôi đã giúp đáp hay được giúp đáp, song vì Chúa Kitô là Đấng cầu bầu cho tôi trước Chúa Cha, vì máu của Chúa Kitô đã đổ ra cho tôi. Chúa Kitô đã nếm cái chết vì tôi. Lỗi tội còn có lợi hơn là vô tội. Vô tội làm tôi huyênh hoang, lỗi tội làm tôi khiêm hạ” ("Giacobbe e la Vita Beata," [Jacob and the Blessed Life], I,6,21: Saemo, III, Milan-Rome, 1982, pp. 251.253).
Anh Chị Em thân mến,
Sau khi cử hành Lễ Giáng Sinh, hôm nay chúng ta chiêm ngắm một đoạn Thư Thứ Nhất của Thánh Phêrô, đoạn thư khảo sát về Cuộc Khổ Nạn hiển vinh của Chúa được tiên kiến từ khi Người lãnh nhận Phép Rửa ở sông Dược Đăng. Bài ca vịnh này trình bày như là một tổng hợp về nhân vật Tôi Tớ Khổ Đau được Tiên Tri Isaia nói đến và là then chốt để hiểu được quan điểm Kitô hữu xưa về Đấng Thiên Sai. Khi chúng ta suy niệm về hình ảnh Đấng Cứu Thế khổ đau của chúng ta, chúng ta hãy nhớ lại những lời của Thánh Ambrôsiô nói la “Tôi không được hiển vinh vì tôi là kẻ công chính, song tôi sẽ được hiển vinh vì tôi được cứu chuộc”.
(Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, tài liệu từ Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 14/1/2004)