Bài Giáo Lý 97 Thứ Tư 28/1/2004

 

Một Vị Thiên Chúa Nhân Lành…

Không phải là một số phận bí nhiệm

(Thánh Vịnh 10 [11] – Kinh Tối Thứ Hai, Tuần Thứ Nhất)

 


1. Chúng ta tiếp tục việc chúng ta suy niệm về các bài Thánh Vịnh, những bài Thánh Vịnh làm nên những bài chính yếu cho phụng vụ của giờ kinh tối. Chúng ta vừa nghe Thánh Vịnh 10[11] vang vọng trong lòng của chúng ta, một lời nguyện cầu ngắn ngủi tin tưởng, theo nguyên ngữ Do Thái, một lời cầu nguyện được lấm chấm bằng một danh xưng thần linh “Adonaja”, Chúa. Danh xưng này được nghe ngay từ đầu (câu 1), được lập lại 3 lần ở giữa bài (câu 4-5) và xuất hiện một lần nữa ở cuối bài (câu 7).

Cung giọng thiêng liêng của toàn thể bài ca này được diễn tả rõ ràng ở câu kết thúc: “Chúa là Đấng công chính và yêu chuộng những việc làm chân chính; kẻ công chính sẽ nhìn thấy dung nhan của Ngài”. Đó là căn gốc của tất cả mọi niềm tin tưởng và là nguồn mạch của tất cả mọi niềm hy vọng vào ngày tăm tối và thử thách. Thiên Chúa không dửng dưng trước thiện và ác; Ngài là một Vị Thiên Chúa nhân lành, chứ không phải là một thứ định mệnh tối tăm, bất khả triệt và bí nhiệm.

2. Bài Thánh Vịnh này diễn tiến chính yếu qua hai cảnh trí. Nơi cảnh thứ nhất (câu 1-3), thành phần gian ác được diễn tả cho thấy việc chiến thắng tỏ tường của họ. Họ hiện lên với hình ảnh của một tay hăng máu và săn bắn: Họ là một kẻ hư hoại, thành phần hung tợn nhắm mũi tên hiếu chiến hay săn bắn của mình bắn vào nạn nhân của mình, tức là vào thành phần công chính (câu 2). Bởi thế, thành phần nạn nhân này nghĩ mình cần phải né mình tránh thoát cuộc tấn công không nương tay ấy. Họ muốn “tẩu thoát như chim bay lên các ngọn núi” (câu 1), xa khỏi cơn lốc ác ôn, khỏi cuộc công hãm của kẻ gian ác, khỏi những mũi tên vu khống do các tội nhân bội phản bắn tới.

Thành phần công chính như bị thất đảm, cảm thấy lẻ loi và không thể chống lại cuộc tấn công của sự dữ. Đối với họ, những nền tảng của trật tự chân chính nơi xã hội dường như bị rung chuyển và ngay chính những cơ sở nơi việc nhân loại chung sống với nhau cũng bị suy sụp (câu 3).

3. Thế rồi xẩy ra một cuộc thay đổi lớn, như được diễn tả ở cảnh thứ hai (câu 4-7). Chúa, Đấng ngự trên thiên ngai, phóng cái nhìn thấu suốt của mình về toàn thể chân trời của nhân loại. Từ vị thế siêu việt ấy, dấu chỉ cho thấy sự toàn tri và toàn năng thần linh, Thiên Chúa có thể thấu triệt và sàng sẩy hết mọi người, phân lành ra khỏi dữ, và nghiêm nghị kết án những gì là bất chính (câu 4-5).

Hình ảnh rất sống động và an ủi là hình ảnh con mắt thần linh chăm chú nhìn đến các hành động của chúng ta. Chúa không phải là một chủ quyền xa xôi cách biệt, thu mình trong một thế giới vàng son của mình, mà là một Hiện Diên tinh anh thiên về phía sự thiện và công lý. Ngài nhìn thấy và cung ứng khi can thiệp bèng lời nói và hành động của Ngài.

Thành phần công chính thấy trước được rằng, như dã xẩy ra ở Sođôma (x Gen 19:24), Chúa “làm mưa diêm sinh (xuống trên kẻ gian ác)” (câu 6), biểu hiệu cho những gì Ngài phán quyết để thanh tẩy lịch sử khi kết án sự dữ. Thành phần gian ác, bị giáng phạt bởi trận mưa tóe lửa này, một biến cố baóo trước số phận tối hậu của họ, cuối cùng cảm nghiệm thấy rằng Chúa chính là “Đấng quan án trên trái đất!” (Ps 57[58]:12).

4. Tuy nhiên, bài Thánh Vịnh này lại không kết thúc ở hình ảnh thảm thê trừng phạt và kết án này. Câu cuối cùng đã mở ra một chân trời sáng lạn và an bình giành cho thành phần công chính là những ai sẽ chiêm ngắm Chúa của mình, vị quan án công minh, nhưng trên hết là một vị giải phóng nhân hậu: “kẻ công chính sẽ nhìn thấy dung nhan của Ngài” (câu 7). Đó là một cảm nghiệm về mối hiệp thông hoan lạc và về lòng tin tưởng yên hàn nơi Thiên Chúa, Đấng giải cứu khỏi sự dữ.]

Trong giòng lịch sử, vô số người công chính đã cảm nghiệm thấy một cái gì đó tương tự như thế. Nhiều câu truyện kể lại lòng tin tưởng của các vị tử đạo Kitô giáo trước những cực hình và lòng cương quyết của họ, những người đã không trốn chạy trước các cơn thử thách.

Trong "Acts of Euplo" ("Atti di Euplo"), một vị phó tế ở Catania, bị sát hại dưới thời hoàng đế Diocletian khoảng năm 304, vị tử đạo này đã đột hứng thốt lên những lời nguyện như sau: “Ôi Chúa Kitô, con xin cám ơn Chúa: xin hãy bảo bệ con vì con đang chịu khổ vì Chúa… Con tôn thờ Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần. Con tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi… Ôi CHúa Kitô, con xin tạ ơn Chúa. Xin hãy đến cứu giúp con, Ôi Chúa Kitô! Vì Chúa mà con chịu khổ, lạy Chúa Kitô… Ôi Chúa, vinh quang của Chúa cao cả nơi các người tôi tớ được Chúa chiếu cố kêu gọi theo Chúa! Con tạ ơn Chúa, Lạy Chúa Giêsu Kitô, vì sức mạnh của Chúa dã an ủi con; Chúa đã không để cho linh hồn con phải vong thân bởi tay kẻ gian ác, và Chúa đã ban cho con ân sủng vì danh Chúa. Vậy xin Chúa hãy chứng tỏ những gì Chúa đã làm nơi con, để làm rối loạn hành động trơ tráo của kẻ Địch Thù” (A. Hamman, "Preghiere dei Primi Cristiani," [Prayers of Early Christians], Milan, 1955, pp. 72-73).

Anh Chị Em thân mến,

Bài Thánh Vịnh 10 nói về Chúa ngự trên tòa cao, Đấng chú ý tới tất cả mọi sự xay ra trên trái đất. Bài Thánh Vịnh nói rõ ràng là Thiên Chúa không dửng dưng với những sì phải trái. Thiên Chúa là Đấng tốt lành và trong lúc Ngài nghiêm thẳng kết án tất cả những gì là bất chính thì Ngài cũng an ủi thành phần công chính trong những cơn thử thách của họ. Ngài là Đấng Cứu Thế của họ và họ sẽ được an bình trước sự hiện diện của Ngài. Niềm hy vọng này đã nâng đỡ nhiều tín hữu trong các sự khó khăn của họ cũng như đã ban lòng can đản cho vô số vi tử đạo.



Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL, chuyển dịch từ tài liệu của Vatican Press Office được Zenit phổ biến ngày 28/1/2004.